(TN&MT) - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tại Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước diễn ra chiều ngày 17/1, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân dự và chỉ đạo Hội nghị
Hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước cho biết, năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Các đơn vị đã đã thành khối lượng công việc lớn theo Chương trình công tác, trọng tâm là trình ban hành 3 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 nhiệm vụ Chính phủ và 5 Thông tư hướng dẫn, quy định kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước Dương Hồng Sơn báo cáo tại Hội nghị
Ngoài chương trình công tác, năm 2024 các đơn vị đã quyết tâm hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ công bố 8 Kịch bản nguồn nước (lần đầu) để chủ động trong việc điều hoà, sử dụng nước trên các lưu vực sông; Trình Bộ trưởng ban hành 2 Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ để đảm bảo tính công khai minh bạch trong thực hiện cải cách hành chính.
Các đơn vị cũng triển khai thực hiện nhiều Dự án, Đề án, chương trình chuyên môn quan trọng và các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia, cấp Bộ.
Là một trong 13 lĩnh vực có hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ, số lượng TTHC của lĩnh vực tài nguyên nước chiếm khoảng 2,8% số lượng của cả Bộ. Tính đến ngày 20/12/2024, Bộ đã tiếp nhận và thẩm định 244 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; trả kết quả 184 thủ tục đảm bảo đúng thời gian, quy trình theo quy định. Thực hiện bảo đảm 100% thủ tục hành chính xử lý trên môi trường mạng; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 10 TTHC (cấp Trung ương) và 12 TTHC (cấp tỉnh) đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Điểm nhấn trong hợp tác quốc tế
Năm 2024, công tác hợp tác quốc tế tiếp tục là điểm nhấn nổi bật của lĩnh vực tài nguyên nước. Đáng chú ý, trong năm qua, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, tích cực hợp tác với các đối tác phát triển triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, với vai trò là Trưởng nhóm tài nguyên nước của ASEAN tại Việt Nam, đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác ASEAN về tài nguyên nước; Hoàn thành tốt các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác vùng; tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia có chung nguồn nước; tích cực tìm kiếm, mở rộng xây dựng quan hệ với các đối tác mới có tiềm năng, kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phát triển, quản lý sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên nước.
Quang cảnh Hội nghị
Nhiều dấu ấn quản lý tài nguyên nước tại địa phương
Theo ông Dương Hồng Sơn, trong năm 2024, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ký theo thẩm quyền hơn 5000 văn bản, trong đó có 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước. Kết quả đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong việc phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ ao không san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh; ban hành kế hoạch điều tra cơ bản; gửi báo cáo sử dụng nước; các chủ giấy phép khai thác..
Nổi bật, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn; đã có 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh; có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 49/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; có 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước được các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.
Phối hợp, đoàn kết quản lý tài nguyên nước toàn diện, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của các đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ trong năm 2024. Thứ trưởng cho rằng, năm 2024, lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao như: công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước luôn được hoàn thành trước và đúng hạn; nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các Dự án, Đề án, chương trình chuyên môn; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, hiệu quả; công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được triển khai toàn diện;…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Về định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần duy trì khối đoàn kết chặt chẽ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ TN&MT để cập nhật, triển khai hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.
Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục rà soát, đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Tài nguyên nước và các văn bản liên quan, nâng cao chất lượng tuyên truyền để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Công tác phổ biến pháp luật cần tập trung vào việc tạo nhận thức đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng và cơ quan quản lý.
Nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện quy hoạch tài nguyên nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tài nguyên nước, với 5 quy hoạch còn dở dang, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung nguồn lực và trí tuệ để hoàn thành trong năm 2025. Đây là công cụ quan trọng để nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước, từ giám sát, kiểm tra đến điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn.
