The News

Báo động tình trạng mực nước biển ở Thái Bình Dương dâng nhanh

Ngày 27/8, tại Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra ở Tonga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra báo động khẩn cấp về tình trạng mực nước biển ở khu vực này đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Thực trạng này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu công bố tại hội nghị.

Chú thích ảnhTổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Người đứng đầu LHQ cho biết ông đến dự hội nghị để "phát tín hiệu SOS toàn cầu - hãy cứu lấy biển của chúng ta - vì mực nước biển tăng nhanh". Ông nhấn mạnh "một thảm họa toàn thế giới đang đặt Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm".

Các đảo quốc Thái Bình Dương dân cư thưa thớt và có ít ngành công nghiệp nặng, tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu của khu vực này chiếm chưa đến 0,02% lượng phát thải toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, khu vực gồm các đảo núi lửa và đảo san hô ở vị trí thấp này cũng nằm trong một hành lang nhiệt đới bị đe dọa do sự xâm lấn của đại dương.

Theo dõi các máy đo thủy triều được lắp đặt trên các bãi biển nổi tiếng của Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 1990, Tổ chức Khí tượng thế giới phát hiện rằng mực nước biển ở một số khu vực của Thái Bình Dương đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua, trong khi mực nước dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm.

Một số địa điểm, đặc biệt là ở Kiribati và quần đảo Cook, mực nước biển dâng bằng hoặc thấp hơn chút ít so với mức trung bình toàn cầu. Nhưng ở các địa điểm khác như các thành phố thủ đô của Samoa và Fiji, mực nước dâng cao gần gấp ba lần.

Tại Tuvalu, quốc đảo nằm ở vùng trũng của Thái Bình Dương, đất khan hiếm đến mức trẻ em sử dụng đường băng tại sân bay quốc tế làm sân chơi tạm thời.

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, trong một số kịch bản dù chỉ ở mức vừa phải, Tuvalu có thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ trong vòng 30 năm tới. Bộ trưởng Khí hậu Tuvalu Maina Talia cho rằng trước thực trạng thảm họa nối tiếp thảm họa, các nước đang mất đi khả năng tái thiết, chống chọi với bão lũ. Ông Maina Talia nhấn mạnh đây là vấn đề sống còn đối với các quốc đảo như Tuvalu.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với các đảo quốc Thái Bình Dương và giảm ô nhiễm khí hậu là yếu tố then chốt đối với tương lai của khu vực này. Đặc biệt, khu vực Nam Thái Bình Dương được cảnh báo về mối đe dọa do mực nước biển dâng.

Theo Liên hợp quốc, phần lớn người dân khu vực này sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển. Mực nước biển dâng cao đang nuốt chửng đất đai khan hiếm và làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và nguồn nước.

Tình trạng nước biển ấm lên cũng đang thúc đẩy các thảm họa thiên nhiên dữ dội hơn, trong khi quá trình axit hóa đại dương đang dần giết chết các rạn san hô nuôi dưỡng các chuỗi thức ăn quan trọng ở biển.

Nguồn: baotintuc.vn

Báo động tình trạng mực nước biển ở Thái Bình Dương dâng nhanh

 

Cách xử lý nước mưa của Berlin trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Thủ đô của Đức đang gặp vấn đề với nhiệt độ tăng cao và hạn hán. Vì vậy, Berlin đã nghiên cứu các giải pháp thu thập và lưu trữ nước mưa để biến thành một thành phố bọt biển.

Chú thích ảnhMột bể chứa ngầm đang được thi công tại Berlin. Ảnh: DW

Berlin nằm ở vùng khô hạn của Đức và nguồn cung cấp nước là chủ đề nóng của thành phố vào mỗi mùa hè. Đó là lý do Berlin đang áp dụng các biện pháp để hấp thụ và lưu trữ nước mưa như một miếng bọt biển, đồng thời giải phóng nước khi cần.

