Tin trong nước

Quy định mới về quan trắc xâm nhập mặn

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-B-TNMT quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025.

Thông tư áp dụng đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy vặn (KTTV) quốc gia có hoạt động quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Trong đó quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn tại các vùng sông ven biển, bao gồm các sông, nhánh sông, kênh, rạch ở khu vực ven biển bị ảnh hưởng của thủy triều.

Cụ thể, Thông tư đã nêu rõ các quy định kỹ thuật về yếu tố, trang thiết bị quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn; cách thức quan trắc mặn thủ công và quan trắc mặn tự động.

Với quan trắc mặn thủ công, Thông tư quy định về vị trí quan trắc, chế độ quan trắc, các bước quan trắc mặn, quan trắc hoặc thu thập một số yếu tốt KTTV, tính toán và chỉnh lý dữ liệu quan trắc. Thời gian quan trắc tiến hành trong 6 tháng mùa cạn. Cụ thể, đối với sông ở khu vực miền Bắc và miền Nam, bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Đối với sông ở khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 của năm; từ Bình Định đến Bình Thuận bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 của năm.

picture1.pngHoạt động quan trắc mặn thủ công thực hiện trong 6 tháng mùa cạn

Đối với sông ở những khu vực có diễn biến xâm nhập mặn bất thường có thể tiến hành quan trắc hoặc điều tra, khảo sát ngoài khoảng thời gian nêu trên. Tại những khu vực thường có diễn biến xâm nhập mặn thấp, nếu trong quá trình quan trắc vào giai đoạn gần cuối mùa cạn mà xuất hiện 2 kỳ nước cường cao nhất liên tiếp có độ mặn dưới 0,1‰ thì xem xét, đánh giá ngừng công tác quan trắc mặn của mùa cạn đó.

Với quan trắc mặn tự động, Thông tư quy định về trạm quan trắc mặn tự động (vị trí, nguyên tắc đặt trạm, chế độ quan trắc, trang thiết bị), đặc tính kỹ thuật của thiết bị đo mặn tự động, cách thức vận hành và truyền, nhận, lưu trữ thông tin dữ liệu, tính toán lập biểu dữ liệu.

Về điều tra, khảo sát, nguyên tắc là trên đoạn sông điều tra, khảo sát phải bố trí tối thiểu 3 điểm quan trắc, phân bố từ cửa sông lên thượng lưu và đảm bảo khoảng cách giữa các điểm quan trắc. Cụ thể, khoảng cách đối với sông ở khu vực miền Bắc từ 5 ÷ 7km; sông ở khu vực miền Trung từ 3 ÷ 5km; sông ở khu vực miền Nam từ 10 ÷ 15km. Trong trường hợp sông có tình trạng xâm nhập mặn phức tạp, nguy cơ diễn biến bất thường có thể giảm khoảng cách giữa các điểm quan trắc để bảo đảm xác định được ranh giới xâm nhập mặn theo nhu cầu sử dụng của các đối tượng dùng nước.

quan-trac-man-1-2-.jpgĐiểm quan trắc mặn tự động ở Bến Tre

Các điểm quan trắc được bố trí bảo đảm xác định được giá trị ranh giới xâm nhập mặn (giá trị ranh giới xâm nhập mặn tùy theo yêu cầu điều tra khảo sát thường được xác định là 1‰ hoặc 4‰). Các điểm quan trắc trên đoạn sông điều tra, khảo sát đảm bảo các yêu cầu: Dòng chảy bị ảnh hưởng triều rõ rệt; không có hiện tượng nước tù, chảy quẩn; không có dòng nhập lưu; ít bị ảnh hưởng bởi tác động của con người.

Thông tư cũng quy định công tác báo cáo tình hình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Theo đó, báo cáo bao gồm: báo cáo tình hình hoạt động theo tháng đối với từng trạm/điểm quan trắc (thủ công và tự động); tuyến điều tra, khảo sát và báo cáo tổng kết quan trắc theo đợt hoặc năm đối với các đơn vị quản lý công tác quan trắc và điều tra, khảo sát.

Các đơn vị thực hiện các chương trình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn có trách nhiệm báo cáo, cập nhật thông tin, số liệu về tình hình xâm nhập mặn gửi Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước ngày 8 hàng tháng (đối với các báo cáo, số liệu hàng tháng), và sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc đợt hoặc năm quan trắc (đối với báo cáo tổng kết, số liệu theo đợt hoặc cả năm).