Cùng với việc hoàn thiện, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nâng cấp và mở rộng mạng quan trắc sông; tăng cường công tác cảnh báo dự báo thiên tai, tài nguyên nước, bao gồm dự báo ngắn hạn và dài hạn trên lưu vực sông trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mê Công trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, nước không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực quan trọng, mang ý nghĩa tài chính và chiến lược lâu dài. Đảm bảo an ninh nguồn nước là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Đây sẽ là nội dung ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển chung của ngành tài nguyên nước. Chính vì vậy, các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng, đẩy mạnh “kinh tế hoá” tài nguyên nước hướng tới quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo an ninh nguồn nước nước quốc gia – yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế và xã hội.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, năm 2025 sẽ là năm bản lề để lĩnh vực tài nguyên nước thể hiện rõ hơn vai trò và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm, các đơn vị sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Năm 2025, tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở những kết quả đạt được, theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, năm 2024, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung tổ chức, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm An ninh nguồn nước quốc gia; đề xuất các biện pháp phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”, nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông; tổ chức Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại Hội nghị
Các đơn vị cũng tiếp tục tổ chức triển khai việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; tập trung hoàn thành việc lập, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tăng cường công tác đôn đốc, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2025-2026, tăng cường vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mê Công.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023 – 2027. Chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước Mê Công- Lan Thương lần thứ hai tại Việt Nam; Tăng cường hoạt động của tổ chức lưu vực sông và hoàn thiện Đề án tổ chức lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Các đơn vị cũng tập trung thực hiện phương án sắp xếp, hợp nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, bám sát các quy định và chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ; phù hợp với bối cảnh của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch.
Đẩy mạnh các hoạt động KHCN, đề xuất các nhiệm vụ mới nhằm phục vụ cho việc thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả,....
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
(TN&MT) - Tài nguyên nước là nền tảng của sự sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý về tài nguyên nước: “Quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”. Hiện tượng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông là bước đi mang tính chiến lược, đặt nền tảng pháp lý quan trọng, là gốc rễ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Quy hoạch tài nguyên nước - Hành lang pháp lý quan trọng
Kể từ khi Luật Tài nguyên nước 1998 được ban hành, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Đây là dấu mốc nền tảng, đặt nền móng pháp lý cho việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững. Luật Tài nguyên nước 1998 không chỉ thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng mà còn phản ánh chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến tài nguyên nước. Lần đầu tiên, các nguyên tắc hiện đại về quản lý tổng hợp tài nguyên nước được đưa vào hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quy hoạch tài nguyên nước - Chìa khóa cho phát triển bền vững
Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao và tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, Luật Tài nguyên nước 2012 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong quản lý tài nguyên nước.
Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới, ngày 27/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy, cách tiếp cận và phương thức quản trị tài nguyên nước tại Việt Nam.
Qua hơn 25 năm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, từ Luật Tài nguyên nước 1998, Luật Tài nguyên nước 2012, đến Luật Tài nguyên nước 2023, Việt Nam đã không ngừng cải tiến phương thức quản trị tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước 2023 không chỉ phản ánh sự tiến bộ về mặt pháp lý mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách bền vững, đảm bảo nguồn nước luôn được quản lý minh bạch, hiệu quả và công bằng.
Cam kết đó được thể hiện rất rõ nguyên tắc quan trọng nhất đó là: “Quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn”. Trong đó, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn nước và điều hòa, phân phối cho các mục đích khai thác, sử dụng phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước, khả năng của nguồn nước. Như vậy, có thể thấy tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai các quy hoạch tài nguyên nước.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch tài nguyên nước, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 10/15 Quy hoạch gồm: 1 Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và 1 Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Dự kiến năm 2025, 5 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh còn lại sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngay sau khi các Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch hành động. Công tác này không chỉ dừng lại ở cấp Trung ương mà còn được triển khai sâu rộng tới các địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động lập kế hoạch, triển khai giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế.
