Tin tức sự kiện

Đoàn Thanh niên Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia tham dự Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Đoàn Thanh Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tham gia Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành.

 123Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Trong những năm qua, phát huy sức trẻ, tinh thần đổi mới, sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng trong hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Bộ.

Đoàn Thanh niên đã đóng góp nhiều sáng kiến trong hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số. Tiên phong trong tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của xã hội.

Đoàn Thanh niên Bộ đã chủ động tổ chức cũng như tham gia nhiều hoạt động về việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Đặc biệt, trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông hiện đại trong đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030” được Đoàn Bộ triển khai hiệu quả.

223Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Đại hội

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đoàn Thanh niên Bộ trong nhiệm kỳ vừa qua. “Đoàn thanh niên đã thực hiện tốt vai trò là đội ngũ kế cận của Đảng; tích cực tham gia xây dựng Đảng, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy của Bộ. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, khơi dậy tinh thần sáng tạo, tư duy đổi mới và quyết tâm hành động trong đội ngũ cán bộ trẻ; xây dựng công sở văn minh. Chúng ta vui mừng nhận thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đoàn viên đã trưởng thành, đóng vai trò hạt nhân trong cơ quan, đơn vị” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

333

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử; “phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang sạch, tái tạo, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường vì vậy, cũng khó khăn và thách thức hơn. Bối cảnh đó, đặt ra nhiệm vụ đối với Đoàn Thanh niên Bộ và từng cán bộ đoàn viên phải phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo để chuyển đổi mô hình kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp.

Sau một thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và đổi mới, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ góp sức vào thành công của Đại hội. Không khí thảo luận tại Đại hội sôi nổi, thẳng thắn; nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức thiết của đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

423Các đại biểu tham dự Đại hội

Đại hội đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại của công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2017-2022; xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2022 – 2027, biểu quyết nhất trí cao với những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo trình Đại hội. Các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, thể hiện ý chí quyết tâm đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Bộ ngày càng phát triển.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT gồm 21 đồng chí để lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ trong nhiệm kỳ 2022 – 2027. Kết quả bầu cử cho thấy sự đoàn kết, nhất trí rất cao của Đại hội.

Kết quả, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2022 – 2027 có đồng chí Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn Bộ, đồng chí Tống Thị Minh và đồng chí Lê Nam Thành là Phó Bí thư Đoàn Bộ.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2022-2027 cho biết, với những kết quả rất quan trọng đã đạt được, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ tiếp nối và phát huy những công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2017 – 2022, tạo tiền phát huy, triển khai thật tốt các nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên; nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

523Toàn cảnh Đại hội

Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả, tính thực tiễn, thiết thực, hiệu quả của các phong trào, chương trình hành động của Đoàn, bám sát yêu cầu thực tiễn và những nhiệm vụ chính trị của ngành như bảo vệ môi trường, phục hồi tài nguyên, các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tạo lan tỏa trong toàn xã hội để mỗi người dân, doanh nghiệp cùng thống nhất hưởng ứng và tích cực tham gia. Tích cực hội nhập, chủ động đề xuất những giải pháp để giải quyết những bài toán hóc búa do thực tiễn đặt ra về môi trường, khí hậu và tài nguyên, góp phần vượt qua khủng hoảng kép, chuyển hóa thành công được những thách thức nghiêm trọng thành cơ hội phát triển mới, góp phần đưa đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững.

Mỗi đoàn viên thanh niên với niềm phấn khởi, tự hào khát vọng vươn lên, quyết tâm đổi mới, sáng tạo để đóng góp vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; tiếp tục khẳng định vị thế của ngành trong tiến trình hội nhập với xu thế phát triển chung của thời đại.

Tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại để đoàn viên, thanh niên đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ TN&MT. Tiếp tục động viên đoàn viên, thanh niên vượt qua mọi khó khăn, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị của Bộ TN&MT.

Theo nguồn http:/nawapi.gov.vn/

Đoàn Thanh niên Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia tham dự Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027.

