ĐBSCL Nhiều tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương tích trữ nước, nạo vét kênh mương, điều chỉnh thời vụ sản xuất nhằm ứng phó xâm nhập mặn và bảo đảm nước tưới trong vụ hè thu 2025.
Đầm Hà sửa chữa 32 công trình thủy lợi từ Quỹ Phòng chống thiên tai
Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ Yên Bái hơn 6 tỷ đồng
Đồng Nai: Tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai 2025
TP.HCM đẩy mạnh phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Mưa đến, mặn đi
ĐBSCL đang bước vào đầu mùa mưa năm 2025, hiện tại khu vực này ghi nhận lượng mưa khá lớn, dao động từ 30-50mm, có nơi trên 70mm. Lượng mưa đáng kể này đã góp phần làm giảm mức độ xâm nhập mặn so với dự báo trước đó.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn có hàm lượng 4g/l hiện chỉ vào sâu khoảng 30km tính từ các cửa sông, mức được xem là thấp hơn trung bình nhiều năm.
ĐBSCL đang bước vào đầu mùa mưa, nông dân tranh thủ lấy nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo các tỉnh trong vùng không nên chủ quan, bởi diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là khi gió chướng hoạt động mạnh có thể đẩy mặn vào sâu trong nội đồng. Việc vận hành hợp lý các cống kiểm soát mặn, tranh thủ tích nước ngọt và giám sát chất lượng nước trước khi đưa vào sản xuất được xem là giải pháp then chốt để đảm bảo an toàn mùa vụ.
Hiện tại, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu 2025 được hơn 780.000 ha, đạt khoảng 53,6% kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các vùng ngọt như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang... Số diện tích còn lại dự kiến hoàn tất gieo sạ trong tháng 5-6 này.
Tại huyện Tri Tôn (An Giang), do địa hình núi cao nên việc tích trữ và dẫn nước gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa bàn khác. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Địa phương chia lịch xuống giống lúa hè thu làm 3 đợt từ giữa tháng 3 đến 10/5, căn cứ vào điều kiện thủy lợi và khả năng chia sẻ nguồn nước giữa các tiểu vùng. Cùng với đó, huyện yêu cầu nông dân vệ sinh đồng ruộng trước gieo sạ, tập trung xuống giống đồng loạt để né hạn đầu vụ, phòng tránh dịch hại, đồng thời áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.
Những cơn mưa xuất hiện góp phần làm giảm mức độ xâm nhập mặn so với dự báo trước đó, người dân An Giang rất yên tâm sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngoài việc điều chỉnh thời vụ, Tri Tôn còn đẩy mạnh các hoạt động khơi thông dòng chảy. Các xã trọng điểm như Lạc Quới, Vĩnh Gia, Ba Chúc đã và đang khảo sát, lên kế hoạch nạo vét kênh mương nhằm bảo đảm lượng nước tưới tiêu cho gần 44.637 ha diện tích cây trồng vụ này.
Chuyển đổi cây trồng vùng khan hiếm nước
Tại Đồng Tháp - địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của vùng ĐBSCL, công tác phòng chống hạn, mặn đã được chủ động triển khai từ đầu mùa khô.
Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc tăng cường trữ nước, kiểm soát mặn và điều tiết thời vụ đang được xem là giải pháp căn cơ, góp phần giúp Đồng Tháp chủ động hơn trong ứng phó với hạn mặn và đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch ứng phó hạn mặn trên toàn tỉnh, tập trung vào các giải pháp như nạo vét kênh rạch, tích trữ nước tại chỗ, chuyển đổi cây trồng ở vùng khan hiếm nước, đồng thời theo dõi sát tình hình nguồn nước để có điều chỉnh phù hợp.
Việc tích nước và vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn cho mùa vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vụ hè thu năm nay, Đồng Tháp gieo trồng hơn 186.500 ha lúa, 13.500 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 46.500 ha cây lâu năm. Để đảm bảo nước tưới, tỉnh đã huy động các nguồn lực sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, nhất là tại các vùng có địa hình cao hoặc khó tiếp cận nguồn nước.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết: Cần chuyển đổi tư duy canh tác từ chủ động nước sang chủ động mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có việc sử dụng giống ngắn ngày, tiết kiệm nước.
