Hiến pháp 2007 của Thái Lan quy định “Bảo tồn và bảo vệ môi trường theo các nguyên tắc phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm do các chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hạnh phúc con người là trách nhiệm của nhà nước”. Do đó, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nước được coi là chiến lược then chốt của đất nước chùa vàng.
Hướng tiếp cận quản lý và thực thi Có thể nói, Thái Lan đang tiên phong trong việc kiểm soát và quản lý ô nhiễm nước thông qua những hướng tiếp cận và biện pháp thực thi đầy đủ và hiệu quả. Trước hết, nước này ban hành các quy chuẩn xả thải và tiêu chuẩn nước mặt. Điều này bảo đảm rằng mọi nguồn nước đều tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giữ cho môi trường nước trong tình trạng sạch sẽ và an toàn. Tiếp đến, Thái Lan áp dụng nguyên tắc quản lý lưu vực để kiểm soát được nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung. Quy định đòi hỏi tất cả các công trình nhà ở phải trang bị hệ thống xử lý nước thải, từ các công nghệ hiện đại đến những giải pháp đơn giản như bể tự hoại. Ngoài ra, đối với hướng tiếp cận liên quan đến tổng lượng nước thải phát sinh, các khu đô thị phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung, được cấp kinh phí để vận hành và duy trì. Đồng thời các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải và được kiểm soát. Đối với việc quản lý lưu vực, Thái Lan hỗ trợ bảo vệ môi trường nước bằng cách giữ lượng chất ô nhiễm phát sinh ra môi trường trong khả năng của quá trình tự làm sạch của từng khu vực. Bên cạnh đó, đất nước chùa vàng cũng chú trọng đến biện pháp xây dựng đối tác công ty. Theo đó, Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCED) và các thống đốc tỉnh trong lưu vực sông ký thỏa thuận hợp tác để khôi phục nước mặt thông qua hiệp định lưu vực sông.
Sông Chao Phraya, Thái Lan. Nguồn: ITN.
Ngoài ra, để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước, Thái Lan còn ban hành Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia (NEQA 1992). Đây là đạo luật khung cơ bản về bảo vệ môi trường trong đó xác định quyền hạn và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường. Luật tập trung vào một số nội dung chính như: thành lập Quỹ môi trường để sử dụng cho việc giải quyết các vấn đề môi trường trong lĩnh vực ưu tiên; thành lập Chiến lược quản lý môi trường quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ để thực hiện kế hoạch và cho các địa phương chuẩn bị kế hoạch hành động; Quy định cho Ban Môi trường quốc gia (NEB) công bố các Vùng ô nhiễm (PCAs) hoặc các Vùng được bảo vệ môi trường và bảo tồn khi chứng minh được các yếu tố môi trường cần thiết đã bị ảnh hưởng; Thành lập Hội đồng kiểm soát ô nhiễm với sự tham gia của nhiều cơ quan cho các vấn đề kiểm soát ô nhiễm; Công nhận nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải chi trả"… Phục hồi các dòng sông Để phục hồi chất lượng nước của các dòng sông, Chính phủ Thái Lan thành lập các Ủy ban lưu vực sông chịu trách nhiệm lập quy hoạch, hình thành các dự án và triển khai kế hoạch phát triển lưu vực sông. Cục Kiểm soát ô nhiễm chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý chất lượng tất cả lưu vực sông ở Thái Lan. Đối với lưu vực sông lớn, kế hoạch chỉ tập trung vào quản lý nước thải, ưu tiên xây dựng các cơ sở xử lý nước thải cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn (doanh nghiệp vừa và nhỏ), Chính phủ không có có quy định điều chỉnh mà ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để doanh nghiệp tuân theo với mục tiêu hạn chế tối đa nước thải của các cơ sở này gây ô nhiễm nước. Quy định hướng dẫn này đề cập đến việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải đơn giản, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đơn giản như bể lắng với chi phí thấp… Ngoài ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm thành lập các tiêu chuẩn xả thải cho kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn điểm để đáp ứng với các tiêu chuẩn chất lượng nước xung quanh. Trong khi