(TN&MT) - Trái đất có đất khô và nước ngọt từ khoảng 4 tỷ năm trước - thời điểm mà các nhà khoa học cho rằng hành tinh này hoàn toàn bị bao phủ bởi đại dương.
Đó là nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, dựa trên phân tích mới về các hạt tinh thể cổ xưa được gắn vào đá từ vùng hẻo lánh của Australia.
Một tinh thể zircon dưới kính hiển vi
Ông Hamed Gamaleldien, tác giả chính của nghiên cứu, nhà nghiên cứu phụ trợ tại Trường Đại học Curtin (Australia) cho biết: “Bằng cách kiểm tra độ tuổi và các đồng vị oxy trong các tinh thể nhỏ của khoáng vật zircon, chúng tôi đã tìm thấy các dấu hiệu đồng vị nhẹ bất thường từ cách đây 4 tỷ năm. Các đồng vị oxy nhẹ như vậy thường là kết quả của sự biến đổi nước ngọt, nóng lên của đá cách bề mặt Trái đất vài kilomet”.
Theo ông Gamaleldien, bằng chứng về sự xuất hiện của nước ngọt chỉ có thể được giải thích bằng sự tồn tại của vùng đất khô - nơi nước tích tụ và thấm vào lớp vỏ lục địa. Nghiên cứu cho thấy, chu trình nước của Trái đất khi nước di chuyển giữa đất liền, đại dương và khí quyển thông qua quá trình bốc hơi và kết tủa đang diễn ra vào thời điểm đó, cách đây 4 tỷ năm.
Ông Hugo Olierook, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khám phá này không chỉ làm sáng tỏ lịch sử hình thành ban đầu của Trái đất mà còn cho thấy vùng đất rộng lớn và nước ngọt tạo tiền đề cho sự sống phát triển trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, chưa đầy 600 triệu năm sau khi Trái đất hình thành".
"Phát hiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử hình thành của Trái đất và mở ra những cánh cửa để khám phá sâu hơn về nguồn gốc sự sống”, ông Hugo Olierook nhấn mạnh.
Nguồn: phys.org
|