The News

Cảnh báo an ninh nguồn nước của châu Âu đang bị đe dọa

Ảnh minh họa: CNN

Ảnh minh họa: CNN

Ô nhiễm, suy thoái môi trường sống, biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt đang khiến hơn 60% lượng nước mặt của châu Âu ở tình trạng xấu.

Nguồn nước mặt là nguồn nước tồn tại trên bề mặt Trái Đất như ao, hồ, sông, suối....

Trong báo cáo được công bố ngày 15/10, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã phân tích 120.000 vùng nước mặt và 3,8 triệu km2 khu vực nước ngầm tại 19 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy. Kết quả cho thấy chỉ có 37% các vùng nước mặt của châu Âu đạt tiêu chuẩn về chất lượng sinh thái, tức ở mức "tốt" hoặc "cao".  Đây là con số đáng lo ngại cho thấy tình trạng suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái sông, hồ và biển. Nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí, như việc đốt than và khí thải từ ô tô, cũng như các hoạt động nông nghiệp, nơi chất thải đổ ra làm ô nhiễm đất.

Ảnh minh họa: CNN
Dữ liệu do các quốc gia thành viên EU báo cáo trong giai đoạn 2015-2021 cũng cho thấy chỉ có 29% các vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn về chất lượng hóa học ở mức "tốt", nghĩa là không bị ô nhiễm quá mức từ các chất dinh dưỡng hóa học và các chất độc hại như "hóa chất vĩnh cửu" PFAS và vi nhựa.

Nguồn nước ngầm của châu Âu - nguồn cung cấp nước chính cho lục địa này - có kết quả khả quan hơn, với 77% vùng nước ngầm đạt tiêu chuẩn hóa học ở mức "tốt".

EEA cho biết các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt, và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt đang gây sức ép lên các hồ, sông, vùng nước ven biển và nước ngầm của châu Âu ở mức "chưa từng có". Cơ quan này khuyến cáo ngành nông nghiệp châu Âu cần tăng cường sử dụng các phương thức canh tác theo hướng hữu cơ và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái bền vững, kết hợp với sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân. Các chính phủ cũng được khuyến nghị ưu tiên giảm lượng nước tiêu thụ và khôi phục hệ sinh thái, đặc biệt cần giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu từ nay đến năm 2030.

Nguồn: Đài Trang (TTXVN)

Cảnh báo an ninh nguồn nước của châu Âu đang bị đe dọa

 

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp

Mực nước biển dâng cao đang gây ra mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này và chúng ta có thể ứng phó như thế nào?

Chú thích ảnhBăng trôi gần đảo Kulusuk, Greenland. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức), mực nước biển dâng cao đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống trên hành tinh, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Câu hỏi đặt ra là: Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này?

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh rằng “đại dương đang tràn bờ” trong chuyến thăm Tonga gần đây, chỉ ra rằng nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương, đang phải đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao. Theo các nghiên cứu, mực nước biển toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ đầu thế kỷ 20, với tốc độ ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Từ năm 1880 đến nay, mực nước biển đã dâng cao hơn 20 cm, và các nhà khoa học dự đoán nếu không có biện pháp ngăn chặn, mức nước có thể tăng thêm từ 38 cm đến 56 cm vào năm 2100.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các đảo nhỏ mà còn đe dọa gần 40% dân số thế giới sống gần các khu vực ven biển, với khoảng 900 triệu người đang sinh sống trong những khu vực dễ bị tổn thương. Những thành phố lớn như Cairo, Lagos, Los Angeles, Mumbai và London đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến xói mòn bờ biển, ngập lụt và bão tàn phá.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng mực nước biển là hiện tượng nóng lên toàn cầu, chủ yếu do sự gia tăng khí nhà kính trong khí quyển. Các khí như carbon dioxide và mê-tan từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm nhiệt độ đại dương tăng lên. Từ năm 1970, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng khí thải từ sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ đại dương năm 2023 được ghi nhận là mức cao nhất từ trước đến nay, làm cho nước biển giãn nở và tăng thể tích. Bên cạnh đó, sự tan chảy của băng ở Nam Cực và Greenland cũng góp phần làm mực nước biển dâng cao. Trung bình, mỗi năm có khoảng 150 tỷ tấn băng từ Nam Cực và 270 tỷ tấn từ Greenland bị mất do nhiệt độ tăng.

Các báo cáo gần đây còn cảnh báo về “điểm tới hạn” của khí hậu, khi mà nhiệt độ toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C có thể dẫn đến sự tan chảy không thể đảo ngược của các tảng băng lớn, gây ra tác động nghiêm trọng đến mực nước biển. Những khu vực như đồng bằng châu thổ ven sông và các khu vực ven biển của các nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao.

