Theo phản ánh của cử tri, tình trạng hạn hán, xâm nhập nước mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản diễn ra ngày càng nhiều với tính chất nghiêm trọng hơn; gây ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước và trực tiếp tác động đến các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan, quan tâm nghiên cứu, xây dựng chiến lược lâu dài đối với việc dự trữ nguồn nước cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Vấn đề cử tri nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Tài nguyên nước năm 2023 có 4 nhóm chính sách mới, gồm: Chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật.
Trong đó, quy định việc tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trên cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung các dự án phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước vào đối tượng được ưu đãi đầu tư.
Ngoài ra, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung một số điều trong Luật Đầu tư năm 2020, đưa ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước vào nhóm được ưu đãi đầu tư. Đồng thời, ngành nghề này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong hoạt động phát triển, tích trữ và phục hồi nguồn nước.
Đồng thời, Luật Tài nguyên nước 2023 có nhiều quy định nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước đa mục tiêu, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, quản lý các công trình tích trữ nước phục vụ nông nghiệp, Bộ Xây dựng đầu tư, quản lý các công trình tích trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách liên quan đến tích trữ, dự phòng nguồn nước cấp, đặc biệt là cho mục đích sinh hoạt trong Luật Cấp, thoát nước.
Theo Điều 15 Luật Đầu tư 2020, các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng hình thức ưu đãi sau: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 1401/UBND-KT về việc triển khai thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính; xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ trên địa bàn. Cập nhật cơ sở dữ liệu về hành lang bảo vệ nguồn nước vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi...
Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi; tổ chức bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho địa phương để quản lý, bảo vệ theo quy định. Sở Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện hoàn thành công tác cắm mốc, bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa.
UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Phối hợp với Sở TN&MT trong việc xây dựng, điều chỉnh Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; thể hiện mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc địa bàn quản lý trên bản đồ địa chính.
Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn…
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Cục Quản lý tài nguyên nước vừa có văn bản số 2275/TNN-LVSBTB gửi các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông: Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn và Trà Khúc về việc vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông để ứng phó với mưa, lũ.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa, lũ gây ra, đặc biệt là sau những ảnh hưởng rất lớn của cơn bão số 3 đến an toàn, đời sống, sản xuất, tài sản của nhân dân ở các địa phương trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông khẩn trương tổ chức, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và lệnh vận hành hồ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đồng thời chủ động, sẵn sàng các phương án khi xuất hiện các tình huống bất thường trong quá trình vận hành công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do lũ gây ra cho nhân dân vùng hạ du; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (gồm nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị) để ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra.
Vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn và Trà Khúc ứng phó với mưa, lũ
Khi xuất hiện các tình huống bất thường, tình huống mưa, lũ vượt tần suất thiết kế thì phải đề xuất phương án vận hành hồ chứa và báo cáo ngay tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định việc vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành ứng phó các tình huống khẩn cấp; tăng cường thực hiện việc thông báo, cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ qua tràn, xả lũ khẩn cấp hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du.
Phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia và các Trung tâm điều độ hệ thống điện trong việc thực hiện huy động hiệu quả nguồn điện của các nhà máy thủy điện phù hợp với yêu cầu về vận hành giảm lũ cho hạ du, bảo đảm sử dụng nguồn nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu.
Các hồ chứa phía thượng và hạ lưu phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin vận hành, kết quả dự bảo lưu lượng, mực nước hồ và các phương án điều tiết vận hành để bảo đảm công tác phối hợp, vận hành điều tiết cắt, giảm lũ (trường hợp xảy ra mưa lũ) được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.
Đồng thời, thực hiện việc cung cấp thường xuyên, kịp thời số liệu vận hành hồ chứa tối thiểu 01 giờ/lần (khi có dự báo, cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ) lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước(https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua) phục vụ công tác theo dõi, giám sát và dự báo, cảnh báo mưa lũ trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông, đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa cung cấp ngay các bản tin dự báo và số liệu quan trắc, tính toán theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa về Tổng cục Khí tượng Thủy văn qua địa chỉ hòm thư điện tử:
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Ngày 16/9, tại thành phố Cần Thơ, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF-8) và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Tham dự Hội nghị, về phía Cục Quản lý tài nguyên nước có các Phó Cục trưởng: Ngô Mạnh Hà, Nguyễn Hồng Hiếu; cùng các báo cáo viên hội nghị là lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục.
Tham dự Hội nghị, về phía các địa phương, có ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang; ông Đào Anh Xuân Nhựt, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Long; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách lĩnh vực tài nguyên nước của 16 Sở TN&MT; đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách của 43 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước trên địa bàn các ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Giới thiệu những điểm mới của Luật ông Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, với 10 Chương và 86 Điều, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong đó, Luật giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết 21 nội dung và giao Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết 7 nội dung.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; nội dung Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tài nguyên nước.
Hội nghị cũng được nghe nội dung về những điểm mới của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.
Trên cơ sở các quy định của Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các báo cáo viên của phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Trong đó, nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh gồm: Ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định Luật quy hoạch và Luật Tài nguyên nước; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh;
Ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TN&MT công bố ; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Chỉ đạo Sở TN&MT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác tài nguyên nước; Thanh tra tài nguyên nước, kiểm tra tài nguyên nước;…

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng lưu vực sông Đông Nam Bộ giới thiệu Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và cácThông tư của Bộ TN&MT quy đinh chi tiết Luật Tài nguyên nước 2023
UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước gồm: Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện kê khai khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt (khoản 4, Điều 52, Luật Tài nguyên nước). Việc kê khai thực hiện từ 01/7/2026 (khoản 4, Điều 85 Luật Tài nguyên nước).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thực hiện đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô nhỏ và vừa (khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP). Hoàn thành thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày 30/6/2026 (trường hợp đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ) và trước 30/6/2027 (đối với công trình thủy lợi đã xây dựng, khai thác trước 01/01/2013 và công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nếu chưa có giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật tài nguyên nước 2023 và quy định của giấy phép, cụ thể như sau: Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; Quan trắc để giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các thông số mực nước, lưu lượng, chất lượng nước (đối với công trình cấp nước sinh hoạt); Lắp đặt thiết bị, kết nối và truyền thông tin, dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nộp báo cáo hoạt động khai thác nước hàng năm. Đối với công trình là hồ chứa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; …
Trên cơ sở những nội dung được trình bày tại Hội nghị, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thực hiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước tại địa phương.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước thực đo đến 6h sáng nay (12/9) thể hiện lũ trên sông tại Yên Bái xuống với cường suất 13cm/h, lũ tại Tuyên Quang xuống với cường suất 25 cm/h.
Xu thế hiện nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang đang xuống. Lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương), sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang lên.
Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) và sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang biến đổi chậm.
Mực nước thực đo lúc 6h sáng nay
Dự báo đến khoảng 15h chiều nay:
- Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ2.
- Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức
BĐ3.
- Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ2 và
dưới BĐ3.
Lũ trên các sông vùng trung du Bắc Bộ đang giảm dần
Dự bao trong 12- 24 giờ tiếp theo:
- Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ1.
- Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức
BĐ2.
- Lũ trên sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
Bên cạnh các sông chính, cảnh báo trong hôm nay, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3, sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính. Bên cạnh đó, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tình trạng ngập lụt xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
|