Tin tức sự kiện

Thủ tướng tiếp tục ra công điện yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Bão số 4 dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có Công điện số  865/CĐ-TTg ngày 27/9/2022 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão này.

b2-1664255944996272624161Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4.

 

Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nêu rõ:

 

Bão số 4 dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta; diễn biến của bão còn rất phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng chống chịu của nhà dân, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn khi xảy ra bão mạnh hết sức khó khăn.

 

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của Nhân dân.

 

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại công tác ứng phó, triển khai ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế của bão trên địa bàn theo chỉ đạo tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

 

1. Các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4, cần phân công từng đồng chí trong Thường vụ, lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

 

Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến.

 

Tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, các phương tiện hoạt động ven bờ, vùng cửa sông); hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.

 

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… để hạn chế thiệt hại khi bão, lũ.

 

Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào bờ để bảo đảm an toàn. 

 

Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ.

 

Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên biển, trên sông và những nơi bị chia cắt.

 

2. Các địa phương khác phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện không để đi vào khu vực ảnh hưởng của bão số 4; chủ động triển khai các phương án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất tại vùng núi, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước…

bao-11h-279-16642574296411985347925Ảnh vị trí và hướng đi của bão số 4.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, dự báo chính xác nhất, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại.

4. Các bộ, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó bão số 4, đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, học sinh, phụ nữ và du khách; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,…

5. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng, chống.

7. Ban chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.

8. Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ; cập nhật kịp thời, bám sát diễn biến thực tế để chủ động báo cáo Ban chỉ đạo tiền phương và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

 

Thủ tướng tiếp tục ra công điện yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

 

Quảng Nam đề nghị vận hành các hồ thủy điện đảm bảo an toàn

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4 (bão Noru), chiều 26/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị vận hành các hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

t9-5a-696x471Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đề nghị các chủ hồ thủy điện vận hành các hồ thủy điện đảm bảo an toàn trong mọi tình huống

 

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Quy trình 1865 (Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn).

 

Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

 

Các chủ hồ thủy điện xây dựng kịch bản vận hành, điều tiết hồ gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam trước 6 giờ ngày 27/9/2022.

 

Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

 

Thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam để theo dõi.

Theo nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

 

Quảng Nam đề nghị vận hành các hồ thủy điện đảm bảo an toàn

 

Họp với GS Stefan Norra, Viện KIT – CHLB Đức để thảo luận về Hội thảo kết thúc dự án tại Việt Nam thuộc cụm đề tài Viwat

Chiều ngày 23/9, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh có buổi làm việc với GS Stefan Norra, Viện KIT – CHLB Đức để họp nghe thảo luận Kế hoạch tổ chức Hội thảo kết thúc dự án tại Việt Nam thuộc cụm đề tài Viwat, cùng tham gia có đại diện Ban Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước.

IMG 4715Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh phát biểu tại buổi họp.

 Theo kế hoạch của Viện KIT, Hội thảo dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/11/2022 tại Hà Nội và Cà Mau, địa điểm tổ chức Hội thảo là tại trụ sở NAWAPI. Tại đây, NAWAPI dự kiến tham gia 3 bài trình bày liên quan đến kết quả của cụm đề tài Viwat và những kết quả hợp tác giữa NAWAPI và KIT trong thời gian vừa qua.

Về thành phần khách mời, phía Đức sẽ do KIT mời, NAWAPI sẽ làm giấy mời các đơn vị ở Việt Nam gồm các đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi, NAWAPI, Viện Khoa học Tài nguyên nước và một số chuyên gia tài nguyên nước liên quan.

IMG 4718Giáo sư Stefan Norra phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh bày tỏ, song song với việc cùng nhau nghiên cứu, NAWAPI và KIT cũng đã cùng nhau hợp tác hoàn thành 3 dự án thuộc cụm đề tài Viwat và được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao. Hội thảo này là buổi công bố các kết quả hợp tác của 2 bên trong những năm qua và lập kế hoạch cho những dự án tiếp theo. Tổng giám đốc hoàn toàn đồng ý với kế hoạch tổ chức Hội thảo của Viện KIT, yêu cầu Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành có liên quan để hoàn thiện Hồ sơ theo đúng quy định hiện hành của Việt Nam và trình cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho 2 bên đồng tổ chức, chủ động liên hệ với điều phối viên bên phía Đức và làm việc trực tiếp cùng nhau trong khâu lập kế hoạch chi tiết, dự trù kinh phí, chuẩn bị nội dung hội thảo, phối hợp ban tổ chức để tập hợp các bài thuyết trình, số lượng và thời gian cho mỗi bài phù hợp với chương trình Hội thảo. 