Nguồn: baotainguyenvamoitruong.vn
|
Luật tài nguyên nước đầu tiên được ban hành văò năm 1998, trải qua quá trình sửa đổi, bổ sung, đến năm 2023 được sửa đổi bổ sung hoàn thiện đánh dấu bước ngoặt trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Trong đó, Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước là hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước. Từ khi Luật tài nguyên nước 2023 có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghêịp và Môi trường đã có chỉ đạo quyết liệt trong công tác áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên nước nhằm sử dụng nguồn lực một cách hiệu lực, hiệu quả nhất là trong công tác giám sát tài nguyên nước, vận hành liên hồ chứa, dự báo hạn hán thiếu nước, kịch bản nguồn nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đảm bảo “Đúng, đủ, sạch, sống”.
GIÁM SÁT TÀI NGUYÊN NUYÊN NƯỚC TRÊN NỀN TẢNG IoT
Chia sẻ tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” diễn ra vào chiều ngày 10/5 tại tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, nhận thức được việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm quản lý tài nguyên nước hiệu quả, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên nước là yêu cầu cấp thiết, từ năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường triển khai xây dựng Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (https://iot.monre.gov.vn/tnn/).
TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám
Với các mục tiêu được đặt ra bao gồm: Theo dõi, giám sát trực tuyến các công trình khai thác, sử dụng nước mặt; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất do Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép (giám sát theo giấy phép); Thiết kế dựa trên các chuẩn mở để đảm bảo vấn đề kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các hệ thống của 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước; Kết nối, liên thông được với hệ thống hiện có về quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành; Cập nhật tự động hoặc thủ công các thông tin (lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và hình ảnh) vào hệ thống phục vụ giám sát, cảnh báo.
Giao diện Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước Mô hình Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Tính đến cuối tháng 4/2025, hệ thống đã cập nhật được tổng cộng 13.507 giấy phép tài nguyên nước các loại lên hệ thống, trong đó có 2.270 giấy phép cấp Bộ và 11.237 giấy phép cấp Tỉnh.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Nghị định 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, tính đến hết tháng 4/2025 đã có 58 Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai cập nhật, kết nối thông tin của giấy phép tài nguyên nước địa phương vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương.
Cùng với đó, tính đến tháng 4/2025, Hệ thống giám sát tài nguyên nước đã có 831 công trình khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng cấp phép của Bộ NN&MT đăng ký, kết nối truyền dữ liệu về hệ thống. Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phê duyệt kết nối thành công để truyền dữ liệu về hệ thống đối với 810 công trình (công trình nước mặt: 697 công trình; công trình nước dưới đất: 111 công trình; nước biển: 02 công trình).
Hệ thống giám sát tài nguyên nước được xây dựng và đi vào vận hành đã mang lại những kết quả ban đầu, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý tại Trung ương và các địa phương. Từ dữ liệu của các công trình kết nối, truyền về Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương đã góp phần đắc lực cho công tác quản lý điều hành, ra quyết định phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước như: Thu nhận và lưu trữ dữ liệu từ các trạm quan trắc của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo thuận lợi, hiệu quả, nhanh chóng; Tổng hợp, phân tích và xây dựng các biểu đồ, đồ thị liên quan; Thống kê dữ liệu theo thời gian, loại hình, theo đơn vị hành chính, lưu vực sông; Tìm kiếm và quản lý thông tin; Hiện thị các trạm quan trắc trên bản đồ; Đưa ra cảnh báo, thông báo khi có dấu hiệu chuẩn bị vượt ngưỡng hoặc khi đã vượt ngưỡng quy định; Trích xuất dữ liệu, xây dựng báo cáo về danh sách và thông tin về công trình đã kết nối.
Giao diện phân hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép tài nguyên nước Giao diện phân hệ giám sát tài nguyên nước
VẬN HÀNH QUY TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀ IoT
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 60 của Luật tài nguyên nước 2012 và khoản 7 Điều 38 của Luật tài nguyên nước 2023 thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng (các quy trình được rà soát, cập nhật thường xuyên). Sau khi được ban hành, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với tổng số khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu trong mùa lũ là đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.
Giao diện hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa
Để đáp ứng các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, được xây dựng từ năm 2015 (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua). Hệ thống hiện tại đã tiếp nhận số liệu vận hành của hơn 134 hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, bao gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok và sông Đồng Nai.
