The News

Cơ hội giúp thế giới giải “cơn khát” nước sạch

Nước bao phủ hơn 2/3 bề mặt của Trái đất, nhưng chỉ một phần rất nhỏ nước ngọt có sẵn để sử dụng. Đến năm 2030, nhu cầu nước ngọt trên toàn cầu được dự báo sẽ vượt nguồn cung tới 40%. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch trên toàn cầu.

Trong một bài viết được đăng tải trên Tạp chí The Business Times, ông Justin Winter – người đồng quản lý danh mục đầu tư thuộc Quỹ BNP Paribas Aqua cho rằng, sự mất cân bằng giữa cung và cầu nguồn nước là do nhiều yếu tố tác động, trong đó có biến đổi khí hậu, đô thị hóa, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và ô nhiễm. Đồng thời, công nghệ đổi mới sáng tạo cũng góp phần vào thách thức này.

concern-rs75206-kenya-water-truck.jpgNgười dân chờ lấy nước uống từ một xe bồn chở nước di động

Chất bán dẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế hiện đại, nhưng thực tế ít được biết đến là hoạt động sản xuất chất bán dẫn sử dụng rất nhiều nước. Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tiêu thụ khoảng 1,2 triệu mega lít nước mỗi năm. Mỗi công đoạn – từ sản xuất chip đến đánh bóng, làm sạch và làm mát – đều cần đến nước. Đặc biệt, nước siêu tinh khiết rất quan trọng để duy trì độ sạch của chip.

Nông nghiệp cũng là lĩnh vực có cường độ sử dụng nước cao, chiếm 70% lượng nước ngọt được sử dụng trên toàn cầu. Đối với lĩnh vực này, các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo như tưới tiêu thông minh được tích hợp công nghệ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước và năng suất cây trồng. Các ứng dụng này cũng được mở rộng ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp đến những lĩnh vực khác, như không gian xanh đô thị.

Cơ hội trong toàn bộ chuỗi giá trị nước

Ông Justin Winter nhận định: “Là những nhà đầu tư tích cực, chúng tôi xác định cơ hội trong toàn bộ chuỗi giá trị nước, bao gồm cơ sở hạ tầng, phương pháp xử lý, tính hiệu quả và các tiện ích về nước”.

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng nước rất quan trọng, gồm nhiều dự án và hợp phần. Từ các đường ống, máy bơm và van chuyên dụng hỗ trợ truyền nước đến việc thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, như nỗ lực truyền tải nước liên vùng và quy hoạch phòng chống lũ lụt, lĩnh vực này mang đến nhiều cơ hội đầu tư đa dạng.

Tiếp đến là phương pháp xử lý nước, tính hiệu quả và công tác kiểm tra. Các nhà đầu tư có thể khám phá những dịch vụ và sản phẩm cho phép xử lý nước bằng hóa chất hoặc không dùng hóa chất, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước và các sản phẩm hỗ trợ kiểm tra chất lượng nước.

Cuối cùng, tiện ích về nước là một phân khúc quan trọng để đầu tư. Các công ty cấp nước cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nước sạch, quản lý nước thải và dịch vụ thoát nước. Những công ty này được quản lý chặt chẽ, mang lại thu nhập tương đối cao ngay cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế, miễn là họ đáp ứng được các mục tiêu hoạt động.

Đo lường tác động môi trường

Bên cạnh cơ hội trong toàn bộ chuỗi giá trị nước, đo lường tác động môi trường cũng là một chủ đề hấp dẫn đối với những chủ sở hữu tài sản muốn đo lường tác động môi trường của các khoản đầu tư, và sự phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cụ thể của Liên hợp quốc tập trung vào nước sạch và vệ sinh.

Ví dụ điển hình là George Fischer – công ty ở Thụy Sĩ đã tìm cách đảm bảo cung cấp nước uống không bị rò rỉ và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Một trong những dự án mới nhất của George Fischer ở thành phố Sao Paulo, Brazil đã giúp thành phố này tiết kiệm 75 tỷ lít nước hàng năm, bằng cách thay thế 760km mạng lưới đường ống.