Bước đầu tiên là xây dựng một số bể ngầm khổng lồ. Các bể ngầm hoạt động như những “bãi tập kết” nước thải. Khi trời mưa, nước từ khu vực xung quanh đổ dồn về bể và sau đó được bơm đến nhà máy xử lý.

Chín trong số các cơ sở này đã hoàn thành. Bể chứa nước thải lớn nhất trong nội thành vẫn đang được xây dựng. Nó có độ sâu 30 mét dưới lòng đất và sẽ chứa gần 17.000 mét khối nước mưa sau khi hoàn thành vào năm 2026. Con số này tương đương với gần bảy bể bơi kích thước tiêu chuẩn Olympic.

Khi có mưa lớn và hệ thống thoát nước của Berlin đứng trước nguy quá tải, nước dư thừa sẽ được lưu trữ trong các bể chứa. Sau đó, nước được bơm vào một nhà máy lọc nước trước khi được xả trở lại kênh đào và sông ngòi của Berlin khi mưa tạnh.

Người phát ngôn công ty cấp nước BWB của Berlin, bà Astrid Hackenesch-Rump cho biết điều này sẽ ngăn phân và nước thải tràn vào sông Spree. BWB chịu trách nhiệm cung cấp nước uống cho Berlin, cũng như quản lý và xử lý nước thải trên toàn thành phố.

Bà Hackenesch-Rump tiết lộ: "Động lực thúc đẩy chương trình này không chỉ là hạn hán và bảo tồn tài nguyên, mà còn ngăn ngừa tình trạng tràn nước thải".

Tình trạng tràn thường xảy ra trong các hệ thống thoát nước thải kết hợp, nơi nước mưa “nhập dòng” với nước thải sinh hoạt trong cùng một mạng lưới đường ống. Các hệ thống này được thiết kế để dẫn toàn bộ nước thải đến nhà máy xử lý trước khi xả vào các nguồn nước tự nhiên.

Tuy nhiên, trong những trận mưa lớn, lượng nước đổ vào hệ thống có thể vượt quá khả năng xử lý. Khi điều này xảy ra, lượng nước dư thừa bao gồm nước mưa và nước thải chưa qua xử lý sẽ tràn trực tiếp vào các con sông. Khoảng 2.000 trong số 10.000 km hệ thống cống rãnh của Berlin là hệ thống kết hợp.

Chú thích ảnhCơ quan nước mưa của Berlin đã tư vấn các nhà hoạch định đô thị về thiết kế mái nhà xanh. Ảnh: DW

Các công trình tại Berlin đã chiếm hầu hết các không gian mở nơi nước từng có thể thấm xuống đất. Vì vậy, khi có nhiều mưa, thay vì được đất và cây cối hút, nước chảy qua bê tông hoặc nhựa đường và hòa vào nước thải.

Đó là lý do chính quyền Berlin cùng BWB thành lập "cơ quan nước mưa". Cơ quan này tư vấn cho các nhà quy hoạch đô thị về cách thiết kế mái nhà và tòa nhà xanh, đồng thời đề xuất những ý tưởng sáng tạo để thu gom và lưu trữ nước mưa nhưng ngăn chúng không bị hòa vào nước thải.

Thành phố Berlin đã thông qua một luật xây dựng quy định rằng chỉ một lượng nhỏ nước mưa trên các tòa nhà được phép chảy vào hệ thống thoát nước thải. Phần còn lại phải bốc hơi hoặc thấm xuống đất. Ví dụ, một khu chung cư mới cần được xây dựng kèm ao lớn để thu thập nước mưa, có cây trồng bên cạnh giúp làm sạch nước, sau đó có thể sử dụng để tưới tiêu.

Các biện pháp phủ xanh như thế này cũng giúp bảo vệ chống lại lũ quét. "Để giải quyết cuộc khủng hoảng nước, cần có sự sẵn sàng của mọi người để suy nghĩ vượt ra ngoài ranh giới ", bà Hackenesch-Rump cho biết.