Những thông tin cần thiết để phục vụ quá trình theo dõi, kiểm tra việc vận hành các hồ theo các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa, làm cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành việc vận hành các hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, gồm: (1) Số liệu mực quan trắc nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập, lưu lượng xả qua phát điện; (2) Số liệu quan trắc lưu lượng, mực nước và các thời điểm mực nước tại các Trạm thủy văn đạt giá trị mực nước theo các cấp báo động và đạt các giá trị mực nước quy định trong các Quy trình vận hành liên hồ chứa; các bản tin dự báo, cảnh báo,…
Các chủ hồ thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông phải cung cấp thường xuyên dữ liệu vận hành tại công trình vào hệ thống.
Các thông tin, số liệu vận hành mà các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa cập nhật lên hệ thống là cơ sở quan trọng trong việc phân tích, đánh giá việc tuân thủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và là cơ sở để Cục Quản lý tài nguyên nước kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành đảm bảo cắt, giảm lũ cho hạ du và phối hợp vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo cấp nước cho hạ du trong trong mùa cạn, các thời kỳ xảy ra hạn hán thiếu nước trên các lưu vực sông và theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa thông qua hình thức văn bản, điện thoại, email,... (hàng năm đã gửi trên 100 văn bản đến các chủ hồ, các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác vận hành).
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời đến các địa phương, các chủ hồ; đôn đốc việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Cử đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các vùng bị ngập, lụt tại một số tỉnh, thành phố; giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong việc điều hành các hồ chứa theo Quy trình. Đối với mùa cạn, cử các đoàn công tác làm việc với các địa phương để thống nhất phương án chỉ đạo, điều tiết nước các hồ chứa, đặc biệt là trong những thời gian xảy ra hạn hán thiếu nước để đảm bảo việc vận hành các hồ chứa cung cấp đủ nước cho hạ du các lưu vực sông.
XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC THEO THỜI GIAN THỰC
Các lưu vực sông, nhất là vùng hạ du như Hồng - Thái Bình, Đồng Nai - Sài Gòn là những khu vực trọng điểm về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với nhu cầu khai thác và sử dụng nước gia tăng nhanh chóng, nguồn nước trên các lưu vực sông đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, việc chủ động xây dựng kịch bản nguồn nước là yêu cầu cấp thiết, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Kịch bản nguồn nước, (ví dụ như kịch bản hạn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình) không chỉ cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ hạn hán mà còn hỗ trợ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, để xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước ứng dụng đồng bộ các công nghệ chuyển đổi số hiện đại, đơn vị đã thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) được cập nhập liên tục, bao gồm: số liệu mưa, dòng chảy, lượng nước hồ chứa, mực nước dưới đất và nhu cầu sử dụng nước...
Việc ứng dụng mô hình số cho phép tất cả dữ liệu được tích hợp vào hệ thống quản lý tập trung, cho phép cập nhật, đồng bộ và truy xuất nhanh chóng. Xây dựng và áp dụng tổ hợp các mô hình số dự báo mưa hạn mùa để dự báo lượng mưa cho 6 tháng tiếp theo nhằm cung cấp thông tin cho các kịch bản.
Để xây dựng bản đồ hạn, đơn vị còn áp dụng mô hình thủy văn dự báo dòng chảy, biến trình mực nước tại các hồ chứa. Sử dụng các phương pháp/thuật toán để phân tích xu thế hạn hán, đánh giá nguy cơ thiếu nước theo vùng, tiểu vùng.
Dựa trên kết quả mô phỏng, các vùng được chia theo mức độ thiếu hụt nước: nhẹ, trung bình, nghiêm trọng. Trên nền tảng GIS, bản đồ hạn được thiết kế. Các vùng hạn được thể hiện trực quan trên bản đồ số, giúp người dùng dễ dàng nhận biết khu vực bị ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và diễn biến theo thời gian.
Cùng với việc xây dựng bản đồ hạn hán, các cơ quan quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ NN&MT còn xây dựng các kịch bản nguồn nước. Các kịch bản được thiết lập dựa trên xu thế lượng mưa (so với TBNN, các năm gần đây,..), xu thế dòng chảy, tổng lượng nước tích trữ ở các hồ chứa thủy điện, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất và nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành. Từ đó, phân tích tác động của từng kịch bản đến cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.
