Tin tức sự kiện

Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023- Ảnh 1.Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023- Ảnh 1.

Tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển

Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Sắp xếp, phân bố hợp lý không gian cho các ngành, lĩnh vực và giải quyết cơ bản các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng bờ, góp phần đạt được các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển được thu gom và xử lý; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh và an toàn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển, không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế; xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; có môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử được bảo vệ, giữ gìn và phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phạm vi quy hoạch

Phạm vi quy hoạch vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển, cụ thể:

a) Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm 6 hải lý.

b) Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính vẹn toàn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực được mở rộng hơn cả về phía đất liền và biển.

Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng đất ven biển

Các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia theo 4 vùng kinh tế - xã hội: vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng Đông Nam Bộ, gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.

Để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển xanh, bảo đảm hài hòa giữa các hoạt động trên đất liền và dưới biển, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trên các vùng đất ven biển được ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tuyến hành lang đường bộ cao tốc, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển nhằm tạo đà, động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, kết nối vùng ven biển với các hải đảo, vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu quốc tế. Thực hiện lấn biển ở những khu vực thích hợp, không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng bờ để tăng thêm không gian, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Vùng đất ven biển phía Bắc

Khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình phát triển mạnh và bền vững kinh tế biển.

Về hạ tầng: Tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là tuyến đường bộ, đường sắt ven biển, đường kết nối cảng đến quốc lộ và cao tốc; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái với Hà Nội. Phát triển các đô thị, điểm dân cư ven biển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển, gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.

Về các ngành kinh tế ưu tiên: Hình thành các khu du lịch quốc tế hóa cao ở Quảng Ninh (Vân Đồn, vịnh Hạ Long), phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; liên kết phát triển vùng du lịch Cát Bà - vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển - đảo có tầm quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương và trong nước, dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics đa phương thức với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, có khả năng phát triển nhanh, mạnh, bền vững về kinh tế biển với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái được bảo vệ, bảo tồn và phát huy.

Về hạ tầng: Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng; nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển; tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Về phát triển các ngành kinh tế ưu tiên: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế biển mới,... Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có.

Vùng đất ven biển Đông Nam Bộ

Vùng đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển theo hướng đô thị xanh.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển; đẩy mạnh xây dựng khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Sao Mai - Bến Đình, liên kết với cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng. Xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ gồm các trung tâm kinh tế biển mạnh của khu vực Đông Nam Á với phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ, hình thành và phát triển du lịch sinh thái, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về hạ tầng: Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; tập trung khai thác tốt các cảng biển, trong đó khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải, trong đó chú trọng các luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

Về phát triển các ngành kinh tế ưu tiên: Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực ven biển theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển ven bờ

Việc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển ven bờ được thực hiện trên cơ sở chức năng của các khu vực và nguyên tắc về xử lý chồng lấn theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Nhu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; (2) Nhu cầu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển; (3) Nhu cầu cho các hoạt động phát triển kinh tế. Đối với chồng lấn giữa các hoạt động cho mục đích phát triển kinh tế, định hướng ưu tiên sử dụng biển xác định theo thứ tự: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.

Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thứ tự ưu tiên sử dụng đối với biển ven bờ cụ thể dựa trên việc phân tích, đánh giá tính hiệu quả, chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

6 giải pháp thực hiện quy hoạch

Quyết định đề ra 6 giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: 1. Giải pháp về quản lý; 2. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; 3. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; 4. Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; 5. Giải pháp về tài chính đầu tư; 6. Giải pháp hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định; công bố quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Đồng thời xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thực hiện quy hoạch; cung cấp thông tin về quy hoạch vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hàng năm; tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện quy hoạch.

Nguồn: baochinhphu.vn

Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023

 

UNEP giúp cộng đồng Tanzania đối mặt với hạn hán trầm trọng

(TN&MT) - Một dự án do Văn phòng Phó Tổng thống Tanzania và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp thực hiện đã giúp hàng chục nghìn người nông dân Tanzania đối mặt với hạn hán và những tác động khác của biến đổi khí hậu.