Với sự đầu tư vào tài nguyên nước, có rất nhiều công ty để lựa chọn, mang đến sự kết hợp giữa các cơ hội bảo đảm và định hướng tăng trưởng. Một mặt, các công ty cấp nước chuyên cung cấp nước đô thị, ít biến động hơn và có tiềm năng thu được cổ tức cao hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý nước, các giải pháp hiệu quả và cơ sở hạ tầng thường thuộc những ngành công nghiệp có tính chu kỳ.

Bằng cách lựa chọn cẩn thận trong số các công ty niêm yết liên quan về nước, các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ danh mục đầu tư cân bằng giữa các doanh nghiệp có khả năng phục hồi kinh tế và các doanh nghiệp có định hướng tăng trưởng hơn.

Trong khi đó, ông Justin Winter kết luận, những thách thức do biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và các vấn đề ô nhiễm, cũng như nhu cầu gia tăng từ dân số ngày càng phát triển và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nước mới nổi, sẽ tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Cơ hội giúp thế giới giải “cơn khát” nước sạch

 

Khủng hoảng nước

Nhiều thành phố lớn trên thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng trong những năm gần đâyChạy dọc theo các con đường đầy bụi ở vùng nông thôn Mount Airy của Jamaica, rất dễ nhìn thấy hàng chục chiếc thùng nước màu đen cao 2 m được nối với ống nước thông lên mái nhà của các căn nhà lân cận. Những thùng nước này được dùng để đựng nước mưa và thông qua một hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, đưa nước đến các cánh đồng trồng cà chua, tiêu và khoai lang gần đó. Ở một khu vực mà hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên, do tác động của biến đổi khí hậu, những thùng nước này đã trở thành phao cứu sinh của các hộ nông dân tại đây. “Lượng mưa ngày càng ít đi và khó đoán trước. Có được hệ thống thu gom nước mưa như vậy thật là tốt”, Althea Spencer, một nông dân ở khu vực này, cho biết.

Hệ thống thu thập nước mưa ở Mount Airy nằm trong chương trình hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhằm quản lý nước bền vững hơn và tìm ra những nguồn nước mới, bằng việc áp dụng đa dạng các phương pháp từ lọc nước thải cho đến “gieo mây”. Những nỗ lực này ngày càng phổ biến trên toàn cầu trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc khuyến cáo thế giới đang tiến gần đến cuộc khủng hoảng nước, với dự đoán sẽ thiếu hụt 40% nguồn nước ngọt vào năm 2030.
Đó là lý do năm nay an ninh nguồn nước là một chủ đề quan trọng trên bàn nghị luận của kỳ họp thứ 6 Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA) diễn ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024. “Khan hiếm nước đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với ngày càng nhiều quốc gia”, Leticia Carvalho thuộc UNEP nhận xét.
2/3 dân số thế giới căng thẳng nguồn nước
Hiện tại, 2,4 tỉ người đang sống trong các quốc gia căng thẳng nguồn nước, được định nghĩa là các quốc gia sử dụng ít nhất 25% các nguồn tài nguyên nước ngọt tái tạo để đáp ứng nhu cầu về nước. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Nam và Trung Á, Bắc Phi. Tại Tây và Trung Phi, hồ nước ngọt Chad đã thu hẹp tới 90% trong 60 năm qua, gây ra những thách thức về an ninh và kinh tế cho các quốc gia xung quanh như Cameroon, Chad, Trung Phi, Libya, Niger và Nigeria.
Tại Tây Ban Nha, một số nơi đã không có mưa trong 3 năm, hạn hán dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn và thường xuyên hơn khi trái đất ngày càng nóng hơn. Các thành phố trên thế giới từ Cape Town ở Nam Phi cho đến Chennai ở Ấn Độ đều đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng trong những năm gần đây. Thậm chí các nước phát triển như Mỹ cũng chứng kiến mực nước giảm xuống mức thấp kỷ lục.