Giáo sư Stefan Norra cám ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của NAWAPI và mong muốn hai bên sẽ tổ chức Hội thảo đúng tiến độ và thành công, tốt đẹp.  

IMG 4712Toàn cảnh cuộc họp.Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

 

Họp với GS Stefan Norra, Viện KIT – CHLB Đức để thảo luận về Hội thảo kết thúc dự án tại Việt Nam thuộc cụm đề tài Viwat

 

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo (lần 2) dự án Luật. Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước trước khi trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến.

Cần thiết được cập nhật, sửa đổi, bổ sung

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay.

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Thực tế đó, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.

t9-3a-1536x934Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Một số quy định của pháp luật tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung như quy định về quy định vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Ngoài ra, thể chế, chính sách hiện nay chưa được tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Điều này gây chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nguồn nước, quản lý hoạt động khai thác, quản lý hệ thống cấp nước, xử lý nước thải,…

Cùng với đó, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản,… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, nhất là còn sự giao thoa, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thủy lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi.

Mặc dù, đã có sự phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước, song trên thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan. Cơ chế phối hợp (cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện) giữa các Bộ/ngành đối với các hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông còn chưa đồng bộ và còn giao thoa, chồng lấn, nhất là giữa lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện đặc biệt là việc thực thi trong thực tiễn gây lúng túng trong thời gian qua.

Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất. Thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như: phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp; chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước.

Điều này dẫn đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, sử dụng nước không xác định rõ vai trò, giá trị của nước; chưa có cơ sở tính toán đủ giá thành sản phẩm (vì chưa coi nước là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất); chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Việc phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước chưa có chính sách cụ thể để thực hiện…

t9-3b-1536x864Ảnh minh hoạ

Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả.

Đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Đồng thời, tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy…).

Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hướng tới Nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện.

Theo nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

 

Họp về kế hoạch đưa 02 mạng quan trắc tài nguyên nước vào hoạt động năm 2023

Sáng ngày 21/09/2022 tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp về kế hoạch đưa 02 mạng quan trắc tài nguyên nước vào hoạt động năm 2023. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy, cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, miền Nam tham dự trực tuyến.

IMG 4698Phó tổng giám đốc Triệu Đức Huy phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó tổng giám đốc Triệu Đức Huy cho biết, 02 hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước gồm: hệ thống 49 điểm quan trắc với 155 công trình quan trắc thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống 66 điểm quan trắc với 81 công trình quan trắc thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Hệ thống quan trắc tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành đầu tư năm 2021, còn hệ thống quan trắc tài nguyên nước vùng duyên hải Nam Trung Bộ được thực hiện từ đầu năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10, năm 2022. Để xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị tham gia thực hiện nhanh chóng thực hiện công việc đúng tiến độ, hoàn thiện hồ sơ bàn giao, đề án hoạt động của các vùng quan trắc sớm đưa vào hoạt động năm 2023.

IMG 4703Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Ban Kế hoạch – Tài chính, phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Ban Kế hoạch – Tài chính, hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước được bàn giao sẽ gồm các công trình, trang thiết bị quan trắc tự động liên tục. Việc bàn giao các công trình quan trắc thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các yêu cầu kỹ thuật khác. Các đơn vị được bàn giao cần bám sát với nhà thầu xây dựng tường rào, lắp đặt thiết bị quan trắc vùng duyên hải Nam Trung Bộ để đạt tiến độ kết thúc trong tháng 10, tiến hành chạy thử trong tháng 11, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, rà soát lại các nội dung đã xây dựng mạng quan trắc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là việc xác định, phân loại các công trình quan trắc được xây mới hay nâng cấp, kiểm tra tình hình hoạt động của các thiết bị, quy trình vận hành, tổ chức thực hiện các thủ tục bàn giao công trình để đưa vào khai thác sử dụng như kế hoạch đề ra.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các đơn vị được bàn giao cho biết, đến thời điểm hiện tại các dạng công tác đang được thực hiện theo đúng tiến độ. Các đơn vị sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành các hệ thống mạng quan trắc để đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, kỹ thuật về quan trắc tài nguyên nước nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, diễn biến số lượng, chất lượng nước phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước bền vững.

IMG 4702Toàn cảnh cuộc họp.

Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

Họp về kế hoạch đưa 02 mạng quan trắc tài nguyên nước vào hoạt động năm 2023

 
Trang 12345678910

Trang 6 trong tổng số 18 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay506
mod_vvisit_counterTrong tuần2982
mod_vvisit_counterTrong tháng13144
mod_vvisit_counterTất cả4104914

We have: 2 guests online