Để đối phó với mực nước biển dâng cao, điều cần thiết là giảm nhanh chóng lượng khí thải. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là sự gia tăng mực nước biển ở một mức độ nào đó là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi thế giới ngừng phát thải khí nhà kính ngay lập tức, vẫn sẽ có độ trễ trong việc tác động của nóng lên toàn cầu đến nhiệt độ đại dương và băng tan.

Các quốc gia trên toàn cầu đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thích ứng. Một số biện pháp đơn giản và dựa vào thiên nhiên bao gồm ngăn chặn xói mòn bờ biển bằng cách tái sinh rừng ngập mặn ở Cameroon hoặc xây dựng các bức tường chắn sóng biển ở Senegal. Đối với những khu vực dễ bị tổn thương như các đảo nhỏ, nhiều nơi đã thực hiện các giải pháp cực đoan hơn như di dời dân cư lên các vùng đất cao hơn như ở ở Fiji hoặc xây dựng các thành phố nổi ở Maldives và lấn biển ở Tuvalu.

Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó với tình trạng này cũng rất quan trọng. Những giải pháp toàn cầu cần được thực hiện đồng bộ và khẩn trương để bảo vệ không chỉ các cộng đồng ven biển mà còn cả môi trường sống của con người trên toàn cầu.

Nguồn: baotintuc.vn

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp

 

UNEP giúp cộng đồng Tanzania đối mặt với hạn hán trầm trọng

(TN&MT) - Một dự án do Văn phòng Phó Tổng thống Tanzania và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp thực hiện đã giúp hàng chục nghìn người nông dân Tanzania đối mặt với hạn hán và những tác động khác của biến đổi khí hậu.

Trong phần lớn cuộc đời, người nông dân chăn nuôi gia súc Asherly William Hogo sống tại ngôi làng Ng'ambi ở vùng Dodoma luôn bận rộn tìm kiếm nước cho đàn gia súc của mình. Ông Hogo, hiện đã ngoài 60 tuổi, vẫn còn nhớ như in ký ức tuổi thơ về việc thức dậy giữa đêm, tập hợp đàn gia súc và đi khắp các đồng cỏ khô cằn ở miền Trung Tanzania để tìm nước.

afp__20121230__1470657__v1__highres__masaionthedrybanksoflakenatrontanzania.jpg

Tuy nhiên, những chuyến đi đêm như thế giờ đã là chuyện của quá khứ. Ngôi làng của ông - nằm trong một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng - gần đây đã được lắp đặt một giếng khoan chạy bằng năng lượng mặt trời và một hồ chứa nước mưa lớn, cung cấp cho người dân nguồn nước quanh năm. “Bây giờ chúng tôi không phải đi xa để lấy nước như trước nữa", ông Hogo cho biết.

Dự án ra đời vào thời điểm quan trọng

Kể từ năm 2018, dự án lắp đặt giếng khoan trên đã được Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ, củng cố nguồn cung cấp nước, giúp các cộng đồng tích lũy tiền tiết kiệm và đào tạo những người nông dân khốn khổ vì hạn hán về các sinh kế có khả năng phục hồi tốt hơn, như nuôi ong.

Dự án này ra đời vào thời điểm quan trọng đối với Tanzania, nơi biến đổi khí hậu đang tàn phá các kiểu thời tiết lâu đời. Vào tháng 4 năm nay, một đợt hạn hán nghiêm trọng tại quốc gia này đã khiến mùa màng thất bát và gia súc mất mùa. Sau đó, đất nước khô cằn đã hứng chịu lượng mưa cực lớn, gây ra lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng, tàn phá cơ sở hạ tầng và làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước.

afp__20231127__4692184__v1__highres__tanzaniaarusharegionmalanjareturnlivestocktovil.jpg

“Năm nay là lời cảnh tỉnh lớn nhất mà chúng tôi thấy ở Tanzania về những gì biến đổi khí hậu đang gây ra cho các gia đình ở vùng nông thôn. Chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu không làm được như vậy, không chỉ khí hậu bị ảnh hưởng mà cả cộng đồng cũng chịu tác động lớn”, bà Mirey Atallah, người đứng đầu bộ phận Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết. Đó là tương lai khiến các gia đình ở khu vực Dodoma lo lắng.