12.4.2

Cùng với biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng nước càng trầm trọng bởi tốc độ đô thị hóa không kiểm soát, tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm và mở rộng đất đai. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã và đang ảnh hưởng đến mọi thứ từ an ninh lương thực đến đa dạng sinh học và trong những năm tới sẽ còn trở nên thường xuyên hơn. Dự báo vào năm tới, 1,8 tỉ người sẽ đối mặt với cái mà Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) gọi là “khan hiếm nước tuyệt đối” (được định nghĩa là nguồn nước tái tạo dưới 500 m3/năm/người) và 2/3 dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng nguồn nước.

Xưa nay, hầu hết nước ngọt để uống và vệ sinh đều đến từ các tầng ngậm nước. Nhưng nhiều tầng ngậm nước đã cạn kiệt do khai thác quá mức, mùa khô và hạn hán kéo dài. Đây là rủi ro gia tăng cho các đảo quốc nhỏ, nơi nước ngọt ngày càng bị đe dọa bởi tình trạng nhiễm mặn khi mực nước biển dâng cao và các vùng đất bị thoái hóa chìm xuống.

Stefan Uhlenbrook, Giám đốc Thủy văn, Nước và Băng quyển tại Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhận định nhu cầu nước “đang vượt hơn lượng nước ngọt có sẵn và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm vấn đề này”. Ông nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm câu chuyện khan hiếm nước và những nguy hiểm liên quan đến nước từ lũ lụt cho đến hạn hán.

Mina Guli, CEO của Thirst, tổ chức phi lợi nhuận về các vấn đề nước, nhắc đến một nguy cơ lớn khác. “Đây không chỉ là thách thức môi trường mà còn là một rủi ro kinh tế và thương mại. Đó là rủi ro chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã không đánh giá được tầm quan trọng và quy mô của thách thức về nước mà chúng ta đang đối mặt”, Guli nói.

Lấy ví dụ về Bỉ, một trong những quốc gia tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng căng thẳng nước, theo Viện Tài nguyên Thế giới, dù nước này vẫn có mưa khá thường xuyên. Hiện tại, nguồn nước ngọt của Bỉ đang không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân cũng như của các ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Nông nghiệp và sản xuất lương thực đang là ngành sử dụng nhiều nước nhất, chiếm tới 70% lượng nước ngọt trong khi công nghiệp chiếm 20% và chỉ 10% cho nhu cầu nội địa, theo Uhlenbrook thuộc WMO. Guli của Thirst cũng đưa ra dẫn chứng về mức tiêu thụ nước khổng lồ của ngành nông nghiệp: để làm ra một bộ trang phục, cần lượng nước còn hơn cả một người uống trong 40 năm. Với sự khan hiếm nước đang diễn ra và sẽ còn trầm trọng hơn trong tương lai, các ngành công nghiệp và nông nghiệp sẽ ngày càng cảm thấy gian nan, Guli dự báo. Tại Pháp, thậm chí một số nhà máy điện hạt nhân đã phải tạm thời đóng cửa để giảm sản lượng điện do thiếu nước làm mát.Đối phó với khủng hoảng nước

Đối phó với khủng hoảng nước

Để giải quyết tình trạng khan hiếm nước toàn cầu, Carvalho của UNEP cho rằng các nhà làm chính sách ở những quốc gia khan hiếm nước cần phải suy nghĩ lại một cách triệt để các chính sách quy hoạch nước bằng cách tăng cường những phương pháp khai thác nguồn nước “không chính thống”. “Sử dụng hệ thống nước hiện có của chúng ta một cách hiệu quả hơn trong khi khai thác các nguồn nước không chính thống có tiềm năng to lớn giúp cải thiện cuộc sống và kế sinh nhai của người dân”, bà nói.

