Tin trong nước

Sự cần thiết xây dựng quy định kỹ thuật điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, nguồn nước dưới đất được khai thác mạnh mẽ ở nhiều khu vực, theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng trăm triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước dưới đất. Hầu hết nước dưới đất được khai thác từ các công trình khai thác nằm trong phạm vi của đô thị hoặc vùng phụ cận. Chỉ tính riêng thành phố Hà nội hiện đang khai thác khoảng 800.000m3/ngày (khoảng 300 triệu m3/năm ); thành phố Hồ Chí Minh khai thác khoảng 500.000m3/ngày (khoảng 200 triệu m3/năm). Các đô thị khu vực đồng bằng Nam bộ hiện đang khai thác khoảng gần 300.000m3/ngày (110 triệu m3/năm ). Quá trình khai thác nước, đô thị hóa, đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất, như: cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, sụt lún mặt đất, ô nhiễm nguồn nước dưới đất, gia tăng quá trình nhiễm mặn nước dưới đất.

Trước những hậu quả to lớn do việc khai thác nước dưới đất tràn lan, thiếu kiểm soát gây ra, việc khoanh định, xác lập các khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực được phép khai thác nước là rất quan trọng và cấp bách.

Trong những năm gần đây công tác bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng đã được hiện thực hóa trong nhiều luật, thông tư, nghị định, quyết định như Luật Tài nguyên nước Ngày 21 tháng 6 năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đã đề cập trực tiếp đến việc hạn chế khai thác nước dưới đất tại khoản4, khoản 5 Điều 52. Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày  31 tháng    12  năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tuy nhiên, các thông tư, quyết định này chỉ dừng lại ở mức độ quy định về phạm vi khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên cơ sở hiện trạng khai thác và hiện trạng tài nguyên nước khu vực mà không có những hướng dẫn cụ thể về triển khai công tác điều tra, xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, do đó thực tế triển khai các công tác điều tra đánh giá vùng cấm vùng hạn chế khai thác nước dưới đất chủ yếu vận dụng các định mức, quy định của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất do đó dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; thừa những dạng điều tra không cần thiết, thiếu những thí nghiệm chuyên môn quan trọng và cần thiết để đánh giá các chỉ số trữ lượng, chất lượng để khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Những vướng mắc ở trên cho thấy việc áp dụng những thông tư điều tra đánh giá đơn thuần về hiện trạng khai thác tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước vào một lĩnh vực chuyện môn đặc thù như khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất là có phần khiên cưỡng. Do đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng một quy trình chuẩn trong điều tra đánh giá khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm tính đúng, tính đủ các dạng công tác cần thực hiện ngoài thực địa cũng như trong phòng. Vì vậy việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng Quy định kỹ thuật điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” là rất cần thiết. Kết quả thực hiện đề tài sẽ là bộ công cụ hữu ích giúp các nhà quản lý cũng như chuyên môn có được nội dung, trình tự và phương pháp điều tra, đánh giá, tổng thể và toàn diện khi thẩm định và triển khai thực hiện công tác khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất tại Việt Nam.

Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

Sự cần thiết xây dựng quy định kỹ thuật điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

 

Chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng do Thủ tướng chủ trì

Ngày 13/9, tại Hà Nội, thực hiện trách nhiệm cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Cuộc họp với các Đối tác phát triển nhằm chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9/2022.

13092022-small bt-phat-bieu cuoc hopBộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Cuộc họp

 

Tham dự tại Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Đại sứ quán, các Đối tác phát triển, các định chế tài chính.

 

Cuộc họp nhằm cập nhật với các Đại sứ quán, các Đối tác phát triển, các định chế tài chính các thông tin về nỗ lực của Việt Nam đã và đang thực hiện để triển khai thực hiện cam kết COP26; những ưu tiên của Việt Nam triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; thảo luận về phương thức hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển trong thời gian tới, để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Thông tin trao đổi, thảo luận tại Cuộc họp nhằm giúp chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9/2022.