Trong 7 năm qua, UNEP, chính phủ Tanzania và Quỹ Môi trường Toàn cầu đã giúp các cộng đồng thích nghi với thời tiết khô hạn hơn và lượng mưa thất thường hơn. Họ đã thực hiện điều này thông qua quy hoạch sử dụng đất. Quá trình đó được đánh giá là rất quan trọng để tránh “vòng xoáy diệt vong” của khí hậu đối với các ngôi làng nông thôn, với nhiều ngôi làng trong số đó phụ thuộc rất nhiều vào ngành nông nghiệp sử dụng chủ yếu nước mưa.

“Các biện pháp phòng thủ khí hậu tốt nhất là biện pháp tích hợp, toàn diện và đa hướng, không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng đã xây dựng mà còn dựa vào sức mạnh của thiên nhiên và hệ sinh thái”, bà Atallah cho biết.

Khi dự án do UNEP dẫn đầu được triển khai vào năm 2018, ưu tiên hàng đầu của dự án là nước. Các kỹ sư đã khoan 15 lỗ khoan, 12 trong số đó sử dụng năng lượng mặt trời và xây dựng các đập đất có khả năng giữ lại tổng cộng 3 triệu m3 nước mưa. Dự án đã giúp cung cấp nước cho hơn 35.000 người dân ở 5 huyện gồm: Kaskazini, Kishapu, Mpwapwa, Mvomero và Simanjiro.

“Chúng tôi từng phải đối mặt với nhiều thách thức khi trồng rau”, bà Malegesi Makene Chilongo cho biết. Dự án đã triển khai một lỗ khoan tại ngôi làng của bà, nhờ đó người dân có thể dựng các trang trại nhỏ. “Chúng tôi rất biết ơn những người đã mang dự án này đến với ngôi làng của chúng tôi”, bà nói thêm.

“Chữa lành” vùng đất

Cây cối và đồng cỏ bản địa của Tanzania là một phần thiết yếu của chu trình nước; chúng hút nước mưa vào lòng đất, bổ sung nguồn nước ngầm và hoạt động như những rào cản tự nhiên dọc theo các con sông, hấp thụ nước lũ. Nhưng nhiều người Tanzania ở các vùng nông thôn buộc phải chặt cây lấy củi, gây ra nạn phá rừng làm gia tăng cuộc đấu tranh của Tanzania với hạn hán và lũ lụt.

Dự án do UNEP hỗ trợ đã trồng hơn 350.000 cây để phục hồi rừng bị thoái hóa và ổn định bờ sông. Đây là một phần trong nỗ lực phục hồi 9.000 ha rừng và đồng cỏ bị thoái hóa, đồng thời đưa hơn 38.000 ha đất vào quản lý bền vững.

afp__20240812__1184-12192__v1__highres__gasstationservicestationinundatedbyfloodwate.jpg

Ông Asnati Meshack, người dân sống ở huyện Simanjiro, phía Bắc Tanzania cho biết: "Trồng cây đã phục hồi môi trường của chúng ta". Tuy nhiên, việc phục hồi hệ sinh thái là vô ích nếu các cộng đồng nông thôn, nhiều nơi trong số đó là người nghèo, không có cách nào để kiếm sống. Vì vậy, các chuyên gia của dự án đã đào tạo người dân về các hoạt động tạo thu nhập bền vững hơn, như nuôi ong, trồng nấm và may vá, đồng thời cung cấp cho nông dân các thiết bị.

Khi dự án kết thúc vào tháng 12/2024, dự kiến ​​thu nhập của khoảng 3.800 hộ gia đình sẽ tăng lên. “Bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập, dự án đã cung cấp một mạng lưới an toàn chống lại biến đổi khí hậu. Hiện nay, khi thời tiết khắc nghiệt tàn phá đất nông nghiệp, các gia đình đã có thể có những lựa chọn thay thế khác”.

Thông qua dự án, chị May Samwel Masulu, người dân ở vùng Shinyanga, phía Bắc Tanzania đã học được cách xây dựng bếp gạch tiết kiệm nhiên liệu, một nghề thường dành riêng cho nam giới. Nhấn mạnh dự án giúp chống lại bất bình đẳng giới, chị Masulu cho biết: “Tôi rất tự hào khi được làm thợ thủ công. Chúng ta hãy từ bỏ quan điểm truyền thống phân chia công việc theo giới tính”.

Trong chuyến thăm một địa điểm của dự án, Bộ trưởng Bộ Nhà nước tại Văn phòng Tổng thống Tanzania - Chính quyền khu vực và Chính quyền địa phương, Selemani Jafo cho biết: “Cá nhân tôi muốn nhân cơ hội này để chúc mừng các nhà lãnh đạo cùng với tất cả người dân và những người đứng đầu vì dự án tuyệt vời này đã được thực hiện tại đây. Dự án này đang trao quyền cho người dân để xây dựng nền kinh tế của họ”.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

UNEP giúp cộng đồng Tanzania đối mặt với hạn hán trầm trọng

 

72 quốc gia trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới công bố của tổ chức Climate Central (Mỹ) cho thấy, cứ bốn người trên hành tinh thì có một người bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệt độ do biến đổi khí hậu gây ra hằng ngày vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2024 do đốt nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như dầu, khí đốt và than đá, và các hoạt động của con người.

