Tin tức sự kiện

Thúc đẩy quản trị nguồn nước thông minh

Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước hiện nay, những nghiên cứu đổi mới công nghệ để áp dụng phương thức quản lý bền vững sử, dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước là vấn đề cấp bách, cần thiết.

Sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt

Theo thống kê, Việt Nam có 108 lưu vực sông, trong đó, có 9 hệ thống sông lớn: Hồng – Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 830 – 840 tỷ m3, trong đó chỉ có gần 40% (tương đương 310 – 320 tỷ m3) nước nội địa, còn lại đến từ nước ngoài.

Có khoảng trên 20 đơn vị chứa nước chính phân bố trên toàn quốc, các tầng chứa nước có trữ lượng lớn chủ yếu gặp ở hai đồng bằng lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá khoảng 63 tỷ m3/năm. Nếu nhìn vào số liệu trên, chúng ta khó thể ước tính Việt Nam nằm trong khu vực giàu hay nghèo nước.

Trên thế giới, tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trung bình trên đầu người là 7.400m3/năm. Ở Việt Nam, nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào, Việt Nam có bình quân trên 9.000m3/người/năm, tuy nhiên, lượng nước này hiện khó kiểm soát và trên thực tế đối với nguồn nước nội địa, chúng ta chỉ có khoảng 4.000m3/người/năm.

Con số này cho thấy chúng ta phải sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt tổng thể tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, hệ thống quản trị tài nguyên nước tiên tiến cần phải sớm được thiết lập nhằm quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước. Việc áp dụng quản trị nước thông minh, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.

Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Theo đó, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

a3nuoc1982022Ứng dụng công nghệ 4.0 quan trắc chất lượng nguồn nước.

Thúc đẩy phát triển mô hình quản trị tiên tiến

Hiện nay, trên thế giới, đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, giải pháp quản trị nước thông minh tại Việt Nam cần được nghiên cứu, lựa chọn. Mô hình này đang được triển khai nghiên cứu áp dụng ngày càng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Theo đó, mô hình cho phép mô phỏng toàn hệ thống, quản lý tích hợp và hiệu quả, giảm chi phí nhân công, giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và công trình, giúp sớm phát hiện sự cố, ngăn chặn rò rỉ, thất thoát nước và chủ động có giải pháp sửa chữa, khắc phục, lên lịch bảo trì đường ống và chuẩn bị nguồn lực phù hợp.

Việc ứng dụng quản lý nước thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh.

Áp dụng quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn và an sinh xã hội. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như có thể điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ…

Cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới, các giải pháp cấp thoát nước thông minh, ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Thúc đẩy quản trị nguồn nước thông minh

 

Bộ TN&MT sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW

Ngày 18/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

132Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện 2 Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện, trong đó, đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, nhiệm vụ tương ứng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Để triển khai thực hiện các Nghị quyết này, ngày 1/2/2018, Ban cán sự đảng Bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TN&MT thống nhất ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tại Văn bản số 315- CTr/BCSĐTNMT. Tại Chương trình hành động của Bộ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó đã xác định rõ trách nhiệm và thời hạn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, đoàn thể thuộc Bộ.

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ TN&MT đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình kết quả thực hiện; làm rõ mặt được, mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó lưu ý các nội dung về: kết quả thực hiện sắp xếp bộ máy các đơn vị trực thuộc Bộ; về bố trí sắp xếp cán bộ, số lượng cấp phó, tinh giản biên chế; về việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg; về đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập….

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ TN&MT đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương; các nhiệm vụ, giải pháp đều được triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động; tạo cơ sở để khắc phục một cách căn bản sự chồng chéo, trùng lặp trong phân công hoặc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ.

Giai đoạn 2016 - 2021, đã giảm 64 trên tổng số 179 phòng trong các tổ chức hành chính so với trước đây; số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã giảm 7 trên tổng số 99 đơn vị so với trước đây. Đồng thời, đã giảm 163 công chức lãnh đạo từ cấp phòng trở lên; trong đó, có 118 cấp phó tại các tổ chức hành chính thuộc Bộ và giảm 23 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, trong đó có 12 cấp phó.