Chẳng hạn, tại một số khu vực nông thôn ở Chile và Peru, người dân ở đây đang thu thập nước lơ lửng trong không khí. Một số hệ thống như vậy sử dụng một loại lưới mịn để giữ lại những giọt sương mù nhỏ li ti và hút chúng vào một bể chứa.

Nhiều nơi cũng đang xem nước thải như một lời giải cho vấn đề căng thẳng nguồn nước. Báo cáo UNEP năm 2023 chỉ ra nước thải có thể cung cấp gấp hơn 10 lần lượng nước được cấp bởi các nhà máy khử muối hiện có trên thế giới. Tuy nhiên, một thực tế là chỉ 58% nước thải hộ gia đình được xử lý một cách an toàn. Nước thải thường không được tái sử dụng do lo ngại vấn đề lây nhiễm, vi nhựa và các thuốc kháng khuẩn. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng với các chính sách và công nghệ phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể cho nước thải “một cuộc đời khác”.

12.4.3

Những năm gần đây, các quốc gia đã bắt đầu ưa chuộng phương pháp khử muối, một quy trình tách muối khỏi nước muối và lọc thành nước uống. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, có 15.906 nhà máy khử muối đang hoạt động tạo ra khoảng 95 triệu m3 nước được khử muối mỗi ngày để phục vụ nhu cầu sử dụng của con người, trong đó 48% được sản xuất tại Tây Á và Bắc Phi. Sự phụ thuộc của thế giới vào công nghệ khử muối được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới.
Nhiều quốc gia như Bahamas, Maldives và Malta đều sử dụng phương pháp khử muối để đáp ứng 100% nhu cầu nước của họ và khoảng phân nửa nước uống của Ả Rập Saudi đến từ các nhà máy khử muối. Tuy nhiên, khử muối đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào hệ thống đường ống và máy bơm, trong khi nhiên liệu hóa thạch thường được sử dụng trong các quy trình khử muối lại tiêu tốn nhiều năng lượng trong khi góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Việc khử nước muối độc hại cũng gây ô nhiễm hệ sinh thái biển.
Trong công cuộc tìm kiếm nguồn nước mới, các quốc gia cũng đang tìm cách khai thác bầu khí quyển, ước tính chứa 13.000 km3 hơi nước. Ngày càng nhiều quốc gia đang thử nghiệm giải pháp “gieo mây”, một kỹ thuật “gieo” bạc iodide vào các đám mây để tạo mưa hoặc tuyết. Các quốc gia từ Úc đến Nam Phi đều đã đầu tư vào công nghệ này. Trung Quốc cũng đang đưa ra một trong những chương trình “gieo mây” tham vọng nhất thế giới.
Song song với việc tìm kiếm các nguồn nước ngọt mới, các chuyên gia khuyến nghị vấn đề quản lý nguồn nước hiệu quả hơn cần được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, như Guli nhận xét: “Một lượng lớn nước đang bị lãng phí. Nước không đến từ vòi mà đến từ một hệ sinh thái hiệu quả”.
Ở khía cạnh này, cơ hội lớn nhất nằm ở việc làm giảm thất thoát nước trong ngành nông nghiệp, chẳng hạn bằng cách đầu tư vào hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Các thành phố, vốn là nơi sinh sống của hơn 50% dân số thế giới, cũng phải ráo riết ngăn chặn tình trạng thất thoát nước như đường ống bị rò rỉ. Tại Mỹ, chẳng hạn, hơn 3.700 tỉ lít nước bị thất thoát hằng năm do hệ thống ống nước ở các hộ gia đình bị lỗi.
Cate Lamb, chuyên gia kinh tế học và rủi ro, an ninh nguồn nước, nhận định: “Nhìn chung, các công nghệ và giải pháp đã có rồi. Điều cần làm là phải triệt để chuyển đổi phương thức thực hành nông nghiệp của chúng ta. Chúng ta ần theo dõi, giám sát một cách nhất quán ở mọi cấp độ của nền kinh tế, từ cấp quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tài chính để đảm bảo không sử dụng nước nhiều hơn mức chúng ta có thể duy trì”.
Lamb cũng cho biết một tín hiệu tích cực là các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã bắt tay hành động. Một ví dụ là gần đây ngân hàng Tây Ban Nha BBVA đã cấp một khoản vay cho công ty điện lực Iberdrola với mức lãi suất sẽ được “neo” theo các chỉ số nước cụ thể.    
Đồng quan điểm, Carvalho thuộc UNEP cho rằng: “Các quốc gia cần phải sáng tạo hơn trong cách họ quản lý, bảo tồn và đảm bảo các nguồn nước trong những năm sắp tới. Sử dụng nước khôn ngoan và hài hòa với thiên nhiên là điều rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”

