(TN&MT) - Hạn hán và lũ lụt ở miền Nam châu Phi xuất phát từ El Nino đã khiến hàng triệu người mất an ninh lương thực. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Cindy McCain đưa ra cảnh báo này trong chuyến thăm gần đây tới Zambia - tâm chấn của cuộc khủng hoảng. Hạn hán nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng ở những khu vực có 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp để tồn tại.
Tình trạng hạn hán ở Zambia đã dẫn đến mất mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: UNICEF/ Karin Schermbrucker
Sau khi trò chuyện với các gia đình nông dân ở vùng nông thôn Zambia, Giám đốc điều hành WFP Cindy McCain cho biết những gì bà chứng kiến vừa đáng báo động vừa đau lòng. “Tôi đã gặp những người nông dân thường có thu nhập từ trồng trọt đủ để nuôi sống gia đình và cộng đồng của họ. Tuy nhiên, năm nay họ không thu hoạch được gì", bà McCain cho biết thêm.
"Giờ đây, chúng ta hãy tưởng tượng một kịch bản tương tự xảy ra với hàng triệu người trên khắp miền Nam châu Phi và chúng ta gặp phải một thảm họa nhân đạo”, bà McCain nhấn mạnh.
El Nino gây tác động lớn
Mặc dù hiện tượng thời tiết El Nino mới nhất sắp kết thúc nhưng hạn hán do chu kỳ thay đổi thời tiết gây ra sẽ để lại hậu quả trong nhiều tháng tới.
Nhiệt độ đã tăng lên đáng kể dẫn đến tháng 2 khô hạn nhất trong nhiều thập kỷ ở khu vực, khiến lượng mưa cần thiết cho sự phát triển của cây trồng giảm 20%.
Theo WFP, Zambia, Zimbabwe và Malawi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và tất cả những quốc gia này đều tuyên bố thảm họa hạn hán. Những quốc gia này đối mặt với tình trạng mất mùa trên diện rộng, với khoảng 40 đến 80% sản lượng ngô bị thiệt hại.
Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) về cuộc khủng hoảng hiện nay, các nhà lãnh đạo đã thông báo rằng 61 triệu người bị ảnh hưởng bởi El Nino. Họ đưa ra lời kêu gọi nhân đạo trị giá 5,5 tỷ USD để bổ sung nguồn lực của chính các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng, đồng thời kêu gọi hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách.
SADC đang kêu gọi hỗ trợ để đáp ứng những nhu cầu nhân đạo này. Bà McCain cũng lặp lại lời kêu gọi ủng hộ.
“Tôi đang yêu cầu cộng đồng quốc tế tham gia cùng chúng tôi và nỗ lực ngay bây giờ. Chúng ta không thể yêu cầu hàng triệu người chờ đợi đến mùa thu hoạch tiếp theo - một năm nữa - để có nguồn thực phẩm phục vụ các bữa ăn hằng ngày của họ. Những gia đình này cần sự hỗ trợ của chúng ta ngay hôm nay và chúng ta giúp xây dựng một tương lai kiên cường hơn”, Giám đốc điều hành WFP nhấn mạnh.
Cần thêm nguồn kinh phí
Hạn hán và lũ lụt xảy ra vào thời điểm tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đã ở mức báo động và các hoạt động nhân đạo bị đình trệ do thiếu kinh phí. Mặc dù WFP đã ứng phó với cuộc khủng hoảng này nhưng vẫn cần 409 triệu USD cho 6 tháng viện trợ để mang lại lợi ích cho 4,8 triệu người ở Malawi, Zambia và Zimbabwe.
Những hiện tượng khí hậu cực đoan là lời nhắc nhở về nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đầu tư vào các hoạt động xây dựng khả năng phục hồi, đặc biệt là ở miền Nam châu Phi, nơi các cú sốc khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế.
Để giúp cộng đồng chuẩn bị ứng phó với thảm họa khí hậu trước khi chúng xảy ra, WFP đã làm việc với các chính phủ và đối tác để đưa ra các giải pháp. Vào tháng 8/2023, WFP đã huy động hơn 14 triệu USD tài chính dự kiến để hỗ trợ hơn 1,2 triệu người có khả năng bị ảnh hưởng bởi El Nino.
Chương trình Lương thực Thế giới cũng đã hỗ trợ các cộng đồng ở Lesotho, Madagascar, Mozambique và Zimbabwe bằng cách cung cấp các cảnh báo sớm về rủi ro thời tiết, chuyển tiền mặt dự kiến, hạt giống chịu hạn, đào tạo nông nghiệp và cải thiện nguồn nước.