Theo baotintuc.vn
 

Cách xử lý nước mưa của Berlin trong bối cảnh biến đổi khí hậu

 

Các nước Đông Nam Á tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó lũ lụt

(TN&MT) - CNA vừa đưa tin, một số quốc gia Đông Nam Á đang tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó với tình trạng thủy triều dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Người Hà Lan, vốn có hàng chục năm kinh nghiệm trong quản lý nước, hy vọng sẽ giúp giảm hàng tỷ USD chi phí cho các hệ thống thảm họa lũ lụt và thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.

Theo các nhà quan sát, các thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á.

Rào chắn bão Maeslant - sáng kiến trong hệ thống phòng chống lũ của Hà Lan

Trong số những sáng kiến được sử dụng ở Hà Lan là rào chắn bão Maeslant nằm gần cảng Rotterdam, nơi đã bảo vệ bờ biển phía Nam đất nước trong hơn 25 năm. Rào chắn hoàn toàn tự động này sẽ tự động đóng lại khi mực nước biển dâng cao trên 1,5m, bảo vệ đất nước có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển.

Năm 1991, chính phủ Hà Lan đã phải chi gần 500 triệu euro (540 triệu USD) để xây dựng rào chắn bão và thêm 10 triệu euro mỗi năm để bảo trì kết cấu này. Rào chắn này là một phần trong hệ thống phòng chống lũ lụt khổng lồ của Hà Lan nhằm bảo vệ vùng đồng bằng trũng thấp, nơi tập trung hầu hết dân số và hoạt động kinh tế của đất nước.

maxresdefault-1-.jpgCác thử nghiệm của Hà Lan về các tòa nhà nổi và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể giúp định hướng cho nỗ lực chống lại tình trạng thủy triều dâng cao của Đông Nam Á

Rào chắn bão tương tự duy nhất khác trên thế giới nằm ở thành phố Saint Petersburg của Nga.

Ông Peter Persoon, nhân viên thông tin kỹ thuật tại Trung tâm Nước công cộng Keringhuis cho biết: "Mối lo ngại lớn nhất là Hà Lan hiện có 40% diện tích có nguy cơ bị ngập lụt. Các biện pháp chuẩn bị đã giúp Hà Lan có thể chống chọi với lũ lụt cao nhất là 5 m so với mực nước biển bình thường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng tôi phải điều chỉnh hệ thống. Hiện tại thì ổn, nhưng chúng ta phải hướng đến tương lai. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2100”.

Mặc dù có mạng lưới đê và đập rộng lớn cũng như các cồn cát dọc theo bờ biển, hệ thống phòng chống lũ lụt của Hà Lan sẽ không thể chống chọi được thủy triều nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao. Ông Peter Persoon cho biết thêm: "Ngay cả ở đất nước nhỏ bé của chúng tôi, chúng tôi cũng phải điều chỉnh 2.000 km đê, đập và cồn cát cho tương lai”.

Cần nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác khu vực

Để giải quyết tình trạng lũ lụt do mực nước biển dâng không thể tránh khỏi, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi các quốc gia hành động. Đặc biệt, Đông Nam Á đang có nguy cơ nghiêm trọng mất đi cơ sở hạ tầng và các khu định cư ven biển trũng thấp.

Ông Tjitte Nauta, Giám đốc khu vực châu Á và châu Đại Dương tại Viện Kiến thức ứng dụng Deltares của Hà Lan cho biết: "Mọi người nghĩ rằng họ còn nhiều thời gian để ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nhưng đây là thời điểm để nghiên cứu và đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi khuyến khích ASEAN thực sự hướng tới việc nâng cao nhận thức hơn nữa, đồng thời tăng cường hợp tác trong khu vực. Họ có thể học hỏi lẫn nhau, chúng ta cũng có thể học hỏi từ họ”.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những điểm nóng dễ xảy ra lũ lụt và xói mòn bờ biển.