Nguồn: nhipcaudautu.vn

Khủng hoảng nước

 

Thái Lan: Bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ Hiến định

Hiến pháp 2007 của Thái Lan quy định “Bảo tồn và bảo vệ môi trường theo các nguyên tắc phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm do các chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hạnh phúc con người là trách nhiệm của nhà nước”. Do đó, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nước được coi là chiến lược then chốt của đất nước chùa vàng.

Hướng tiếp cận quản lý và thực thi
Có thể nói, Thái Lan đang tiên phong trong việc kiểm soát và quản lý ô nhiễm nước thông qua những hướng tiếp cận và biện pháp thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Trước hết, nước này ban hành các quy chuẩn xả thải và tiêu chuẩn nước mặt. Điều này bảo đảm rằng mọi nguồn nước đều tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giữ cho môi trường nước trong tình trạng sạch sẽ và an toàn. Tiếp đến, Thái Lan áp dụng nguyên tắc quản lý lưu vực để kiểm soát được nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung. Quy định đòi hỏi tất cả các công trình nhà ở phải trang bị hệ thống xử lý nước thải, từ các công nghệ hiện đại đến những giải pháp đơn giản như bể tự hoại.
Ngoài ra, đối với hướng tiếp cận liên quan đến tổng lượng nước thải phát sinh, các khu đô thị phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung, được cấp kinh phí để vận hành và duy trì. Đồng thời các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải và được kiểm soát.
Đối với việc quản lý lưu vực, Thái Lan hỗ trợ bảo vệ môi trường nước bằng cách giữ lượng chất ô nhiễm phát sinh ra môi trường trong khả năng của quá trình tự làm sạch của từng khu vực. Bên cạnh đó, đất nước chùa vàng cũng chú trọng đến biện pháp xây dựng đối tác công ty. Theo đó, Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCED) và các thống đốc tỉnh trong lưu vực sông ký thỏa thuận hợp tác để khôi phục nước mặt thông qua hiệp định lưu vực sông.

