Ngày 27/8, tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Tonga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra báo động khẩn cấp về tình trạng mực nước biển ở khu vực này đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Thực trạng này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu công bố tại hội nghị.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Người đứng đầu LHQ cho biết ông đến dự hội nghị để "phát tín hiệu SOS toàn cầu - hãy cứu lấy biển của chúng ta - vì mực nước biển tăng nhanh". Ông nhấn mạnh "một thảm họa toàn thế giới đang đặt Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm".
Các đảo quốc Thái Bình Dương dân cư thưa thớt và có ít ngành công nghiệp nặng, tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu của khu vực này chiếm chưa đến 0,02% lượng phát thải toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, khu vực gồm các đảo núi lửa và đảo san hô ở vị trí thấp này cũng nằm trong một hành lang nhiệt đới bị đe dọa do sự xâm lấn của đại dương.
Theo dõi các máy đo thủy triều được lắp đặt trên các bãi biển nổi tiếng của Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 1990, Tổ chức Khí tượng thế giới phát hiện rằng mực nước biển ở một số khu vực của Thái Bình Dương đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua, trong khi mực nước dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm.
Một số địa điểm, đặc biệt là ở Kiribati và quần đảo Cook, mực nước biển dâng bằng hoặc thấp hơn chút ít so với mức trung bình toàn cầu. Nhưng ở các địa điểm khác như các thành phố thủ đô của Samoa và Fiji, mực nước dâng cao gần gấp ba lần.
Tại Tuvalu, quốc đảo nằm ở vùng trũng của Thái Bình Dương, đất khan hiếm đến mức trẻ em sử dụng đường băng tại sân bay quốc tế làm sân chơi tạm thời.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, trong một số kịch bản dù chỉ ở mức vừa phải, Tuvalu có thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ trong vòng 30 năm tới. Bộ trưởng Khí hậu Tuvalu Maina Talia cho rằng trước thực trạng thảm họa nối tiếp thảm họa, các nước đang mất đi khả năng tái thiết, chống chọi với bão lũ. Ông Maina Talia nhấn mạnh đây là vấn đề sống còn đối với các quốc đảo như Tuvalu.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với các đảo quốc Thái Bình Dương và giảm ô nhiễm khí hậu là yếu tố then chốt đối với tương lai của khu vực này. Đặc biệt, khu vực Nam Thái Bình Dương được cảnh báo về mối đe dọa do mực nước biển dâng.
Theo Liên hợp quốc, phần lớn người dân khu vực này sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển. Mực nước biển dâng cao đang nuốt chửng đất đai khan hiếm và làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và nguồn nước.
Tình trạng nước biển ấm lên cũng đang thúc đẩy các thảm họa thiên nhiên dữ dội hơn, trong khi quá trình axit hóa đại dương đang dần giết chết các rạn san hô nuôi dưỡng các chuỗi thức ăn quan trọng ở biển.
Nguồn: baotintuc.vn
|
Ngày 19/8, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật tài nguyên nước 2023) và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, với tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt 80.555MW, trong đó tổng công suất thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%.
Các công trình thuỷ điện có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, tưới tiêu phục vụ nhu cầu của người dân và phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện. Vì vậy, việc vận hành các công trình thuỷ điện an toàn, hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đúng quy trình, quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng, đây cũng trách nhiệm và nghĩa vụ của EVN nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng, được lãnh đạo EVN quan triệt, chấp hành nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Luật Tài nguyên nước năm 2023 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với mục tiêu quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, trong đó có các Nhà máy thuỷ điện trong và ngoài EVN về việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
“Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết hệ thống pháp luật mới trong lĩnh vực tài nguyên nước; đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý, các chuyên gia giải đáp, hướng dẫn trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật về tài nguyên nước cho các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước trình bày các chuyên đề chính như sau: Giới thiệu luật tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu nội dung cơ bản của Luật tài nguyên nước 2023
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật tài nguyên nước 2023, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ 01/7/2024) đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam.
Đáng chú ý, luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, đã được cụ thể hóa qua những điểm mới như sau: (1) Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; (2) Bảo đảm An ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quản lý tài nguyên nước, xây dựng Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành; (3) Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước; (4) Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; (5) Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; (6) Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; (7) Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”; (8) Nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước; (9) và một số điểm mới quan trọng khác như: ngưỡng khai thác nước dưới đất; phân vùng chức năng nguồn nước; phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ; lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp,....
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương cũng giới thiệu và nhấn mạnh những điểm mới của Luật tài nguyên nước 2023 so với những quy định của pháp luật về tài nguyên nước trước đây liên quan đến công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện.