Đã chuyển được 16 đơn vị từ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lên mức tự đảm bảo chi thường xuyên; năm 2021, hỗ trợ chi thường xuyên từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ là 116.368 triệu đồng; giảm 242.654 triệu đồng so với năm 2015…

Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, đến năm 2021, Bộ có 89 đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, có 86 đơn vị được giao tự chủ.

Về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã ban hành quy chế quản lý tài chính của đơn vị; trong đó, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu đơn vị, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động tài chính. Theo đó, cùng với việc đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị, tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến đã góp phần nâng cao hiểu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai các Nghị quyết còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: năng lực tự chủ của nhiều đơn vị sự nghiệp còn hạn chế, nguồn thu sự nghiệp ít và phát triển chậm… do vậy, quá trình sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới cơ chế hoạt động còn khó khăn, nhất là việc nâng mức tự chủ về tài chính. Ngoài ra, qua rà soát phục vụ cho việc ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo Nghị định thay thế Nghị định số 36/2017/ND-CP cho thấy, tổ chức trực thuộc (cấp phòng) của nhiều đơn vị chưa đáp ứng tiêu chí thành lập (về chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc); bên cạnh đó, việc giảm số lượng đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của một số lĩnh vực chưa đảm bảo so với yêu cầu…

232Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TN&MT

Mục tiêu giai đoạn tiếp theo để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW  sẽ đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ TN&MT theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp.

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Ngoài ra, hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2021.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW , đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa một lần nữa  nhấn mạnh về tầm quan trọng của các Nghị quyết.

“Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trong tâm, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước của Nhân dân, do Dân, vì Dân, là quyết tâm chính trị đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định. Các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, mục tiêu trong 2 Nghị quyết và Văn bản số 315- CTr/BCSĐTNMT của Ban cán sự đảng Bộ TN&MT để có báo cáo gửi Vụ Tổ chức cán bộ để hoàn thiện Báo cáo sơ kết của Bộ” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Thứ trưởng lưu ý, một số nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải có báo cáo cụ thể, chi tiết về việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là kết quả, các thuận lợi, khó khăn, qua đó phải đưa ra các đề xuất, kiến nghị để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Bộ TN&MT sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW

 

Bộ TN&MT làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Ninh Thuận, có ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, có lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Bộ.
17082022- TT Ngan phat bieu -mg 0133 rs-Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Quy hoạch không gian biển là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế

“Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý được xem là cơ sở quan trọng, giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội...”– Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, song song với việc lấy ý kiến bằng văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các cuộc họp và hội thảo cấp vùng để trực tiếp tham vấn các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhằm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng mong muốn, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của Ninh Thuận đóng góp ý kiến, tham vấn cho dự thảo Quy hoạch.

17082022- PCT tinh Ninh Thuan phat bieu mg 0142 rsPhó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh cho biết, với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện và tiềm năng phát triển kinh tế biển. Để trở thành tỉnh mạnh về biển, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển, …

Cùng với đó, xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản;...

Đặc biệt, để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận đã hợp tác với các Bộ, ngành Trung ương đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới như: điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng nước sâu và trung tâm logistics để kêu gọi đầu tư; đồng thời, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển trung tâm kinh tế biển.

Đánh giá rất cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phan Tấn Cảnh cho rằng, dự thảo Quy hoạch sẽ là cơ sở quan trọng giúp các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đưa ra các chính sách phát triển phù hợp trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, không gian biển góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong thời gian tới.

17082022- mg 0120- toan canh cuoc hopToàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã trình bày về nội dung của Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tập trung vào các tiếp cận phương pháp lập quy hoạch, quy hoạch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 (mục tiêu từng giai đoạn, nội dung quy hoạch, phân vùng không gian biển), giải pháp thực hiện...

Đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao đổi, thảo luận về các kết quả đánh giá, dự báo, định hướng phát triển trong quy hoạch; phân vùng quy hoạch (khu vực biển và ven bờ); các nội dung liên quan đến quy hoạch 6 ngành kinh tế biển, gồm: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên; xử lý xung đột giữa các khu vực biển được quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác nhau đảm bảo phù hợp với các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết của lãnh đạo và các Sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận. Các ý kiến đã tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý biển của tỉnh thời gian qua, đồng thời, đi sâu vào phân tích tiềm năng, lợi thế của tỉnh để khơi thông các nguồn lực về tài nguyên biển phục vụ cho phát triển kinh tế, nhất là năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và đơn vị tư vấn tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch trong thời gian sớm nhất.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

Bộ TN&MT làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia

 

Nước sông Dương Tử ở Trung Quốc thấp kỷ lục trong gần 160 năm

Một đợt nắng nóng đang tấn công khoảng một nửa diện tích Trung Quốc, buộc cơ quan khí tượng nước này phải lần đầu tiên phát đi cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ – mức cảnh báo thời tiết cực đoan cao nhất ở Trung Quốc.

Tại Hán Khẩu, một điểm quan trắc quan trọng trên sông Dương Tử ở trung tâm thành phố Vũ Hán, mực nước đã giảm xuống 17,54m trong ngày 13.8, thấp hơn khoảng 6m so với trung bình trong những năm gần đây.

Đây cũng là mức nước thấp nhất của con sông lớn nhất Trung Quốc được ghi nhận vào thời điểm này của năm kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi dữ liệu năm 1865 – Science and Technology Daily ngày 15.8 dẫn lời giới chức ứng phó thảm họa địa phương cho hay.

song-duong-tuSông Dương Tử, trong ảnh là đoạn đi qua Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đang ở mực nước thấp nhất ở thời điểm này trong năm kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu năm 1865.

Trong khi đó, 2 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – hồ Bà Dương và hồ Động Đình, có kết nối với sông Dương Tử – đã ở mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu ghi nhận năm 1951.
Hồ Bà Dương lớn nhất ở miền đông Trung Quốc, ghi nhận mực nước sâu 12m vào ngày 6.8. Điều đó có nghĩa là hồ Bà Dương đã bước vào mùa khô sớm hơn bao giờ hết kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại, theo Tân Hoa Xã. Như vậy, mùa khô ở hồ Bà Dương đã xảy ra sớm hơn 100 ngày so với mức trung bình của những năm trước.

Nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng tới khoảng 830.000 người và khoảng 640.000 ha đất canh tác trên 6 tỉnh miền nam Trung Quốc trong mùa hè này, Tân Hoa xã thông tin ngày 11.8.
Theo bản tin của Science and Technology Daily, mức nước thấp kỷ lục của sông Dương Tử là do lượng mưa thấp dọc lưu vực sông, lượng chảy từ thượng nguồn giảm cùng nhiệt độ cao hơn làm tăng tốc độ bốc hơi.

Những con sông khác ở Trung Quốc cũng đang khô cạn, bao gồm cả ở Hoài Ninh, phía đông nam tỉnh An Huy, dẫn tới tình trạng thiếu nước ở 8 huyện lân cận, theo trang The Paper. Tại Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc, 7 con sông và 1 hồ chứa nước đã khô cạn, ảnh hưởng tới 276.00 người và 82.400 cá thể động vật, báo cáo ngày 15.8 lưu ý.

Theo nguồn moitruong.net.vn

Nước sông Dương Tử ở Trung Quốc thấp kỷ lục trong gần 160 năm

 

Hai học sinh chế tạo hệ thống lọc nước đa năng

Với tình hình khan hiếm nguồn nước và nước dễ bị ô nhiễm, 2 em Phạm Thị Kim Luyến và Ngô Lê Kim Trúc (học sinh lớp 11B7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã sáng chế hệ thống lọc nước đa năng “3 trong 1”. Giải pháp của các em đã được trao giải ba tại cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật học sinh trung học năm học 2021-2022.