 

Ngành tài nguyên và môi trường thực hiện chuyển đổi số

Bộ TN&MT vừa phê duyệt dự án “Chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)”.  Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ 2022-2025 nhằm mục tiêu góp phần hoàn thiện hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, đảm bảo an ninh, an toàn dùng chung theo hướng hiện đại, đồng bộ góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số TN&MT cũng như Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, dự án hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của Bộ với các tiêu chí hiện đại, thông minh, kế thừa, sử dụng hiệu quả, đồng bộ, có tốc độ cao, an toàn, an ninh mạng, kết hợp giữa mô hình tập trung và phân tán, trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đảm bảo kết nối, thu nhận dữ liệu, cung cấp năng lực lưu trữ, phân tích, xử lý, tính toán và kết nối chia sẻ dữ liệu thông tin tài nguyên và môi trường theo thời gian thực.

Cùng với đó, Dự án cung cấp các nền tảng công nghệ số phục vụ giải quyết các bài toán nghiệp vụ cũng như phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ. Bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ phù hợp theo mô hình 4 lớp; đảm bảo 100% máy chủ của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; 100% hệ thống thông tin cấp độ 3, 4, 5, hệ thống thông tin quan trọng quốc gia được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng, đổi mới các hệ thống thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời tập trung ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực quan trọng như đất đai, khí tượng thủy văn, môi trường... phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhu cầu của xã hội.

Về nội dung đầu tư, Dự án tập trung vào việc phát triển hạ tầng số Đầu tư hạ tầng số, các Trung tâm dữ liệu của Bộ phục vụ chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm dữ liệu tại Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường. Theo đó, hạ tầng số phát triển Chính phủ số gồm: Thiết bị phòng họp trực tuyến lớn của Bộ; Thiết bị họp trực tuyến cho phòng họp nhỏ; Thiết bị họp trực tuyến phục vụ kết nối hệ thống họp trực tuyến của Chính phủ; Máy tính họp trực tuyến cho Khối cơ quan Bộ; Máy tính phục vụ tác nghiệp chuyển đổi số của Khối cơ quan Bộ; Máy tính, máy in phục vụ soản thảo văn bản mật khối cơ quan Bộ; Máy ký số (HSM); Trang thiết bị tác nghiệp cho phòng tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, một cửa của Bộ.

Bên cạnh đó, Dự án sẽ đầu tư và hoàn thiện xây dựng một số nền tảng công nghệ cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường gồm: nền tảng họp trực tuyến; phần mềm nền tảng ảo hóa điện toán đám mây; nền tảng định danh và xác thực người dùng liên thông hệ thống Quản lý cán bộ công chức viên chức ngành tài nguyên và môi trường.

10082022-chuyen doi soBộ TN&MT vừa phê duyệt dự án chuyển đổi số đến năm 2025

Dự án ddầu tư, nâng cấp và bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các Trung tâm dữ liệu của Bộ và các hệ thống thông tin của các đơn vị trực thuộc, bao gồm: Hệ thống an toàn thông tin Trung tâm dữ liệu tại Trụ sở Bộ và tại Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường; đầu tư một phần Trung tâm giám sát, phân tích và điều hành an ninh mạng ngành tài nguyên và môi trường (SOC) kết nối, chia sẻ với Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia (đầu tư giải pháp SIEM - Quản lý sự kiện và nhật ký tập trung); Giải pháp dò quét, quản lý lỗ hổng bảo mật; Giải pháp dò quét lỗ hổng mã nguồn.

Đổi mới, nâng cấp các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành là một hạng  mục của dự án. Các hệ thống được nâng cấp bao gồm: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử; hệ thống Cổng thông tin điện tử; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đầu tư nền tảng thu nhận dữ liệu gồm nền tảng thu nhận dữ liệu công nghệ IoT, nền tảng thu nhận dữ liệu camera cho các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng như đất đai, khí tượng thuỷ văn, môi trường… phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhu cầu của xã hội, xây dựng hệ thống kho lưu trữ điện tử tập trung Bộ Tài nguyên và Môi trường là những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Ngành tài nguyên và môi trường thực hiện chuyển đổi số

 

Ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái phục vụ điều tra dữ liệu TN&MT

Thiết bị máy bay không người lái phục vụ công tác đo đạc bản đồ, sản phẩm do các nhà khoa học của Viện Khoa học và Đo đạc bản đồ chế tạo đã được ứng dụng rộng rãi thời gian qua.

