Tin trong nước

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

28.2

Theo Quyết định, quy hoạch nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước).

Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; Đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.

Điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước

Quyết định nêu rõ, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực.

Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực.

Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nước

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước;

Lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác;

Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn; thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu; Xây dựng và thực hiện đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy.

Bộ ngành địa phương phối hợp tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước sửa đổi theo phân công; kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền;

Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan rà soát, tổ chức xây dựng, điều chỉnh danh mục nhiệm vụ, dự án trong từng giai đoạn. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án liên quan thuộc quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, huy động các nguồn vốn, xã hội hóa trong công tác bảo vệ, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Bộ Tài chính chủ trì, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tổng hợp, cân đối bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên nguồn các hoạt động kinh tế trong dự toán ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh/thành phố theo chức năng, thẩm quyền;

- Xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc quy hoạch thuộc trách nhiệm thực hiện của địa phương theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công và chi thường xuyên) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước. Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về tài nguyên nước; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia; cải thiện, phục hồi đối với các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; vận hành hệ thống thông tin, hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông và quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

Nguồn: baochinhphu.vn

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030

 

Giám sát tài nguyên nước xuyên biên giới

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc. Nhiều thách thức đối với nguồn nước sông Mê Công

Nguồn nước sông Mê Công có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội của các quốc gia ven sông, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển thủy điện, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch, cấp nước sinh hoạt...

Tuy nhiên, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thuộc Châu thổ sông Mê Công với gần 95% dòng chảy đến từ nước ngoài, do đó nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm trước các biến động từ thượng lưu.
Hiện nay, các nước đang có nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khiến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng chịu tác động nặng nề, một số nơi đang phải chịu tác động quá mức.

20.02Thiết lập mạng lưới quan trắc tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công giúp quản lý tài nguyên nước bền vững.

Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, tác động trực tiếp tới nguồn nước, sự di chuyển của phù sa, các nguồn thủy, hải sản trong khu vực...
Dẫn chứng là các chuyên gia dự báo đến năm 2040, lượng phù sa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Mặt khác, mối nguy hại này còn bị cộng hưởng bởi tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng nước biển dâng gây ra xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong khu vực.
Tăng cường quan trắc, giám sát tài nguyên nước sông Mê Công
Vì vậy, thời gian qua, bên cạnh việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới do Ủy hội sông Mê Công quốc tế thực hiện, Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động để tăng cường mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước của sông Mê Công nhằm thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; kịp thời theo dõi, giám sát các biến động của nguồn nước nhằm thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu đối với các tác động của phát triển thượng nguồn đến Việt Nam.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành 10 trạm quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới tự động tại Đồng bằng sông Cửu Long (trạm Châu Đốc, Sở Thượng, Long Khốt, Sông Tiền, Sông Hậu, Vàm Cỏ Đông) và Tây Nguyên (gồm các trạm YaHleo và IaĐrăng nằm sát biên giới Việt Nam và Campuchia; trạm ĐắkPlô nằm sát biên giới Việt Nam - Lào) để theo dõi diễn biến tài nguyên nước (quan trắc số lượng nước và chất lượng nước) xuyên biên giới.
Cùng với đó, từ năm 2005, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành đo đạc hàng năm tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vĩnh Tế để theo dõi biến động dòng chảy mùa kiệt hàng năm từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên nước sông Mê Công thông qua các mạng quan trắc tự dộng. Các số liệu quan trắc đã hỗ trợ Ủy hội, Ủy ban và các cơ quan liên quan trong các hoạt động dự báo, cảnh báo diễn biến tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công; cung cấp được những thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý trong nước cũng như các cơ sở khoa học cho ra quyết định trong quá trình đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia trước những ảnh hưởng do hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn; thực hiện các thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật liên quan của Ủy hội sông Mê Công quốc tế như: Giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính, chất lượng nước cũng như phục vụ công tác lập quy hoạch, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước và các hoạt động liên quan khác.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế tăng cường mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là mạng giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Đây sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để Việt Nam giám sát vận hành các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, qua đó, có thể yêu cầu chủ đầu tư các công trình này thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận giảm thiểu tác động của các công trình trên dòng chính đến chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái.
Trong cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chia sẻ kịp thời các thông tin số liệu liên quan với các quốc gia phía hạ du, hình thành cơ chế chia sẻ thông tin số liệu khí tượng thủy văn quanh năm tại một số trạm quan trọng trên lưu vực sông Lan Thương, chia sẻ số liệu vận hành bất thường của đập thuỷ điện để các quốc gia hạ nguồn chủ động điều chỉnh các kế hoạch khai thác sử dụng nước phù hợp, dự báo dòng chảy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động dân sinh.
Với những hiệu quả do các mạng quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới đem lại, thời gian tới đây, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông Mê Công thông qua hoạt động: tăng cường, nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường; lập chương trình giám sát môi trường chung cho các dự án thủy điện dòng chính Mê Công; thúc đẩy Ủy hội mở rộng và nâng cấp mạng quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cấp cơ sở dữ liệu, đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo vào dự báo lũ hạn, nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như xả lũ, vỡ đập...
Các hoạt động này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho không chỉ các công việc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phục vụ các cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và các bên liên quan.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