Các sản phẩm nổi bật của quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước lĩnh vực tài nguyên nước, đó là:
-
Bản tin/bản đồ dự báo mưa hạn mùa: Cập nhật định kỳ hằng tháng, cung cấp thông tin về xu thế lượng mưa. Từ đó đưa ra cảnh báo thiếu lượng mưa.
-
Bản tin/bản đồ dự báo dòng chảy, hồ chứa: Dự báo xu thế mưa, đưa ra xu thế dòng chảy các sông chính, lượng nước tích trữ tại các hồ lớn nhằm cảnh báo sớm cho các địa phương, ngành sản xuất chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước.
-
Bản đồ hạn hán theo vùng, theo thời gian: Hiển thị các khu vực bị thiếu nước.
- Nguồn: DWRM
|
|
Lưu vực sông Thạch Hãn là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm tỉnh Quảng Trị với diện tích lưu vực 2.660 km². Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12. Tài nguyên nước dưới đất trên lưu vực sông bao gồm 2 tầng chứa nước chính là tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng chứa nước Pleistocen (qp).
Tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước: tầng chứa nước Holocen (qh) là 515.511m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) là 212.099m3/ngày.
Tầng chứa nước Holocene (qh)
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 3/4 công trình mực nước hạ, 1/4 công trình mực nước dâng. Giá trị hạ thấp nhất là 0,32m tại xã Hải Lệ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (QT9a-QT) và giá trị dâng là 0,27m tại xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (QT14-QB).
Trong tháng 3: Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,66m tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (QT3a-QT) và sâu nhất là -6,52m tại xã Hải Lệ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (QT9a-QT).
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với cùng thời điểm 1 năm và 5 năm trước cho thấy mực nước có xu thế dâng. Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với mực nước thực đo tháng 3 có xu thế hạ, có 4/4 công trình mực nước hạ. Mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở huyện Gio Linh, huyện Triệu Phong.
Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với tháng 2 có xu thế hạ, có 6/9 công trình mực nước hạ, có 3/9 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 0,32m tại xã Hải Lệ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (QT9b-QT).
Trong tháng 3: Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,24m tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (QT4-QT) và sâu nhất là -6,5m tại xã Hải Lệ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (QT9b-QT).
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 3 so với cùng thời điểm 1 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất là 0,28m tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 4 so với mực nước thực đo tháng 3 có xu thế hạ, có 9/9 công trình mực nước hạ. Mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở huyện Vĩnh Linh, huyện Triệu Phong, huyện Lệ Thủy.
Nguồn: DWRM
|
Dự báo từ nay đến hết tháng 4, mưa xuất hiện nhiều hơn nhưng lưu lượng dòng chảy trên các sông của miền Bắc vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến hết tháng 4, tổng lượng mưa các tỉnh vùng núi Bắc Bộ phổ biến trong khoảng 50-100mm, có nơi trên 120mm; tại các tỉnh trung du và đồng bằng phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Dự báo những ngày tới, lưu lượng dòng chảy trên các sông thấp hơn so với tuần vừa qua. Tổng lượng dòng chảy trên sông Thao tại Yên Bái thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ 62%, trên sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn TBNN cùng kỳ 59%.
Lưu lượng nước trên các sông miền Bắc đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Ảnh minh họa.
Lưu lượng nước trên các sông miền Bắc đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Ảnh minh họa.
Trên sông Đà, lưu lượng dòng chảy đến hồ Hòa Bình tiếp tục dao động theo điều tiết phát điện của thủy điện tuyến trên, tổng lượng dòng chảy thấp hơn TBNN cùng kỳ 23%.
Trên hệ thống sông Thái Bình, sông Lục Nam tại trạm Chũ đã xuất hiện giá trị mực nước thấp nhất cùng kì tháng 4. Lưu lượng dòng chảy trên sông Cầu và sông Lục Nam đang giảm sâu. Dự báo từ nay đến cuối tháng, tổng lượng dòng chảy trên sông Cầu tại Gia Bảy thấp hơn 68% so với TBNN cùng kỳ; trên sông Lục Nam tại Chũ ở mức thấp hơn TBNN cùng kì khoảng 90%.
Còn trên sông Hồng, tổng lượng dòng chảy trên sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội thấp hơn TBNN cùng kỳ 13%.
Thời tiết Bắc Bộ được dự báo sẽ có mưa từ chiều tối 23-25/4, sau đó tạm ngắt và mưa trở lại từ chiều tối 27-29/4. Mưa rào và dông tập trung vào chiều tối và đêm, cục bộ có nơi mưa to. Nền nhiệt giảm và nắng nóng tạm thời kết thúc.
