(TN&MT) - CNA vừa đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á đang tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó với tình trạng thủy triều dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Người Hà Lan, vốn có hàng chục năm kinh nghiệm trong quản lý nước, hy vọng sẽ giúp giảm hàng tỷ USD chi phí cho các hệ thống thảm họa lũ lụt và thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.
Theo các nhà quan sát, các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á.
Rào chắn bão Maeslant - sáng kiến trong hệ thống phòng chống lũ của Hà Lan
Trong số những sáng kiến được sử dụng ở Hà Lan là rào chắn bão Maeslant nằm gần cảng Rotterdam, nơi đã bảo vệ bờ biển phía Nam đất nước trong hơn 25 năm. Rào chắn hoàn toàn tự động này sẽ tự động đóng lại khi mực nước biển dâng cao trên 1,5m, bảo vệ đất nước có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển.
Năm 1991, chính phủ Hà Lan đã phải chi gần 500 triệu euro (540 triệu USD) để xây dựng rào chắn bão và thêm 10 triệu euro mỗi năm để bảo trì kết cấu này. Rào chắn này là một phần trong hệ thống phòng chống lũ lụt khổng lồ của Hà Lan nhằm bảo vệ vùng đồng bằng trũng thấp, nơi tập trung hầu hết dân số và hoạt động kinh tế của đất nước.
Các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á
Rào chắn bão tương tự duy nhất khác trên thế giới nằm ở thành phố Saint Petersburg của Nga.
Ông Peter Persoon, nhân viên thông tin kỹ thuật tại Trung tâm Nước công cộng Keringhuis cho biết: "Mối lo ngại lớn nhất là Hà Lan hiện có 40% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Các biện pháp chuẩn bị đã giúp Hà Lan có thể chống chọi với lũ lụt cao nhất là 5 m so với mực nước biển bình thường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống. Hiện tại thì ổn, nhưng chúng ta phải hướng đến tương lai. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2100”.
Mặc dù có mạng lưới đê và đập rộng lớn cũng như các cồn cát dọc theo bờ biển, hệ thống phòng chống lũ lụt của Hà Lan sẽ không thể chống chọi được thủy triều nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao. Ông Peter Persoon cho biết thêm: "Ngay cả ở đất nước nhỏ bé của chúng tôi, chúng tôi cũng phải điều chỉnh 2.000 km đê, đập và cồn cát cho tương lai”.
Cần nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác khu vực
Để giải quyết tình trạng lũ lụt do mực nước biển dâng không thể tránh khỏi, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi các quốc gia hành động. Đặc biệt, Đông Nam Á đang có nguy cơ nghiêm trọng mất đi cơ sở hạ tầng và các khu định cư ven biển trũng thấp.
Ông Tjitte Nauta, Giám đốc khu vực châu Á và châu Đại Dương tại Viện Kiến thức ứng dụng Deltares của Hà Lan cho biết: "Mọi người nghĩ rằng họ còn nhiều thời gian để ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nhưng đây là thời điểm để nghiên cứu và đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi khuyến khích ASEAN thực sự hướng tới việc nâng cao nhận thức hơn nữa, đồng thời tăng cường hợp tác trong khu vực. Họ có thể học hỏi lẫn nhau, chúng ta cũng có thể học hỏi từ họ”.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những điểm nóng dễ xảy ra lũ lụt và xói mòn bờ biển.
"Toàn bộ thành phố Bangkok (Thái Lan) cực kỳ dễ bị tổn thương. Nếu mực nước biển dâng tương đối 2m, khoảng 28% dân số Thái Lan và 52% GDP sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đối với quốc gia này, việc xây dựng một kế hoạch dài hạn là điều rất rõ ràng cho dù họ có đưa ra quyết định bảo vệ thành phố hay di dời thành phố hay bất cứ điều gì, nhưng một nghiên cứu phải được tiến hành”, Giám đốc Nauta nhấn mạnh.
