Nước có thể tạo ra hòa bình hoặc châm ngòi cho những xung đột. Khi nguồn nước khan hiếm hoặc bị ô nhiễm, hoặc khi mọi người không được tiếp cận nguồn nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng.
Tiếp cận nguồn nước uống an toàn là quyền của con người. Cần phải hành động cùng nhau để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta. Hợp tác về nước mở đường cho sự hợp tác để giải quyết những thách thức chung. Chúng ta phải sử dụng nước như một chất xúc tác để tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
Tài nguyên nước đang chịu áp lực ngày càng lớn do sự phát triển kinh tế, xã hội, gia tăng dân số, biến đổi khí hậu,…. Ở nhiều quốc gia, việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn của người dân chưa được đồng đều và công bằng. Giữa các quốc gia, việc thiếu hợp tác xuyên biên giới về tài nguyên nước đối với những nguồn nước chung đã gây ra những rủi ro đối với chất lượng và số lượng nguồn cung cấp nước, và điều này sẽ đe dọa tới sự ổn định của xã hội cũng như quốc tế.
Bên cạnh đó, việc chính phủ không có khả năng cung cấp các dịch vụ về nước cơ bản cũng có thể dẫn đến việc mất tính hợp pháp của các thể chế Nhà nước và gây ra tình trạng bất ổn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh mất an ninh lương thực, tỷ lệ thất nghiệp cao và di cư trong nước như hiện nay.
Thiếu nước là nguyên nhân châm ngòi cho những cuộc xung đột
Nước có thể là nguyên nhân châm ngòi cho những xung đột khi lợi ích của những người sử dụng nước khác nhau. Xung đột về nước sẽ không thể hòa giải khi số lượng hoặc chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Nước có thể là vũ khí trong xung đột vũ trang, được coi như một phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ, dân cư hoặc như một phương tiện để gây áp lực cho các nhóm đối thủ.
Nước có thể là nạn nhân của xung đột. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả hệ thống nước, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Hợp tác về nước tạo ra những hiệu ứng tích cực thúc đẩy hội nhập và hòa bình khu vực, thế giới
Nước có thể là một công cụ mang lại hòa bình. Theo thời gian, đã có nhiều hợp tác hơn là xung đột về nguồn nước, nhưng còn nhiều việc cần phải làm. Hợp tác hòa bình về nước – trong và giữa các quốc gia – có thể mở đường cho hợp tác hòa bình trong mọi lĩnh vực.
Nước có thể là chất xúc tác cho sự ổn định và phát triển bền vững. Chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng tiếp cận nước uống an toàn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Ở cấp địa phương và quốc gia, những người sử dụng nước khác nhau - đặc biệt là các cơ sở cấp nước và vệ sinh, năng lượng, thực phẩm và công nghiệp phải hợp tác thông qua phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đáp ứng các quyền cơ bản của người dân.
Ở cấp lưu vực, các quốc gia nên xây dựng các thỏa thuận và thiết lập các thể chế để quản lý một cách hòa bình các nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới quốc tế.
Các chính phủ cần có sự hợp tác đối với các vùng nước xuyên biên giới ở cấp độ song phương, khu vực hoặc toàn cầu, chẳng hạn như thông qua việc ký kết và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy
Hợp tác về nước tạo ra những hiệu ứng tích cực. Hợp tác về nước xuyên biên giới và các lĩnh vực sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng cường an ninh lương thực, duy trì sinh kế và hệ sinh thái lành mạnh, giúp xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, cung cấp năng lượng tái tạo, hỗ trợ các thành phố và ngành công nghiệp, và thúc đẩy hội nhập và hòa bình khu vực, thế giới.
Tác giả bài viết: DWRM (Tổng hợp)
Nguồn tin: unwater.org
|