Đây là kết quả của đề tài Nghiên cứu thiết chế tạo hệ thống UAV bầy đàn và xây dựng phần mềm điều khiển bay chụp ảnh, quét lidar phục vụ công tác tự động, tối đa hóa khả năng thu thập dữ liệu địa không gian, góp phần điều tra dữ liệu TN&MT.

Thạc sĩ Lưu Hải Âu - Giám đốc Trung tâm Tin học Trắc địa và Bản đồ, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, các thiết bị máy bay không người lái (UAV) được nhóm nghiên cứu tận dụng từ thân vỏ của thiết bị bay mô hình, sau đó tự phát triển phần mềm dựa trên nhu cầu thực tế của ngành Đo đạc Bản đồ.

10082022-may bay 1Thiết bị bay không người lái phục vụ điều tra dữ liệu TN&MT được thiết kế bởi các nhà khoa học của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ

Theo đó, hiện nay việc sử dụng thiết bị UAV và xuồng không người lái (USV) chuyên dụng để bay chụp và đo đạc thành lập bản đồ trên cạn và dưới nước được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Tính ưu việt của các giải pháp này là cơ động, kinh tế, an toàn lao động, phù hợp với các khu đo có diện tích nhỏ và trung bình nếu đo trên diện tích nhỏ. Nhưng trên diện tích lớn, đòi hỏi thời gian nộp sản phẩm nhanh thì quy trình sử dụng thiết bị không người lái chưa được tối ưu.

Ông Lưu Hải Âu cũng cho biết, cuối tháng 2 năm 2022, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thực tế bay quét lidar trên UAV thành lập bản đồ địa hình tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Với 4 thiết bị UAV bay 20 km trên diện tích 4.000 ha, nhóm nghiên cứu chỉ thực hiện trong 1 ngày với 5 giờ bay chụp và quét lidar đồng thời. Nếu bay độc lập như trước đây sẽ cần thời gian 10 ngày, đó là chưa kể phụ thuộc thời tiết mưa, gió lớn không bay được. Đặc biệt, dàn UAV này chỉ cần 1 người vận hành, toàn bộ dữ liệu sẽ được tự động gửi về hệ thống theo thời gian thực.

10082022-may bay 2Thạc sĩ Lưu Hải Âu (phải) giới thiệu thiết bị UAV tại triển lãm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hiện nay, Ngành đo đạc bản đồ dân sự Việt Nam chưa từng nhập hệ thống UAV chuyên dụng bay theo bầy đàn để thực hiện các nhiệm vụ đo bản đồ, vì kinh phí rất lớn và cũng chưa có hãng nào bán. Vì vậy, thiết bị UAV bay kiểu riêng lẻ (có khả năng bay kết hợp kiểu bày đàn) được nhóm chế tạo thành công có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị UAV bay kiểu riêng lẻ nhập ngoại. Sản phẩm góp phần giải quyết bài toán thi công đo đạc bản đồ và điều tra dữ liệu tài nguyên và môi trường cho các khu vực, trong đó đặc biệt là các vùng khó khăn: Biên giới, hải đảo, vùng biển, sông suối giáp ranh, chồng lấn và vùng có địa hình chia cắt con người không tiếp cận được.

Theo ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, công nghệ bay chụp UAV có nhiều ưu thế như chi phí vận hành thấp, cho phép thu nhận dữ liệu nhanh, thường xuyên, chi tiết, độ chính xác cao và dễ dàng tạo dữ liệu 3D sẽ mở ra nhiều ứng dụng mới trong công tác giám sát, thu nhận dữ liệu, thành lập bản đồ địa hình ở Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật để phát triển công nghệ này trong nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, do ngày càng được ứng dụng rộng rãi cho nên việc ban hành các văn bản hành chính liên quan đến ứng dụng công nghệ UAV trong công tác thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn cần được quan tâm hơn.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái phục vụ điều tra dữ liệu TN&MT

 

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia: Triển khai hiệu quả công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh nguồn nước