Còn tại Indonesia, mực nước biển dâng cao có tác động đến các vùng đất than bùn trũng rộng lớn được sử dụng để sản xuất dầu cọ. Tương tự như vậy ở Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, mực nước biển dâng cao 2m sẽ có tác động tàn phá đối với người dân.
Trong khi đó, theo dữ liệu vệ tinh, các vùng ven biển của Malaysia cũng sẽ không nằm ngoại lệ. Deltares gần đây đã thiết lập một nền tảng trực tuyến và mời các nhà ngoại giao trẻ từ ASEAN chia sẻ quan điểm của họ về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Deltares đã nêu rõ những vấn đề đang gây khó khăn cho một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm việc thiếu kinh phí và dữ liệu đáng tin cậy cho các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sự khác biệt trong các ưu tiên quốc gia. Theo bà Josien Grashof, cố vấn về khả năng phục hồi và lập kế hoạch tại Deltares, điều rất quan trọng là phải xem xét những gì các quốc gia cần làm và hướng tới các ưu tiên cao nhất của họ.
Nguồn: Theo tổng hợp của CNA
|

Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) lệnh giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 thủy điện Hòa Bình vào 11h ngày 6/8.
Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về bộ trong các trường hợp xảy ra bất thường.
Hồi 7h sáng nay, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 107,82m, lưu lượng đến hồ 9.241m3/s, lưu lượng xả 7.144m3/s.
Đến nay, cả 4 hồ trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ. Trong đó, hồ thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả đáy; hồ thuỷ điện Sơn La mở 3 cửa xả đáy; hồ thuỷ điện Tuyên Quang đang mở 3 cửa xả đáy; hồ thủy điện Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc. Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Các địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ; báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường.
Mực nước lúc 7h sáng nay 6/8 trên một số sông như sau:
Sông Hồng tại trạm Hà Nội là 6,96m; sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 2,80m.
Sông Gâm tại Chiêm Hoá là 37,85m, trên BĐ2 là 0,3m.
Sông Chảy tại Thác Bà là 25,56m, trên BĐ3 là 3,56m.
Sông Trà Lý tại Quyết Chiến là 3,22m, dưới BĐ2 là 0,08m.
Sông Tích tại trạm Kim Quan là 7,38m, dưới BĐ2 là 0,22m; trạm Vĩnh Phúc là 7,07m dưới BĐ2 là 0,13m.
Nguồn: DWRM
|
(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo Quyết định, từ ngày 2/9/2024, các hộ gia đình khó khăn ở nông thôn được hưởng mức cho vay nước sạch là 25 triệu đồng/01 loại công trình/khách hàng.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|

Đó là phương pháp được nhiều quốc gia trên khắp Địa Trung Hải áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước.
Cụ thể, các quốc gia trên khắp Địa Trung Hải, trong đó có Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy, đang tìm cách dự phòng nguồn cung cấp nước bằng cách sử dụng phương pháp khử muối, trong khi các nhà cung cấp cho rằng, nguồn cung cấp nước đang thiếu hụt trong mùa hè này là do nhu cầu tăng vọt.
Tại Hy Lạp, phương pháp trên được áp dụng trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng nước vào mùa du lịch cao điểm. Các quan chức, nông dân và nhà khoa học vừa cho biết, trong nhiều tháng nay, phần lớn Hy Lạp có ít hoặc không có mưa, khi các hòn đảo chuẩn bị đón lượng lớn khách du lịch vào mùa hè. Điều này khiến căng thẳng về nguồn cung cấp nước chưa bao giờ nặng nề đến thế.
Đáng lo ngại, hồ chứa nước lớn nhất trên đảo Naxos của Hy Lạp đã cạn kiệt. Trong khi đó, nước biển thấm vào các giếng thủy lợi trống rỗng, gây thiệt hại cho vụ khoai tây của hòn đảo. Xa hơn về phía Nam, trên đảo Karpathos, chính quyền đã yêu cầu hạn chế đối với việc bơm nước vào các bể bơi, và ở đảo Thasos phía Bắc, các nhà chức trách đang tìm kiếm một đơn vị khử muối để làm cho nước biển có thể uống được.