"Toàn bộ thành phố Bangkok (Thái Lan) cực kỳ dễ bị tổn thương. Nếu mực nước biển dâng tương đối 2m, khoảng 28% dân số Thái Lan và 52% GDP sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đối với quốc gia này, việc xây dựng một kế hoạch dài hạn là điều rất rõ ràng cho dù họ có đưa ra quyết định bảo vệ thành phố hay di dời thành phố hay bất cứ điều gì, nhưng một nghiên cứu phải được tiến hành”, Giám đốc Nauta nhấn mạnh.

Còn tại Indonesia, mực nước biển dâng cao có tác động đến các vùng đất than bùn trũng rộng lớn được sử dụng để sản xuất dầu cọ. Tương tự như vậy ở Việt Nam, nơi sản lượng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, mực nước biển dâng cao 2m sẽ có tác động tàn phá đối với người dân.

Trong khi đó, theo dữ liệu vệ tinh, các vùng ven biển của Malaysia cũng sẽ không nằm ngoại lệ. Deltares gần đây đã thiết lập một nền tảng trực tuyến và mời các nhà ngoại giao trẻ từ ASEAN chia sẻ quan điểm của họ về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Deltares đã nêu rõ những vấn đề đang gây khó khăn cho một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm việc thiếu kinh phí và dữ liệu đáng tin cậy cho các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sự khác biệt trong các ưu tiên quốc gia. Theo bà Josien Grashof, cố vấn về khả năng phục hồi và lập kế hoạch tại Deltares, điều rất quan trọng là phải xem xét những gì các quốc gia cần làm và hướng tới các ưu tiên cao nhất của họ.

Nguồn: Theo tổng hợp của CNA

Các nước Đông Nam Á tìm đến Hà Lan để tìm giải pháp ứng phó lũ lụt

 

Sử dụng phương pháp khử muối để dự phòng nguồn nước

 Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đó là phương pháp được nhiều quốc gia trên khắp Địa Trung Hải áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước.
Cụ thể, các quốc gia trên khắp Địa Trung Hải, trong đó có Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy, đang tìm cách dự phòng nguồn cung cấp nước bằng cách sử dụng phương pháp khử muối, trong khi các nhà cung cấp cho rằng, nguồn cung cấp nước đang thiếu hụt trong mùa hè này là do nhu cầu tăng vọt.
Tại Hy Lạp, phương pháp trên được áp dụng trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng nước vào mùa du lịch cao điểm. Các quan chức, nông dân và nhà khoa học vừa cho biết, trong nhiều tháng nay, phần lớn Hy Lạp có ít hoặc không có mưa, khi các hòn đảo chuẩn bị đón lượng lớn khách du lịch vào mùa hè. Điều này khiến căng thẳng về nguồn cung cấp nước chưa bao giờ nặng nề đến thế.
Đáng lo ngại, hồ chứa nước lớn nhất trên đảo Naxos của Hy Lạp đã cạn kiệt. Trong khi đó, nước biển thấm vào các giếng thủy lợi trống rỗng, gây thiệt hại cho vụ khoai tây của hòn đảo. Xa hơn về phía Nam, trên đảo Karpathos, chính quyền đã yêu cầu hạn chế đối với việc bơm nước vào các bể bơi, và ở đảo Thasos phía Bắc, các nhà chức trách đang tìm kiếm một đơn vị khử muối để làm cho nước biển có thể uống được.