Cơ quan khí tượng thủy văn khuyến cáo người dân các địa phương cần theo dõi thời tiết và diễn biến nguồn nước để chủ động vấn đề tưới tiêu. Đặc biệt, hiện nay là giai đoạn chuyển mùa nên cần lưu ý những hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, gió giật mạnh, mưa đá có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây thiệt hại đến sản xuất.
Nguồn: baonongnghiepvamoitruong.vn
|
Kiên Giang Nếu dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ, có thể tích trữ được 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước, giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.
Đó là đề xuất được chuyên gia nông nghiệp - TS Nguyễn Đăng Nghĩa nêu ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Kiên Giang mới đây.
Chuyên gia nông nghiệp - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa trình bày tham luận tại hội thảo và đề xuất giải pháp dành quỹ đất đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.
Chuyên gia nông nghiệp - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa trình bày tham luận tại hội thảo và đề xuất giải pháp dành quỹ đất đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ĐBSCL chiếm 12% diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, đóng góp 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta.
Đây chính là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. Thế nhưng, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khi hậu, gây hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp thật căn cơ để ứng phó với những khó khăn mà ĐBSCL đã và sẽ tiếp tục phải hứng chịu.
Một hồ chứa nước được tỉnh Kiên Giang đào từ đất nông nghiệp, giúp tích trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả tại các huyện ven biển vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.
Một hồ chứa nước được tỉnh Kiên Giang đào từ đất nông nghiệp, giúp tích trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả tại các huyện ven biển vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.
Chỉ tính riêng đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục ngàn hộ dân. Trong 4 tháng đầu năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm mất trắng khá nhiều diện tích lúa vụ đông xuân và khó có thể tiếp tục canh tác trong vụ hè thu tiếp theo ngay sau đó, do thiếu nước ngọt.
Ngoài ra, nguy cơ ngập lụt có thể phát triển diện rộng vào thời điểm từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 dương lịch hàng năm. Như vậy, bài toán đặt ra là phải đào hồ tích trữ và điều tiết nguồn nước ngọt của dòng Mekong từ thượng nguồn đổ về, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có 1,82 triệu ha đất phục vụ trồng lúa, trong đó có 1,7 triệu ha chuyên canh lúa, 185.000 ha luân canh lúa - rau màu và 240.000 ha luân canh lúa - thủy sản. Chỉ cần dành ra từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ chứa nước ngọt dọc theo 2 bên bờ sông Tiền và sông Hậu thì chúng ta sẽ có từ 54.600 - 91.000 ha mặt nước. Nếu đào hồ chứa có chiều sâu 2m thì mỗi năm sau khi lũ đổ về chúng ta đã tích trữ được từ 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước ngọt để phục vụ cho tưới tiêu cây trồng cạn hoặc canh tác lúa nếu gặp hạn hán.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành một phần quỹ đất để đào hồ tích trữ nước không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa, có thể được bù đắp nhờ tăng hiệu quả nông học, đồng thời tạo ra mặt nước để nuôi thủy sản, tạo thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành một phần quỹ đất để đào hồ tích trữ nước không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa, có thể được bù đắp nhờ tăng hiệu quả nông học, đồng thời tạo ra mặt nước để nuôi thủy sản, tạo thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.
Ngoài ra, với tổng diện tích mặt nước và tổng khối lượng nước được tích trữ sẽ góp phần làm giảm áp lực và chiều sâu ngập lũ tại các vùng trũng ở ĐBSCL như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… Đồng thời, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm một lượng diện tích mặt nước không nhỏ để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Với tổng diện tích mặt nước như vậy cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường và tiểu khí hậu tại ĐBSCL.
Với kinh nghiệm gần 40 năm hoạt động nghiên cứu khoa học và xâm nhập thực tế sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam, TS Nguyễn Đăng Nghĩa hy vọng giải pháp ông đề xuất được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng quan tâm, góp phần duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tại ĐBSCL.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành ra 3-5% tổng diện tích trồng lúa phục vụ cho giải pháp đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa. Thậm chí, vẫn có thể giữ vững sản lượng lúa của vùng nhờ vào việc cải thiện và nâng cao hiệu quả nông học và tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: baonongnghiepvamoitruong.vn
|
|