 

Thông tin về các nỗ lực của Việt Nam đã triển khai sau thời gian 10 tháng kể từ khi Hội nghị COP26 kết thúc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác để thực hiện các cam kết tại COP26…

13092022- small ttr-thanh-dieu-hanh cuoc hopThứ trưởng Lê Công Thành (bên trái) điều hành Cuộc họp

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng như mong muốn, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây không thể là công việc, nhiệm vụ của một quốc gia, tổ chức mà phải là tập hợp của các quốc gia trên thế giới cùng đi chung trên một con đường với mục tiêu thống nhất, đồng bộ. Do đó, Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển mong muốn cùng với các đối tác phát triển thiết lập một cơ chế hợp tác chung để cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung về BĐKH.

Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sắp tới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đối tác quốc tế chia sẻ, cho ý kiến đối với các nội dung hợp tác cụ thể nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; đưa ra các sáng kiến của các Đối tác phát triển để thực hiện cam kết theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, kiến nghị Chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26.

Phát biểu tại Cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Cuộc họp, đồng thời cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cập nhật những nỗ lực của Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 trong thời gian 10 tháng qua. Đa số các đối tác quốc tế đều bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, các đối tác cũng nhấn mạnh Việt Nam cần có xây dựng chính sách cụ thể, cần nâng cao đào tạo trong khoa học và công nghệ.

13092022- dbpb 1ds-euÔng Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu phát biểu

Ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết, lĩnh vực năng lượng là chìa khóa để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là tiềm năng để thu hút tài chính. Có thể sử dụng mô hình “Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam” (VEPG) như hiện nay để tăng cường sự phối hợp. Tuy nhiên, cần có cải cách mạnh mẽ về các chính sách trong lĩnh vực năng lượng, trong đó cần đảm bảo tính công bằng (bao hàm cả người tiêu dùng, người lao động toàn xã hội).

Đại sứ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland nêu bật những thách thức cho việc thực hiện phát thải ròng bằng “0” kể từ sau Hội nghị COP26, trong đó có việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ông cho rằng, việc tham gia đàm phán JETP là bước khởi đầu tốt đẹp cho Việt Nam. Cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm các nguồn tài chính để cải tổ doanh nghiệp theo hướng xanh, hiện đại.

Bà Amal Abdel, Đại sứ Ai Cập cho rằng, để đạt được các cam kết về phát thải ròng bằng “0”, các hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là về tài chính. Bên cạnh đó, cần có giám sát chặt chẽ quá trình chuyển đổi.

Ngài Đại sứ Canada Shawn Steil cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Việt Nam cần có các chính sách môi trường phù hợp. Bên cạnh đó, cần đào tạo ra nguồn nhân lực không những giỏi về công nghệ mà còn cần các kỹ năng mềm phù hợp. Về điều phối, cần được dẫn dắt theo các nhóm chủ đề, các chương trình, dựa trên cơ sở đó, sẽ đề ra các cơ quan đầu mối phù hợp.

13092022 -dbpb 12-wbĐại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, theo Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR), thách thức của khủng hoảng khí hậu tại các nước đang phát triển cho thấy, chi phí cho các hoạt động thích ứng gấp 2 lần chi phí cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng, nên cần có kế hoạch triển khai rõ ràng.

Đại diện USAID cho rằng, tại cuộc Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ cần tập trung vào vấn đề tài chính khí hậu.

Ông Daryl Jame Dong, Phó Giám đốc Công ty Tài chính quốc tế nhấn mạnh, Chứng chỉ xanh toàn cầu là giấy thông hành quan trọng để Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh. Cần có môi trường thuận lợi, các chính sách phù hợp để thúc đẩy các tác động tốt và bền vững. Tài trợ xanh là điểm mạnh của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC).

13092022- small toan-canh cuoc hopToàn cảnh cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn các ý kiến của các đối tác đã truyền năng lượng và cảm hứng mạnh mẽ, các ý kiến toàn diện, sâu sắc, cụ thể với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua những ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra các nhóm vấn đề để các bên tiếp tục thảo luận, nhằm chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì sắp tới đây.