 

Giám sát tài nguyên nước xuyên biên giới

 

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước với công nghệ AI

Nhiều quốc gia đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý tài nguyên nước tại các đô thị. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo và nghiên cứu, ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Tăng hiệu quả xử lý nước thải và Quản lý dữ liệu tài nguyên nước
Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và các ứng dụng trong thực tế đã chứng minh rằng, robot công nghiệp có thể giúp quản lý tài nguyên nước, tăng cường hiệu quả xử lý nước thải, cải thiện chất lượng nguồn nước.
Tại Đan Mạch, robot AI được thiết lập cho việc bảo trì khu vực ngoài trời tại các nhà máy xử lý nước thải, kết hợp công nghệ máy bay không người lái, giúp kiểm tra lưu vực và tốc độ vận hành của hệ thống nước thải. Tại Brazil, các nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo đã phát triển một robot hỗ trợ xác định chất bảo quản paraben có trong các mẫu nước thải và loại bỏ chúng thông qua phương pháp chiết vi mô một giọt trước khi thải ra môi trường tự nhiên.
Tại Israel, công nghệ AI của Công ty khởi nghiệp Phần mềm vệ tinh Utilis sử dụng hình ảnh quang phổ trên không từ các cảm biến gắn trên vệ tinh để phát hiện rò rỉ trong các đường ống trên diện tích hàng ngàn ki-lô-mét cùng một lúc.