05.3 nn

Sông Chao Phraya, Thái Lan. Nguồn: ITN. ​​​​​​

Ngoài ra, để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước, Thái Lan còn ban hành Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia (NEQA 1992). Đây là đạo luật khung cơ bản về bảo vệ môi trường trong đó xác định quyền hạn và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường. Luật tập trung vào một số nội dung chính như: thành lập Quỹ môi trường để sử dụng cho việc giải quyết các vấn đề môi trường trong lĩnh vực ưu tiên; thành lập Chiến lược quản lý môi trường quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ để thực hiện kế hoạch và cho các địa phương chuẩn bị kế hoạch hành động; Quy định cho Ban Môi trường quốc gia (NEB) công bố các Vùng ô nhiễm (PCAs) hoặc các Vùng được bảo vệ môi trường và bảo tồn khi chứng minh được các yếu tố môi trường cần thiết đã bị ảnh hưởng; Thành lập Hội đồng kiểm soát ô nhiễm với sự tham gia của nhiều cơ quan cho các vấn đề kiểm soát ô nhiễm; Công nhận nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải chi trả"…
Phục hồi các dòng sông
Để phục hồi chất lượng nước của các dòng sông, Chính phủ Thái Lan thành lập các Ủy ban lưu vực sông chịu trách nhiệm lập quy hoạch, hình thành các dự án và triển khai kế hoạch phát triển lưu vực sông. Cục Kiểm soát ô nhiễm chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý chất lượng tất cả lưu vực sông ở Thái Lan.
Đối với lưu vực sông lớn, kế hoạch chỉ tập trung vào quản lý nước thải, ưu tiên xây dựng các cơ sở xử lý nước thải cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn (doanh nghiệp vừa và nhỏ), Chính phủ không có có quy định điều chỉnh mà ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để doanh nghiệp tuân theo với mục tiêu hạn chế tối đa nước thải của các cơ sở này gây ô nhiễm nước. Quy định hướng dẫn này đề cập đến việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải đơn giản, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đơn giản như bể lắng với chi phí thấp…
Ngoài ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm thành lập các tiêu chuẩn xả thải cho kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn điểm để đáp ứng với các tiêu chuẩn chất lượng nước xung quanh. Trong khi đó, Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia yêu cầu chủ sở hữu các nguồn ô nhiễm thiết kế quan trắc chất lượng xả thải và thu thập dữ liệu thống kế cũng như nộp các báo cáo. Nếu khả năng xử lý của các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn thì các chủ cơ sở có nhiệm vụ thay đổi hoặc nâng cấp công nghệ xử lý phù hợp với hướng dẫn của cơ quan kiểm soát ô nhiễm. Lệ phí, tiền phạt, trách nhiệm dân sự và các quy định hình sự được áp dụng nếu vi phạm được phát hiện hay các chủ nguồn thải không thực hiện đúng theo yêu cầu…
Box: Theo báo cáo vào năm 2021, 44% nguồn nước mặt ở Thái Lan có chất lượng nước ở mức khá, trong khi chỉ có 2% ở tình trạng rất tốt. Các nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nông nghiệp. Các vấn đề chính về chất lượng nước ở các con sông ở Thái Lan là suy giảm oxy hòa tan, cá chết, hàm lượng nitơ amoniac cao, vi khuẩn coliform cao (gây ra các bệnh về đường ruột) và hiện tượng phú dưỡng (là kết quả của việc ao, ngòi, sông, hồ tiếp nhận một lượng quá lớn các nguồn thải chứa các chất dinh dưỡng như nitơ và phospho, vượt quá khả năng tự điều hòa của hệ thống nước).
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Thái Lan: Bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ Hiến định

 

Thế giới ghi nhận những kỷ lục đáng lo ngại về nhiệt độ và băng biển

Theo báo cáo từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng thứ hai kỷ lục và băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục thứ 2 trong tháng 3 trong lịch sử.

Có ba cơn bão được đặt tên đã đạt đến sức mạnh xoáy thuận nhiệt đới lớn, trong đó có Freddy, cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và lũ lụt lớn ở Madagascar, Malawi và Mozamibique. Xoáy thuận nhiệt đới Freddy kéo dài đặc biệt ở Nam Ấn Độ Dương đã lập kỷ lục về năng lượng lốc xoáy tích lũy (ACE) lớn nhất, một thước đo tích hợp về cường độ, tần suất và thời gian của các cơn bão nhiệt đới.

Ủy ban chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang xem xét liệu Freddy có lập kỷ lục là cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất hay không.

Tháng 3 năm 2023 – mức nhiệt độ đáng lo ngại

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus do Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) điều hành và NOAA, tháng 3 năm nay là tháng 3 nóng thứ hai trên toàn cầu. Nhiệt độ trên mức trung bình ở miền Nam và miền Trung châu Âu và dưới mức trung bình ở hầu hết miền Bắc châu Âu.

Sự nóng lên toàn cầu đang khiến băng trên biển giảm và mực nước biển dâng cao

Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình trên một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Phi, Tây Nam nước Nga và hầu hết châu Á. Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình cũng xảy ra ở Đông Bắc Bắc Mỹ, Argentina và các nước láng giềng, một phần lớn ở Australia và ven biển Nam Cực.

