Tin tức sự kiện

Việt Nam – Italy trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Cơ quan phát triển Italia và các chuyên gia quốc tế tổ chức tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và giảm thiểu rủi ro do nước gây ra”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Cơ quan phát triển Italia, Tổ chức nghiên cứu CIMA; lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước và đại diện các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các hồ chứa, đập dâng, công trình khai thác, sử dụng nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông, hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định và quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực. Trong đó, một trong những vấn đề được ưu tiên hiện nay là quản lý vận hành liên hồ chứa để đảm bảo cấp nước trong mùa hạn và phòng chống lũ trong mùa mưa lũ và xây dựng hệ thống cảnh báo dự báo các rủi ro do nước gây ra.

Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Italia, Cục Quản lý tài nguyên nước đã kết hợp với Tổ chức nghiên cứu CIMA thực hiện hợp tác “Hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường năng lực quản lý ngành nước: vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực tại Việt Nam”.

Tại buổi Tọa đàm, Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà đề nghị các chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu CIMA và Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước tại Italia và Việt Nam; đồng thời trao đổi thảo luận về các công nghệ, phương pháp trong giảm thiểu rủi ro do nước gây ra, nhằm đáp ứng được các mục tiêu mà hợp tác đề ra.

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Cơ quan phát triển Italia giới thiệu về tình hình hợp tác giữa Cơ quan phát triển Italia và các cơ quan phía Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước. Cùng với đó, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước đã giới thiệu tổng quan về quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, bao gồm: Cơ chế, thể chế, khung pháp lý; Chia sẻ về hiện trạng, những vấn đề còn tồn tại về mạng lưới giám sát tài nguyên nước, hệ thống cảnh báo sớm (lũ lụt và hạn hán).

Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức nghiên cứu CIMA đã trình bày tổng quan về quản lý tài nguyên nước tại Italia; những bài học kinh nghiệm của Italia và các quốc gia khác gồm khung pháp lý, cơ cấu thể chế; hệ thống hỗ trợ ra quyết định, cảnh báo sớm, giám sát tài nguyên nước theo thời gian thực (công nghệ, khung pháp lý, cơ cấu thể chế)….

Nguồn: monre.gov.vn

Việt Nam – Italy trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước

 

Cấp nước an toàn thúc đẩy sự phát triển bền vững quốc gia

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam "Vietnam Water Week 2024", chiều 6/11, tại Hà Nội, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Cấp Thoát nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển cấp thoát nước bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết thực tế khó khăn từ góc độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, ổn định và bền vững.

dsc09393.jpgÔng Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu

Tại Hội thảo này, ông Nguyễn Ngọc Điệp mong muốn nhận được góp ý của các đại biểu để Ban soạn thảo dự thảo Luật tiếp thu, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Theo kế hoạch, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ Nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.

Theo bà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều năm qua, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Hạ tầng kỹ thuật trong quản lý phát triển ngành Nước Việt Nam. Hội đã tham gia đóng góp ý kiến, phản biện nhiều chính sách ngành nước, đặc biệt trong việc xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước.

dsc09415.jpgBà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) trao đổi tại Hội thảo

Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Cấp Thoát nước, bà Phạm Anh Thư đề nghị xem xét cách tiếp cận xây dựng Luật theo hướng giữ nguyên về tổ chức quản lý cấp nước phân theo khu vực thành thị và nông thôn để đảm bảo ổn định tổ chức quản lý nhà nước; quy hoạch, kế hoạch cấp, thoát nước; quản lý tài sản công về hạ tầng cấp thoát nước; đặc biệt về huy động nguồn lực tư nhân tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đề cập một số vấn đề thống nhất, luật hóa trong Luật Cấp Thoát nước, TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Cấp thoát nước bao gồm 8 chương với 75 điều; trong đó, chương I: Quy định Chung; chương II: Cơ sở dữ liệu, điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp thoát nước; chương III: Đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước; chương IV: Quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước; chương V: Dịch vụ cấp thoát nước; chương VI: Giá nước sạch và dịch vụ thoát nước; chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước và chương VIII: Điều khoản thi hành.

dsc09443.jpgTS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Mặc dù Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động cấp thoát nước, tuy nhiên, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, Ban soạn thảo Luật cần xem xét quy định cụ thể hơn một số nội dung như: Đồng bộ thống nhất các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên nước hiện hành; chiến lược - quy hoạch - kế hoạch phát triển cấp thoát nước; quản lý đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước; quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước; giá nước sạch, dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước….