đó, Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia yêu cầu chủ sở hữu các nguồn ô nhiễm thiết kế quan trắc chất lượng xả thải và thu thập dữ liệu thống kế cũng như nộp các báo cáo. Nếu khả năng xử lý của các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn thì các chủ cơ sở có nhiệm vụ thay đổi hoặc nâng cấp công nghệ xử lý phù hợp với hướng dẫn của cơ quan kiểm soát ô nhiễm. Lệ phí, tiền phạt, trách nhiệm dân sự và các quy định hình sự được áp dụng nếu vi phạm được phát hiện hay các chủ nguồn thải không thực hiện đúng theo yêu cầu… Box: Theo báo cáo vào năm 2021, 44% nguồn nước mặt ở Thái Lan có chất lượng nước ở mức khá, trong khi chỉ có 2% ở tình trạng rất tốt. Các nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nông nghiệp. Các vấn đề chính về chất lượng nước ở các con sông ở Thái Lan là suy giảm oxy hòa tan, cá chết, hàm lượng nitơ amoniac cao, vi khuẩn coliform cao (gây ra các bệnh về đường ruột) và hiện tượng phú dưỡng (là kết quả của việc ao, ngòi, sông, hồ tiếp nhận một lượng quá lớn các nguồn thải chứa các chất dinh dưỡng như nitơ và phospho, vượt quá khả năng tự điều hòa của hệ thống nước). Nguồn tin: daibieunhandan.vn
|
Theo báo cáo từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng thứ hai kỷ lục và băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục thứ 2 trong tháng 3 trong lịch sử.
Có ba cơn bão được đặt tên đã đạt đến sức mạnh xoáy thuận nhiệt đới lớn, trong đó có Freddy, cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và lũ lụt lớn ở Madagascar, Malawi và Mozamibique. Xoáy thuận nhiệt đới Freddy kéo dài đặc biệt ở Nam Ấn Độ Dương đã lập kỷ lục về năng lượng lốc xoáy tích lũy (ACE) lớn nhất, một thước đo tích hợp về cường độ, tần suất và thời gian của các cơn bão nhiệt đới.
Ủy ban chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang xem xét liệu Freddy có lập kỷ lục là cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất hay không.
Tháng 3 năm 2023 – mức nhiệt độ đáng lo ngại
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus do Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) điều hành và NOAA, tháng 3 năm nay là tháng 3 nóng thứ hai trên toàn cầu. Nhiệt độ trên mức trung bình ở miền Nam và miền Trung châu Âu và dưới mức trung bình ở hầu hết miền Bắc châu Âu.
Sự nóng lên toàn cầu đang khiến băng trên biển giảm và mực nước biển dâng cao
Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình trên một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Phi, Tây Nam nước Nga và hầu hết châu Á. Nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình cũng xảy ra ở Đông Bắc Bắc Mỹ, Argentina và các nước láng giềng, một phần lớn ở Australia và ven biển Nam Cực.
Ngược lại, trời lạnh hơn nhiều so với mức trung bình ở phía Tây và trung tâm Bắc Mỹ.
Biến đổi thủy văn rõ nét
Vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở dải từ Tây sang Đông Bắc trên khắp Bắc Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài châu Âu, vào tháng 3/2023, trời ẩm ướt hơn mức trung bình ở các khu vực của Mỹ, một số khu vực ở châu Á, vùng Sừng châu Phi, New Zealand, miền Bắc Australia, một phần miền Nam châu Phi và Brazil. Tại nhiều khu vực, lượng mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt.
Các khu vực trải qua tình hình khô hạn hơn mức trung bình trong tháng 3 năm nay bao gồm hầu hết Bán đảo Iberia, nơi có điều kiện thuận lợi dễ xảy ra cháy rừng, vòng cung Alpine, một số khu vực ở Trung Âu, phía Đông Balkan và bờ phía Tây Bắc của Biển Caspi.
Thời tiết hanh khô hơn mức trung bình ở Argentina, nơi đang trải qua hạn hán kéo dài, miền Nam Australia, Tây Nam châu Phi và một phần châu Á. Trong nhiều trường hợp, những điều kiện thời tiết này có liên quan đến nhiệt độ nóng hơn mức trung bình.
Phạm vi băng biển giảm mạnh ở nhiều nơi
Phạm vi băng biển ở Nam Cực chạm mức thấp thứ hai trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, ở mức 28% dưới mức trung bình, sau mức thấp kỷ lục vào tháng 2. Phạm vi băng biển thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở tất cả các khu vực của Nam Đại Dương.