090503

Ngược lại, trời lạnh hơn nhiều so với mức trung bình ở phía Tây và trung tâm Bắc Mỹ.

Biến đổi thủy văn rõ nét

Vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở dải từ Tây sang Đông Bắc trên khắp Bắc Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài châu Âu, vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở các khu vực của Mỹ, một số khu vực ở châu Á, vùng Sừng châu Phi, New Zealand, miền Bắc Australia, một phần miền Nam châu Phi và Brazil. Tại nhiều khu vực, lượng mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt.

Các khu vực trải qua tình hình khô hạn hơn mức trung bình trong tháng 3 năm nay bao gồm hầu hết Bán đảo Iberia, nơi có điều kiện thuận lợi dễ xảy ra cháy rừng, vòng cung Alpine, một số khu vực ở Trung Âu, phía Đông Balkan và bờ phía Tây Bắc của Biển Caspi.

Thời tiết hanh khô hơn mức trung bình ở Argentina, nơi đang trải qua hạn hán kéo dài, miền Nam Australia, Tây Nam châu Phi và một phần châu Á. Trong nhiều trường hợp, những điều kiện thời tiết này có liên quan đến nhiệt độ nóng hơn mức trung bình.

Phạm vi băng biển giảm mạnh ở nhiều nơi

Phạm vi băng biển ở Nam Cực chạm mức thấp thứ hai trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, ở mức 28% dưới mức trung bình, sau mức thấp kỷ lục vào tháng 2. Phạm vi băng biển thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở tất cả các khu vực của Nam Đại Dương.

Trong khi đó phạm vi băng biển ở Bắc Cực thấp hơn 4% so với mức trung bình, xếp hạng thấp thứ 4 trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, nhưng cũng gần với 3 mức độ thấp nhất.

Trái ngược với phạm vi băng biển chủ yếu dưới mức trung bình ở các khu vực khác của Bắc Băng Dương, phạm vi băng trên biển cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Biển Greenland.

Bản tin khí hậu hàng tháng của Copernicus cho thấy những thay đổi về nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu, lớp băng trên biển và các biến số thủy văn. Tất cả những phát hiện này đều dựa trên các phân tích được tạo ra từ máy tính bằng cách sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và các trạm thời tiết trên khắp thế giới.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Thế giới ghi nhận những kỷ lục đáng lo ngại về nhiệt độ và băng biển

 

Nhật Bản chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Để kế hoạch được triển khai, Ủy ban Năng lượng nguyên tử sẽ phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để nhận được sự đồng ý về việc xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.

36rgyruffjnuhjeg6cgg4mtnkmCác bể nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản.

Ngày 22/7, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, ra biển.

 

Trước đó, hồi tháng 5, ủy ban trên đánh giá nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý có chứa hàm lượng triti rất nhỏ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và đã chấp thuận kế hoạch xả thải ra biển do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đề xuất.

 

Theo quy trình, cơ quan này đã tiến hành lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng tính tới ngày 17/6. Sau khi xem xét 1.233 ý kiến, Ủy ban đã chính thức phê duyệt kế hoạch trong cuộc họp ngày 22/7.

 

Tuy nhiên, để kế hoạch được triển khai, cơ quan này sẽ phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để nhận được sự đồng ý về việc xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.

 

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

 

Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.

 

TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất Triti không thể phân tách.

 

Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và đến tháng tháng 5/2022 đã đạt 1,3 triệu tấn, gần đạt sức chứa tối đa là 1,37 triệu tấn.

Theo nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

Nhật Bản chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

 
Trang 1234

Trang 1 trong tổng số 4 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay361
mod_vvisit_counterTrong tuần3106
mod_vvisit_counterTrong tháng28199
mod_vvisit_counterTất cả4090632

We have: 3 guests online