Chia sẻ định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành Nước, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, ngành Cấp Thoát nước là ngành hẹp, khó tuyển sinh do xã hội ít biết đến, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh thấp, chất lượng đầu vào không cao.

dsc09482.jpgGS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu

Ngoài ra, hiện nay chưa có điều khoản nào liên quan đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ ngành Cấp thoát nước, chưa nêu rõ được trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ liên quan đến nội dung xây dựng nguồn nhân lực và phổ biến, tuyên truyền, truyền thông, cũng như nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về cấp thoát nước….

Do đó, GS.TS Nguyễn Việt Anh đề xuất, Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Nước một cách bài bản, dài hạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; quy định doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch xây dựng đội ngũ một cách bài bản, dài hạn, gắn với chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh, phù hợp với bối cảnh và xu thế mới; quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành Nước để đáp ứng nhân lực cho các địa phương, vùng miền.

Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch và phân bổ nguồn lực cho tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo ngành Nước; bổ sung đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về ngành nước...

dsc09407.jpgQuang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng nêu một số nội dung liên quan đến thực trạng giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và nước thải; thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam, một số nội dung về quy hoạch trong dự thảo Luật Cấp Thoát nước.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Cấp nước an toàn thúc đẩy sự phát triển bền vững quốc gia

 

Hà Nội: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5618/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.
Theo quyết định, phê duyệt 25 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong đó, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố gồm 6 quy trình: Quy trình cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền; Quy trình thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện; Quy trình lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND cấp tỉnh).

Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường gồm 17 quy trình: Quy trình cấp giấy phép khai thác nước mặt, nước biển (đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 54/2024/NĐCP ngày 16-5-2024 của Chính phủ); Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; Quy trình cấp giấy phép khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000 m3/ngày đêm; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành; Quy trình điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Quy trình cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô vừa và nhỏ; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Quy trình lấy ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Quy trình Đăng ký sử dụng mặt nước, đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch; Quy trình đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.

Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện gồm 2 quy trình: Đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất; Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND cấp huyện).

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ quyết định này xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố theo quy định.

Nguồn: DWRM

Hà Nội: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước

 

Bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt: Hướng tới đạt mục tiêu về đa dạng sinh học

Việc giám sát chất lượng nước hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học tập trung vào nước

Việc giám sát chất lượng nước hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học tập trung vào nước

Thế giới đã trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai nguồn dự trữ nước ngọt, cản trở tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Theo báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 50% các quốc gia trên toàn cầu có một hoặc nhiều loại hệ sinh thái liên quan đến nước ngọt - sông, hồ, đất ngập nước hoặc tầng chứa nước ngầm - đang trong tình trạng suy thoái. Các vùng nước bị suy thoái là những vùng nước bị ô nhiễm hoặc có mực nước thấp.

Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt là một nội dung quan trọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, thỏa thuận trên toàn hành tinh nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Khung này bao gồm 23 mục tiêu được thiết lập để bảo vệ thế giới tự nhiên và sẽ đến hạn vào năm 2030.

Bà Sinikinesh Beyene Jimma thuộc Chi nhánh Biển và Nước ngọt tại UNEP cho biết: "Sông là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh. Do tầm quan trọng của sông ngòi và các hệ sinh thái nước ngọt khác đối với an ninh lương thực, xây dựng khả năng phục hồi và đa dạng sinh học của thế giới, việc sử dụng và quản lý bền vững chúng là rất quan trọng để đảm bảo duy trì các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu và đáp ứng các cam kết của Khung đa dạng sinh học toàn cầu”.

Việc giám sát chất lượng nước hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học tập trung vào nước
Khi đại diện từ 196 quốc gia thảo luận về việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) tại Cali, Colombia, ngày càng có nhiều sự công nhận về giá trị của nước ngọt và nhu cầu tính đến giá trị này trong cả chính sách quốc gia và địa phương cũng như các quyết định tài chính.

Sau đây là 5 giải pháp các quốc gia có thể sử dụng nước ngọt để đạt được các mục tiêu đa dạng sinh học và phát triển bền vững toàn cầu của mình.

Triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên liên quan đến nước

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên liên quan đến nước (NbS), chẳng hạn như mái nhà "xanh" phủ đầy cây, có thể giúp quản lý nước mưa, giảm lũ lụt đô thị và cải thiện chất lượng nước, thường có chi phí thấp hơn so với cơ sở hạ tầng xám, như đường ống. Các giải pháp này cũng mang lại lợi ích cho con người và đa dạng sinh học.

