(TN&MT) - Trái đất có đất khô và nước ngọt từ khoảng 4 tỷ năm trước - thời điểm mà các nhà khoa học cho rằng hành tinh này hoàn toàn bị bao phủ bởi đại dương.
Đó là nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, dựa trên phân tích mới về các hạt tinh thể cổ xưa được gắn vào đá từ vùng hẻo lánh của Australia.
Một tinh thể zircon dưới kính hiển vi
Ông Hamed Gamaleldien, tác giả chính của nghiên cứu, nhà nghiên cứu phụ trợ tại Trường Đại học Curtin (Australia) cho biết: “Bằng cách kiểm tra độ tuổi và các đồng vị oxy trong các tinh thể nhỏ của khoáng vật zircon, chúng tôi đã tìm thấy các dấu hiệu đồng vị nhẹ bất thường từ cách đây 4 tỷ năm. Các đồng vị oxy nhẹ như vậy thường là kết quả của sự biến đổi nước ngọt, nóng lên của đá cách bề mặt Trái đất vài kilomet”.
Theo ông Gamaleldien, bằng chứng về sự xuất hiện của nước ngọt chỉ có thể được giải thích bằng sự tồn tại của vùng đất khô - nơi nước tích tụ và thấm vào lớp vỏ lục địa. Nghiên cứu cho thấy, chu trình nước của Trái đất khi nước di chuyển giữa đất liền, đại dương và khí quyển thông qua quá trình bốc hơi và kết tủa đang diễn ra vào thời điểm đó, cách đây 4 tỷ năm.
Ông Hugo Olierook, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khám phá này không chỉ làm sáng tỏ lịch sử hình thành ban đầu của Trái đất mà còn cho thấy vùng đất rộng lớn và nước ngọt tạo tiền đề cho sự sống phát triển trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, chưa đầy 600 triệu năm sau khi Trái đất hình thành".
"Phát hiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử hình thành của Trái đất và mở ra những cánh cửa để khám phá sâu hơn về nguồn gốc sự sống”, ông Hugo Olierook nhấn mạnh.
Nguồn: phys.org
|
Sáng 12/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường để tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác cấp phép, thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Công Thành, lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường để tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác cấp phép, thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị thẳng thắn trao đổi những tồn tại, vướng mắc hiện nay để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được giao trong Luật. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Công Thành sau cuộc họp sẽ rà soát lại lộ trình khối lượng công việc để phân công công tác, thành lập tổ công tác để xử lý dứt điểm các nhiệm vụ, nhiệm vụ gắn trách nhiệm của từng cơ quan, thủ trưởng các đơn vị.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo về chuẩn bị cho một số chính sách của Luật Bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, hoàn thiện và trình một số chính sách sẽ có hiệu lực từ năm 2025 như: Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; lộ trình lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục; ban hành các QCVN về chất thải.
Chính sách về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR); vận hành thị trường các-bon sớm hơn theo quy định ( theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, việc vận hành thị trường các-bon sẽ được chuẩn bị đến hết năm 2027 và chính thức vận hành từ năm 2028).
Lãnh đạo các đơn vị phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 12/6
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, các đơn vị được phân công chủ trì xây dựng văn bản cần tiếp tục trình ban hành các quyết định về: kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với sông, hồ liên tỉnh; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; cải tạo, phục hồi môi trường đất; phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Các Thông tư quy định về hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường thế giới; quy định về QCVN môi trường; định mức kinh tế-kỹ thuật kiểm kê quan trắc đa dạng sinh học; Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình đã được Bộ phê duyệt…
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp
Với những nhóm nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết đã chỉ đạo các đơn vị quyết liện thực hiện triển khai. Bên cạnh đó, báo cáo với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, do vẫn có nhiều nội dung liên quan đến liên ngành, liên tỉnh, các đơn vị của Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ Tài chính, Y tế, Xây dựng, các địa phương để hoàn thành các nhóm công việc được giao.
Trên cơ sở báo cáo giải trình của các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Công Thành cùng các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát lại toàn bộ kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó những nhóm công việc cụ thể cần được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để các địa phương sớm có kế hoạch triển khai, thực thi Luật.
Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo chung thành lập tổ công tác xử lý dứt điểm các nhóm công việc còn tồn đọng, giao Chánh Thanh tra Bộ làm tổ trưởng trên tinh thần làm việc khách quan, minh bạch, có lộ trình xem xét, kiểm tra gắn vào đó trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các đơn vị cần chú trọng công tác tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành, không lấy việc cắt giảm thủ tục hành chính làm thành tích bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Với từng cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát tất cả các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường. Đồng thời kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về giấy phép, thủ tục hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp phép, thủ tục hành chính đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2297/VPCP-NN ngày 08 tháng 4 năm 2024, đảm bảo phân cấp, phân quyền tối đa, triệt để, cắt giảm thủ tục hành chính…, Bộ trưởng đề nghị hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cấp phép, thủ tục hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cấp, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp tốt với các địa phương để kịp thời xử lý các tồn tại, khó khăn hiện nay trên tinh thần công khai, minh bạch. Chủ động nắm bắt những vướng mắc của địa phương để đề xuất lãnh đạo Bộ có những giải pháp kịp thời.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các đơn vị cần chú trọng công tác tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành, không lấy việc cắt giảm thủ tục hành chính làm thành tích bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Nguồn:baotainguyenmoitruong.vn
|
Tỉnh Thái Bình là một tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình có diện tích tự nhiên là 1.542 km2. Trong phạm vi tỉnh hiện nay có 8 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý và vận hành.
Đối với tài nguyên nước dưới đất tỉnh Thái Bình gồm 2 tầng chứa nước chính là tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh) và tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh) là 398.989 m3/ngày, tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) là 826.546 m3/ngày.
1. Thông báo tài nguyên nước dưới đất
Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh): Trong phạm vi tỉnh, mực nước trung bình tháng 5 dâng so với tháng 4. Giá trị dâng cao nhất là 0,25m tại xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy (Q.158).
Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,36m tại xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy (Q.158) và sâu nhất là -1,97m tại TT. Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Q.155M1).
Sơ đồ diễn biến mực nước lớp qh2
Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp)
Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen trên (qp2: Trong phạm vi tỉnh có 1 công trình quan trắc tại TT. An Bài, huyện Quỳnh Phụ (Q.159a). Mực nước trung bình tháng 5 hạ 0,07m so với tháng 4..
Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen dưới (qp1): Trong phạm vi tỉnh, mực nước trung bình tháng 5 dâng hạ không đáng kể so với tháng 4.
2. Dự báo tài nguyên nước dưới đất
Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh): Trong tháng 6 và tháng 7 dự báo mực nước có xu thế hạ, dao động khoảng 0,1 – 0,2m.
Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp)
Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen trên (qp2): Trong tháng 6 và tháng 7 dự báo mực nước có xu thế hạ, dao động khoảng 0,1 – 0,2m.
Lớp chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen dưới (qp1): Trong tháng 6 và tháng 7 dự báo mực nước có xu thế hạ, dao động khoảng 0,1 – 0,2m.
3. Cảnh báo tài nguyên nước dưới đất
Theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong tỉnh Thái Bình thời điểm hiện tại chưa có công trình nào có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo.
4. Đề xuất, kiến nghị
Hiện tại, trên phạm vi tỉnh Thái Bình chưa có công trình thuộc diện phải cảnh báo, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước trong tỉnh và các bản tin dự báo tiếp theo để phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất.
Trong mùa khô năm 2024, nhìn chung mực nước và chất lượng nước trong các tầng chứa nước thuộc tỉnh Thái Bình đều tốt. Tuy nhiên có một số công trình có độ mặn hàm lượng Mangan, Chì, Coliform vượt quá GTGH so với QCVN 09:2023/BTNMT, đề nghị các cơ quan đưa ra cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi thêm.
Xem chi tiết tại đây:
|
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã nêu nhiều giải pháp về đầu tư các công trình hồ, đập giúp khai thác, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước; phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông; đặc biệt là giải pháp giúp từng bước hồi sinh các dòng sông đang bị ô nhiễm nặng.
Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực do Bộ quản lý.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn Thái Nguyên nêu vấn đề, hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì,… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn Thái Nguyên đặt câu hỏi
Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện có 6.550 hồ thủy lợi với hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn. Nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo thì cũng cần nguồn nhân lực rất lớn.
Bàn về giải pháp xử lí vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp với nhau để điều hòa, phân phối nguồn nước, đưa ra các kịch bản nguồn ngước để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung, nếu không có các hồ thủy lợi thì sẽ hạn hán rất lớn. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, với việc quản lý các hồ đập, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và an ninh nguồn nước.