Đến nay, sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, các quy hoạch tài nguyên nước đã mang lại những kết quả tích cực. Nổi bật là các chính sách về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước đã được hoàn thiện; cơ chế thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đã được sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, chúng ta đã triển khai xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông; 100% hồ chứa thủy điện lớn trên cả nước đã được kết nối và giám sát dữ liệu hàng ngày; Quy trình vận hành liên hồ chứa được rà soát và điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước;…
Nổi bật hơn nữa là trên cơ sở các quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông lớn, quan trọng là sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long. Các kịch bản được công bố sẽ phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước. Dự kiến tháng 1/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố 6 lưu vực sông còn lại đã có Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Chuyển đổi số - Chìa khóa cho quản lý tài nguyên nước bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, quản lý tài nguyên nước bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, việc triển khai quy hoạch lưu vực sông đang đặt ra những đòi hỏi mới về công cụ quản lý, phương pháp tiếp cận và nguồn lực thực hiện. Sự kết hợp giữa chính sách đúng đắn, công nghệ hiện đại và sự đồng thuận của cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam bảo vệ và khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, vì một tương lai thịnh vượng và an toàn.
Để giải quyết bài toán này, chuyển đổi số được xem là chìa khóa quan trọng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý hiệu quả mà còn là nền tảng cho việc ra quyết định nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí nhân lực.
Chia sẻ về lộ trình triển khai thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước đang nghiên cứu thí điểm việc quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua việc thí điểm xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và Hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng, thuê dịch vụ nhằm điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông và giảm thiểu chi phí, nhân lực của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các mục đích sử dụng.
Quản lý tài nguyên nước bền vững theo quy hoạch lưu vực sông không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược dài hạn, đảm bảo an ninh nước quốc gia, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết tâm từ Chính phủ, sự đồng lòng của người dân và ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ, trong tương lai, tài nguyên nước Việt Nam chắc chắn sẽ được quản lý một cách hiệu quả và bền vững.
Hạt giống từ những quyết sách đúng đắn từ đây đã bắt đầu nảy mầm, mang đến niềm hy vọng về một tương lai xanh, nơi mọi người dân đều được tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn và bền vững.
Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn
|
(TN&MT) - Sở TN&MT Đồng Nai vừa có Công văn số 142/STNMT-TNN&KS về việc công khai kết quả quan trắc mực nước và chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Một công trình quan trắc nưới dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, triển khai thực hiện nhiệm vụ “Quan trắc Tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai đã thực hiện quan trắc mực nước và chất lượng nước tại 115 công trình thuộc 11 khu vực như: Định Quán là 20 công trình, TP. Long Khánh là 07 công trình, Nhơn Trạch là 14 công trình, Trảng Bom là 06 công trình, Long Thành là 10 công trình, Xuân Lộc là 16 công trình, Vĩnh Cửu là 11 công trình, Thống Nhất là 04 công trình, Cẩm Mỹ là 06 công trình, TP. Biên Hòa 11 công trình và Tân Phú là 10 công trình, thuộc mạng quan trắc nước dưới đất tỉnh Đồng Nai.
Qua kết quả quan trắc cho thấy, về mực nước mùa khô năm 2024, bắt đầu tính từ thời điểm tháng 11/2023 đến hết tháng 4/2024, thời tiết khô hạn, nắng nóng và không có mưa trái mùa làm cho mực nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai suy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, các địa phương suy giảm mực nước nhiều nhất chủ yếu ở các khu vực hoạt động nông nghiệp nhiều như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Thống Nhất và TP. Long Khánh; các khu vực có tầng nước nông và ảnh hưởng triều, ít sản xuất nông nghiệp như: TP. Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch ít bị ảnh hưởng
Vào mùa mưa, từ tháng 5/2024 đến hết tháng 10/2024, do đặc thù năm 2024 có mùa mưa đến trễ và lượng mưa ít dầu mùa mưa đã làm cho mực nước đa số các địa bàn phục hồi chậm so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt, tại các khu vực có nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động nông nghiệp nhiều như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú. Tuy nhiên, có một vài khu vực có lượng mưa lớn đã giúp cho mực nước phục hồi sớm vào cao hơn cùng kỳ năm trước như: Trảng Bom và Long Thành. Vào cuối mùa mưa năm 2204, nhờ các đợt mưa lớn vào các tháng 9, 10 và kéo qua đến đầu tháng 11/2024 đã làm cho mực nước tăng trở lại và cũng giúp cho trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trong năm tới.