Trong khi đó phạm vi băng biển ở Bắc Cực thấp hơn 4% so với mức trung bình, xếp hạng thấp thứ 4 trong tháng 3 trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh, nhưng cũng gần với 3 mức độ thấp nhất.
Trái ngược với phạm vi băng biển chủ yếu dưới mức trung bình ở các khu vực khác của Bắc Băng Dương, phạm vi băng trên biển cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Biển Greenland.
Bản tin khí hậu hàng tháng của Copernicus cho thấy những thay đổi về nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu, lớp băng trên biển và các biến số thủy văn. Tất cả những phát hiện này đều dựa trên các phân tích được tạo ra từ máy tính bằng cách sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và các trạm thời tiết trên khắp thế giới.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
|
Để kế hoạch được triển khai, Ủy ban Năng lượng nguyên tử sẽ phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để nhận được sự đồng ý về việc xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.
Các bể nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản.
Ngày 22/7, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, ra biển.
Trước đó, hồi tháng 5, ủy ban trên đánh giá nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý có chứa hàm lượng triti rất nhỏ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và đã chấp thuận kế hoạch xả thải ra biển do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đề xuất.
Theo quy trình, cơ quan này đã tiến hành lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng tính tới ngày 17/6. Sau khi xem xét 1.233 ý kiến, Ủy ban đã chính thức phê duyệt kế hoạch trong cuộc họp ngày 22/7.
Tuy nhiên, để kế hoạch được triển khai, cơ quan này sẽ phải tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để nhận được sự đồng ý về việc xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.
TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất Triti không thể phân tách.
Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và đến tháng tháng 5/2022 đã đạt 1,3 triệu tấn, gần đạt sức chứa tối đa là 1,37 triệu tấn.
Theo nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/
|
Khi thời tiết hạn hán diễn biến tồi tệ hơn ở nhiều nơi trên thế giới, các nhóm nhà đầu tư bền vững đang tìm cách gây sức ép với những công ty lãng phí nước. Họ đồng thời tìm cơ hội đầu tư ở một nhóm công ty đại chúng ít ỏi đang tập trung giải quyết vấn đề quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.
Sáng kiến giám sát quản lý tài nguyên nước ở các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu
Từ Kenya đến California (Mỹ) và gần một nửa châu Âu, tình trạng thiếu nước ngọt do hạn hán đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và mở ra cái nhìn mới cho hàng triệu người dân về tình trạng căng thẳng của hành tinh do biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, hôm 16-8, Ceres, một mạng lưới nhà đầu tư thúc đẩy phát triển bền vững, đã ra mắt Sáng kiến đánh giá tài chính nước (Valuing Water Finance Initiative) để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu phải quản lý tài nguyên nước tốt hơn. Ceres cho biết cho đến nay, có 64 tổ chức đầu tư của Mỹ và quốc tế, đang quản lý số tài sản gần 10.000 tỉ đô la tham gia sáng kiến này, bao gồm các quỹ hưu trí và các công ty quản lý tài sản như Franklin Resources, Federated Hermes và Fidelity International.
Sáng kiến trên nhằm khuyến khích 72 công ty lớn nhất thế giới giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến nước và thúc đẩy các cải cách quy mô lớn để bảo vệ các hệ thống cung cấp nước toàn cầu.
Ceres cho biết sáng kiến sẽ đưa ra các hướng dẫn toàn diện và đầy tham vọng cho các nhà đầu tư để giúp họ xem xét và quản lý các rủi ro liên quan đến nước, bao gồm tính sẵn có và chất lượng nước cũng như giám sát các hội đồng quản trị trong vấn đề quản lý tài nguyên nước.
Ceres cho biết mục đích của sáng kiến này là nâng cao nhận thức xem nước ngọt như là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất thế giới và làm nổi bật vai trò thiết yếu của nó trong các ngành công nghiệp, cộng đồng và hệ sinh thái.
Theo Ceres, sáng kiến đang nhắm đến các thương hiệu thực phẩm và đồ uống hàng đầu như Coca-Cola, Pepsi, Diageo và Heineken, cũng như Nestlé, Unilever, Kellogg’s và Danone cùg một một số chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới, bao gồm Mc Donald’s, Domino’s và Chipotle. Ngoài ra, một số thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới, như Adidas, Burberry và Levi’s và các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet cũng tham gia sáng kiến này.