Ngoài ra, WFP cũng đang làm việc với các chính phủ để bảo vệ các cộng đồng trước hậu quả của các cú sốc khí hậu. Trong vài tuần nữa, WFP sẽ bắt đầu giải ngân gần 10 triệu USD tiền bảo hiểm trong 6 tháng tới cho gần 280.000 người bị ảnh hưởng. Điều này sẽ giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương ứng phó với tác động của hạn hán và khôi phục sinh kế một cách ổn định.
Nguồn: Tổng hợp từ UN News
|
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc ngày 23/6 đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với mưa bão từ mức III lên mức II, trong bối cảnh khu vực dọc trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử được dự báo tiếp tục hứng chịu mưa lớn vào tuần tới.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt ở Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày 20/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, cùng ngày, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã gia hạn cảnh báo mưa bão ở mức màu cam, sát mức cao nhất màu đỏ. Dự báo, các tỉnh Hắc Long Giang, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Hồ Bắc, Chiết Giang, Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây và Hải Nam sẽ có mưa lớn và mưa bão từ 23 - 24/6.
Sáng sớm 23/6, một vụ lở đất đã xảy ra tại một ngôi hàng ở huyện Tân Hoa Đông, thuộc thành phố Hoài Hóa của tỉnh Hồ Nam. Vụ lở đất đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 7 người mất tích, làm sập 4 căn nhà. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cứu nạn.
Theo giới chức tỉnh Hồ Nam, địa phương này đã hứng chịu mưa bão từ ngày 22/6 đến sáng 23/6. Chính quyền tỉnh đã phát cảnh báo mưa bão và ngập lụt trong ngày 23/6, dự báo khu vực miền Trung và Bắc của tỉnh này sẽ có bão vào tuần tới, và nguy cơ xảy ra các thảm họa thiên nhiên là rất cao.
* Tại Indonesia, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai nước này ngày 23/6 cho biết có 1 người đã thiệt mạng và 2 người khác mất tích sau trận lũ lụt ở quận Paris Moutong, tỉnh Trung Sulawesi.
Theo ông Abdul Muhari, người phát ngôn của cơ quan trên, lũ lụt cuốn trôi một cây cầu, chia cắt một ngôi làng và ảnh hưởng đến 120 hộ gia đình. Ngoài ra, lũ lụt còn làm hư hại nhà cửa, khiến một số người dân trong làng phải lánh nạn tại trụ sở chính quyền địa phương.
Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia dự báo mưa lớn sẽ kéo dài cho đến ít nhất là ngày 24/6.
Trong khi đó tại Mông Cổ, Cơ quan Giám sát khí tượng và môi trường nước này ngày 23/6 cho biết mực nước các con sông lớn trên cả nước đã vượt ngưỡng cảnh báo do mưa lớn kéo dài.
Theo cơ quan trên, tính đến sáng 23/6, mực nước trên một số con sông lớn ở Mông Cổ, trong đó có Terelj, Tuul, Kherlen, Selbe và Sugnugur, đã vượt mức cảnh báo từ 10 cm đến 82 cm. Dự kiến mực nước của các con sông này sẽ tăng trong những ngày tới.
Kể từ giữa tuần qua mưa lớn bao trùm nhiều vùng rộng lớn của Mông Cổ, bao gồm các khu vực miền Tây, miền Trung và miền Đông.
Cơ quan Giám sát khí tượng và môi trường Mông Cổ đã khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người chăn nuôi ven sông và khách du lịch, cần có biện pháp phòng ngừa tình huống khẩn cấp.
Nguồn: baotintuc.vn
|
(TN&MT) - Trái đất có đất khô và nước ngọt từ khoảng 4 tỷ năm trước - thời điểm mà các nhà khoa học cho rằng hành tinh này hoàn toàn bị bao phủ bởi đại dương.
Đó là nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, dựa trên phân tích mới về các hạt tinh thể cổ xưa được gắn vào đá từ vùng hẻo lánh của Australia.
Một tinh thể zircon dưới kính hiển vi
Ông Hamed Gamaleldien, tác giả chính của nghiên cứu, nhà nghiên cứu phụ trợ tại Trường Đại học Curtin (Australia) cho biết: “Bằng cách kiểm tra độ tuổi và các đồng vị oxy trong các tinh thể nhỏ của khoáng vật zircon, chúng tôi đã tìm thấy các dấu hiệu đồng vị nhẹ bất thường từ cách đây 4 tỷ năm. Các đồng vị oxy nhẹ như vậy thường là kết quả của sự biến đổi nước ngọt, nóng lên của đá cách bề mặt Trái đất vài kilomet”.