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc và bảo vệ tài nguyên nước trong phạm vi cả nước, cung cấp các dịch vụ công về tài nguyên và môi trường. Trong gần 15 năm xây dựng và phát triển (2008 – 2022), Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, ngày càng vững mạnh trong công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quan trắc, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm được quy định tại Quyết định số 1027/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2008, và được cập nhật bổ sung chức năng nhiệm vụ tại các Quyết định số 816/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 5 năm 2009, Quyết định số 1168/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 7 năm 2013, Quyết định số 1268/QĐ-BTNMT, ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia gồm 06 phòng Ban thuộc khối Cơ quan Trung tâm, 03 Liên đoàn đóng tại các địa bàn trọng yếu Bắc, Trung, Nam và 04 Trung tâm thành viên.
Về công tác Quy hoạch tài nguyên nước
Căn cứ Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã xây dựng Đề án “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh” để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2014. Năm 2015, Trung tâm được Bộ giao lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Srêpok và lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng.

Trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng. Trung tâm đã tập trung nguồn lực, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng hoàn thành lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2016. Năm 2017, Trung tâm đã triển khai Lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long.

01 2Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày báo cáo tổng quan lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình

Năm 2021, Trung tâm đã thực hiện xong 03 Nhiệm vụ lập Quy hoạch và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng  thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1969/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021, “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 2138/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2021, “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2021. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng  thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 Hiện nay, Trung tâm đang triển khai thực hiện 02 Dự án “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ngoài các nhiệm vụ Bộ giao, Trung tâm đã phối hợp lập quy hoạch tài nguyên nước cho hơn 30 tỉnh, thành phố. Kết quả quy hoạch đã giúp các địa phương định hướng khai thác, sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước.
 Về công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước
Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước của Trung tâm được xem là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm và được triển khai thực hiện tương đối sâu rộng và đồng bộ trong Trung tâm, ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về mọi mặt, trong đó nổi bật là: Điều tra bổ sung và biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc. Trung tâm đã hoàn thành công tác biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 và tổng hợp, xây dựng hồ sơ, sản phẩm kết quả điều tra, đánh giá cho 52 tỉnh, thành phố. Các kết quả của dự án giúp định hướng quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng các kế hoạch dài hạn về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000 trên một số lưu vực sông lớn, liên tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm. Trung tâm đã hoàn thành đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất trên diện tích 15 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả; lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn; vùng thủ đô Hà Nội, vùng vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ, lưu vực sông Lô- Gâm, bắc Sông Tiền…

anh-3Kiểm tra lỗ khoan thuộc Dự án “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện

Công tác điều tra, đánh giá phục vụ cung cấp nước cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số khu vực phía Bắc. Điều tra, đánh giá nguồn nước tại các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng cao nguyên đá thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; 05 đảo và cụm đảo Thanh Lân, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh; đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; đảo Hòn Tre, Hòn Chuối, tỉnh Kiên Giang và 40 vùng sâu thuộc 10 tỉnh Nam Bộ để phục vụ trực tiếp nhu cầu cấp nước của cộng đồng dân cư tại nhiều vùng lãnh thổ, góp phần ổn định chính trị xã hội, giữ vững an ninh và phát triển kinh tế.
Trung tâm đã và đang triển khai thực hiện Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước” (thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước) để phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Dự án số 1 được Trung tâm triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay và đã tìm kiếm được nhiều nguồn nước dưới đất, xác định được trữ lượng, chất lượng và lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tại nhiều vùng trên cả nước. Từ những kết quả đạt được, năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 02 Hội nghị bàn giao các sản phẩm Giai đoạn I của Dự án cho 02 Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNN, Bộ Khoa học và Công nghệ) và 29 tỉnh (Đợt 1 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ kỹ thuật và hiện trạng 08 cụm giếng khoan cho tỉnh Bạc Liêu để địa phương có kế hoạch sớm đưa các nguồn nước phục vụ cấp nước cho nhân dân. Đợt 2 tại Ngày Nước thế giới 2019 đã bàn giao 108 vùng cho Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và 10 tỉnh phía Bắc).
Đồng thời, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ xây dựng để triển khai thực hiện dự án Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Về công tác bảo vệ tài nguyên nước