Lợi ích của sáng kiến đó rất rõ ràng: Phân tích của các nền tảng công bố thông tin môi trường liên quan đến doanh nghiệp của hai tổ chức CDP và Planet Tracker hồi tháng 5 cho thấy, các công ty tài chính đang quản lý 130 ngàn tỉ đô la tài sản trên thế giới có thể phải đối mặt với thiệt hại ít nhất 225 tỉ đô la do các rủi ro liên quan đến nước.
Dexter Galvin, Giám đốc phụ trách doanh nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu của CDP cho biết: “Đây không còn là những rủi ro xa vời nữa vì chúng đang diễn ra”.
Ví dụ, vào tuần trước, hãng xe Toyota (Nhật Bản) đã tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc trong bối cảnh thiếu điện do hạn hán.
Một chiếc thuyền bị mắc cạn khi mực nước sông Rhine ở thị trấn Remagen, Đức, xuống thấp do hạn hán.
Các quỹ đầu tư tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước
Theo Liên Hợp Quốc, nhận thức được tình hình tồi tệ đến mức nào, với 2,3 tỉ người hiện đang sống ở các nước bị căng thẳng về nguồn nước, đã thúc đẩy một công ty quản lý tài sản thành lập các quỹ đầu tư nhằm thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của những nhà đầu tư đang tìm kiếm các giải pháp quản lý hiệu quả tài nguyên nước.
Dữ liệu của Morningstar Direct cho thấy trên toàn cầu, có 23 quỹ đầu tư tập trung vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước được thành lập trong 5 năm qua, với tổng tài sản 8 tỉ đô la, tính đến cuối tháng 8.
David Grumhaus Jr. Giám đốc đốc danh mục đầu tư Quỹ Virtus Duff & Phelps, đang quản lý 812 triệu đô la, cho biết đã có một “hiệu ứng lan tỏa” khi khủng hoảng nước ngày càng trở nên tồi tệ. Quỹ Virtus Duff & Phelps được thành lập với mục đích tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn ở các công ty chuyên về công nghệ giúp xử lý cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.
Grumhaus nói: “Khi câu chuyện tin tức hàng đầu là tàu thuyền chở hàng không thể qua sông Rhine do cạn đáy và người Đức sẽ không tiếp cận được tất cả nguồn cung hàng hóa của họ, điều đó chắc chắn khiến mọi người nghĩ về nước và quỹ của chúng tôi”.
Theo Bobby Blue, nhà quản lý cấp cao của Morningstar Direct, các quỹ đầu tư về nước không trực tiếp sở hữu các quyền về nước, vốn nằm dưới sự quản lý của địa phương, thay vào đó, họ đầu tư vào các công ty có hoạt động kinh doanh liên quan đến nước.
Các công ty đại chúng như nhà cung cấp dịch vụ nước American Water Works Company, Công ty công nghệ hạ tầng cấp nước Xylem (Mỹ) và Công ty công nghiệp Georg Fischer (Thụy Sĩ), chuyên về các hoạt động giúp vận chuyển nước an toàn
Các nhà quản lý quỹ và nhà phân tích cho biết số lượng các công ty đại chúng chỉ tập trung vào nước, là rất ít ỏi.
Simon Gottelier, đồng quản lý Quỹ đầu tư nước Thematic. đang quản lý số tài sản trị giá 282 triệu đô la, ước tính rằng có khoảng 25 đến 30 công ty cấp nước có thể đầu tư trên toàn cầu, cũng như một số ít doanh nghiệp về công nghệ nước.
Do đó, các nhà quản lý tài sản chuyển mục tiêu sang một nhóm lớn hơn các công ty có nhiều mảng kinh doanh bao gồm mảng liên quan đến nước, chẳng hạn như khử mặn, tưới tiêu thông minh và ngăn ngừa ô nhiễm nước.
Cedric Lecamp, quản lý đầu tư ở Quỹ Pictet-Water Strategy, đang nắm giữ số tài sản 9,2 tỉ đô la, cho biết công ty ông đã xác định được 360 công ty có “sự tiếp xúc có ý nghĩa với chủ đề nước”.
