Tin trong nước

Biến đổi khí hậu gia tăng tác động đến tài nguyên nước

Hiện nay, nguồn nước vùng hạ lưu sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước. Để giải quyết vấn đề trên, TS. Nguyễn Văn Hồng – Phân Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (TP. HCM) và cộng sự đã đề xuất một số phương án giảm nhẹ tình trạng này.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Hồng – Phân Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (TP. HCM) và cộng sự, nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất chịu tác động rõ nét của biến đổi khí hậu.

Đối với nguồn nước mặt, tổng lưu lượng hàng năm của sông Mê Công đạt khoảng 475 tỷ m3, chuyển trên 450 tỷ m3 nước vào Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với nguồn nước dưới đất, ĐBSCL được biết đến là một trong những vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất cả nước, bao gồm 7 tầng chứa nước chính cùng độ sâu phân bố từ vài chục mét đến 500 – 600m.

Trong đó, các khu vực có tiềm năng nước ngầm ngọt rất lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp. Cà Mau, Trà Vinh và Cần Thơ với trữ lượng tiềm năng khai thác nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ ngày đêm, trữ lượng tiềm năng nước lợ, nước mặn khoảng 39 triệu m3/ngày đêm/ và trữ lượng khai thác nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ ngày đêm.

Tuy nhiên, hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD), cùng việc gia tăng dân số, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (phát triển công nghiệp, đô thị) và việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, đã khiến khu vực hạ lưu sông Cửu Long phải đối mặt với những hệ luỵ nghiêm trọng như: Sụt lún đất; xói mòn bờ sông, bờ biển; xâm nhập mặn.

Ảnh 4 22.1Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước

Những hệ luỵ trên khiến đời sống nhân dân theo đó bị ảnh hưởng; sản xuất nông nghiệp cũng bị tác động do diện tích canh tác ngập do lũ và thời gian ngập lụt kéo dài; các dự án dòng chính từ việc mở rộng vùng tưới tiêu, xây dựng đập thuỷ điện hay khai thác cát… làm mất 17% diện tích đất ngập nước và một số loài sinh vật quan trọng, trong tương lai sẽ nằm trong danh sách tuyệt chủng. Ước tính tổng lượng phù sa bùn cát sụt giảm do tác động của các công trình thuỷ điện dòng chính sẽ vào khoảng 75%.

Bên cạnh đó, việc phát triển thượng nguồn có nguy cơ chuyển nước từ lưu vực sông MeKong sang các lưu vực sông khác chủ yếu từ Thái Lan và Campuchia, sẽ có tác động bất lợi và gây nghiêm trọng đến ĐBSCL về chế độ dòng chảy, thuỷ văn, bùn, cát, hệ thống thuỷ sinh và hệ sinh thái.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dưới tác động của BĐKH, quá trình xâm nhập mặn sẽ có xu hướng gia tăng khá mạnh so với thời kỳ nền. Gia tăng lớn nhất trên các sông chính có thể tới khoảng 10 km. Qua nghiên cứu tại tỉnh Vĩnh Long, ranh giới mặn 1% lớn nhất trên sông Cổ Chiên cách TP. Vĩnh Long 5km (mặn lấn sâu hơn thời kỳ nền 9,5 km) và trên sông Hậu qua TP. Cần Thơ 3 km (mặn lấn sâu hơn thời kỳ nền 8,8 km).

Ngoài ra, mạng lưới quan trắc nước dưới đất Quốc gia ở ĐBSCL bao gồm 260 vị trí quan trắc tại các tầng chứa nước chính đang được khai thác ở ĐBSCL, cho thấy dấu hiệu suy giảm mực nước ở các tầng chứa nước chính. Trong đó, tầng chứa nước Pleistocen (Long Mỹ, Hậu Giang) ghi nhận nguy cơ xâm nhập mặn cao, dự báo đến năm 2025, nước dưới đất sẽ có nguy cơ nhiễm mặn chiếm 164 km2/ tổng diện tích phân bố nước ngọt 16.276 km2, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Long An.