Về chất lượng nước, trong năm 2024, có 223 lần phát hiện các thông số vượt chuẩn so với QCVN 09:2023/BTNMT; trong đó, chủ yếu là chỉ số pH, các kim loại nặng Fe, Mn, Pb và thông số Amoni; các thông số vượt chuẩn chủ yếu ở địa bàn huyện Long Thành là 55 lần phát hiện thông số vượt chuẩn, Nhơn Trạch 44 lần, TP. Biên Hòa 44 lần, Định Quán 24 lần và Xuân Lộc là 20 lần phát hiện thông số vượt chuẩn; còn các khu vực huyện Tân Phú là 05 lần phát hiện thông số vượt chuẩn, TP. Long Khánh 05 lần phát hiện thông số vượt chuẩn và huyện Cẩm Mỹ là 03 lần phát hiện thông số vượt chuẩn, ghi nhận chất lượng nước tốt hơn, riêng các công trình quan trắc trên địa bàn huyện Thống Nhất đều đạt quy chuẩn cho phép.
So với QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế - Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì chất lượng nước tại đa số khu vực đã phát hiện một số thông số không đạt so với Quy chuẩn cho phép. Do đó, cần khuyến cáo cho người dân tại địa phương hạn chế khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất và không khai thác, sử dụng nước dưới đất tại những khu vực đã có nguồn nước máy tập trung nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân. Riêng đối với các khu vực chưa có nguồn nước máy tập trung, đề nghị các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng nước dưới đất cần phải có biện pháp xử lý phù hợp trước khi sử dụng.
Nguồn: baotainguyenvamoitruong
|
(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-B-TNMT quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025.
Thông tư áp dụng đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy vặn (KTTV) quốc gia có hoạt động quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Trong đó quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn tại các vùng sông ven biển, bao gồm các sông, nhánh sông, kênh, rạch ở khu vực ven biển bị ảnh hưởng của thủy triều.
Cụ thể, Thông tư đã nêu rõ các quy định kỹ thuật về yếu tố, trang thiết bị quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn; cách thức quan trắc mặn thủ công và quan trắc mặn tự động.
Với quan trắc mặn thủ công, Thông tư quy định về vị trí quan trắc, chế độ quan trắc, các bước quan trắc mặn, quan trắc hoặc thu thập một số yếu tốt KTTV, tính toán và chỉnh lý dữ liệu quan trắc. Thời gian quan trắc tiến hành trong 6 tháng mùa cạn. Cụ thể, đối với sông ở khu vực miền Bắc và miền Nam, bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Đối với sông ở khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 của năm; từ Bình Định đến Bình Thuận bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 của năm.
Hoạt động quan trắc mặn thủ công thực hiện trong 6 tháng mùa cạn
Đối với sông ở những khu vực có diễn biến xâm nhập mặn bất thường có thể tiến hành quan trắc hoặc điều tra, khảo sát ngoài khoảng thời gian nêu trên. Tại những khu vực thường có diễn biến xâm nhập mặn thấp, nếu trong quá trình quan trắc vào giai đoạn gần cuối mùa cạn mà xuất hiện 2 kỳ nước cường cao nhất liên tiếp có độ mặn dưới 0,1‰ thì xem xét, đánh giá ngừng công tác quan trắc mặn của mùa cạn đó.
Với quan trắc mặn tự động, Thông tư quy định về trạm quan trắc mặn tự động (vị trí, nguyên tắc đặt trạm, chế độ quan trắc, trang thiết bị), đặc tính kỹ thuật của thiết bị đo mặn tự động, cách thức vận hành và truyền, nhận, lưu trữ thông tin dữ liệu, tính toán lập biểu dữ liệu.
Về điều tra, khảo sát, nguyên tắc là trên đoạn sông điều tra, khảo sát phải bố trí tối thiểu 3 điểm quan trắc, phân bố từ cửa sông lên thượng lưu và đảm bảo khoảng cách giữa các điểm quan trắc. Cụ thể, khoảng cách đối với sông ở khu vực miền Bắc từ 5 ÷ 7km; sông ở khu vực miền Trung từ 3 ÷ 5km; sông ở khu vực miền Nam từ 10 ÷ 15km. Trong trường hợp sông có tình trạng xâm nhập mặn phức tạp, nguy cơ diễn biến bất thường có thể giảm khoảng cách giữa các điểm quan trắc để bảo đảm xác định được ranh giới xâm nhập mặn theo nhu cầu sử dụng của các đối tượng dùng nước.