Quang cảnh Hội thảo
Trong đó, tại Chương IV - Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã bổ sung quy định xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3, Điều 35): Hằng năm, Bộ TN&MT xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên cơ sở số liệu do các Bộ và địa phương cung cấp. Căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ, địa phương chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước (khoản 6, Điều 35). Đối với lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 7, Điều 35); …
Luật tài nguyên nước 2023 cũng quy định rõ hơn về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (Điều 38): Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải được xây dựng, ban hành hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực; quy định trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực (khoản 4); Bộ TN&MT lập danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa; xây dựng, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp các Bộ, UBND tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa đề nghị điều chỉnh thì phải xây dựng phương án gửi Bộ TN&MT thẩm định (điểm a, khoản 7, Điều 38); Quy định xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa (khoản 9, Điều 38);
Bên cạnh đó, Luật tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung điều mới quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 41); Bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 42). Trong đó, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quyền được tạm dừng có thời hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước; được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khi bị cắt giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn giấy phép. Đồng thời, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ cắt, giảm hoặc tăng lượng nước khai thác hoặc điều chỉnh chế độ vận hành, khai thác nước của công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ hạn ngạch khai thác tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước quy định;…
Luật tài nguyên nước 2023 cũng quy định, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước (khoản 1, Điều 50); Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình đập, hồ chứa và quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa (khoản 2, Điều 50); Việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa và các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Việc vận hành đập, hồ chứa trên sông, suối còn phải bảo đảm các yêu cầu cắt, giảm lũ cho hạ du, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan và bảo đảm các nguyên tắc theo quy định (khoản 5, Điều 50);
Cùng với đó, Luật tài nguyên nước 2023 cũng có quy định về khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (khoản 7, Điều 50); Quy định việc nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 8, Điều 50); Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc quan trắc và lắp đặt thiết bị đo đạc được kiểm định, hiệu chuẩn; quy định về di chuyển trạm quan trắc (điểm c, d, khoản 1, Điều 51); bổ sung trách nhiệm cập nhật, kết nối, truyền dữ liệu quan trắc vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để phục vụ giám sát việc khai thác tài nguyên nước (điểm b, khoản 2, Điều 51);…
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc của các đại biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục cũng đã giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc của các đại biểu trong quá trình triển khai, thực thi Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; đặc biệt là những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện.
TS Trịnh Quang Toàn giới thiệu chuyên đề "Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực"
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.
Tác giả bài viết: DWRM
|
Nước sông Nhuệ đen đặc, ô nhiễm nghiêm trọng
Để giải cứu các dòng sông “chết”, Bộ TN&MT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Uỷ ban lưu vực sông để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ, ngành. Các Uỷ ban lưu vực sông này có vai trò điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi các dòng sông “chết”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phục hồi các dòng sông ô nhiễm một cách đơn lẻ, cục bộ mà chưa có giải pháp tổng thể.
Một số phương án phục hồi các dòng sông đã được đặt ra ví dụ như việc đầu tiên cần bắt tay vào thu gom, xử lý triệt để nước thải sinh hoạt từ khu dân cư. Đồng thời thu gom cả nước thải ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp phát sinh từ phân bón, thuốc trừ sâu… Sau đó sẽ đến khâu tạo nguồn dòng chảy cho dòng sông.
Để làm được việc này, ông Châu Trần Vĩnh cho rằng, cần phải đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực. Bởi vì việc phục hồi dòng sông "thành" hay "bại" chính là cơ chế để vận hành. Việc xây dựng một công trình thu gom, xử lý nước thải, trạm bơm tiếp nước không khó nhưng để duy trì nó thì cần phải có cơ chế rõ ràng cho nhà đầu tư tham gia xử lý, vận hành.
Hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang trình Bộ TN&MT đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025, nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5-7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.
Theo đó, Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ có hai phương án, một là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, rồi sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội.
Hướng thứ hai sẽ làm chương trình tổng thể trên toàn quốc đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, hai phương án trên, phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và lựa chọn phương án nào sao cho phù hợp để triển khai là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm chung tay xử lý nước thải đồng bộ và xử lý dòng chảy lưu thông.
Một giải pháp nữa để phục hồi các dòng sông “chết” đó là việc quản lý các dòng sông phải theo lưu vực chứ không thể theo địa bàn hành chính. Vì vậy, Khi Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, Bộ TN&MT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông gồm: sông Hồng - Thái Bình, sông sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ và sông Mê Công để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh và các bộ, ngành.
Mỗi một Ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là Tiểu ban nằm trong Ủy ban lưu vực sông. Dự kiến, trong Uỷ ban lưu vực sông có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo đồng bộ, liên tục, vận hành, điều phối liên ngành chứ không còn là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
|
Thủ đô của Đức đang gặp vấn đề với nhiệt độ tăng cao và hạn hán. Vì vậy, Berlin đã nghiên cứu các giải pháp thu thập và lưu trữ nước mưa để biến thành một thành phố bọt biển.