Nguyên nhân đến từ việc gia tăng dân số cũng dẫn đến thu hẹp đất nông nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng nước, kèm theo đó là vấn đề về nước thải… và hình thành hiện trạng khan hiếm nước, ô nhiễm nguồn nước. Đây là áp lực rất lớn đối với nguồn nước của ĐBSCL, đặc biệt trong giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước, nhất là ở các kênh, rạch nhỏ, chảy qua các đô thị, khu công nghiệp.

Do đó, để giải quyết tình trạng suy giảm mực nước ngầm, xâm nhập mặn và những thách thức đặt ra cho an ninh nguồn nước tại lưu vực ĐBSCL, TS. Nguyễn Văn Hồng đã đưa ra một số đề xuất như việc, cần chuyển đổi mô hình cây trồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH; hoàn thiện hệ thống đê điều ven biển (theo hệ thống khép kín) và xây dựng công trình kiểm soát để chủ động kiểm soát độ mặn và tích trữ nước, ứng phó với hạn hán; xây dựng bộ chỉ số an ninh nguồn nước đa mục tiêu và riêng biệt cho toàn vùng ĐBSCL và từng vùng để phục vụ nhu cầu khác cũng như xây dựng và vận hành công tác quan trắc, cảnh báo tài nguyên nước hệ thống, phục vụ vận hành hệ thống thuỷ lợi vùng ĐBSCL.

Nguồn: https://www.monre.gov.vn/Pages/bien-doi-khi-hau-gia-tang-tac-dong-den-tai-nguyen-nuoc.aspx?cm=T%C3%A0i%20nguy%C3%AAn%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Biến đổi khí hậu gia tăng tác động đến tài nguyên nước

 

Bộ TN&MT: Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa ký ban hành Quyết định số 154/QĐ-BTNMT ngày 17/1/2024 về việc Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Ảnh 3 18.1Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 725 hồ chứa, đập dâng của 644 công trình thủy lợi, thủy điện, cụ thể:

Công trình thủy điện gồm: 685 hồ chứa, đập dâng của 607 công trình.

Công trình thủy lợi gồm: 40 hồ chứa, đập dâng của 37 công trình.

Tại Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm trong theo dõi, giám sát và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng:

Theo đó trách nhiệm của Cục Quản lý tài nguyên nước: Kiểm tra, giám sát việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; xử lý vi phạm đối với hành vi không bảo đảm dòng chảy tối thiểu theo quy định; Định kỳ rà soát, cập nhật, tổng hợp và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 hằng năm. 2.

Trách nhiệm của Văn phòng Bộ: chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Quyết định này và tổ chức việc đăng tải, công bố dòng chảy tối thiểu đối với các hồ chứa, đập dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại các Quyết định tiếp theo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định của Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2064/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 7 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Nguồn: https://monre.gov.vn/Pages/bo-tn&mt--cong-bo-gia-tri-dong-chay-toi-thieu-o-ha-luu-cac-ho-chua

Bộ TN&MT: Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện

 

Quản lý tài nguyên nước: Gieo hạt giống đổi mới

Năm 2023, khi tổ chức Tuần lễ nước thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh đến yếu tố thay đổi tư duy, tìm kiếm sáng tạo trong quản trị tài nguyên nước. Trong bối cảnh khan hiếm nước gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chính là “gieo những hạt giống đổi mới”, xâp đắp nền móng cho một hệ thống quản trị tài nguyên nước bền vững.

Luật Tài nguyên nước chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi trong quản lý tài nguyên nước giai đoạn tới - giai đoạn mà chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nước vô cùng khốc liệt, giai đoạn mà nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người trong quản trị tài nguyên… Những hạt giống đổi mới về quản trị tài nguyên nước đang được gieo trồng từ đây…

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương, 86 điều, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất - Nguyên tắc cốt lõi

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật Tài nguyên nước năm 2023 là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; Giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, những lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Ảnh 2 18.1