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Phú Yên đặt câu hỏi chất
Đặt vấn đề về phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Phú Yên cho biết, việc khai thác và bảo vệ nguồn nước ở lưu vực sông hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn trong việc bố trí các công trình phát triển kinh tế - xã hội dọc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng cũng như giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông để đảm bảo tính bền vững nguồn nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết từ 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực sẽ có nội dung Tổ chức lưu vực sông. Đây là tổ chức liên ngành do Thủ tướng Chính phủ thành lập, quyết định số lượng thành phần, cơ cấu tổ chức, bộ máy và kinh phí hoạt động.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng đề án để thành lập Tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng. Bộ đang dự kiến nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ tịch UBND các tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông này, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường. Nếu để tình trạng xả thải không kiểm soát từ đầu nguồn nước thì các địa phương cuối lưu vực sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Quang cảnh phiên chất vấn
Liên quan đến giải pháp cho tình trạng công trình thủy điện chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Lạng Sơn cho biết, hiện nay có nơi, vẫn có tình trạng công trình thủy điện chưa thực sự quan tâm, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông theo đúng quy định. Thậm chí có nơi cố tình không thực hiện, dẫn tới vấn đề nước ở hạ lưu một số công trình thủy điện cạn khô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng sinh học, cũng như sự phát triển du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp của trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và giải quyết vấn đề nêu trên?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của Quốc hội
“Hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm nặng
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nước, đặc biệt là làm sao hồi sinh các “dòng sông chết”, ô nhiễm nặng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương chất vấn tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ trong việc “hồi sinh” các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống lợi Bắc Hưng Hải?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong Luật Tài nguyên nước đã có nội dung liên quan đến phải phục hồi các “dòng sông chết”. Hiện nay, các dòng sông như Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, sông Cầu, v.v.. thực chất là đang ô nhiễm nặng, còn “dòng sông chết” là dòng sông vừa ô nhiễm, vừa không có dòng chảy. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cũng tích cực xử lý nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu, bởi vì hầu hết ở các khu công nghiệp, các làng nghề xả thải ra dòng sông này, tức là chưa kiểm soát được nguồn thải. Lí do là bởi nguồn lực chưa đủ để đầu tư hệ thống thu gom, hệ thống xử lý. Do vậy, các địa phương phải cùng với nhau chung tay để thu gom, xử lý nước thải đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đã là dòng sông thì phải có dòng chảy và có sự lưu thông. Hiện nay, kênh Bắc Hưng Hải có thời điểm bị treo, tức là nước ở sông Hồng không vào được Bắc Hưng Hải. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm trạm bơm cục bộ cho mùa hạn. Nhưng theo Bộ trưởng, thực chất đây không phải là giải pháp căn cơ và cho rằng, chúng ta phải tính giải pháp căn cơ là giữ được nước và nước chảy được tự nhiên, lưu lượng lớn, như vậy sẽ thông được, điều hòa được dòng chảy này.
Về vấn đề quản lý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Nam Định phát biểu chất vấn
Cùng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thông gánh chịu ô nhiễm? Bên cạnh đó, ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy nhiều năm gần đây ô nhiễm chưa được cải thiện, đặc biệt là các sông đầu nguồn nội thành của Hà Nội. Ô nhiễm của sông Nhuệ - Đáy, nguồn thải của Hà Nội chiếm 65%, trong đó nước thải sản xuất và làng nghề toàn sông Nhuệ - Đáy có khoảng 1.982 nguồn xả thải, trong đó có 1.662 nguồn thải có cơ sở sản xuất, kinh doanh và 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt, ngoài ra các điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia sẽ kết nối về đây để chúng tôi kiểm tra, giám sát. Bộ cũng thực hiện việc đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.
Về việc thu gom, xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, chúng ta phải xây dựng một kế hoạch, phải có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, chung sức, đồng lòng để cùng xử lý nguồn thải, tạo được dòng chảy. Nam Định là cuối nguồn, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Cho nên, kiến nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cùng với đó, trong thời gian tới chú trọng đầu tư công cho lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải và hệ thống thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gấp rút hỗ trợ hàng chục nghìn trẻ em ở Afghanistan bị ảnh hưởng bởi lũ quét đang diễn ra, chủ yếu ở Baghlan, Badakhshan và Ghor.
