(TN&MT) - Ngày 16/9, tại thành phố Cần Thơ, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF-8) và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Tham dự Hội nghị, về phía Cục Quản lý tài nguyên nước có các Phó Cục trưởng: Ngô Mạnh Hà, Nguyễn Hồng Hiếu; cùng các báo cáo viên hội nghị là lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục.
Tham dự Hội nghị, về phía các địa phương, có ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang; ông Đào Anh Xuân Nhựt, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Long; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách lĩnh vực tài nguyên nước của 16 Sở TN&MT; đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách của 43 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước trên địa bàn các ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Giới thiệu những điểm mới của Luật ông Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, với 10 Chương và 86 Điều, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong đó, Luật giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết 21 nội dung và giao Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết 7 nội dung.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; nội dung Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tài nguyên nước.
Hội nghị cũng được nghe nội dung về những điểm mới của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.
Trên cơ sở các quy định của Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các báo cáo viên của phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Trong đó, nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh gồm: Ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước; cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định Luật quy hoạch và Luật Tài nguyên nước; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh;
Ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TN&MT công bố ; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Chỉ đạo Sở TN&MT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác tài nguyên nước; Thanh tra tài nguyên nước, kiểm tra tài nguyên nước;…

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng lưu vực sông Đông Nam Bộ giới thiệu Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và cácThông tư của Bộ TN&MT quy đinh chi tiết Luật Tài nguyên nước 2023
UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
UBND cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước gồm: Hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện kê khai khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt (khoản 4, Điều 52, Luật Tài nguyên nước). Việc kê khai thực hiện từ 01/7/2026 (khoản 4, Điều 85 Luật Tài nguyên nước).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thực hiện đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô nhỏ và vừa (khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP). Hoàn thành thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày 30/6/2026 (trường hợp đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ) và trước 30/6/2027 (đối với công trình thủy lợi đã xây dựng, khai thác trước 01/01/2013 và công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan).
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nếu chưa có giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật tài nguyên nước 2023 và quy định của giấy phép, cụ thể như sau: Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; Quan trắc để giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các thông số mực nước, lưu lượng, chất lượng nước (đối với công trình cấp nước sinh hoạt); Lắp đặt thiết bị, kết nối và truyền thông tin, dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nộp báo cáo hoạt động khai thác nước hàng năm. Đối với công trình là hồ chứa phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; …
Trên cơ sở những nội dung được trình bày tại Hội nghị, các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thực hiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước tại địa phương.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước thực đo đến 6h sáng nay (12/9) thể hiện lũ trên sông tại Yên Bái xuống với cường suất 13cm/h, lũ tại Tuyên Quang xuống với cường suất 25 cm/h.
Xu thế hiện nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang đang xuống. Lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương), sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang lên.
Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) và sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang biến đổi chậm.
Mực nước thực đo lúc 6h sáng nay
Dự báo đến khoảng 15h chiều nay:
- Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ2.
- Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức
BĐ3.
- Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ2 và
dưới BĐ3.
Lũ trên các sông vùng trung du Bắc Bộ đang giảm dần
Dự bao trong 12- 24 giờ tiếp theo:
- Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ1.
- Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức
BĐ2.
- Lũ trên sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
- Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
- Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
Bên cạnh các sông chính, cảnh báo trong hôm nay, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3, sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính. Bên cạnh đó, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tình trạng ngập lụt xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - 15h chiều nay 11/9, thủy điện Tuyên Quang sẽ đóng tiếp cửa xả đáy thứ tư.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công điện, lệnh Giám đốc Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp tục đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang.
15h chiều nay 11/9, thủy điện Tuyên Quang sẽ đóng tiếp cửa xả đáy thứ tư. Ảnh: EVN
Hồi 13h chiều nay, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang đã ở cao trình 117,63m, lưu lượng đến hồ 2.643m3/s, lưu lượng xả 3.708m3/s. Như vậy, sau 15h chiều nay, thủy điện Tuyên Quang sẽ đóng 4/8 cửa xả đáy.
Theo Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang, mực nước lũ trên sông Lô- Gâm, sông Chảy ở mức cao gây ngập lụt TP Tuyên Quang và một số huyện, với độ sâu từ 1 - 4m. Nguy cơ gây sạt lở, sụt lún bờ sông, bãi sông, công trình ven sông, khu vực có kết cấu đất đá yếu. Thời gian ngập lụt dự kiến kéo dài từ 2 - 3 ngày, sau độ sâu ngập sẽ giảm dần và kéo dài thêm 3- 5 ngày.
Cũng trong hôm nay, thủy điện Hòa Bình đã đóng cửa xả duy nhất. Việc liên tiếp đóng cửa xả thủy điện nhằm giúp giảm lượng nước đổ về vùng hạ du, nơi mực nước lũ trên các sông hầu hết đều đã lên quanh mức báo động 3.
Tại thủy điện Thác Bà, đến 14h30 chiều nay, lưu lượng nước đến hồ là 2.778 m3/s, tổng lượng xả qua đập tràn là 2.918 m3/s. Tất cả các thông số lũ đến, lũ xả và mực nước đều thấp hơn thiết kế. Tham gia đoàn công tác của Chính phủ đến thủy điện Thác Bà vào sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Còn nhiều việc phải làm nhưng với lưu lượng nước về và lưu lượng xả, chúng tôi khẳng định Thủy điện Thác Bà an toàn.
Các thông số của thủy điện Thác Bà đã trong ngưỡng an toàn. Ảnh: Thông tin Chính phủ
Sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép và bà con nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Thứ trưởng Hiệp cho rằng, với dự báo tình hình thời tiết, vấn đề Thủy điện Thác Bà sẽ được giải quyết tốt, mực nước sẽ xuống dưới ngưỡng cho phép.
Dự báo lượng mưa ở khu vực này trong 48 giờ tới khoảng 40-50 mm và trong 24 giờ tới thì lượng mưa khoảng 15-20 mm. Hiện nay, các lực lượng chức năng đã tính toán mọi phương án và chủ động sẵn sàng lực lượng để ứng phó với tinh thần là giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu, trong đó, tính mạng của người dân là trên hết.
Nguồn: botainguyenvamoitruong.vn
|

Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy thuỷ điện miền Bắc tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa khi tiến hành xả lũ.
Ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Công điện hỏa tốc số 6908/CĐ-BCT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam; Các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ về việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Công văn nêu rõ: Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200 - 350mm (nhiều nơi 400 - 500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày tới khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 100 - 200mm, có nơi trên 350mm nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương nghiêm chỉnh thực hiện với trách nhiệm cao nhất các nhiệm vụ được giao trong các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về ứng phó với bão số 3 và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
- Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai tại các dự án, công trình ngành Công Thương, nhất là các công trình đang thi công xây dựng tại các địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp nhằm kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết đảm bảo an toàn cho người và công trình.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương tăng cường công tác giám sát an toàn, có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra; Không cho phép xây dựng lán trại, nhà tạm tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp; Cương quyết xử lý các đơn vị vi phạm.
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu nhiệm vụ tại công điện này;
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, nhất là các thủy điện có dung tích phòng lũ và các công trình thủy điện có vùng hạ du đang bị ngập lụt; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chỉ đạo các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà và các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý khu vực miền Bắc, miền Trung tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cấp có thẩm quyền; chủ động, sẵn sàng các phương án khi xuất hiện các tình huống bất thường khi vận hành công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du do lũ gây ra; tăng cường thông tin cảnh báo, thông báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ theo quy trình.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra và yêu cầu các đơn vị thủy điện thuộc phạm vi quản lý tự kiểm tra việc ứng phó, khắc phục thiệt hại và các sự cố do hoàn lưu cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của các hình thái thiên tai; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra.
- Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du phù hợp với diễn biến của mưa, lũ, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà.

3. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ
- Tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị và chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và phòng chống thiên tai đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là các công trình đang thi công xây dựng tại các địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp nhằm kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết đảm bảo an toàn cho người và công trình.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo về thời tiết, mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
- Tăng cường nhận thức và kỹ năng cho người lao động về các biện pháp đảm bảo an toàn, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
4. Các chủ đập công trình thủy điện
- Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
- Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).
- Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu; kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về các khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
5. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão số 3 để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó.
- Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các quy định về an toàn kỹ thuật và phòng chống thiên tai thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 9/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Công điện số 6844/CĐ-BCT về tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành công trình thủy điện.
Công văn nêu: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện 86, 87 và 88/CĐ-TTg, để đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, đặc biệt vùng hạ du khi xả lũ, tiếp theo các Công điện hoả tốc của Bộ Công Thương số: 6638, 6650, 6751 và 6814/CĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng tại các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về việc tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy điện.
|
Tác giả bài viết: DWRM
|
\
Bộ TN&MT ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra
Nhằm hướng về đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây ra và đồng bào đang gặp khó khăn do mưa lũ sau cơn bão này, Bộ TN&MT đã chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại.
Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài; vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to, lũ lớn; một số nơi vượt mức lũ cao nhất trong lịch sử; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương.
Những ngày vừa qua mưa lũ xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhà dân bị phá hủy và hư hỏng nặng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những ngày qua, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã phát động chung tay cùng chia sẻ khó khăn và hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, sớm ổn định cuộc sống.

Bộ TN&MT ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra
Phát huy mạnh mẽ tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chiều ngày 10/9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơ bão số 3 gây ra.
Tại buổi lễ phát động này, Bộ TN&MT đã chung tay ủng hộ 300 triệu đồng. Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT cho biết, đây là hành động thiết thực của Bộ TN&MT không chỉ thể hiện sự sẻ chia, đoàn kết với bà con vùng bão lũ mà còn là nguồn động viên to lớn, giúp các địa phương sớm vượt qua khó khăn.
Theo ông Dương Trung Thành, cũng trong chiều 10/9, đoàn công tác của Công đoàn Bộ TN&MT đã ủng hộ 300 triệu đồng hỗ trợ người dân Yên Bái bị thiệt hại do mưa lũ. Hy vọng, với sự giúp đỡ lần này sẽ góp phần hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn trước mắt, tái ổn định cuộc sống sau thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
|