AI

Để quản lý nước thải công nghiệp, nhiều nhà máy trên thế giới hướng tới sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Blockchain cho phép nhà quản lý theo dõi, kiểm tra chất lượng nước và dòng chảy, hệ thống thoát nước và truy tìm chất thải từ nguồn đến nơi xử lý.
Tại tỉnh AI Madinah (Saudi Arabia), nhà máy xử lý nước thải sử dụng blockchain để ghi lại tốc độ dòng chảy và chất lượng nước thải trong thời gian thực. Các cảm biến được lắp đặt ở khắp mọi nơi trong mạng lưới phân phối nước để thu thập dữ liệu về việc sử dụng nước, áp suất và tốc độ dòng chảy. Hệ thống sẽ tận dụng dữ liệu thời gian thực và phân tích AI để tối ưu hóa mạng lưới phân phối nước.
Ứng dụng vào công tác dự báo
Sự phát triển của các thuật toán học máy, học sâu đã thúc đẩy việc đưa các mô hình ứng dụng trong quản lý tài nguyên nước vào công tác dự báo. Có thể kể đến mô hình thiết bị dự báo lượng mưa, dự báo nhiệt độ qua mô hình tự hồi quy đa biến nhiều địa điểm, dự báo dòng chảy qua công nghệ học sâu của mạng thần kinh trí nhớ ngắn hạn, dài hạn 2 chiều, ước tính độ sâu ngập lụt qua mô hình ngẫu nhiên…
Tại Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng liên quan đến công nghệ trong dự báo. Rất ít trong số các nghiên cứu này thực hiện về khoa học môi trường cũng như lĩnh vực tài nguyên nước. Một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu là đề tài ứng dụng AI trong việc dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy trên địa bàn TP. Hà Nội, được triển khai từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2022 của Viện Khoa học tài nguyên nước (IHE).
Việc ứng dụng AI trong kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ – Đáy mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động dự báo chất lượng nước và lên kế hoạch kiểm soát ô nhiễm hiệu quả bằng cách mô phỏng diễn biến chất lượng nước dựa trên mô hình thủy lực ID. Điều này giúp tăng cường khả năng phát hiện các sự cố ô nhiễm, qua đó thiết lập các biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra quyết định phù hợp để kiểm soát chất lượng nước thông qua khai thác thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng nước từ hệ thống ngân hàng dữ liệu.
Tối ưu hóa tương tác với ChatGPT
Một số nghiên cứu cho rằng, hệ thống ChatGPT điều khiển bằng công nghệ AI cung cấp các thuật toán tối ưu giúp điều chỉnh linh hoạt những thông số kỹ thuật dựa trên dữ liệu thời gian thực, từ đó giúp đảm bảo liều lượng hóa chất, giải quyết tình trạng thất thoát nước, nâng hiệu quả quản lý và tiềm năng bảo trì hệ thống xử lý nước thải.
Về mặt kinh tế, ChatGPT có thể giúp tiết kiệm chi phí thông qua việc phân bổ nguồn lực tài nguyên được tối ưu hóa và cải thiện quy trình ra quyết định trong quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, các khoản đầu tư ban đầu vào hạ tầng AI và đội ngũ nhân sự lành nghề (chi phí đào tạo) là thách thức về tài chính đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Về mặt xã hội, để ChatGPT cung cấp thông tin hiệu quả, cần một lượng dữ liệu nhất định. Điều này đặt ra các mối lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật… liên quan đến dữ liệu về tài nguyên nước nói riêng và thông tin, dữ liệu tài nguyên – môi trường nói chung.

Nguồn:Baodautu.vn

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước với công nghệ AI

 

Bộ trưởng BTNMT phát động Phong trào thi đua năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã ký ban hành công văn số 350/BTNMT-TCCB gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua về việc phát động phong trào thi đua năm 2024.

Ảnh thi đua1Ảnh minh họa

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Bối cảnh, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, nhưng cũng đem tới nhiều thời cơ, thuận lợi đối với sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường.

Trong bối cảnh đó, để động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường hăng hái thi đua, công tác, lao động và học tập, phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua những thách thức, khó khăn, tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; đồng thời, thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động Phong trào thi đua toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo”.

06 phong trào thi đua toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2024

Một là, tiếp tục tập trung hoàn thiện, xây dựng đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Hai là, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đề án vị trí việc làm, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường.

Bốn là, triển khai, tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành tài nguyên và môi trường.

Năm là, hưởng ứng, tổ chức, triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cấp có thẩm quyền phát động bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Sáu là, đẩy mạnh các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

06 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai

Thứ nhất, tập trung xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Chương trình/Kế hoạch công tác năm 2024 của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó tập trung trình Quốc hội thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp gần nhất; trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với Luật.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, triển khai áp dụng vị trí việc làm vào công tác quản lý cán bộ, gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện, vận hành hiệu quả hạ tầng số, nền tảng số dùng chung, các hệ thống thông tin sử dụng chung phục vụ chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trên môi trường điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện được những khó khăn, thách thức, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát thực tiễn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo để cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, xử lý kịp thời những nhiệm vụ lớn, cấp bách, những vấn đề quan trọng phát sinh, đột xuất.