Chính vì vậy, Luật đã quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Để quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất, một trong những “điểm sáng” được quy định trong Luật đó là nội dung “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia”. Nội dung này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Luật Tài nguyên nước 2023 trong các chương, điều với mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước. Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, để quản lý tốt tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định một trong những công cụ cốt lõi, quan trọng trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, đó là “nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước”. Gắn kết Luật Tài nguyên nước 2023 cùng với hàng loạt các Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt trong 2 năm qua sẽ tạo ra một tổng thể xuyên suốt, toàn diện, bao trùm. Trong đó, Luật Tài nguyên nước 2023 chính là “xương sống”, là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng. Còn quy hoạch tài nguyên nước chính là các “mấu chốt” xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bắt đầu từ quy hoạch tài nguyên nước, các nhà quản lý tài nguyên nước sẽ xây dựng kịch bản nguồn nước để điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích khai thác, sử dụng nước phải căn cứ vào kịch bản nguồn nước - cơ sở để các bộ, ngành phân bổ, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước, đồng thời tuân theo hạn ngạch khai thác nước nằm trong giấy phép khai thác tài nguyên nước. Đây là bước tiến quan trọng sẽ thay đổi căn bản cách quản lý, cách điều hành nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước

Trong thời đại cách mạng công nghiệp với sự thịnh hành của các công nghệ về dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI), trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT)… mang lại những lợi ích, ứng dụng to lớn, việc quản lý tài nguyên nước cũng cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số đó. Chính vì vậy, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có những quy định cụ thể nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định góp phần hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước. Đây là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các Cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Đồng thời, giảm thiểu nhân lực, chi phí vận hành, quản lý.

Hơn nữa, để hành lang pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước thực sự đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân, nhận được sự hợp tác của người dân trong việc triển khai các chính sách, quy định của pháp luật, với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định nhiều nội dung huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam.

Sẵn sàng đưa Luật vào cuộc sống

Luật Tài nguyên nước 2023 với rất nhiều những thay đổi từ chính sách, luật pháp sẽ là gốc rễ cho những đổi thay về quản lý nguồn nước. Để Bộ luật sửa đổi với nhiều nội dung mới, quan trọng thực sự đi vào đời sống xã hội, được người dân tiếp nhận và thực hiện, hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới Luật.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị triển khai đưa Luật đi vào cuộc sống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Cục đang tập trung nguồn lực xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, về cơ bản Cục đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 và dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục trong kê khai đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Cục cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Hy vọng rằng, với Bộ luật quan trọng được ban hành, cùng những cố gắng, nỗ lực đưa Luật vào cuộc sống, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, phương thức quản lý mới với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.

Nguồn: 

https://monre.gov.vn/Pages/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-gieo-hat-giong-doi-moi.aspx?cm=T%C3%A0i%20nguy%C3%AAn%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Quản lý tài nguyên nước: Gieo hạt giống đổi mới

 

Quản lý tài nguyên nước ở địa phương: Nhiều chuyển biến rõ rệt

    Năm 2023, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước các tại địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

49/63 địa phương phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, trong năm 2023, Cục đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ký theo thẩm quyền hơn 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước. Trong đó có hơn 6 văn bản đôn đốc trách nhiệm của các Bộ ngành địa phương như: lập hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố danh nguồn nước sông nội tỉnh; công bố danh mục hồ ao không san lấp lấn chiếm; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nội dung quy hoạch tỉnh; báo cáo tình hình sử dụng nước; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa; đôn đốc thực hiện trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước;…

Kết quả đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là đã có 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh; 05/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 49/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; có 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định; có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình thuộc đối tượng trên địa bàn tỉnh.

Cấp 1928 giấy phép tài nguyên nước

Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Theo báo cáo, năm 2023, 61 tỉnh, thành phố đã cấp được 1928 giấy phép tài nguyên nước các loại.

Cùng với đó, các địa phương phê duyệt gần 58 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

 

 Ảnh 1 18.1Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước được các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức như: thông qua Hội nghị giao ban, tổ chức lồng ghép phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước.... Ngoài ra, các Sở cũng tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng cho nhân dân qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, các phóng sự, bản tin thời sự…Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước

Năm 2023, các địa phương đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo kế hoạch của Bộ và hoàn thành kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước đối với 30 đơn vị khai thác, sử dụng nước trên địa bàn 11 tỉnh.

Việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (54/63 địa phương nộp báo cáo). Theo số liệu thống kê, có tổng số 156 đoàn thanh tra kiểm tra đối với 751 tổ chức cá nhân, tổng số tiền phạt hơn 7,3 tỷ đồng. Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành 2 cuộc kiểm tra đối với 2 tổ chức và đã bàn giao cho Tranh tra Bộ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ đã ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 tổ chức với tổng số tiền xử phạt là: 1.910 triệu đồng.

 

Nguồn:https://monre.gov.vn/Pages/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-o-dia-phuong-nhieu-chuyen-bien-ro-ret.aspx?cm=T%C3%A0i%20nguy%C3%AAn%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Quản lý tài nguyên nước ở địa phương: Nhiều chuyển biến rõ rệt

 

Bộ TN&MT công bố Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai

Chiều 9/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại Lễ công bố, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã giới thiệu toàn văn 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai. Theo đó, mục tiêu của việc lập quy hoạch các lưu vực sông trên, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Quy hoạch cũng nhằm bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, các quy hoạch trên được kỳ vọng sẽ từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Ảnh 1 19.1Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là khi Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là khi Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 với mục tiêu tổng thể là Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm thực vật và đa dạng sinh học.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các Quy hoạch sẽ là căn cứ quan trọng, phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông, hướng tới, tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên 03 lưu vực sông.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc các Quy hoạch được công bố công khai sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, và doanh nghiệp đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt, từ đó sẽ giúp người dân doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tin tưởng vào nhà nước.

Do vậy, để bảo đảm các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị căn cứ vào những nội dung của Quy hoạch của các lưu vực sông, các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định.

Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong Bộ để đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, sớm nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để điều hòa, phân phối nguồn nước; vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực để tiến dần đến quản lý, điều hòa nguồn nước trên cơ sở các quy hoạch bằng công cụ số.

Ảnh 2 22.1

Với quan điểm tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng và giữa các địa phương trên cùng lưu vực, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ phải tăng cường hơn nữa phối hợp, kết hợp với các bộ, ngành, địa phương, phân định rõ trách nhiệm để việc quản lý tài nguyên nước sẽ đảm bảo được mục đích, yêu cầu của từng dòng sông, từng địa phương, đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm làm “sống lại các dòng sông chết”, từ đó sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội nhưng vẫn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để vừa có thể phòng ngừa những vi phạm, đồng thời có những đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp để từ đó tham mưu các chính sách cho Bộ, Chính phủ chỉ đạo kịp thời đáp ứng với thực tiễn đặt ra đảm bảo lợi ích hài hoà giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Quy hoạch và là kênh thông tin phản hồi cho Bộ để các Quy hoạch được triển khai hiệu quả.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng các quy hoạch đảm bảo chất lượng, làm tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ảnh 3 22.1

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã giới thiệu toàn văn 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai.

Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Phạm vi lập quy hoạch, gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 4.648 km2 và được phân chia thành 10 tiểu vùng quy hoạch gồm: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản của Quy hoạch, gồm: 100% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% đô thị có hệ thống xử lý nước thải;…

Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng (không kể phần diện tích thuộc tỉnh Long An được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long) và phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng nhận chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai (sau đây gọi chung là vùng quy hoạch) và được phân chia thành 06 tiểu vùng quy hoạch, gồm: thượng lưu sông Đồng Nai; hạ lưu sông Đồng Nai; sông Sài Gòn – thượng Vàm Cỏ; sông Bé; sông La Ngà và phụ cận ven biển.

Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2 và được phân chia thành 08 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã – Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; lưu vực sông Bưởi; lưu vực sông Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu.

Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Nguồn:baotainguyenmoitruong.vn

 

Bộ TN&MT công bố Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai

 
Trang 12345678910

Trang 4 trong tổng số 28 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay152
mod_vvisit_counterTrong tuần2453
mod_vvisit_counterTrong tháng27546
mod_vvisit_counterTất cả4089979

We have: 2 guests online