Với sự hỗ trợ của dự án Thành phố phục hồi thế hệ của UNEP, các thành phố đang áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để phục hồi các tuyến đường thủy đô thị. Ví dụ, thành phố Barranquilla của Colombia đang khôi phục lại dòng suối Leon bị ô nhiễm, chảy qua trung tâm thành phố, với sự giúp đỡ của các cộng đồng sống dọc bờ sông. Trong khi đó, Sirajganj ở Bangladesh đang tạo ra một hành lang xanh để tăng cường đa dạng sinh học xung quanh con sông của thành phố.

Đầu tư vào việc giám sát chất lượng nước

Hiện nay, 122 triệu người trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào nguồn nước mặt chưa qua xử lý và có khả năng không an toàn. Đến năm 2030, 4,8 tỷ người có thể phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và sinh kế nếu việc giám sát chất lượng nước không được cải thiện. Việc giám sát chất lượng nước hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học tập trung vào nước trên toàn cầu.

Những ví dụ điển hình về điều đó đến từ Sierra Leone và Zambia, nơi đang tích hợp dữ liệu khoa học công dân vào hoạt động giám sát chất lượng nước quốc gia, thu hẹp khoảng cách dữ liệu và kết nối các cộng đồng bị ảnh hưởng với các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.

Tiếp thu kiến ​​thức truyền thống của người bản địa

Kiến thức truyền thống của người bản địa đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học trên toàn thế giới và việc đưa kiến ​​thức này vào các hoạt động bảo tồn hiện đại là rất quan trọng. Ví dụ, cộng đồng người bản địa P'ganyaw (Karen) dọc theo Sông Mae Ngao của Thái Lan đã tạo ra hơn 50 "khu bảo tồn sông cấm đánh bắt" - các khu vực được bảo vệ cấm các hoạt động khai thác để tăng trữ lượng cá.

Các khu bảo tồn nhỏ dựa vào cộng đồng này thiết lập ranh giới đánh bắt rõ ràng dọc theo sông và thực thi các hình phạt đối với hành vi vi phạm. Vì các hệ sinh thái nước ngọt được kết nối với nhau nên mạng lưới các khu bảo tồn này là mô hình để ngăn ngừa tình trạng mất đa dạng sinh học tiếp diễn. Chương trình hỗ trợ SDG 6.6.1 của UNEP, tập trung vào quản lý lưu vực nước, nhấn mạnh việc sử dụng kiến ​​thức truyền thống này thông qua việc giám sát và đánh giá những thay đổi trong hệ sinh thái nước ngọt.

Khai thác các công cụ mới để quản lý nước ngọt

Có một số nguồn lực có thể giúp các quốc gia quản lý hồ, sông và tầng chứa nước của họ. Ví dụ, Freshwater Explorer và Global Wetlands Watch của UNEP theo dõi tình trạng của các hệ sinh thái nước ngọt trên toàn thế giới. Các công cụ này nhấn mạnh nhu cầu quản lý nước để bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt.

Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ quản lý tài nguyên nước tích hợp của UNEP có thể hướng dẫn các chính phủ trong nỗ lực quản lý nước tốt hơn và đạt được các mục tiêu phát triển của họ.

Áp dụng quản lý tài nguyên nước tích hợp

Việc quản lý phối hợp các hệ sinh thái nước ngọt, bao gồm thông qua quy trình được gọi là quản lý tài nguyên nước tích hợp, có thể xây dựng khả năng phục hồi trước các thảm họa liên quan đến khí hậu, như hạn hán. Ví dụ, tại Somalia đang bị hạn hán tàn phá, Liên minh Châu Âu và UNEP đang giúp các cộng đồng đào giếng khoan, phục hồi các giếng nông để tưới tiêu và đưa vào sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao cho cây trồng. Phương pháp tiếp cận toàn diện này giúp duy trì các nguồn nước sẵn có và ngăn ngừa tình trạng di dời.