Cụ thể, về vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính, để đạt được mục tiêu giảm giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề chuyển đổi năng lượng là chủ đề mọi người quan tâm. Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) không chỉ là nội dung giữa Việt Nam và các nước G7, mà các nước nên cùng tham gia trao đổi, cùng thực hiện. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thực hiện được chúng ta phải nhìn một cách đa chiều, không chỉ là an ninh năng lượng, cần đảm bảo chuyển đổi bao trùm, chuyển đổi được kinh tế, sinh kế của người dân (vấn đề xã hội), chuyển đổi năng lực quản trị. Cần xác định đây là một chủ đề quan trọng, xuất phát từ thể thế, chính sách, tài chính, quản trị.

13092022 small bt-phat-bieu4Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp

Về vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực: cần bổ sung kiến thức, nguồn lực, quản trị gắn với đổi mới chính sách và thể chế. Thể chế để chuyển đổi mô hình sang nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế các-bon thấp, tài chính xanh. Đây là vấn đề bao trùm, việc cụ thể hóa bằng thể chế chính sách để toàn xã hội cùng thực hiện. Thể chế phải đi đầu, mang tính chất quyết định có thành công không. Cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là con người, vì con người, hiệu quả kinh tế và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Về vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, người dân Việt Nam hàng ngày chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nói về thích ứng không chỉ nói đến giải pháp cụ thể như đê, kè mà là vấn đề phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng phục hồi rừng ngập mặn, hướng tới kinh tế dựa vào phát triển và phục hồi tự nhiên.

Về vấn đề về tài chính khí hậu, đây là vấn đề được tính toán minh bạch, khoa học và rõ ràng. Cần đưa ra các công cụ định hướng lựa chọn các dự án đầu tư tốt nhất mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Cần xác định cơ chế tài chính phù hợp như cung cấp tài chính trực tiếp cho tư nhân do định chế tài chính đánh giá và đầu tư hay chuyển dần từ đầu tư công sang tư nhân; dùng nguồn lực hỗ trợ của các đối tác phát triển (100 tỷ/một năm) hay lựa chọn các khoản vay để vượt qua giai đoạn đầu; bổ sung nguồn lực thông qua thị trường các-bon; hoặc huy động nguồn lực thông qua JETP…

Về vấn đề điều phối, Bộ trưởng cho biết, khoa học công nghệ là trung tâm quyết định Việt Nam cần gì về công nghệ để chuyển toàn bộ nền kinh tế sang xanh, công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, hydrogen xanh, amoniac…. ? Chúng ta cần thảo luận để đưa ra một cơ chế, làm sao có cơ chế để chia sẻ công bằng. Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) được vận hành trong thời gian từ năm 2009-2020 có thể là một mô hình tốt để đề xuất cơ chế điều phối phù hợp. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đối tác có cơ chế/tổ chức điều phối để thảo luận các vấn đề nêu trên.

Tại cuộc họp này, với nhu cầu của Việt Nam và dự kiến tham gia của các đối tác, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đối tác phát triển xem xét lựa chọn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhóm nhiệm vụvà; đưa ra các sáng kiến cụ thể tại Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9 năm nay.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

 

Chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng do Thủ tướng chủ trì

 

Bộ TN&MT - JBIC: Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp xã giao với ông Hayashi Nobumitsu, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

13092022- mg 0320-2-BT tiep JBICBộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp xã giao Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà vui mừng chào đón ông Hayashi Nobumitsu, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các thành viên Đoàn trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam đã tới thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Bộ trưởng cho biết, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Hai nước đang tăng cường thực hiện các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Đặc biệt, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã góp phần giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường năng lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phòng chống thiên tai, chống rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu...

 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn là những vấn đề đang được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển theo hướng tuần hoàn, các-bon thấp.

 

Theo đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng các quốc gia đưa ra những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” (mục tiêu Net-zero); cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương triển khai thực hiện các cam kết này. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế sẽ đóng vai trò rất quan trọng để Chính phủ triển khai thực hiện các cam kết, nhất là trong vấn đề chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

13092022- mg 0314rs- BT tiep JBIC - toan canhToàn cảnh buổi tiếp

Ông Hayashi Nobumitsu cho biết, JBIC là một định chế tài chính chính sách công, trực thuộc Chính phủ Nhật Bản, hoạt động theo định hướng chính sách của Chính phủ và có vai trò thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế của Nhật Bản ra nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản trên thị trường quốc tế cũng như góp phần duy trì sự bình ổn của môi trường tài chính thế giới.