Ông Dimitris Lianos, Thị trưởng đảo Naxos cho biết: “Lượng mưa trên khắp Địa Trung Hải và đặc biệt là ở Naxos đã thiếu trầm trọng, các hồ chứa của chúng tôi đã cạn kiệt”.
Mỗi năm, Hy Lạp đón hàng triệu khách du lịch đến chiêm ngưỡng những địa điểm cổ xưa, những bãi biển hoang sơ và làn nước trong xanh như ngọc. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ cao hơn, lượng mưa thất thường và cháy rừng đang đe dọa tương lai của ngành kinh tế lớn nhất đất nước này.
Sau mùa đông ấm nhất được ghi nhận tại Hy Lạp, các đám cháy rừng bắt đầu xảy ra sớm một cách bất thường, thậm chí một số đám cháy còn xuất hiện ở những khu vực thường có tuyết. Trong khi đó, các chuyên gia khí hậu lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Bà Andrea Toreti, điều phối viên cơ quan quan sát hạn hán toàn cầu thuộc Cơ quan quản lý khẩn cấp Copernicus của châu Âu cảnh báo, khi ảnh hưởng của hạn hán rõ ràng thì đã quá muộn để hành động. “Thay vì suy nghĩ tình hình theo cách khẩn cấp, chúng ta cần xem xét phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng” - bà Toreti nhấn mạnh.
Giới chức trách ở Hy Lạp bảo đảm, 3 thiết bị khử muối di động sẽ xử lý nước biển để làm nước uống an toàn, trong khi Thị trưởng Lianos cho biết sẽ bù đắp sự thiếu hụt nước cho nhà ở, khách sạn và hồ bơi trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Alexandros Yfantis - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất Sychem có trụ sở tại Hy Lạp cho biết, công ty không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng trong mùa hè này vì thiếu thiết bị và thời gian sản xuất kéo dài hơn. Các thiết bị mới chỉ thực sự sẵn sàng sau tháng 9.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
|

Hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt
“Giải cơn khát nước ngọt” cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt là bài toán đặt ra cần lời giải cấp thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước. Tình trạng thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông và bờ biển đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết cho toàn vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực. Hàng loạt giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế nhằm “giải cơn khát nước ngọt” cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.
Sử dụng hợp lý nguồn nước
Theo PGS,TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, hiện vùng ĐBSCL đang đối mặt với 7 thách thức về nguồn nước. Đó là: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mê Công; suy giảm môi trường nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước thấp và khai thác tài nguyên nước quá mức. Đơn cử như tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười - nơi từng được biết đến là vùng trữ nước nhưng nay lượng nước đã suy giảm nghiêm trọng.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, PGS,TS. Lê Anh Tuấn cho rằng: Giải pháp hiện nay là phải phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước ở các vùng trũng; sử dụng tiết kiệm nước; hạn chế khai thác nước ngầm; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt và xây dựng những công trình hồ chứa nước lũ.
Quan tâm về vấn đề “sống còn” của vùng, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết thêm: Hiện, các nghiên cứu đang tập trung vào lượng nước của ĐBSCL từ sông Mê Công đổ về hay lượng nước ngầm mà chưa tính toán đến lượng nước mưa ở vùng ĐBSCL.
Theo nghiên cứu, lượng mưa thấp nhất ở vùng ĐBSCL mỗi năm vào khoảng 1.600mm và những nơi cao nhất lên đến 2.400mm. Lượng nước mưa này có ý nghĩa quan trọng để sử dụng cho vùng ĐBSCL nhưng chưa được đưa vào kế hoạch, quy hoạch để sử dụng.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, ĐBSCL hiện đang giữ nước trên kênh và hòa tất cả các loại nước với nhau, thậm chí nước thải cũng về kênh; nước mưa hay nước sông cũng về kênh và đều không sử dụng được do ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Vì vậy, cần phải có “bài toán” rạch ròi để chống lãng phí nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL.