 Theo em Phạm Thị Kim Luyến, hiện nay, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh về ô nhiễm nguồn nước ngay xung quanh mình. Vấn đề này khiến các em suy nghĩ về nguồn nước mình đang sử dụng có bảo đảm không? Vì vậy, các em trăn trở làm sao có thể kiểm tra được độ an toàn của nước sinh hoạt; đồng thời nguồn nước ấy có thể cung cấp được khoáng chất cần thiết và giảm quá trình ôxy hóa gây hại cho cơ thể.

 Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy Nguyễn Thanh An – cử nhân hóa học của trường, giải pháp “Hệ thống lọc nước R.O và điện phân tạo nguồn nước hydrogen” đã được các em tìm hiểu, nghiên cứu trong 6 tháng và thực nghiệm thành công tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

 images5515065 lnro 2Hệ thống lọc nước “3 trong 1”.

Em Ngô Lê Kim Trúc cho biết: Hệ thống lọc nước “3 trong 1” bao gồm: Lọc nước, tạo chức năng có lợi và điện phân tạo hydro cho nguồn nước. Các hệ thống này được liên kết bởi dây dẫn điện có mắc các linh kiện thiết bị đi kèm. Trong đó, hệ thống lọc nước RO có 4 lõi giúp lọc hầu hết những chất độc, chất không cần thiết gây hại đến sức khỏe con người. Hệ thống tạo chức năng có 6 lõi. Nước khi đi qua 6 lõi này sẽ được bổ sung thêm các ion khoáng có lợi, tăng pH, trung hòa một phần axít trong cơ thể, đồng thời diệt khuẩn cho nước. Ngoài ra, còn có hệ thống điện phân tạo nguồn nước hydrogen. Đây là nét độc đáo tạo nên tính mới cho sản phẩm. Khi điện phân nước nhờ các ion khoáng được bổ sung trước đó, tạo nguồn nước có hydro dồi dào, rất tốt cho những người bị axít dạ dày cao. Nhờ bộ dây dẫn nước và dây dẫn điện mà dòng nước được đưa đi từ bộ phận này sang bộ phận khác một cách nhanh gọn, đồng thời tạo điều kiện cho các bộ phận phụ trợ hoạt động hiệu quả. Máy có tốc độ lọc 20 lít/giờ, tạo ra nhiều hydro (xác định bằng máy đo), độ pH lớn hơn 7, tổng kinh phí chỉ có 7 triệu đồng nhờ kết hợp thiết bị của nhiều hãng, trong khi máy lọc nước nếu có chức năng tương tự nhập khẩu của Nhật Bản có giá ít nhất 25 triệu đồng.

Theo thầy Nguyễn Thanh An, với sự kết hợp chặt chẽ các hệ thống có tính chất riêng biệt, cùng các bộ phận đi kèm đã cho ra đời một sản phẩm có ý nghĩa trong đời sống cũng như môi trường y tế, học đường, tập thể… Hệ thống này đã tạo ra nguồn nước tối ưu được bổ sung hydro và khoáng chất thiết yếu có lợi cho sức khỏe, vừa đảm bảo sự an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tốt, sạch, đầy đủ hàm lượng khoáng chất tốt cho sức khỏe. Giá trị thực tế của sản phẩm đó là giúp giải quyết một số bệnh như: Đau dạ dày, ợ chua, giúp cơ thể chống lại gốc tự do. Dựa trên cơ sở khuyến cáo của các chuyên gia y tế, hệ thống còn có thể áp dụng tại trường học, gia đình sau khi hoàn thiện mô hình và phối hợp với cơ quan chuyên ngành để kiểm định tính an toàn, chất lượng của nước.

Theo nguồn https://baokhanhhoa.vn/

 

Hai học sinh chế tạo hệ thống lọc nước đa năng

 
Trang 12345678910

Trang 9 trong tổng số 18 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay75
mod_vvisit_counterTrong tuần4230
mod_vvisit_counterTrong tháng13238
mod_vvisit_counterTất cả4105008

We have: 2 guests online