Ông Dimitris Lianos, Thị trưởng đảo Naxos cho biết: “Lượng mưa trên khắp Địa Trung Hải và đặc biệt là ở Naxos đã thiếu trầm trọng, các hồ chứa của chúng tôi đã cạn kiệt”.
Mỗi năm, Hy Lạp đón hàng triệu khách du lịch đến chiêm ngưỡng những địa điểm cổ xưa, những bãi biển hoang sơ và làn nước trong xanh như ngọc. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ cao hơn, lượng mưa thất thường và cháy rừng đang đe dọa tương lai của ngành kinh tế lớn nhất đất nước này.
Sau mùa đông ấm nhất được ghi nhận tại Hy Lạp, các đám cháy rừng bắt đầu xảy ra sớm một cách bất thường, thậm chí một số đám cháy còn xuất hiện ở những khu vực thường có tuyết. Trong khi đó, các chuyên gia khí hậu lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Bà Andrea Toreti, điều phối viên cơ quan quan sát hạn hán toàn cầu thuộc Cơ quan quản lý khẩn cấp Copernicus của châu Âu cảnh báo, khi ảnh hưởng của hạn hán rõ ràng thì đã quá muộn để hành động. “Thay vì suy nghĩ tình hình theo cách khẩn cấp, chúng ta cần xem xét phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng” - bà Toreti nhấn mạnh.
Giới chức trách ở Hy Lạp bảo đảm, 3 thiết bị khử muối di động sẽ xử lý nước biển để làm nước uống an toàn, trong khi Thị trưởng Lianos cho biết sẽ bù đắp sự thiếu hụt nước cho nhà ở, khách sạn và hồ bơi trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Alexandros Yfantis - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất Sychem có trụ sở tại Hy Lạp cho biết, công ty không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng trong mùa hè này vì thiếu thiết bị và thời gian sản xuất kéo dài hơn. Các thiết bị mới chỉ thực sự sẵn sàng sau tháng 9.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Sử dụng phương pháp khử muối để dự phòng nguồn nước

 

Kênh đào Panama sẽ có hồ chứa nước mới

Tàu thuyền chờ di chuyển qua kênh đào Panama khi lệnh giới hạn số lượng tàu thuyền được áp dụng do tình trạng cạn nước, ngày 10/9/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tàu thuyền chờ di chuyển qua kênh đào Panama khi lệnh giới hạn số lượng tàu thuyền được áp dụng do tình trạng cạn nước, ngày 10/9/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ngày 8/7, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD xây dựng hồ chứa nước mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nước ngọt cho người dân, cũng như cho huyết mạch đường thủy Á-Âu vốn đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước do hạn hán kéo dài, buộc phải giảm dần lượng tàu thuyền lưu thông qua lại trong những tháng gần đây.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn phát biểu của Giám đốc ACP Ricaurte Vásquez tại cuộc họp báo cùng ngày cho biết ACP đưa ra tuyên bố trên sau khi có phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ kế hoạch này. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện sau 6 năm. Trong tổng số tiền trên, ACP sẽ dành 1,2 tỷ USD đầu tư xây dựng hồ chứa nước đa năng tại sông Inido nằm ở phía Tây kênh đào.

Tàu thuyền chờ di chuyển qua kênh đào Panama khi lệnh giới hạn số lượng tàu thuyền được áp dụng do tình trạng cạn nước, ngày 10/9/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nước từ hồ chứa này sẽ bổ sung cho Gatun – hồ nhân tạo có diện tích khổng lồ không chỉ cung cấp nước cho kênh đào mà còn cho 50% dân số của quốc gia 4,2 triệu dân này. Trong khi đó, khoản tiền còn lại 400 triệu USD sẽ để hỗ trợ cộng đồng dân cư và hơn 500 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp trong khu vực. Theo thống kê của ACP, lưu vực sông Indio có diện tích 580 km2, chạy qua 3 tỉnh Coclé, Colón và Panamá Oeste, cùng 3 huyện, 11 thị trấn và 228 khu dân cư.

Khánh thành từ năm 1914, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến châu Mỹ, với lượng container qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ Đông Bắc Á đến Bờ Đông của Mỹ. Việc di chuyển qua kênh đào Panama cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á.

Nguồn tin: Phương Lan (TTXVN)

Kênh đào Panama sẽ có hồ chứa nước mới

 
Trang 12345678

Trang 3 trong tổng số 8 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2463
mod_vvisit_counterTrong tuần12945
mod_vvisit_counterTrong tháng67868
mod_vvisit_counterTất cả7134607

We have: 30 guests online