Justin Winter, đồng quản lý Quỹ Impax Water Strategy, sở hữu số tài sản 7,3 tỉ đô la, nói: “Chưa có một sự bùng nổ lớn về các công ty mới cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực nước. Nhưng triển vọng của các công ty có mảng kinh doanh nước hiện nay chưa bao giờ tốt hơn hiện nay”
Albert Cho, Phó chủ tịch Xylem, cho biết doanh thu công ty ông dự kiến tăng trưởng 5% mỗi năm cho đến năm 2025 khi nhu cầu quản lý nước hiệu quả của khách hàng tăng lên.
Đó không phải là một mức tăng trưởng cao đối với một công ty công nghệ nhưng Cho xem đó là mức tăng trưởng có ý nghĩa đối với ngành nước, nơi khách hàng thường là những công ty cấp nước địa phương, không có nguồn tài chính dồi dào.
Theo nguồn https://thesaigontimes.vn/
|
Trả lời:
Sự suy giảm trữ lượng nước dưới đất được thể hiện thông qua sự hạ thấp mực nước, sự cạn kiệt các nguồn nước.
Theo thống kê tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 10.531.243 m3/ngày, trong đó vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ là hai khu vực khi thác nhiều nhất với tổng lượng khai thác là 5.867.345 m3/ngày chiếm 55,71% tổng lưu lượng khai thác toàn quốc. Điển hình về tình hình khai thác nước của nước ta tập trung ở 2 thành phố lớn đó là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chính Minh, tổng lưu lượng khai thác tại 2 thành phố này hiện tại là 2.629.398 m3/ngày chiếm 24,97% tổng lưu lượng khai thác toàn quốc.
Thành phố Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích bở rời Đệ Tứ (Holocen – qh, Pleistocen trên – qp2, Pleistocen dưới – qp1) được ngăn cách với nhau bằng các lớp thấm nước yếu cấu tạo bởi các lớp đất đá hạt mịn (gồm sét, sét pha, sét bột có lẫn thành phần vật chất hữu cơ được xếp vào loại đất yếu). Các tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ Tứ phân bố đến độ sâu khoảng 70 – 85m cách mặt đất. Nằm dưới các tầng chứa nước lỗ hổng, bở rời trong trầm tích Đệ Tứ là các trầm tích Neogen (gồm các lớp cuội sạn, cát kết xen bột kết, sét kết có tính phân nhịp với mức độ gắn kết yếu) hoặc trầm tích Trias (gồm đá vôi xám trắng, xám hồng có nơi xen đá vôi silic, sét vôi).
Hiện nay, tổng lượng nước ngầm khai thác cấp cho thành phố Hà Nội (kể cả khu vực đô thị và nông thôn và của cả tỉnh Hà Tây cũ) là khoảng 1.500.000 m3/ngày đêm (trong đó, các nhà máy nước của các Công ty cấp nước đang khai thác khoảng 750.000 m3/ngày đêm; các trạm cấp nước tập trung nông thôn, khu, cụm công nghiệp khai thác khoảng 250.000 m3/ngày đêm và khai thác nhỏ lẻ của các hộ gia đình, làng nghề khoảng 500.000 m3/ngày đêm), hầu hết các công trình cấp nước tập trung đô thị, nông thôn và các khu/cụm công nghiệp đều khai thác nước trong tầng chứa nước Pleistocen dưới (qp1), còn lại các giếng khai thác nhỏ lẻ phục vụ cấp nước hộ gia đình khai thác nước trong tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng Pleistocen trên (qp2).
Tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất đã được cấp phép khoảng 847.300 m3/ngày đêm với 329 giấy phép (trong đó: Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 163 giấy phép với lưu lượng khai thác khoảng 75.000 m3/ngày đêm, các Quận, huyện cấp 117 giấy phép với lưu lượng khoảng 1.300 m3/ngày đêm và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp là 49 giấy phép với lưu lượng khoảng 771.000 m3/ngày đêm).