Thông tư số 39/2016/TT-BTNMT ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Riêng các tổ chức, cá nhân đã được phê duyệt chương trình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện theo Thông tư số 39.

Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn

Quy định mới về quan trắc xâm nhập mặn

 

Quản lý tài nguyên nước ứng phó biến đổi khí hậu

(TN&MT) - Để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nằm trên 3 lưu vực sông Sê San, SrêPốk và sông Ba, có diện tích tự nhiên là 15.536,92km2. Số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy: Tổng lượng mưa năm của tỉnh bình quân từ 1.750 - 2.500mm, trong đó lượng mưa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lượng mưa chiếm 25% tổng lượng mưa năm. Tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 23 tỉ m3/năm, phân bố trên các hệ thống sông lớn.

Cùng với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt vào mùa khô do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng hạn hán, thiếu nước đã gây thiệt hại đối với tỉnh Gia Lai gần 152 tỷ đồng, với hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, gồm 435,89ha lúa; 101ha cây hàng năm, rau màu; 2.506,49ha cây lâu năm; 182,627ha cây ăn quả; và 16,1ha cây lâm nghiệp.

nuoc-gia-lai-1.jpgChú trọng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân

Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và thiếu nước, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp. Trong Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023 -2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai xác định Nhà nước và nhân dân cùng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp thực hiện. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn nước hiện có cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác; hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; chủ động các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn ngay từ đầu mùa vụ.

Về việc đảm bảo nước sinh hoạt nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đặc biệt quan tâm rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có công trình cấp nước, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 3m3 - 5m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân ở phân tán, những vùng khó khăn về nước sạch mà nguồn nước mặt có thể sử dụng được.

Theo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong tháng 11/2024, Sở đã tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; yêu cầu rà soát, đề xuất đưa vào sử dụng các giếng khoan thuộc dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đề nghị UBND các huyện Krông Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, thị xã An Khê xác định nhu cầu sử dụng nước cho mùa cạn năm 2024; tăng cường trong công tác vận hành của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024; triển khai các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định về việc vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024.

Đối với công tác thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất; nạo vét các hồ chứa nhằm tăng dung tích trữ của hồ chứa trong mùa mưa lũ. Song song với đó, tập trung nạo vét các trục tiêu, kênh dẫn vào trạm bơm, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nước, để tiết kiệm nước tưới phục vụ chống hạn.

Để bảo vệ cây trồng trước tình trạng hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cánh đồng lớn để gieo trồng vào cùng thời điểm, cùng một cánh đồng để tiết kiệm nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cho nông dân biết và áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Quản lý tài nguyên nước ứng phó biến đổi khí hậu

 

Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

(TN&MT) - Ngày 20/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đối thoại “Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước và hướng tới mục tiêu số 6 “Đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người” theo cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG6). Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến dự và chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu số 6 (SDG6) “Đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người” theo cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

a-khuyen-2222.jpgPhó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến phát biểu khai mạc Diễn đàn

Nhận thức rõ cam kết đó, trong quá trình xây dựng khung thể chế, chính sách về tài nguyên nước, Cục luôn nỗ lực hoàn thiện và củng cố theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước, đảm bảo tất cả mọi người dân được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh; cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại. Đồng thời, giảm thiểu các tác hại do nước gây ra góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.

Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức diễn đàn đối thoại về SDG6, Cục Quản lý tài nguyên nước mong muốn diễn đàn tạo cơ hội để những cán bộ, chuyên gia, lãnh đạo hạt nhân trẻ trao đổi, chia sẻ thông tin, nâng cao hiểu biết về những phương pháp tiếp cận, kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong lĩnh vực tài nguyên nước phục vụ quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, xử lý và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Hiền Minh - đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, Diễn đàn hôm nay đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động hợp tác giữa UNICEF và Cục Quản lý tài nguyên nước về tăng cường năng lực và truyền thông bảo vệ nguồn nước an toàn cho trẻ em Việt Nam.

c-minh111.jpgBà Nguyễn Hiền Minh - đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát biểu