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006, Trung tâm đã hoàn thành triển khai Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” (giai đoạn I gồm 09 đô thị là: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Buôn Mê Thuật, Quy Nhơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho; Giai đoạn II gồm 08 đô thị là: Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Cà Mau, Rạch Giá, Long Xuyên, Bạc Liêu). Đây là một Đề án lớn, trọng điểm được Bộ giao cho Trung tâm chủ trì thực hiện. Đề án đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng công việc đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ đã đặt ra. Kết quả của Đề án đã đánh giá đầy đủ về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất ở 17 đô thị, đồng thời đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho 17 đô thị. Đề án đã làm sáng tỏ được cấu trúc địa chất thủy văn, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước ở 17 đô thị. Đề án cũng đã đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, đảm bảo cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của từng đô thị. Đề án đã thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất, đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất tại 08 đô thị. Kết quả thực hiện Đề án đã xác định được từng vấn đề cụ thể cần phải bảo vệ ở mỗi đô thị. Trên cơ sở đánh giá chi tiết nguồn nước dưới đất và các vấn đề cụ thể cần phải bảo vệ ở mỗi đô thị, Đề án đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở 17 đô thị. Đây sẽ là sản phẩm phục vụ hữu ích cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở các đô thị trong thời gian tới.

anh-2 1Chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sử dụng máy khoan tự hành nằm trong Gói thầu số 5: Máy khoan thuộc Dự án “Tăng cường năng lực trang thiết bị phục vụ thi công các công trình nghiên cứu, điều tra quy hoạch tài nguyên nước cho lĩnh vực tài nguyên nước”

Trong đó, Trung tâm cũng đã hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA về Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm ở các khu đô thị tại Việt Nam (thực hiện ở một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ) và Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực bán đảo Cà Mau).
Về công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong lĩnh vực tài nguyên nước

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TNMT tại Công văn số 1696/BTNMT-TNN ngày 01/4/2020 về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về điều tra, tìm kiếm nguồn nước; tổng hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và báo cáo Bộ danh sách các điểm có khả năng cung cấp nước; báo cáo Bộ kết quả triển khai các điểm nguồn cấp nước khẩn cấp chống hạn, mặn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Trung tâm đã phối hợp với các tỉnh trong vùng hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời hỗ trợ và tổ chức bàn giao 13 công trình cấp nước miễn phí tại 09 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Kon Tum.

anh-1-4Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia kịp thời hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên

Có thể nói rằng, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, việc lắp đặt hệ thống nước sạch để cấp nước cho địa phương là việc làm hết sức có ý nghĩa, giúp người dân địa phương vượt qua những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, góp phần giải quyết bài toán thiếu nước của địa phương, giảm chi phí cho người dân, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. Việc làm này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ TNMT và chia sẻ những khó khăn với nhân dân trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết cực đoan. Đây cũng là những thành công mà Trung tâm QH&ĐTTNNQG gặt hái được trong nhiều năm nỗ lực điều tra, tìm kiếm nguồn nước.
Về công tác hợp tác quốc tế

Trung tâm đã đặc biệt quan tâm công tác hợp tác quốc tế và ngày càng mở rộng. Trong thời gian qua, Trung tâm đã chủ trì tổ chức được 26 Hội thảo khoa học trong nước, 06 Hội thảo quốc tế. Trung tâm đã và đang thực hiện 08 Dự án hợp tác quốc tế, tiêu biểu như: Ký thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm” do Đức tài trợ; Hội thảo tổng kết dự án IGPVN do Đức tài trợ; Hội thảo quốc tế pha 2 trong khuôn khổ Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam, dự án thí điểm tại lưu vực sông Đồng Nai” do Pháp tài trợ…

05-anh-5-11Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế lần thứ IV “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” – VACI 2015

06-anh-5-10

anh-5-1Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”

