Nâng cao nhận thức về Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện
Thứ hai, 19 Tháng 8 2024

Ngày 19/8, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật tài nguyên nước 2023) và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, với tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt 80.555MW, trong đó tổng công suất thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%.
Các công trình thuỷ điện có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, tưới tiêu phục vụ nhu cầu của người dân và phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện. Vì vậy, việc vận hành các công trình thuỷ điện an toàn, hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đúng quy trình, quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng, đây cũng trách nhiệm và nghĩa vụ của EVN nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng, được lãnh đạo EVN quan triệt, chấp hành nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.

                                                           Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

 Theo ông Ngô Sơn Hải, Luật Tài nguyên nước năm 2023 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với mục tiêu quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, trong đó có các Nhà máy thuỷ điện trong và ngoài EVN về việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

“Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết hệ thống pháp luật mới trong lĩnh vực tài nguyên nước; đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý, các chuyên gia giải đáp, hướng dẫn trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật về tài nguyên nước cho các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thuỷ điện” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.


Lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước trình bày các chuyên đề chính như sau: Giới thiệu luật tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu nội dung cơ bản của Luật tài nguyên nước 2023

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật tài nguyên nước 2023, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ 01/7/2024) đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam.
Đáng chú ý, luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, đã được cụ thể hóa qua những điểm mới như sau: (1) Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; (2) Bảo đảm An ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quản lý tài nguyên nước, xây dựng Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành; (3) Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước; (4) Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; (5) Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; (6) Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; (7) Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”; (8) Nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước; (9) và một số điểm mới quan trọng khác như: ngưỡng khai thác nước dưới đất; phân vùng chức năng nguồn nước; phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ; lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp,....
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương cũng giới thiệu và nhấn mạnh những điểm mới của Luật tài nguyên nước 2023 so với những quy định của pháp luật về tài nguyên nước trước đây liên quan đến công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Quang cảnh Hội thảo

 Trong đó, tại Chương IV - Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã bổ sung quy định xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3, Điều 35): Hằng năm, Bộ TN&MT xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên cơ sở số liệu do các Bộ và địa phương cung cấp. Căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ, địa phương chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước (khoản 6, Điều 35). Đối với lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 7, Điều 35); …

Luật tài nguyên nước 2023 cũng quy định rõ hơn về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (Điều 38): Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải được xây dựng, ban hành hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực; quy định trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực (khoản 4);  Bộ TN&MT lập danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa; xây dựng, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp các Bộ, UBND tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa đề nghị điều chỉnh thì phải xây dựng phương án gửi Bộ TN&MT thẩm định (điểm a, khoản 7, Điều 38); Quy định xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa (khoản 9, Điều 38);
Bên cạnh đó, Luật tài nguyên nước 2023 cũng bổ sung điều mới quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 41); Bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 42). Trong đó, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quyền được tạm dừng có thời hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước; được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khi bị cắt giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn giấy phép. Đồng thời, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ cắt, giảm hoặc tăng lượng nước khai thác hoặc điều chỉnh chế độ vận hành, khai thác nước của công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ hạn ngạch khai thác tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước quy định;…
Luật tài nguyên nước 2023 cũng quy định, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước (khoản 1, Điều 50); Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình đập, hồ chứa và quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa (khoản 2, Điều 50); Việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa và các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Việc vận hành đập, hồ chứa trên sông, suối còn phải bảo đảm các yêu cầu cắt, giảm lũ cho hạ du, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan và bảo đảm các nguyên tắc theo quy định (khoản 5, Điều 50);
Cùng với đó, Luật tài nguyên nước 2023 cũng có quy định về khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (khoản 7, Điều 50); Quy định việc nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 8, Điều 50); Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc quan trắc và lắp đặt thiết bị đo đạc được kiểm định, hiệu chuẩn; quy định về di chuyển trạm quan trắc (điểm c, d, khoản 1, Điều 51); bổ sung trách nhiệm cập nhật, kết nối, truyền dữ liệu quan trắc vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để phục vụ giám sát việc khai thác tài nguyên nước (điểm b, khoản 2, Điều 51);…

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc của các đại biểu tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục cũng đã giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc của các đại biểu trong quá trình triển khai, thực thi Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; đặc biệt là những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện. 

TS Trịnh Quang Toàn giới thiệu chuyên đề "Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực"

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo 

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Tác giả bài viết: DWRM


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay66
mod_vvisit_counterTrong tuần9194
mod_vvisit_counterTrong tháng9194
mod_vvisit_counterTất cả7172084

We have: 23 guests online