Điểm quan trắc mặn tự động ở Bến Tre
Các điểm quan trắc được bố trí bảo đảm xác định được giá trị ranh giới xâm nhập mặn (giá trị ranh giới xâm nhập mặn tùy theo yêu cầu điều tra khảo sát thường được xác định là 1‰ hoặc 4‰). Các điểm quan trắc trên đoạn sông điều tra, khảo sát đảm bảo các yêu cầu: Dòng chảy bị ảnh hưởng triều rõ rệt; không có hiện tượng nước tù, chảy quẩn; không có dòng nhập lưu; ít bị ảnh hưởng bởi tác động của con người.
Thông tư cũng quy định công tác báo cáo tình hình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Theo đó, báo cáo bao gồm: báo cáo tình hình hoạt động theo tháng đối với từng trạm/điểm quan trắc (thủ công và tự động); tuyến điều tra, khảo sát và báo cáo tổng kết quan trắc theo đợt hoặc năm đối với các đơn vị quản lý công tác quan trắc và điều tra, khảo sát.
Các đơn vị thực hiện các chương trình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn có trách nhiệm báo cáo, cập nhật thông tin, số liệu về tình hình xâm nhập mặn gửi Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước ngày 8 hàng tháng (đối với các báo cáo, số liệu hàng tháng), và sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc đợt hoặc năm quan trắc (đối với báo cáo tổng kết, số liệu theo đợt hoặc cả năm).
Thông tư số 39/2016/TT-BTNMT ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Riêng các tổ chức, cá nhân đã được phê duyệt chương trình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện theo Thông tư số 39.
Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn
|
(TN&MT) - Để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nằm trên 3 lưu vực sông Sê San, SrêPốk và sông Ba, có diện tích tự nhiên là 15.536,92km2. Số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy: Tổng lượng mưa năm của tỉnh bình quân từ 1.750 - 2.500mm, trong đó lượng mưa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lượng mưa chiếm 25% tổng lượng mưa năm. Tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 23 tỉ m3/năm, phân bố trên các hệ thống sông lớn.
Cùng với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt vào mùa khô do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng hạn hán, thiếu nước đã gây thiệt hại đối với tỉnh Gia Lai gần 152 tỷ đồng, với hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, gồm 435,89ha lúa; 101ha cây hàng năm, rau màu; 2.506,49ha cây lâu năm; 182,627ha cây ăn quả; và 16,1ha cây lâm nghiệp.
Chú trọng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân
Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và thiếu nước, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp. Trong Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023 -2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai xác định Nhà nước và nhân dân cùng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp thực hiện. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn nước hiện có cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác; hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; chủ động các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn ngay từ đầu mùa vụ.
Về việc đảm bảo nước sinh hoạt nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đặc biệt quan tâm rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có công trình cấp nước, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 3m3 - 5m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân ở phân tán, những vùng khó khăn về nước sạch mà nguồn nước mặt có thể sử dụng được.
Theo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong tháng 11/2024, Sở đã tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; yêu cầu rà soát, đề xuất đưa vào sử dụng các giếng khoan thuộc dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đề nghị UBND các huyện Krông Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, thị xã An Khê xác định nhu cầu sử dụng nước cho mùa cạn năm 2024; tăng cường trong công tác vận hành của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024; triển khai các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định về việc vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024.
Đối với công tác thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất; nạo vét các hồ chứa nhằm tăng dung tích trữ của hồ chứa trong mùa mưa lũ. Song song với đó, tập trung nạo vét các trục tiêu, kênh dẫn vào trạm bơm, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nước, để tiết kiệm nước tưới phục vụ chống hạn.
Để bảo vệ cây trồng trước tình trạng hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cánh đồng lớn để gieo trồng vào cùng thời điểm, cùng một cánh đồng để tiết kiệm nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cho nông dân biết và áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
|