Một bể chứa ngầm đang được thi công tại Berlin. Ảnh: DW
Berlin nằm ở vùng khô hạn của Đức và nguồn cung cấp nước là chủ đề nóng của thành phố vào mỗi mùa hè. Đó là lý do Berlin đang áp dụng các biện pháp để hấp thụ và lưu trữ nước mưa như một miếng bọt biển, đồng thời giải phóng nước khi cần.
Bước đầu tiên là xây dựng một số bể ngầm khổng lồ. Các bể ngầm hoạt động như những “bãi tập kết” nước thải. Khi trời mưa, nước từ khu vực xung quanh đổ dồn về bể và sau đó được bơm đến nhà máy xử lý.
Chín trong số các cơ sở này đã hoàn thành. Bể chứa nước thải lớn nhất trong nội thành vẫn đang được xây dựng. Nó có độ sâu 30 mét dưới lòng đất và sẽ chứa gần 17.000 mét khối nước mưa sau khi hoàn thành vào năm 2026. Con số này tương đương với gần bảy bể bơi kích thước tiêu chuẩn Olympic.
Khi có mưa lớn và hệ thống thoát nước của Berlin đứng trước nguy quá tải, nước dư thừa sẽ được lưu trữ trong các bể chứa. Sau đó, nước được bơm vào một nhà máy lọc nước trước khi được xả trở lại kênh đào và sông ngòi của Berlin khi mưa tạnh.
Người phát ngôn công ty cấp nước BWB của Berlin, bà Astrid Hackenesch-Rump cho biết điều này sẽ ngăn phân và nước thải tràn vào sông Spree. BWB chịu trách nhiệm cung cấp nước uống cho Berlin, cũng như quản lý và xử lý nước thải trên toàn thành phố.
Bà Hackenesch-Rump tiết lộ: "Động lực thúc đẩy chương trình này không chỉ là hạn hán và bảo tồn tài nguyên, mà còn ngăn ngừa tình trạng tràn nước thải".
Tình trạng tràn thường xảy ra trong các hệ thống thoát nước thải kết hợp, nơi nước mưa “nhập dòng” với nước thải sinh hoạt trong cùng một mạng lưới đường ống. Các hệ thống này được thiết kế để dẫn toàn bộ nước thải đến nhà máy xử lý trước khi xả vào các nguồn nước tự nhiên.
Tuy nhiên, trong những trận mưa lớn, lượng nước đổ vào hệ thống có thể vượt quá khả năng xử lý. Khi điều này xảy ra, lượng nước dư thừa bao gồm nước mưa và nước thải chưa qua xử lý sẽ tràn trực tiếp vào các con sông. Khoảng 2.000 trong số 10.000 km hệ thống cống rãnh của Berlin là hệ thống kết hợp.
Cơ quan nước mưa của Berlin đã tư vấn các nhà hoạch định đô thị về thiết kế mái nhà xanh. Ảnh: DW
Các công trình tại Berlin đã chiếm hầu hết các không gian mở nơi nước từng có thể thấm xuống đất. Vì vậy, khi có nhiều mưa, thay vì được đất và cây cối hút, nước chảy qua bê tông hoặc nhựa đường và hòa vào nước thải.
Đó là lý do chính quyền Berlin cùng BWB thành lập "cơ quan nước mưa". Cơ quan này tư vấn cho các nhà quy hoạch đô thị về cách thiết kế mái nhà và tòa nhà xanh, đồng thời đề xuất những ý tưởng sáng tạo để thu gom và lưu trữ nước mưa nhưng ngăn chúng không bị hòa vào nước thải.
Thành phố Berlin đã thông qua một luật xây dựng quy định rằng chỉ một lượng nhỏ nước mưa trên các tòa nhà được phép chảy vào hệ thống thoát nước thải. Phần còn lại phải bốc hơi hoặc thấm xuống đất. Ví dụ, một khu chung cư mới cần được xây dựng kèm ao lớn để thu thập nước mưa, có cây trồng bên cạnh giúp làm sạch nước, sau đó có thể sử dụng để tưới tiêu.
Các biện pháp phủ xanh như thế này cũng giúp bảo vệ chống lại lũ quét. "Để giải quyết cuộc khủng hoảng nước, cần có sự sẵn sàng của mọi người để suy nghĩ vượt ra ngoài ranh giới ", bà Hackenesch-Rump cho biết.
|
(TN&MT) - CNA vừa đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á đang tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó với tình trạng thủy triều dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Người Hà Lan, vốn có hàng chục năm kinh nghiệm trong quản lý nước, hy vọng sẽ giúp giảm hàng tỷ USD chi phí cho các hệ thống thảm họa lũ lụt và thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.