Hơn 90% các thảm họa tự nhiên đều liên quan đến nước theo một cách nào đó. Các chuyên gia cho biết, việc áp dụng quản lý tài nguyên nước tích hợp là rất quan trọng để giảm tần suất và quy mô của những thảm họa này.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt: Hướng tới đạt mục tiêu về đa dạng sinh học

 

Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước

(TN&MT) - Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý khai thác và bảo vệ TNN trong Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và đang trình chờ Chính phủ phê duyệt. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý TNN, bảo đảm tổng thể, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tăng tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật tài nguyên nước

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, một trong những lý do chính để thúc đẩy việc xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là sự bất cập trong cách thức xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TNN. Mặc dù đã có Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TNN, nhưng sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định đã lạc hậu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TNN.

hoi-an.jpgBước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá

Chỉ ra những bất cập trong thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, Nghị định 36 chưa quy định rõ việc xác định số lợi bất hợp pháp do tổ chức, cá nhân nào có đủ chức năng, thẩm quyền, trình độ chuyên môn đảm bảo việc thực hiện, dẫn tới việc công chức thi hành công vụ về TNN (thuộc phòng chuyên môn, có chuyên ngành đào tạo được tuyển dụng liên quan lĩnh vực môi trường, TNN) khi phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính lại là người tham mưu, xác định số lợi bất hợp pháp.

Hiện nay, việc xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về TNN theo nội dung hướng dẫn tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành về tài chính - kế toán, có khả năng đọc hiểu sổ sách chứng từ kế toán, có thẩm quyền yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu sổ sách tài chính liên quan để rà soát đối chiếu xác định số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm, cũng như các chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng TNN.

Mặt khác, khi chưa thiết lập biên bản vi phạm hành chính, chưa xác định hành vi vi phạm hành chính thì chưa có đủ căn cứ để yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan, căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN.

Ngoài ra, hiện tình hình khai thác, sử dụng TNN ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều sự tác động bởi các yếu tố như biến đổi khí hậu, nhu cầu tăng cao, sức ép từ các nguồn nước từ nước ngoài... dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; cần phải chủ động trong công tác xây dựng các quy định pháp luật, đặc biệt đối với các vấn đề mang tính cấp thiết như bảo vệ TNN, hạn chế khai thác nước dưới đất, phòng chống suy thoái, cạn kiệt.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, việc ban hành kịp thời, đồng bộ và đầy đủ các văn bản thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật TNN. Các vi phạm hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN sẽ được điều chỉnh kịp thời hơn, tăng cường tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật.

Nhiều điểm mới được quy định trong Dự thảo Nghị định

Chia sẻ về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN đã được Bộ TN&MT xây dựng với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo tính toàn diện và khả thi của nghị định khi được áp dụng. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 48 điều.

Dự thảo quy định cụ thể hành vi vi phạm trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm điều tra cơ bản, bảo vệ và phục hồi nguồn nước, điều hòa phân phối TNN, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông, khai thác và sử dụng TNN, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, và các vi phạm khác.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến TNN trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều phải tuân thủ các quy định này khi hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN.

So với Nghị định cũ, Dự thảo Nghị định lần này đã mở rộng đối tượng xử phạt, không chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế lớn mà còn bao gồm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện sự toàn diện và bao trùm của nghị định, nhằm đảm bảo không có hành vi vi phạm nào bị bỏ sót, từ các doanh nghiệp khai thác nước ngầm đến các hoạt động khai thác nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt.

Mức xử phạt hành chính được điều chỉnh tăng lên so với quy định hiện hành. Một số hành vi vi phạm nặng như khai thác nước ngầm mà không có giấy phép, sử dụng sai mục đích nguồn nước sẽ bị xử phạt với mức tiền lớn hơn, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Dự thảo cũng quy định rõ các biện pháp xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của môi trường nước bị vi phạm.

Đặc biệt, vấn đề xác định số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác TNN trái phép là một trong những điểm mới quan trọng. Thay vì chỉ xử phạt bằng tiền mặt, Dự thảo Nghị định yêu cầu truy thu toàn bộ lợi ích mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp trong lĩnh vực TNN.

Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quá trình thực thi. Thẩm quyền xử phạt không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý môi trường mà còn được mở rộng đến các cơ quan khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan thanh tra liên ngành.

Một điểm mới nữa của Dự thảo Nghị định là việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng ở cấp địa phương, giúp tăng cường hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Điều này giúp giảm tải cho các cơ quan trung ương và tăng cường tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là bước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Với sự toàn diện về phạm vi, đối tượng và biện pháp xử phạt, nghị định không chỉ là công cụ pháp lý mạnh mẽ mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ TNN trước các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên trái phép.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước

 
Trang 12345678910

Trang 2 trong tổng số 25 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2678
mod_vvisit_counterTrong tuần20342
mod_vvisit_counterTrong tháng71314
mod_vvisit_counterTất cả7234204

We have: 19 guests online