Trong phần lớn cuộc đời, người nông dân chăn nuôi gia súc Asherly William Hogo sống tại ngôi làng Ng'ambi ở vùng Dodoma luôn bận rộn tìm kiếm nước cho đàn gia súc của mình. Ông Hogo, hiện đã ngoài 60 tuổi, vẫn còn nhớ như in ký ức tuổi thơ về việc thức dậy giữa đêm, tập hợp đàn gia súc và đi khắp các đồng cỏ khô cằn ở miền Trung Tanzania để tìm nước.

afp__20121230__1470657__v1__highres__masaionthedrybanksoflakenatrontanzania.jpg

Tuy nhiên, những chuyến đi đêm như thế giờ đã là chuyện của quá khứ. Ngôi làng của ông - nằm trong một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng - gần đây đã được lắp đặt một giếng khoan chạy bằng năng lượng mặt trời và một hồ chứa nước mưa lớn, cung cấp cho người dân nguồn nước quanh năm. “Bây giờ chúng tôi không phải đi xa để lấy nước như trước nữa", ông Hogo cho biết.

Dự án ra đời vào thời điểm quan trọng

Kể từ năm 2018, dự án lắp đặt giếng khoan trên đã được Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ, củng cố nguồn cung cấp nước, giúp các cộng đồng tích lũy tiền tiết kiệm và đào tạo những người nông dân khốn khổ vì hạn hán về các sinh kế có khả năng phục hồi tốt hơn, như nuôi ong.

Dự án này ra đời vào thời điểm quan trọng đối với Tanzania, nơi biến đổi khí hậu đang tàn phá các kiểu thời tiết lâu đời. Vào tháng 4 năm nay, một đợt hạn hán nghiêm trọng tại quốc gia này đã khiến mùa màng thất bát và gia súc mất mùa. Sau đó, đất nước khô cằn đã hứng chịu lượng mưa cực lớn, gây ra lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng, tàn phá cơ sở hạ tầng và làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước.

afp__20231127__4692184__v1__highres__tanzaniaarusharegionmalanjareturnlivestocktovil.jpg

“Năm nay là lời cảnh tỉnh lớn nhất mà chúng tôi thấy ở Tanzania về những gì biến đổi khí hậu đang gây ra cho các gia đình ở vùng nông thôn. Chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu không làm được như vậy, không chỉ khí hậu bị ảnh hưởng mà cả cộng đồng cũng chịu tác động lớn”, bà Mirey Atallah, người đứng đầu bộ phận Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết. Đó là tương lai khiến các gia đình ở khu vực Dodoma lo lắng.

Trong 7 năm qua, UNEP, chính phủ Tanzania và Quỹ Môi trường Toàn cầu đã giúp các cộng đồng thích nghi với thời tiết khô hạn hơn và lượng mưa thất thường hơn. Họ đã thực hiện điều này thông qua quy hoạch sử dụng đất. Quá trình đó được đánh giá là rất quan trọng để tránh “vòng xoáy diệt vong” của khí hậu đối với các ngôi làng nông thôn, với nhiều ngôi làng trong số đó phụ thuộc rất nhiều vào ngành nông nghiệp sử dụng chủ yếu nước mưa.

“Các biện pháp phòng thủ khí hậu tốt nhất là biện pháp tích hợp, toàn diện và đa hướng, không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng đã xây dựng mà còn dựa vào sức mạnh của thiên nhiên và hệ sinh thái”, bà Atallah cho biết.

Khi dự án do UNEP dẫn đầu được triển khai vào năm 2018, ưu tiên hàng đầu của dự án là nước. Các kỹ sư đã khoan 15 lỗ khoan, 12 trong số đó sử dụng năng lượng mặt trời và xây dựng các đập đất có khả năng giữ lại tổng cộng 3 triệu m3 nước mưa. Dự án đã giúp cung cấp nước cho hơn 35.000 người dân ở 5 huyện gồm: Kaskazini, Kishapu, Mpwapwa, Mvomero và Simanjiro.

“Chúng tôi từng phải đối mặt với nhiều thách thức khi trồng rau”, bà Malegesi Makene Chilongo cho biết. Dự án đã triển khai một lỗ khoan tại ngôi làng của bà, nhờ đó người dân có thể dựng các trang trại nhỏ. “Chúng tôi rất biết ơn những người đã mang dự án này đến với ngôi làng của chúng tôi”, bà nói thêm.

“Chữa lành” vùng đất

Cây cối và đồng cỏ bản địa của Tanzania là một phần thiết yếu của chu trình nước; chúng hút nước mưa vào lòng đất, bổ sung nguồn nước ngầm và hoạt động như những rào cản tự nhiên dọc theo các con sông, hấp thụ nước lũ. Nhưng nhiều người Tanzania ở các vùng nông thôn buộc phải chặt cây lấy củi, gây ra nạn phá rừng làm gia tăng cuộc đấu tranh của Tanzania với hạn hán và lũ lụt.