Đặc biệt, Trung tâm đã tổ chức thành công 07 kỳ Hội thảo, Triển lãm quốc tế lần VACI thường niên từ năm 2013 đến năm 2019. Hội thảo và Triển lãm quốc tế đã nhận được sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội thảo đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị trong nước, quốc tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vị thế lĩnh vực tài nguyên nước của Việt Nam.
Hiện nay, Trung tâm đã và đang thực hiện hiệu quả 08 Dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu như: Dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị Việt Nam” (IGPVN) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ; Dự án hợp tác với Pháp “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam, dự án thí điểm tại lưu vực sông Đồng Nai”; Dự án hợp tác với Phần Lan “Phát triển và thực hiện các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở các vùng ven biển ở Việt Nam (VIETADAPT)”…
Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở rộng hợp tác với các tổ chức thuộc 16 quốc gia (Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bỉ, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Đức, Phần Lan, Hoa Kỳ); phối hợp với nhiều trường đại học, tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia tổ chức các buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm và các khóa tập huấn ngắn ngày nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường kiến thức chuyên môn và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Về công tác tham gia xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước

Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành 16 Thông tư về lĩnh vực tài nguyên nước và đang xây dựng dự thảo 01 Thông tư dự kiến trình Bộ ban hành năm 2022. Các Thông tư trên đều đạt yêu cầu, có chất lượng, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiệu quả hơn và phục vụ cho công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quan trắc, bảo vệ tài nguyên nước.

sodoSơ đồ tổ chức Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia

Trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển Trung tâm, với truyền thống trên 45 năm hoạt động, với lực lượng nhân lực hùng hậu, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo trong và ngoài nước. Kết hợp với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đa dạng, năng lực tài chính vững chắc, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, vững mạnh trong công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quan trắc, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia: Triển khai hiệu quả công tác quy hoạch và điều tra tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh nguồn nước

 

Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 231/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

download-16596965433301883233509

Thông báo nêu rõ: Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cả công việc trước mắt cũng như công việc mang tính lâu dài. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26… Xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; đã tổ chức triển khai cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; thành lập Nhóm làm việc đàm phán về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với một số đối tác phát triển; rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Nhiều Bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, tích cực trao đổi với nhiều tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn lực triển khai thực hiện cam kết.

Các địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành, bước đầu đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết tại Hội nghị COP26, nhất là đánh giá, khảo sát chuyển đổi năng lượng, làm rõ những thế mạnh của địa phương, những nhiệm vụ phải triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hành động ngay với các dự án phát triển xe điện, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro xanh, sản xuất năng lượng sinh khối…

Công tác truyền thông đã được tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; đồng thời khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.

6 quan điểm triển khai

Để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ban chỉ đạo đã thống nhất bổ sung, làm rõ các quan điểm, chủ trương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26:

Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ tư, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Thứ năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường cacbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước để thúc đẩy, kích hoạt việc thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Với quan điểm trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu trọng tâm. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26 của các Bộ, ngành, cơ quan, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đề xuất lộ trình áp dụng thuế cacbon, các loại thuế khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách khuyến khích phát triển, chuyển giao công nghệ và ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng; đề xuất giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị phục vụ chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh.

Khuyến khích chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Về tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, Ban Chỉ đạo thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Đề án, trong đó chú ý nêu bật những kết quả đã thực hiện, đồng thời nêu rõ nhu cầu hỗ trợ cụ thể của mỗi Bộ, ngành để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đề xuất yêu cầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Về đàm phán Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với những nội dung chính về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đàm phán với các đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thế giới; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức một cách hiệu quả nhất. 

Các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thành trước ngày 15/8/2022 các báo cáo về chuyển đổi công bằng, công lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, bao gồm: Chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới các doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, hoàn thành trong tháng 9/2022.

Bảo đảm giá mua bán điện hợp lý

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về những bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và góp phần thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển và đất liền trên phạm vi cả nước.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua bán điện hợp lý theo đúng quy định của pháp luật điện lực, pháp luật giá và pháp luật có liên quan; nghiên cứu ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án tăng cường đội ngũ cán bộ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp, các ngành, theo hướng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo không tăng tổng biên chế…

Theo nguồn Chinhphu.vn

Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

 
Trang 12345678910

Trang 9 trong tổng số 17 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay262
mod_vvisit_counterTrong tuần2171
mod_vvisit_counterTrong tháng27264
mod_vvisit_counterTất cả4089697

We have: 4 guests online