Thứ sáu, kịp thời hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền phát động; chủ động phát động các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt ưu tiên xây dựng và phát động các phong trào thi đua ngắn hạn, chuyên đề nhằm phát huy trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng quy trình thủ tục.

Tiêu chí thi đua

Đối với tập thể: Có kế hoạch hưởng ứng, phát động Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; có chương trình, kế hoạch công tác của năm được xây dựng, phê duyệt theo quy định; hoàn thành tốt các đề án, nhiệm vụ thuộc các chương trình, kế hoạch công tác được giao trong năm, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, trong đó cần hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao thuộc chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện nghiêm nếp sống văn hóa công sở, đạo đức công vụ trong giao tiếp, hội họp và thực thi công vụ; nội bộ đoàn kết; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động;…

Đối với cá nhân: Có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, giải pháp đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, nhất là các phong trào thi đua gắn với các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Đối với cá nhân là lãnh đạo thủ trưởng đơn vị: ngoài các tiêu chí nêu trên, đơn vị phải là tập thể tiêu biểu, xuất sắc.

Công văn cũng nêu, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị để tổ chức phát động thi đua, nhằm thực hiện tốt công việc hằng tháng, hằng quý, năm của cơ quan, đơn vị.

Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ 06 tháng, kết thúc năm, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện; tham mưu biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.

Nguồn: DWRM

Bộ trưởng BTNMT phát động Phong trào thi đua năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo”

 

Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Ảnh 1 24.1Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa

Phạm vi lập quy hoạch, gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 4.648 km2 và được phân chia thành 10 tiểu vùng quy hoạch gồm: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản của Quy hoạch, gồm: 100% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% đô thị có hệ thống xử lý nước thải;...

Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ

Về nội dung Quy hoạch phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, Quyết định nêu rõ: Thực hiện điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; đo đạc, cập nhật mặt cắt ngang, dọc sông cần giám sát; nghiên cứu sự biến đổi dòng chảy, lòng dẫn và các tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông.

Quản lý các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt, lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu tình trạng hạ thấp mực nước trên các sông, hồ, bảo đảm hoạt động giao thông thủy trên các tuyến đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông ở các đoạn sông có điều kiện địa hình, địa chất kém ổn định phải cách mép bờ khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông theo quy định.

Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định, các hoạt động xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông, khu dân cư ven sông và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác bảo đảm không gây cản trở dòng chảy, không gây ngập úng nhân tạo, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước, không phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, ảnh hưởng đến chức năng bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hoá phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định. Không bố trí dân cư ở ven các đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan nước dưới đất, khoan thăm dò địa chất

Nội dung khác của Quy hoạch là phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất.

Cụ thể, việc khai thác nước dưới đất phải bảo đảm không vượt quá ngưỡng khai thác; khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản không được gây nhiễm mặn các nguồn nước và làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Quản lý việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất bảo đảm không phát sinh công trình mới trong phạm vi 01 km kể từ biên mặn tại các khu vực giáp ranh với ranh giới mặn tầng chứa nước. Đối với các công trình hiện có nằm trong khu vực giáp ranh này phải có lộ trình giảm lưu lượng khai thác. Việc khai thác nước dưới đất tại các cồn cát, các vùng cát ven biển phải được giám sát chặt chẽ;

Quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan nước dưới đất, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng công trình ngầm, các hoạt động khoan, đào khác theo quy định về bảo vệ tài nguyên nước.

Việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn nước mặt, nước dưới đất.

Nguồn: baochinhphu.vn

Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương

 
Trang 12345678910

Trang 6 trong tổng số 31 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay27436
mod_vvisit_counterTrong tuần196073
mod_vvisit_counterTrong tháng249780
mod_vvisit_counterTất cả4450910

We have: 438 guests online