“Cần phải phân biệt nguồn nước sử dụng sinh hoạt và nước cho thủy lợi để có những đề xuất phù hợp, hiệu quả trong sử dụng nước ở ĐBSCL. Chúng ta đầu tư hệ thống quản lý sử dụng nước vào giai đoạn này, có thể chi phí cho giải pháp rất lớn. Nhưng với tầm nhìn đầu tư để sử dụng 100 năm thì tôi tin đó không phải là một cái giá đắt, mà là một cái giá phù hợp”, TS. Nguyễn Ngọc Huy nêu quan điểm.
Các nhà khoa học nhận định, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng tác động sâu hơn và thời gian lâu hơn. Giải pháp quy hoạch thủy lợi cần sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng thuận thiên.
Điều này có nghĩa người dân và chính quyền vùng ĐBSCL cần phải coi trọng tất cả nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, giảm mức độ rủi ro.
Hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt
Xây hồ chứa để chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước
Trước các vấn đề cấp thiết liên quan đến thiếu nước ngọt tại ĐBSCL, mới đây, TS. Võ Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính phía Nam (Bộ Tài chính) và một số nhà khoa học đã cùng nghiên cứu và có phương án đề xuất giải pháp thích hợp để góp phần vào việc xây dựng phát triển ĐBSCL bền vững, với dự án “Nước ngọt cho ĐBSCL”. Đó là phương án xây hồ chứa nước để chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh khu vực.
Theo đó, có hai khu vực để xây hồ là “Vườn quốc gia Tràm Chim” - Tam Nông - Đồng Tháp với 3 phương án có chi phí từ 30 nghìn đến 60 nghìn tỷ đồng; Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” - Phụng Hiệp - Hậu Giang với 3 phương án có chi phí từ 18 nghìn tỷ đồng đến 68 nghìn tỷ đồng.
Lý giải về việc chọn 2 khu vực “Vườn quốc gia Tràm Chim” - Tam Nông - Đồng Tháp và Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” - Phụng Hiệp - Hậu Giang để xây hồ chứa nước, TS. Võ Văn Hải cho rằng, Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, từng được biết đến như "túi nước" lớn của ĐBSCL. Việc xây dựng hồ chứa nước ngọt tại đây sẽ hỗ trợ việc điều tiết dòng chảy mùa khô và cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre thông qua hệ thống kênh liên tỉnh kết nối với các kênh Hồng Ngự - Long An, An Hòa, Đồng Tiến, Phú Hiệp. Đồng thời, việc mở rộng diện tích trong khu vực 5 xã vùng đệm cũng được thực hiện thuận lợi do mật độ dân số thấp (281 người/km2) và chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư không quá cao.
Tương tự, việc xây dựng hồ chứa nước vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nằm trên khu vực của 3 xã Phương Bình - Phương Phú - Tân Phước (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc chứa nước và điều tiết nước đối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của tỉnh Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ thông qua hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lái Hiếu, sông Cái Lớn và nhiều kênh rạch khác. Ngoài ra, việc xây dựng hồ chứa nước tại Lung Ngọc Hoàng cũng đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tại đây, một vùng đất quan trọng với vai trò lớn trong sinh sản và dự trữ thủy sản cho ĐBSCL.
Theo TS. Võ Văn Hải, mỗi phương án về chi phí xây dựng đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng nên chọn phương án 1 (chi phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng) với phương châm “gian nan một lần, nhàn nhã trăm năm”; làm không chỉ vì hiện tại, mà làm còn vì những thế hệ mai sau.
Hơn nữa, do ĐBSCL ở cuối nguồn dòng Mê Công nên cần phải xây dựng những hồ chứa nước ngọt đủ lớn để điều tiết lưu lượng nước ngọt đáp ứng được nhu cầu cho toàn vùng, chứ không phải xây dựng những hồ chứa nước nhỏ tràn lan như hiện nay, vừa tốn kém ngân sách đất đai nhưng hiệu quả không cao. TS. Võ Văn Hải hy vọng “Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL” sẽ được các nhà khoa học, quan tâm góp ý để dự án có thể trở thành một kênh tham khảo hữu ích của các cấp chính quyền.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
|
|