Báo cáo cũng cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 2 tỷ người đã bị ảnh hưởng nhiệt độ đe dọa sức khỏe trong hơn 30 ngày do biến đổi khí hậu gây ra.
72 quốc gia đã trải qua mùa hè nóng nhất kể từ năm 1970, chủ yếu là do biến đổi khí hậu. 180 thành phố ở Bắc bán cầu đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng cực độ từ tháng 6 đến tháng 8. Những đợt nắng nóng này, trung bình, có khả năng xảy ra cao hơn 21 lần hiện nay do ô nhiễm carbon, chủ yếu do đốt than, dầu và khí đốt.
"Nhiệt độ cao đã gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong ba tháng qua", Andrew Pershing, phó chủ tịch khoa học tại Tổ chức Climate Central, cho biết. "Không có khu vực, quốc gia hay thành phố nào an toàn trước các mối đe dọa chết người do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra".
Đông Nam Á là khu vực có nhiều người nhất trên hành tinh phải chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ do biến đổi khí hậu gây ra trong ít nhất 60 ngày vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2024. Trong những tháng này, hơn 204 triệu người đã trải qua nhiệt độ có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất năm lần do biến đổi khí hậu.
Từ tháng 6 đến tháng 8, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đã trải qua nhiệt độ cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu trong hơn 60 ngày. Thái Lan và Việt Nam đã chứng kiến những điều kiện như vậy với khoảng 52 và 46 ngày. Hầu như toàn bộ dân số Philippines, Singapore và Việt Nam đều phải chịu nhiệt độ có khả năng gây nguy cơ cho sức khỏe con người trong ít nhất một tuần, khả năng xảy ra tăng gấp ba lần do biến đổi khí hậu. Hơn hai phần ba dân số Thái Lan và Indonesia phải chịu nhiệt độ đe dọa sức khỏe tương tự. 

Nghiên cứu sử dụng Chỉ số chuyển dịch khí hậu của Tổ chức Climate Central cũng đã phân tích định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ và ước tính số người bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khắc nghiệt này. Phân tích cung cấp dữ liệu chi tiết về tình trạng tiếp xúc với nhiệt ở cấp độ toàn cầu, khu vực, địa phương và tại khoảng 1.200 thành phố. Để ước tính rủi ro của nhiệt đối với sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu đã xem xét những ngày nhiệt độ nóng hơn đáng kể so với hồ sơ lịch sử — những ngày "nhiệt độ nguy hiểm". Nhiệt độ vào những ngày này cao hơn 90% nhiệt độ được quan sát thấy ở một khu vực địa phương trong giai đoạn 1991-2020 — đây là gây ngưỡng tử vong tối thiểu mà ở đó rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ tăng lên đáng kể.
Những phát hiện chính:
 
● Hơn 2 tỷ người (chiếm 25% dân số toàn cầu) đã trải qua từ 30 ngày nắng nóng nguy hiểm trở lên, có khả năng xảy ra cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu.
 
● Hơn 4 tỷ người đã phải đối mặt với nhiệt độ bất thường có khả năng xảy ra cao gấp ít nhất ba lần do biến đổi khí hậu vào ngày 13 tháng 8, thời điểm đỉnh điểm của đợt nắng nóng toàn cầu.
 
● Trong mùa phá kỷ lục này, khi 72 quốc gia phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024, rất ít khu vực đô thị thoát khỏi tác động của ô nhiễm carbon, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
 
● Trung bình một người đã trải qua thêm 17 ngày “nóng bức nguy hiểm” trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu, gây ra nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe toàn cầu.
 
● Ở Đông Nam Á, Philippines và Singapore đã trải qua giai đoạn nóng nhất từ tháng 6 đến tháng 7 đến tháng 8 năm 2024 kể từ năm 1970 trở lại đây.

Nguồn: DWRM (Dịch) / climatecentral.org

72 quốc gia trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu

 

Kịch bản nghiệt ngã khi 'Sông băng Ngày tận thế' tan chảy

Với sự trợ giúp của tàu phá băng và robot dưới nước, mới đây, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sông băng Thwaites ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh và có thể sụp đổ theo cách không thể đảo ngược, gây ra thảm họa nước biển dâng toàn cầu.