Thời gian qua, JBIC đã tích cực tham gia các diễn đàn, trao đổi chính sách với các Bộ, ngành của Việt Nam nhằm hỗ trợ thực hiện chuyển dịch năng lượng thông qua thúc đẩy các dự án điện khí và năng lượng tái tạo; chủ động điều phối thực hiện xây dựng các khuyến nghị chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực điện và năng lượng; tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan;...

Thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải các-bon và chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu trung hòa các-bon tới năm 2050 như Việt Nam đã cam kết.

13092022- mg 0365-2-1- BT va doan cong tac JBIC chup anh luu niemBộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc JBIC trong thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, Bộ trưởng vui mừng và hoan nghênh việc JBIC quan tâm và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Bằng kinh nghiệm hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy năng lượng tái tạo và quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quan trọng, Bộ trưởng mong muốn và tin tưởng rằng, JBIC sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế tại Việt Nam, chuyển từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên không có khả năng tái tạo sang khai thác tài nguyên tái tạo, tài nguyên số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của xu thế toàn cầu mới.

Bộ trưởng đề nghị, ngài Thống đốc JBIC trong thời gian tới, quan tâm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở Việt Nam, đặc biệt trên các trụ cột: hoàn thiện thể chế chính sách về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, trợ quá hỗ trình chuyển giao công nghệ sản xuất hydrogen, amoniac xanh; huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư chuyển đổi các-bon thấp tại Việt Nam, bao gồm việc phát triển cơ chế điều phối phù hợp, thúc đẩy áp dụng các công cụ tài chính các-bon thấp như thị trường các-bon trong nước, kết nối với thị trường quốc tế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản trị Nhà nước và doanh nghiệp, chuyển đổi việc làm và bảo đảm sinh kế cho người dân, đặc biệt là những người bị tác động do quá trình chuyển đổi.

“Tôi mong muốn ngài Thống đốc và các đồng nghiệp JBIC sẽ hỗ trợ chúng tôi với tinh thần thẳng thắn, chân thành và xây dựng để chúng ta cùng nhau hợp tác để góp phần giải quyết qua khủng hoảng khí hậu, môi trường, đóng góp tích cực cho mục tiêu toàn cầu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

 

Bộ TN&MT - JBIC: Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Trình bày đặc điểm phân bố nước dưới đất vùng Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

Trả lời:

Huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là một vùng thuộc vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, diện tích khoảng 616 km2, phía Bắc giáp huyện Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn và huyện Bình Liêu, phía Đông giáp huyện Đầm Hà,  phía Tây giáp huyện Ba Chẽ và TP Cẩm Phả, phía Nam giáp huyện Vân Đồn. Địa hình huyện trải rộng trên cả 3 vùng của tỉnh Quảng Ninh, có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Với lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó nguồn nước nhạt nước dưới đất được xem như một nguồn tài nguyên đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo kết quả điều tra, đánh giá về tài nguyên nước dưới đất thuộc dự án ““Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ” đã xác định được khu vực huyện Tiên Yên gồm 07 tầng chứa nước(qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1) và 2 tạo thành cách nước, đặc điểm phân bố của các tầng chứa nước cụ thể như sau:

– Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Holocen (qh)

Tầng chứa nước qh bao gồm các trầm tích aQ21, aQ21-2, aQ22, aQ23, phân bố theo các diện hẹp ở ven biển chủ yếu ở phía Đông Nam vùng nghiên cứu trên với diện tích khoảng 144,9km2. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ vài mét đến 12m, trung bình 10m. Thành phần thạch học của tầng chứa nước chủ yếu là sét, cát lẫn dăm sạn, cuội sỏi thạch anh. Chiều sâu các giếng dao động từ 3m đến 12m, trung bình 6,36m. Tầng chứa nước được xếp vào loại nghèo nước.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1m đến 6,2m, trung bình 2,1m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Bicarbonat Clorua Canxi, Clorua Bicarbonat Canxi Magie. Độ tổng khoáng hóa thay đổi từ 0,048g/l (QN5154) đến 0,25g/l (QN4278), trung bình 0,123g/l.

– Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Pleistocen (qp)

Tầng chứa nước qp bao gồm các trầm tích sông – lũ tích (apQ1), phân bố thành các khoảnh nhỏ trên địa bàn 2 xã Phong Dụ, Yên Than và phần lớn các xã Tiên Lãng, Đông Hải, Đông Ngũ với diện tích khoảng 15,2 km2 còn lại bị phủ hoàn toàn bởi tầng chứa nước Holocen. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ vài mét đến 11m, trung bình 10m, đáy tầng sâu nhất khoảng 20m. Thành phần thạch học của tầng chứa nước chủ yếu là cuội, sạn, cát. Tầng chứa nước được xếp vào loại nghèo nước.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1,3m đến 5,8m, trung bình 3,2m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Clorua Bicarbonat Natri Canxi, Clorua Bicarbonat Natri Canxi.

– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Hà Cối (j1-2)

Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Hà Cối (J1-2hc), phân bố chủ yếu ở khu vực thị trấn Tiên Yên và các xã Yên Than, Hải Lạng, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Đồng Rui và một khoảnh nhỏ phía Tây Bắc xã Hà Lâu với tổng diện tích khoảng 121,1km2. Bề dày đới chứa nước của tầng phân bố phổ biến từ 30-70m.

Thành phần thạch học gồm cuội kết, sạn kết thạch anh, cát kết hạt thô, bột kết xen các lớp sét than và thấu kính than. Tầng chứa nước j1-2 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1,5m đến 16m, trung bình 3,0m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Bicarbonat Clorua Magie, Bicarbonat Clorua Magie Natri, Clorua Natri Canxi.

– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Mẫu Sơn (t3)

Tầng chứa nước t3 bao gồm các trầm tích hệ tầng Mẫu Sơn (T3cms), phân bố thành 3 khoảnh tại xã Hà Lâu với diện tích khoảng 12,9 km2. Kết quả khảo sát cho thấy trong tầng chứa nước này không có giếng đào, giếng khoan khai thác nước. Tầng chứa nước t3 được xếp vào loại có mức độ chứa nước trung bình.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động khoảng 9m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước là Bicarbonat Clorua Canxi Magie.

– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Nà Khuất (t22)

Tầng chứa nước t22 bao gồm các trầm tích hệ tầng Nà Khuất (T2nk), phân bố tập trung ở phía Tây huyện Tiên Yên thành dải kéo dài theo phương Đông Bắc – Tây Nam trên địa bàn các xã Hà Lâu, Đại Thành, Phong Dụ, Điền Xá và Yên Than với diện tích khoảng 218,7km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 25-90m, chiều dày đới chứa nước khoảng 65m. Thành phần thạch học gồm cát kết, bột kết, xen sét kết, đá phiến sét. Tầng chứa nước t22 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 2,8m đến 3m, trung bình 2,9m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn. Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Canxi Magie, Bicarbonat canxi
Magie.

– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên – phun trào (t21)

Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Pò Hèn (T2aph) và hệ tầng Tiên Yên (T2aty), phân bố thành dải hẹp từ xã Yên Than đến xã Đông Ngũ và dạng dải ở các xã Hà Lâu, Điền Xá và Phong Dụ với tổng diện tích khoảng 17,8km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 20-70m, chiều dày đới chứa nước khoảng 50m. Thành phần thạch học gồm cát bột kết tufogen, bột kết tufogen, đá phiến silic, đá phiến sét silic, đá tuf núi lửa, dăm tuf phun trào axit, ryolit, felsit, riodacit xen kẹp lớp mỏng cát kết tufogen, cuội sạn kết chứa tuf và bột kết tufogen. Tầng chứa nước t21 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động trung bình trong khoảng 2m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Canxi, Bicarbonat Canxi Magie.

– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Tấn Mài (o3-s1)

Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Tấn Mài phân hệ tầng dưới (O3-S1tm1), phân bố thành dải kéo dài từ xã Yên Than qua Đông Ngũ đến xã Đông Hải với tổng diện tích khoảng 4,4km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 20-50m, chiều dày đới chứa nước khoảng 30m. Thành phần chủ yếu gồm các đá phiến thạch anh serixit, đá phiến sét, xen kẹp ít lớp bột kết, cát kết phân lớp mỏng. Tầng chứa nước o3-s1 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là có mức độ chứa nước trung bình.

Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 3,0m (QN5052, QN5053) đến 3,2m (QN5051), trung bình 3,1m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn. Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Magie, Bicarbonat Canxi Magie.

– Hệ tầng Tấn Mài phân hệ tầng trên (O3-S1tm2): phân bố thành dải kéo dài từ xã Yên Than đến Đông Hải và một khoảnh nhỏ ở xã Hải Lạng với tổng diện tích khoảng 11,9km2. Đất đá đặc trưng trong các tầng này chủ yếu là cát kết, bột kết, cát kết quarzit xen các lớp đá phiến thạch anh – sericit, đá phiến sericit. Cấu tạo phân lớp mỏng, trung bình, phân phiến yếu. Do diện tích phân bố nhỏ và hẹp, đất đá không chứa nước nên đây là đối tượng không có ý nghĩa khai thác.

– Phức hệ Bình Liêu (lT2abl, µγT2abl, γπT2abl): phân bố tập trung tại các xã Phong Dụ, Đại Thành, Đại Dực, Yên Than và 2 khoảnh nhỏ xã Điền Xá và Hải Lạng với tổng diện tích 112,1km2. Chiều dày đới chứa nước chủ yếu tập trung ở lớp vỏ phong hóa của đất đá với chiều dày dao động phổ biến trong khoảng 6m đến 12m. Thành phần thạch học chủ yếu là ryolit, ryodacit, granophyr, granodiorit porhyr.

Phức hệ Bình Liêu được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước. Tuy nhiên, nước chỉ tồn tại và vận động trong đới phong hóa bề mặt với chiều dày khoảng 6-12m.

Về đặc điểm động thái: Nước trong phức hệ Bình Liêu thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong đới phong hóa bề mặt và các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 2,0m đến 6,5m, trung bình 5m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.

Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong phức hệ chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Magie, Canxi.

Kết luận, các tầng chứa nước tại vùng Tiên Yên có chiểu dày trung bình từ vài mét đến 65m, lớn nhất đạt 90m tại tầng t22, phần lớn là nghèo nước. Nguồn cấp chủ yếu là nước mưa, nước mặt. Miền thoát là ra sông, suối, hoặc ngấm xuống tầng chứa nước phía dưới và chảy ra biển. Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Yên không có công trình khai thác nước dưới đất tập trung, chỉ có Nhà máy nước Tiên Yên, khai thác nước mặt từ sông Tiên Yên với công suất 1.500m3/ngày, việc khai thác và sử dụng nước dưới đất của nhân dân trong vùng còn mang tính tự phát, thiếu sự quy hoạch, quản lý cụ thể và chưa có các giải pháp bảo vệ thích hợp, vì vậy việc xác định rõ điều kiện phân bố nước dưới đất sẽ góp phần định hướng khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong khu vực.

Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

Trình bày đặc điểm phân bố nước dưới đất vùng Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

 

Bộ TN&MT kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022

Tiếp nối chủ đề đã được phát động tại Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 (Cùng hành động để thay đổi thế giới) và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022.

Bộ TN&MT vừa gửi văn bản số 5352/BTNMT-TTTT tới các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022

Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp các hoạt động hưởng ứng. Theo đó, phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch… Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

13092022-khau-hieuMột số khẩu hiệu tuyên truyền trong Chiến dịch

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2022 là dịp tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường…; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Năm 2022, Bộ TN&MT nhấn mạnh việc tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế (thiết kế vì môi trường). Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân,... trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…); tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương tăng thời lượng tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường ... Thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp nhóm đối tượng.

Đặc biệt, các đơn vị cần phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường. Khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Các khẩu hiệu tuyên truyền trong chiến dịch này là: Tất cả vì môi trường xanh sạch đẹp; Môi trường hôm nay; Cuộc sống ngày mai; Môi trường là cuộc sống; Cuộc sống là môi trường; Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn; Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân và trách nhiệm của toàn xã hội; Sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình; Chúng ta cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Bộ TN&MT kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022

 
Trang 12345678910

Trang 10 trong tổng số 28 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay316
mod_vvisit_counterTrong tuần3061
mod_vvisit_counterTrong tháng28154
mod_vvisit_counterTất cả4090587

We have: 5 guests online