Theo ông Gamaleldien, bằng chứng về sự xuất hiện của nước ngọt chỉ có thể được giải thích bằng sự tồn tại của vùng đất khô - nơi nước tích tụ và thấm vào lớp vỏ lục địa. Nghiên cứu cho thấy, chu trình nước của Trái đất khi nước di chuyển giữa đất liền, đại dương và khí quyển thông qua quá trình bốc hơi và kết tủa đang diễn ra vào thời điểm đó, cách đây 4 tỷ năm.
Ông Hugo Olierook, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khám phá này không chỉ làm sáng tỏ lịch sử hình thành ban đầu của Trái đất mà còn cho thấy vùng đất rộng lớn và nước ngọt tạo tiền đề cho sự sống phát triển trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, chưa đầy 600 triệu năm sau khi Trái đất hình thành".
"Phát hiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử hình thành của Trái đất và mở ra những cánh cửa để khám phá sâu hơn về nguồn gốc sự sống”, ông Hugo Olierook nhấn mạnh.
Nguồn: phys.org
|
(TN&MT) - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gấp rút hỗ trợ hàng chục nghìn trẻ em ở Afghanistan bị ảnh hưởng bởi lũ quét đang diễn ra, chủ yếu ở Baghlan, Badakhshan và Ghor.
Mưa lớn gây lũ lụt, tàn phá diện rộng
Những trận mưa lớn bất thường theo mùa đã gây ra lũ lụt, dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản, cũng như mùa màng ở nhiều vùng. Trong khi đó, vào năm ngoái, một số khu vực đã phải trải qua hạn hán nghiêm trọng. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác nhau đang báo hiệu cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và làm ảnh hưởng đến người dân nước này.
Trận lũ lụt gần đây nhất ở Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của khoảng 350 người, trong đó có hàng chục trẻ em và làm hư hại hơn 7.800 ngôi nhà, khiến hơn 5.000 gia đình phải di dời. WFP cho biết những người sống sót đã mất hết nhà cửa, đất đai và nguồn sinh kế.
Người bà ngồi cùng ba cháu trai bị thương do lũ quét tấn công ngôi làng của họ ở tỉnh Baghlan, Afghanistan. Ảnh: UNICEF/Osman Khayyam
Kể từ đó, UNICEF đã cung cấp nước sạch, bộ dụng cụ vệ sinh kèm theo xà phòng, bàn chải đánh răng và nhiều thứ khác cho các cộng đồng ở Afghanistan. Quỹ trẻ em cũng tổ chức các buổi tập huấn về vệ sinh để hướng dẫn người dân cách rửa tay và trữ nước an toàn trong bối cảnh thiên tai.
Tiến sĩ Tajudeen Oyewale, đại diện UNICEF tại Afghanistan, kêu gọi sự giúp sức của cộng đồng quốc tế trong việc phải tăng cường nỗ lực và đầu tư nhằm giảm nhẹ các tác động biến đổi khí hậu đối với con người, đặc biệt là trẻ em. Tiến sĩ Oyewale cho rằng UNICEF và cộng đồng nhân đạo cần phải chuẩn bị cho thực tế mới về các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể xảy ra trong tương lai.
UNICEF cũng đã hỗ trợ người dân ở Afghanistan bằng cách hỗ trợ tiền mặt để giúp các gia đình đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ, đồng thời chỉ định các đội y tế và dinh dưỡng điều trị những người bị thương và bị bệnh. Hơn nữa, cơ quan này đã phân phát quần áo ấm, chăn và đồ gia dụng cho những gia đình bị mất tài sản.
Khủng hoảng khí hậu gia tăng
UNICEF cho biết, trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu dành cho Trẻ em, Afghanistan đang đứng vị trí 15 trong số 163 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em tại quốc gia Tây Nam Á này trước tình hình biến đổi khí hậu và môi trường cao hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, Afghanistan được cho là một trong những quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất trong việc tạo ra các vấn đề về khí hậu.
Tuy nhiên, UNICEF cho rằng lũ quét gần đây ở Afghanistan cho thấy một cuộc khủng hoảng khí hậu với tần suất “ngày càng gia tăng và khốc liệt” gây thiệt hại về con người, sinh kế và cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Đại diện UNICEF tại Afghanistan cho biết, số lượng và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ đòi hỏi UNICEF và các tổ chức nhân đạo khác phải can thiệp vào các hoạt động ứng phó nhân đạo trên quy mô lớn và nhanh chóng hơn nữa.
"Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi các biện pháp chuẩn bị được tăng cường, chẳng hạn như bố trí trước nhiều hơn các nguồn cung cấp cứu trợ khẩn cấp và tăng cường phối hợp với các đối tác”, đại diện UNICEF tại Afghanistan nhấn mạnh.
Tiến sĩ Oyewale cũng cho rằng UNICEF cần tập trung giúp đỡ cộng đồng thích ứng với những cú sốc về khí hậu và môi trường để giảm sự phụ thuộc của người dân vào viện trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Oyewale cho biết thêm: “Chúng ta cần ưu tiên các nhu cầu đặc biệt của trẻ em khi đưa ra quyết định và giải quyết những nhu cầu này ngay bây giờ để bảo vệ trẻ em khỏi những thảm họa trong tương lai, đồng thời đầu tư vào các dịch vụ cơ bản liên quan đến trẻ em”.
Tuần trước, tổ chức Save the Children đưa ra cảnh báo, khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan dự kiến sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng trong năm nay, do sự kết hợp của nhiều yếu tố như ảnh hưởng của lũ lụt và hậu quả lâu dài của hạn hán.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|
Khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch do đó cần phải quản lý tốt nguồn nước vì mỗi giọt nước đều rất quý giá. Nhận thức rõ điều này, các nước tham dự Diễn đàn Nước thế giới đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp thúc đẩy quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước.
Ngân hàng thế giới dự đoán tình trạng thiếu nước có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế lên tới 6% cho đến năm 2050. Sự khan hiếm nước cũng có thể gây ra chiến tranh và có thể trở thành một nguồn thảm họa.
Là quốc gia thứ 3 ở châu Á sau Nhật Bản và Hàn Quốc được chọn làm chủ nhà Diễn đàn Nước thế giới, Indonesia mong muốn thể hiện cam kết với thế giới và đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia khác về thành công trong quản lý tài nguyên nước. Do đó Indonesia đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng để thúc đẩy và quản lý bền vững nguồn nước.
Tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn, Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo đề cập 4 sáng kiến lớn: “Sáng kiến đầu tiên là thành lập Ngày Hồ Nước Thế giới. Thứ 2 là Indonesia đang khuyến khích thành lập một Trung tâm Xuất sắc COE ( nhằm tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo sáng kiến thứ ba, Indonesia khuyến khích quản lý nước bền vững ở các quốc đảo nhỏ, trong khi sáng kiến thứ tư liên quan đến việc thúc đẩy hơn 100 dự án về nước”.
Diễn đàn Nước thế giới 2024 (Ảnh: AFP)
Dự kiến các sáng kiến này sẽ được thông qua trong Tuyên bố chung sau Diễn đàn. Với sáng kiến thành lập Ngày Hồ thế giới, đây là di sản quan trọng của Diễn đàn Nước thế giới vì cho đến nay việc bảo vệ các nguồn tài nguyên hồ ít được quan tâm. Việc thành lập ngày Hồ thế giới sẽ giúp nâng cao nhận thức của thế giới về vấn đề này.
Ngoài ra còn có các sáng kiến của nhiều quốc gia thúc đẩy việc quản lý nguồn nước như Fiji, Indonesia thúc đẩy việc thành lập Quỹ nước toàn cầu để giúp phát triển khả năng tiếp cận nước sạch cho nhu cầu của con người ở các nước đang phát triển và khu vực Thái Bình Dương. Hiện nay, có 2,2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch. Quỹ Nước toàn cầu , dự kiến đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng nước, giảm khủng hoảng hoặc thảm họa liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những biện pháp cụ thể để khắc phục các vấn đề về nước trên thế giới.
Nước không chỉ là sản phẩm tự nhiên mà là sản phẩm của sự hợp tác và đoàn kết. Có nhiều điều “ đầu tiên” tại Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 tại Bali như lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Nước thế giới có Hội nghị cấp cao với sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Nước thế giới, một tuyên bố cấp Bộ trưởng sẽ được đưa ra mà không cần đàm phán, chỉ dưới hình thức tham vấn. Quan trọng nhất là thiết lập Bản tóm tắt các kết quả và hành động cụ thể. Đây sẽ là những kết quả quan trọng giúp thế giới có thể hướng đến mục tiêu kiểm soát và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước.
Nguồn tin: PV/VOV-Jakarta
|
|