Theo bà Nguyễn Hiền Minh, nước không chỉ là nguồn tài nguyên thiết yếu đối với sự sống, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm nguồn nước, sự suy giảm và cạn kiệt tài nguyên nước. Những vấn đề này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sức khỏe của hàng triệu người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

toan-canh222.jpgQuang cảnh Diễn đàn

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu được các chuyên gia, nhà khoa học trẻ chia sẻ các tham luận về: Khung pháp lý trong quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững; Thúc đẩy tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho trẻ em: thách thức và cơ hội; Hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) trong quản lý tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, cải thiện môi trường nước hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh; Ứng dụng GIS trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước, nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh; chia sẻ về sáng kiến “One Water” trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Theo đó, Ngành nước thống nhất - Tích hợp tài nguyên nước “One Water” là một khái niệm mới về cách tiếp cận tích hợp việc lập kế hoạch và thực hiện để quản lý các tài nguyên nước hữu hạn nhằm hướng đến khả năng phục hồi và tin cậy lâu dài, đáp ứng nhu cầu của cả cộng đồng và hệ sinh thái.

a-manh11.jpgc-dien111.jpgdai-dien-unicef111.jpg

Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn

Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy hoạt động và phát triển của Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước Việt Nam; trao đổi các nội dung chuyên môn, khung pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên nước; đặc biệt là việc áp dụng các công nghệ, giai pháp tiên tiến phục vụ công tác thu thập dữ liệu, điều tra và quản lý tài nguyên nước như ứng dụng GIS trong Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) xây dựng kịch bản điều hòa, phân bổ tài nguyên nước;

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

 

Quản lý tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm tại Vịnh Bắc Bộ

(TN&MT)- Ngày 18/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức cuộc họp thẩm định Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ”. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, những năm gần đây, khu vực Đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới tài nguyên nước, trong đó tình hình ô nhiễm nước ven biển nghiêm trọng cả về mức độ, quy mô do gia tăng lượng xả thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước.

Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng nước quá mức trong khi nguồn nước suy giảm dẫn đến căng thẳng nguồn nước trong mùa cạn và xâm nhập mặn gia tăng ở vùng ven biển. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ khiến mực nước biển dâng cao, dẫn tới ngập lụt vùng ven biển, làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, môi trường nước.

Bên cạnh đó, hàng trăm héc-ta rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ, vùng ven biển bị tác động sâu sắc...

Bên cạnh đó, hàng trăm ha rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ, vùng ven biển bị tác động sâu sắc. Các hệ sinh thái thuỷ sinh và đa dạng sinh học vùng biển cũng thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

toan-canh.jpgQuang cảnh cuộc họp

Trước những vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ”. Đây là dự án được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý đại diện FAO về chương trình, Văn phòng FAO Việt Nam cho biết thêm, mục tiêu chính của dự án là nhằm giải quyết tình trạng thiếu oxy do phú dưỡng gây ra ở Vịnh Bắc Bộ thông qua việc giảm ô nhiễm giàu chất dinh dưỡng trên đất liền từ các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.

nguyen-song-ha111.jpgÔng Nguyễn Song Hà - Trợ lý đại diện FAO về chương trình, Văn phòng FAO Việt Nam phát biểu

Theo ông Nguyễn Song Hà, cuộc họp tham vấn này sẽ giúp nhóm xây dựng văn kiện dự án tiếp nhận ý kiến các chuyên gia và các Bộ ban ngành có liên quan, cũng như đi đến thống nhất về các nội dung liên quan đến dự thảo văn kiện dự án, để đảm bảo dự án đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tính thực tiễn khi đi vào giai đoạn triển khai tại Việt Nam. Sau đó văn kiện dự án sẽ được nộp cho Tổ chức FAO thẩm định vào cuối tháng này và đệ trình cho Quỹ GEF vào tháng 2 năm sau. Dự kiến, Văn kiện dự án sẽ được Quỹ thông qua trong quý 3 năm 2025 và triển khai trong vòng 4 năm từ năm 2026.

Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án, bà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, từ tháng 4/2024 đến nay, Nhóm tư vấn quốc gia đã tiến hành các cuộc tham vấn với các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các bên liên quan ở cấp quốc gia và địa phương, bao gồm cộng đồng người dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố với mục tiêu, nhằm thu thập các thông tin, dữ liệu hỗ trợ quá trình xây dựng văn kiện dự án và quá trình triển khai dự án ở giai đoạn sau.

c-thuy-anh.jpgBà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Theo bà Nguyễn Thuý Anh, làm việc tại các địa phương, bên cạnh việc giới thiệu về Văn kiện Dự án, Đoàn công tác của FAO và Cục Quản lý tài nguyên nước đã trao đổi với đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn về thực trạng và vấn đề về ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn địa phương, những nguyên nhân chính; tác động và thiệt hại do ô nhiễm nước đối với kinh tế, xã hội, môi trường trên địa bàn tỉnh và thành phố; công tác bảo vệ môi trường nước và quản lý nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề, nông nghiệp, thủy sản,…) các dự án đã, đang và sẽ triển khai liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương; các mô hình tốt, bao gồm cả tự phát được hình thành từ các dự án hỗ trợ, đang được triển khai ở địa phương.

Cùng với đó, các bên cũng chia sẻ, trao đổi các đề xuất cụ thể về các công cụ khoa học, công nghệ, thể chế, kinh tế, tài chính, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước như: các giải pháp xử lý nước dựa vào tự nhiên; khôi phục và duy trì các hệ sinh thái đóng vai trò bộ lọc tự nhiên; kiểm soát các nguồn thải diện (chảy tràn) từ các hoạt động nông nghiệp, thủy sản; thúc đẩy các chính sách về kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn; các cơ chế khuyến khích trong thu gom, xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải, sản xuất xanh, giảm phát thải; các cơ chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát ô nhiễm nước, quản lý tài nguyên nước; các biện pháp cải thiện sự tham gia sâu, rộng của khối tư nhân và cộng đồng địa phương trong bảo vệ môi trường nước và đa dạng sinh học;…

Để đảm bảo dự án đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tính thực tiễn khi đi vào giai đoạn triển khai tại Việt Nam, bà Nguyễn Thuý Anh cũng đề nghị các đại biểu tham dự thẳng thắn cho ý kiến vào nội dung của Văn kiện dự án để Cục Quản lý tài nguyên nước hoàn thiện đưa dự án vào triển khai tại thực tiễn đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra góp phần quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã được nghe bài trình bày giới thiệu Quỹ môi trường toàn cầu và Chương trình tích hợp “Đại dương sạch và khỏe mạnh” của ông Lorenzo Paolo Galbiati – đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO); ông Đinh Tiến Dũng (Trưởng nhóm tư vấn quốc gia) đã trình bày về hiện trạng ô nhiễm nước vùng đồng bằng sông Hồng và kết quả tham vấn các bên liên quan.

ong-lorenzo-paolo-galbiati111.jpgÔng Lorenzo Paolo Galbiati – đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) phát biểu

Bên cạnh đó, tại cuộc họp các chuyên gia cũng đóng góp ý kiến và thống nhất về các nội dung liên quan tới Dự thảo Văn kiện Dự án nhằm đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Quản lý tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm tại Vịnh Bắc Bộ

 

“Đánh thức” những dòng sông xứ Quảng

(TN&MT) - Với một tầm nhìn mới phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam đang có định hướng “hồi sinh” những dòng sông một cách hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tạo an cư lạc nghiệp cho người dân và bảo vệ đa dạng sinh học.

Động lực để phát triển

Tỉnh Quảng Nam có 3 sông lớn là sông Vu Gia, sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ. Ngoài ra, phần hạ lưu sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ được nối với nhau bởi sông Trường Giang. Sông Trường Giang có chiều dài khoảng 60km, chạy dọc bờ biển nối liền 2 hệ thống sông Thu Bồn và Tam Kỳ. Đầu phía Bắc sông Trường Giang hợp lưu với sông Thu Bồn đổ ra biển tại cửa Đại (Hội An), đầu phía Nam nhập lưu với sông Tam Kỳ đổ ra biển qua cửa Lở và cửa An Hòa (Núi Thành).