Mưa lớn gây lũ lụt, tàn phá diện rộng
Những trận mưa lớn bất thường theo mùa đã gây ra lũ lụt, dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản, cũng như mùa màng ở nhiều vùng. Trong khi đó, vào năm ngoái, một số khu vực đã phải trải qua hạn hán nghiêm trọng. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác nhau đang báo hiệu cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và làm ảnh hưởng đến người dân nước này.
Trận lũ lụt gần đây nhất ở Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của khoảng 350 người, trong đó có hàng chục trẻ em và làm hư hại hơn 7.800 ngôi nhà, khiến hơn 5.000 gia đình phải di dời. WFP cho biết những người sống sót đã mất hết nhà cửa, đất đai và nguồn sinh kế.
Người bà ngồi cùng ba cháu trai bị thương do lũ quét tấn công ngôi làng của họ ở tỉnh Baghlan, Afghanistan. Ảnh: UNICEF/Osman Khayyam
Kể từ đó, UNICEF đã cung cấp nước sạch, bộ dụng cụ vệ sinh kèm theo xà phòng, bàn chải đánh răng và nhiều thứ khác cho các cộng đồng ở Afghanistan. Quỹ trẻ em cũng tổ chức các buổi tập huấn về vệ sinh để hướng dẫn người dân cách rửa tay và trữ nước an toàn trong bối cảnh thiên tai.
Tiến sĩ Tajudeen Oyewale, đại diện UNICEF tại Afghanistan, kêu gọi sự giúp sức của cộng đồng quốc tế trong việc phải tăng cường nỗ lực và đầu tư nhằm giảm nhẹ các tác động biến đổi khí hậu đối với con người, đặc biệt là trẻ em. Tiến sĩ Oyewale cho rằng UNICEF và cộng đồng nhân đạo cần phải chuẩn bị cho thực tế mới về các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể xảy ra trong tương lai.
UNICEF cũng đã hỗ trợ người dân ở Afghanistan bằng cách hỗ trợ tiền mặt để giúp các gia đình đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ, đồng thời chỉ định các đội y tế và dinh dưỡng điều trị những người bị thương và bị bệnh. Hơn nữa, cơ quan này đã phân phát quần áo ấm, chăn và đồ gia dụng cho những gia đình bị mất tài sản.
Khủng hoảng khí hậu gia tăng
UNICEF cho biết, trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu dành cho Trẻ em, Afghanistan đang đứng vị trí 15 trong số 163 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em tại quốc gia Tây Nam Á này trước tình hình biến đổi khí hậu và môi trường cao hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, Afghanistan được cho là một trong những quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất trong việc tạo ra các vấn đề về khí hậu.
Tuy nhiên, UNICEF cho rằng lũ quét gần đây ở Afghanistan cho thấy một cuộc khủng hoảng khí hậu với tần suất “ngày càng gia tăng và khốc liệt” gây thiệt hại về con người, sinh kế và cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Đại diện UNICEF tại Afghanistan cho biết, số lượng và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ đòi hỏi UNICEF và các tổ chức nhân đạo khác phải can thiệp vào các hoạt động ứng phó nhân đạo trên quy mô lớn và nhanh chóng hơn nữa.
"Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi các biện pháp chuẩn bị được tăng cường, chẳng hạn như bố trí trước nhiều hơn các nguồn cung cấp cứu trợ khẩn cấp và tăng cường phối hợp với các đối tác”, đại diện UNICEF tại Afghanistan nhấn mạnh.
Tiến sĩ Oyewale cũng cho rằng UNICEF cần tập trung giúp đỡ cộng đồng thích ứng với những cú sốc về khí hậu và môi trường để giảm sự phụ thuộc của người dân vào viện trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Oyewale cho biết thêm: “Chúng ta cần ưu tiên các nhu cầu đặc biệt của trẻ em khi đưa ra quyết định và giải quyết những nhu cầu này ngay bây giờ để bảo vệ trẻ em khỏi những thảm họa trong tương lai, đồng thời đầu tư vào các dịch vụ cơ bản liên quan đến trẻ em”.
Tuần trước, tổ chức Save the Children đưa ra cảnh báo, khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan dự kiến sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng trong năm nay, do sự kết hợp của nhiều yếu tố như ảnh hưởng của lũ lụt và hậu quả lâu dài của hạn hán.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
|