Dự án do UNEP hỗ trợ đã trồng hơn 350.000 cây để phục hồi rừng bị thoái hóa và ổn định bờ sông. Đây là một phần trong nỗ lực phục hồi 9.000 ha rừng và đồng cỏ bị thoái hóa, đồng thời đưa hơn 38.000 ha đất vào quản lý bền vững.

afp__20240812__1184-12192__v1__highres__gasstationservicestationinundatedbyfloodwate.jpg

Ông Asnati Meshack, người dân sống ở huyện Simanjiro, phía Bắc Tanzania cho biết: "Trồng cây đã phục hồi môi trường của chúng ta". Tuy nhiên, việc phục hồi hệ sinh thái là vô ích nếu các cộng đồng nông thôn, nhiều nơi trong số đó là người nghèo, không có cách nào để kiếm sống. Vì vậy, các chuyên gia của dự án đã đào tạo người dân về các hoạt động tạo thu nhập bền vững hơn, như nuôi ong, trồng nấm và may vá, đồng thời cung cấp cho nông dân các thiết bị.

Khi dự án kết thúc vào tháng 12/2024, dự kiến ​​thu nhập của khoảng 3.800 hộ gia đình sẽ tăng lên. “Bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập, dự án đã cung cấp một mạng lưới an toàn chống lại biến đổi khí hậu. Hiện nay, khi thời tiết khắc nghiệt tàn phá đất nông nghiệp, các gia đình đã có thể có những lựa chọn thay thế khác”.

Thông qua dự án, chị May Samwel Masulu, người dân ở vùng Shinyanga, phía Bắc Tanzania đã học được cách xây dựng bếp gạch tiết kiệm nhiên liệu, một nghề thường dành riêng cho nam giới. Nhấn mạnh dự án giúp chống lại bất bình đẳng giới, chị Masulu cho biết: “Tôi rất tự hào khi được làm thợ thủ công. Chúng ta hãy từ bỏ quan điểm truyền thống phân chia công việc theo giới tính”.

Trong chuyến thăm một địa điểm của dự án, Bộ trưởng Bộ Nhà nước tại Văn phòng Tổng thống Tanzania - Chính quyền khu vực và Chính quyền địa phương, Selemani Jafo cho biết: “Cá nhân tôi muốn nhân cơ hội này để chúc mừng các nhà lãnh đạo cùng với tất cả người dân và những người đứng đầu vì dự án tuyệt vời này đã được thực hiện tại đây. Dự án này đang trao quyền cho người dân để xây dựng nền kinh tế của họ”.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

UNEP giúp cộng đồng Tanzania đối mặt với hạn hán trầm trọng

 

Nhiều ưu đãi cho dự án phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước

Theo phản ánh của cử tri, tình trạng hạn hán, xâm nhập nước mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản diễn ra ngày càng nhiều với tính chất nghiêm trọng hơn; gây ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước và trực tiếp tác động đến các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan, quan tâm nghiên cứu, xây dựng chiến lược lâu dài đối với việc dự trữ nguồn nước cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Vấn đề cử tri nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Tài nguyên nước năm 2023 có 4 nhóm chính sách mới, gồm: Chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật.

Trong đó, quy định việc tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trên cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

du-an-tich-nuoc.jpgLuật Tài nguyên nước 2023 bổ sung các dự án phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước vào đối tượng được ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung một số điều trong Luật Đầu tư năm 2020, đưa ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước vào nhóm được ưu đãi đầu tư. Đồng thời, ngành nghề này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong hoạt động phát triển, tích trữ và phục hồi nguồn nước.

Đồng thời, Luật Tài nguyên nước 2023 có nhiều quy định nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước đa mục tiêu, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, quản lý các công trình tích trữ nước phục vụ nông nghiệp, Bộ Xây dựng đầu tư, quản lý các công trình tích trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách liên quan đến tích trữ, dự phòng nguồn nước cấp, đặc biệt là cho mục đích sinh hoạt trong Luật Cấp, thoát nước.

Theo Điều 15 Luật Đầu tư 2020, các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng hình thức ưu đãi sau: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Nhiều ưu đãi cho dự án phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước

 

Lạng Sơn triển khai lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

(TN&MT) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 1401/UBND-KT về việc triển khai thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính; xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ trên địa bàn. Cập nhật cơ sở dữ liệu về hành lang bảo vệ nguồn nước vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

screenshot_20240911_065919_facebook.jpgUBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi...

Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi; tổ chức bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho địa phương để quản lý, bảo vệ theo quy định. Sở Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện hoàn thành công tác cắm mốc, bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa.

UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Phối hợp với Sở TN&MT trong việc xây dựng, điều chỉnh Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; thể hiện mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc địa bàn quản lý trên bản đồ địa chính.

Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn…

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Lạng Sơn triển khai lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

 

72 quốc gia trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới công bố của tổ chức Climate Central (Mỹ) cho thấy, cứ bốn người trên hành tinh thì có một người bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệt độ do biến đổi khí hậu gây ra hằng ngày vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2024 do đốt nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như dầu, khí đốt và than đá, và các hoạt động của con người.

Báo cáo cũng cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng nhiệt độ đe dọa sức khỏe trong hơn 30 ngày do biến đổi khí hậu gây ra.
72 quốc gia đã trải qua mùa hè nóng nhất kể từ năm 1970, chủ yếu là do biến đổi khí hậu. 180 thành phố ở Bắc bán cầu đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng cực độ từ tháng 6 đến tháng 8. Những đợt nắng nóng này, trung bình, có khả năng xảy ra cao hơn 21 lần hiện nay do ô nhiễm carbon, chủ yếu do đốt than, dầu và khí đốt.
"Nhiệt độ cao đã gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong ba tháng qua", Andrew Pershing, phó chủ tịch khoa học tại Tổ chức Climate Central, cho biết. "Không có khu vực, quốc gia hay thành phố nào an toàn trước các mối đe dọa chết người do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra".
Đông Nam Á là khu vực có nhiều người nhất trên hành tinh phải chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ do biến đổi khí hậu gây ra trong ít nhất 60 ngày vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2024. Trong những tháng này, hơn 204 triệu người đã trải qua nhiệt độ có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất năm lần do biến đổi khí hậu.
Từ tháng 6 đến tháng 8, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đã trải qua nhiệt độ cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu trong hơn 60 ngày. Thái Lan và Việt Nam đã chứng kiến những điều kiện như vậy với khoảng 52 và 46 ngày. Hầu như toàn bộ dân số Philippines, Singapore và Việt Nam đều phải chịu nhiệt độ có khả năng gây nguy cơ cho sức khỏe con người trong ít nhất một tuần, khả năng xảy ra tăng gấp ba lần do biến đổi khí hậu. Hơn hai phần ba dân số Thái Lan và Indonesia phải chịu nhiệt độ đe dọa sức khỏe tương tự. 

Nghiên cứu sử dụng Chỉ số chuyển dịch khí hậu của Tổ chức Climate Central cũng đã phân tích định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ và ước tính số người bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khắc nghiệt này. Phân tích cung cấp dữ liệu chi tiết về tình trạng tiếp xúc với nhiệt ở cấp độ toàn cầu, khu vực, địa phương và tại khoảng 1.200 thành phố. Để ước tính rủi ro của nhiệt đối với sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu đã xem xét những ngày nhiệt độ nóng hơn đáng kể so với hồ sơ lịch sử — những ngày "nhiệt độ nguy hiểm". Nhiệt độ vào những ngày này cao hơn 90% nhiệt độ được quan sát thấy ở một khu vực địa phương trong giai đoạn 1991-2020 — đây là gây ngưỡng tử vong tối thiểu mà ở đó rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ tăng lên đáng kể.
Những phát hiện chính:
 
● Hơn 2 tỷ người (chiếm 25% dân số toàn cầu) đã trải qua từ 30 ngày nắng nóng nguy hiểm trở lên, có khả năng xảy ra cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu.
 
● Hơn 4 tỷ người đã phải đối mặt với nhiệt độ bất thường có khả năng xảy ra cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu vào ngày 13 tháng 8, thời điểm đỉnh điểm của đợt nắng nóng toàn cầu.
 
● Trong mùa phá kỷ lục này, khi 72 quốc gia phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024, rất ít khu vực đô thị thoát khỏi tác động của ô nhiễm carbon, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
 
● Trung bình một người đã trải qua thêm 17 ngày “nóng bức nguy hiểm” trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu, gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe toàn cầu.
 
● Ở Đông Nam Á, Philippines và Singapore đã trải qua giai đoạn nóng nhất từ tháng 6 đến tháng 7 đến tháng 8 năm 2024 kể từ năm 1970 trở lại đây.

Nguồn: DWRM (Dịch) / climatecentral.org

72 quốc gia trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu

 
Trang 12345678910

Trang 1 trong tổng số 23 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2177
mod_vvisit_counterTrong tuần22259
mod_vvisit_counterTrong tháng36461
mod_vvisit_counterTất cả7007128

We have: 23 guests online