Theo các nhà quan sát, các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á.
Rào chắn bão Maeslant - sáng kiến trong hệ thống phòng chống lũ của Hà Lan
Trong số những sáng kiến được sử dụng ở Hà Lan là rào chắn bão Maeslant nằm gần cảng Rotterdam, nơi đã bảo vệ bờ biển phía Nam đất nước trong hơn 25 năm. Rào chắn hoàn toàn tự động này sẽ tự động đóng lại khi mực nước biển dâng cao trên 1,5m, bảo vệ đất nước có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển.
Năm 1991, chính phủ Hà Lan đã phải chi gần 500 triệu euro (540 triệu USD) để xây dựng rào chắn bão và thêm 10 triệu euro mỗi năm để bảo trì kết cấu này. Rào chắn này là một phần trong hệ thống phòng chống lũ lụt khổng lồ của Hà Lan nhằm bảo vệ vùng đồng bằng trũng thấp, nơi tập trung hầu hết dân số và hoạt động kinh tế của đất nước.
Các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á
Rào chắn bão tương tự duy nhất khác trên thế giới nằm ở thành phố Saint Petersburg của Nga.
Ông Peter Persoon, nhân viên thông tin kỹ thuật tại Trung tâm Nước công cộng Keringhuis cho biết: "Mối lo ngại lớn nhất là Hà Lan hiện có 40% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Các biện pháp chuẩn bị đã giúp Hà Lan có thể chống chọi với lũ lụt cao nhất là 5 m so với mực nước biển bình thường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống. Hiện tại thì ổn, nhưng chúng ta phải hướng đến tương lai. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2100”.
Mặc dù có mạng lưới đê và đập rộng lớn cũng như các cồn cát dọc theo bờ biển, hệ thống phòng chống lũ lụt của Hà Lan sẽ không thể chống chọi được thủy triều nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao. Ông Peter Persoon cho biết thêm: "Ngay cả ở đất nước nhỏ bé của chúng tôi, chúng tôi cũng phải điều chỉnh 2.000 km đê, đập và cồn cát cho tương lai”.
Cần nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác khu vực
Để giải quyết tình trạng lũ lụt do mực nước biển dâng không thể tránh khỏi, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi các quốc gia hành động. Đặc biệt, Đông Nam Á đang có nguy cơ nghiêm trọng mất đi cơ sở hạ tầng và các khu định cư ven biển trũng thấp.
Ông Tjitte Nauta, Giám đốc khu vực châu Á và châu Đại Dương tại Viện Kiến thức ứng dụng Deltares của Hà Lan cho biết: "Mọi người nghĩ rằng họ còn nhiều thời gian để ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nhưng đây là thời điểm để nghiên cứu và đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi khuyến khích ASEAN thực sự hướng tới việc nâng cao nhận thức hơn nữa, đồng thời tăng cường hợp tác trong khu vực. Họ có thể học hỏi lẫn nhau, chúng ta cũng có thể học hỏi từ họ”.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những điểm nóng dễ xảy ra lũ lụt và xói mòn bờ biển.
"Toàn bộ thành phố Bangkok (Thái Lan) cực kỳ dễ bị tổn thương. Nếu mực nước biển dâng tương đối 2m, khoảng 28% dân số Thái Lan và 52% GDP sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đối với quốc gia này, việc xây dựng một kế hoạch dài hạn là điều rất rõ ràng cho dù họ có đưa ra quyết định bảo vệ thành phố hay di dời thành phố hay bất cứ điều gì, nhưng một nghiên cứu phải được tiến hành”, Giám đốc Nauta nhấn mạnh.
Còn tại Indonesia, mực nước biển dâng cao có tác động đến các vùng đất than bùn trũng rộng lớn được sử dụng để sản xuất dầu cọ. Tương tự như vậy ở Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, mực nước biển dâng cao 2m sẽ có tác động tàn phá đối với người dân.
Trong khi đó, theo dữ liệu vệ tinh, các vùng ven biển của Malaysia cũng sẽ không nằm ngoại lệ. Deltares gần đây đã thiết lập một nền tảng trực tuyến và mời các nhà ngoại giao trẻ từ ASEAN chia sẻ quan điểm của họ về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Deltares đã nêu rõ những vấn đề đang gây khó khăn cho một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm việc thiếu kinh phí và dữ liệu đáng tin cậy cho các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sự khác biệt trong các ưu tiên quốc gia. Theo bà Josien Grashof, cố vấn về khả năng phục hồi và lập kế hoạch tại Deltares, điều rất quan trọng là phải xem xét những gì các quốc gia cần làm và hướng tới các ưu tiên cao nhất của họ.
Nguồn: Theo tổng hợp của CNA
|
|