Từ xưa đến nay, các dòng sông ở xứ Quảng chính là nơi giao lưu, tiếp biến văn hóa, là tuyến đường thủy quan trọng kết nối giữa các vùng, miền trong và ngoài tỉnh. Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trường Giang cùng các chi lưu của nó đã tạo nên những cánh đồng phù sa màu mỡ, đem lại những vựa lúa, biền dâu tươi tốt, xóm làng theo đó cũng ngày thêm đông đúc, trù phú.

z5682283273094_b46754060ac1911b6d4101153ba4efb1.jpgCác dòng sông ở Quảng Nam có vai trò quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của địa phương

Chạy suốt chiều dài các dòng sông là những làng nghề nổi tiếng không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng về kinh tế mà còn đắp bồi nên những giá trị văn hóa đặc sắc của xứ Quảng, và cho đến hôm nay nó vẫn là tài nguyên quý giá cho ngành du lịch dịch vụ phát triển bền vững.

Hiện nay, trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều thủy điện bậc thang, với năng lực phát điện gần 1.200 kw mỗi năm, đồng thời góp phần điều tiết nước cho vùng hạ du, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu cho hàng vạn người dân khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng.

Xác định lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Nam đã quy hoạch các dòng sông theo mô hình cấu trúc không gian “2 vùng - 2 cụm động lực - 3 hành lang phát triển” được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên tinh thần nội dung quy định của Luật, Bộ TN&MT có trách nhiệm thực hiện việc lập Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đã hoàn thành, hiện nay tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, các dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh như Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Tam Kỳ… có liên hệ hữu cơ, mật thiết về đa dạng sinh học với nhau. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học tại các con sông này chưa được chú trọng, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học.

Địa phương sẽ tiến hành đánh giá tất cả các mặt về kinh tế, tài nguyên, văn hóa, môi trường, tự nhiên, sẽ định hướng phát triển theo hướng hài hòa lợi ích trước mắt và bảo tồn lâu dài. Trong đó sẽ lưu ý vấn đề xác lập từng khu vực nào cần phải bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực nào được khai thác, sử dụng và khai thác đến mức nào, chủ thể tham gia khai thác...

Với một tầm nhìn mới phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, theo định hướng chung của tỉnh Quảng Nam, trong thời gian đến, địa phương xem xét rà soát, tổ chức lại các hoạt động kinh tế - xã hội ở lưu vực các con sông này, nhằm có giải pháp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, sinh thái, đa dạng động thực vật ở các vùng cửa sông, cửa biển.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, đánh bắt, hủy hoại môi trường... có nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại các con sông này.

Sau sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai khơi thông dòng Trường Giang. Đây từng là tuyến đường thủy quan trọng chạy dọc ven biển của tỉnh Quảng Nam, nhưng trải qua bao biến thiên, dòng sông này đã bị bồi lấp, gây ngập úng cho một số vùng đô thị. Theo Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60 km, từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa).

Ngoài ra, Dự án sẽ xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang, gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh (Quốc lộ 40B) và cầu Tam Tiến. Đồng thời, xây dựng kè bảo vệ tại các điểm xung yếu thường xảy ra xói lở; xây dựng tổ hợp công trình kênh, cống, đập hỗ trợ thoát lũ khu vực Tam Kỳ…

Định hướng sông Trường Giang sẽ được quy hoạch tổng thể một cách khoa học, đảm bảo hạ tầng đồng bộ và tạo sức lan tỏa lớn. Về tương lai lâu dài, sông Trường Giang sẽ trở thành trục xương sống để phát triển khu vực, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Tỉnh đưa ra nhiều hình thức chuyển đổi nghề, tạo điều kiện chuyển đổi nghề của người dân để tham gia phục vụ sự phát triển chung.

“Việc khơi thông sông Cổ Cò và sông Trường Giang là cơ hội phát triển các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông và phát huy hết chức năng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, giao thông...

Sông Trường Giang sẽ là con sông đa dạng hệ sinh thái bậc nhất trong số các con sông của tỉnh, mỗi lưu vực sẽ phục hồi hệ thực vật riêng và phân khu phát triển kinh tế, du lịch cũng khác nhau, duy trì sự sống của hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo sự bảo tồn và phát triển đa dạnh sinh học lưu vực sông.”- ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

“Đánh thức” những dòng sông xứ Quảng

 
Trang 12345678910

Trang 3 trong tổng số 39 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay1554
mod_vvisit_counterTrong tuần10630
mod_vvisit_counterTrong tháng56017
mod_vvisit_counterTất cả7535911

We have: 28 guests online