Hiện tại các bãi giếng khai thác lớn của khu vực Hà Nội chủ yếu là do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội quản lý, vận hành. Các bãi giếng này phân bố chủ yếu dọc theo vùng ven sông Hồng (đoạn từ Thượng Cát đến Nam Dư) và một số bãi giếng nằm trong khu vực nội thành (Hạ Đình, Pháp Vân, Tương Mai, Ngọc Hà). Trong thời gian gần đây Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh lưu lượng khai thác tại một số bãi giếng theo hướng tăng lưu lượng khai thác các bãi giếng ven sông và giảm lưu lượng các bãi giếng nằm trong khu vực nội thành.Cùng với việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất, thành phố Hà Nội đã tiến hành xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất, đồng thời khi tiến hành xây dựng mạng quan trắc Quốc gia nước dưới đất đồng bẳng Bắc Bộ cũng đã bố trí số lượng lớn công trình quan trắc trong khu vực thành phố Hà Nội và phụ cận. Đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 28 trạm (48 công trình) quan trắc nước dưới đất trong mạng quan trắc Quốc gia và 64 trạm (114 công trình) quan trắc nước dưới đất trong mạng quan trắc của thành phố Hà Nội. Theo kết quả quan trắc mực nước dưới đất từ năm 1992 đến nay cho thấy tại khu vực thành phố Hà Nội hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có tâm trùng với khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội. Diện tích phễu hạ thấp mực nước phát triển theo thời gian, tính từ năm 1992 đến nay vùng “phễu hạ thấp” có cốt cao mực nước 0 m tăng lên 1,5 lần; diện tích vùng có cốt cao mực nước -8m tăng lên 3 lần và diện tích vùng có cốt cao mực nước -14m tăng lên 5 lần. Giai đoạn 1992-1999 có tốc độ tăng chậm, giai đoạn từ năm 2000-2006 tốc độ tăng nhanh và có xu hướng dần ổn định từ năm 2007 đến nay. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình năm trong nước dưới đất khai thác chính trong khoảng từ 0,08 – 0,91m/năm, trung bình 0,3 m/năm.
Bản đồ phễu hạ thấp mực nước vùng nam Hà Nội 2/2014
Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ là phần rìa của đồng bằng Nam Bộ, ở đây trầm tích Neogen – Đệ Tứ có chiều dày mỏng hơn các khu vực thuộc ĐBSCL. Thành phố Hồ Chí Minh cũng tồn tại 7 tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Neogen – Đệ Tứ (tầng Holocen – qh , Pleitocen trên – qp3, Pleitocen giữa trên – qp2-3, Pleitocen dưới – qp1, Pliocen trên – n22, Pliocen dưới n21 và Miocen trên – n13) được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu. Chiều sâu phân bố của các tầng chứa nước đến độ sâu khoảng từ 124 – 370m. Các tầng chứa nước trong trầm tích Neogen – Đệ Tứ cấu tạo chủ yếu từ thành phần đất đá bở rời hạt mịn đến thô gồm cát, cát pha bột sét, cát hạt thô, cát lẫn sạn sỏi…. Các tầng chứa nước ở thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm khá phức tạp, mức độ chứa nước không đồng nhất theo diện và theo cả chiều sâu, đồng thời trong các tầng chứa nước đều tồn tại các ranh giới mặn – nhạt gây nhiều khó khăn cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Theo kết quả quan trắc từ năm 1995 đến nay cho thấy mực nước đưới đất ở hầu hết các tầng chứa nước (trừ tầng chứa nước Pleistocen) đều có xu hướng hạ thấp, kể cả ở các vùng mặn. Cụ thể, tốc độ hạ thấp mực nước tại các khu vực huyện Củ Chi trung bình 0,4-0,8m/năm; khu vực Bình Chánh trung bình 0,3-0,7 m/năm; khu vực quận 12 trung bình khoảng 1,3-1,5 m/năm. Các khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước lớn thường tập trung ở các khu vực lượng khai thác lớn (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Quận 12).
Những kết quả nghiên cứu và theo dõi diễn biến tiêu cực của phễu hạ thấp mực nước cho thấy sự khai thác quá mức, tập trung trong khu vực các thành phố lớn sẽ làm hạ thấp mực nước trên diện rộng. Đây là nguyên nhân gây suy thoái nguồn nước dẫn đến giảm hiệu suất và lượng khai thác, tăng khả năng ô nhiễm và lún nền đất. Những động thái và cảnh báo này hết sức quan trọng cần được theo dõi liên tục để điều chỉnh chế độ, vị trí khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn nước.
Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/
|
|