Chú thích ảnhMột góc của sông băng Thwaites. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng sông băng Thwaites, còn được biết đến với tên gọi “sông băng Ngày tận thế”, rất dễ bị tác động, một phần vì vị trí địa lý của con sông này. Sông có diện tích tương đương bang Florida của Mỹ, nằm trên nền địa hình dốc xuống, đồng nghĩa rằng khi tan chảy, sẽ có nhiều băng tiếp xúc với nước biển ấm hơn. Trước đây có rất ít hiểu biết về cơ chế đằng sau sự sụt giảm mực băng trên con sông này. Trong 6 năm qua, các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm để mang lại những hiểu biết rõ ràng hơn.

Theo đó, kể từ năm 2018, một nhóm các nhà khoa học tham gia Tổ chức Hợp tác sông băng Thwaites quốc tế (ITGC) đã nghiên cứu dòng sông băng phức tạp và luôn thay đổi này để hiểu rõ hơn về cách thức và thời điểm mà sông băng có thể sụp đổ. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được trình bày qua một loạt nghiên cứu, cung cấp bức tranh rõ ràng nhất về dòng sông băng này.

Mới nhất, trong báo cáo công bố ngày 19/9, các nhà khoa học cảnh báo về một kịch bản “nghiệt ngã” đồng thời tiết lộ những kết luận chính sau 6 năm nghiên cứu. Theo đó, các nghiên cứu chỉ ra tốc độ mất băng dù đã ở mức nhanh nhưng sẽ còn tăng hơn nữa trong thế kỷ này. Rob Larter, nhà địa vật lý biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là thành viên của nhóm ITGC, cho biết mực băng trên sông Thwaites đã sụt nhanh đáng kể trong 30 năm qua. Các kết quả nghiên cứu cho thấy mực băng sẽ còn sụt nhanh và nhiều hơn nữa.

Nhóm nghiên cứu đã đưa 1 robot hình ngư lôi có tên Icefin đến dải tiếp đất của Thwaites, điểm mà băng bắt đầu nổi lên từ đáy biển, một điểm dễ bị tổn thương. Thông qua những hình ảnh mà Icefin gửi lại, nhóm đã phát hiện ra sông băng đang tan chảy theo những cách không ngờ tới, nước biển ấm có thể chảy qua các vết nứt sâu và tạo ra những bậc thang trong băng. Một nghiên cứu khác sử dụng dữ liệu vệ tinh và GPS để xem xét tác động của thủy triều và phát hiện ra rằng nước biển có thể len lỏi sâu hơn 9,6 km bên dưới Thwaites, đưa theo nước ấm xuống dưới lớp băng và gây ra hiện tượng tan chảy nhanh chóng.

Đi sâu nghiên cứu về lịch sử phát triển của Thwaites, nhóm nhà khoa học, trong đó có Julia Wellner, giáo sư tại Đại học Houston, đã phân tích lõi trầm tích biển để dựng lại quá khứ của sông băng và nhận thấy mực băng đã bắt đầu rút lui nhanh chóng vào những năm 1940. Tình trạng này có thể là do sự tác động của một đợt El Niño rất mạnh.

Các nhà khoa học dự đoán toàn bộ Thwaites và khối băng Nam Cực phía sau có thể biến mất vào thế kỷ 23, gây ra hậu quả tàn khốc. Khi tan chảy hoàn toàn, sông băng Thwaites sẽ giải phóng ra lượng nước có thể làm tăng mực nước biển lên hơn 0,6m. Ngoài ra, dòng sông băng này cũng đóng vai trò như một nút chai, chặn giữ dải băng Nam Cực rộng lớn, nên nếu cuối cùng sông băng này sụp đổ thì mực nước biển có thể sẽ dâng cao khoảng 3m, tàn phá các cộng đồng ven biển từ Miami và London đến Bangladesh và các quần đảo ở Thái Bình Dương.

Các nhà khoa học cảnh báo kể cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức thì cũng có thể đã quá muộn để cứu sông băng này. Tuy nhiên, nhóm cũng cho biết vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu thêm về dòng sông băng phức tạp này và để hiểu liệu tình trạng sụt giảm mực băng có thể đảo ngược hay không.

Nguồn: baotintuc.vn

Kịch bản nghiệt ngã khi 'Sông băng Ngày tận thế' tan chảy

 
Trang 12345678

Trang 1 trong tổng số 8 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2080
mod_vvisit_counterTrong tuần5497
mod_vvisit_counterTrong tháng64309
mod_vvisit_counterTất cả7034976

We have: 59 guests online