Tin trong nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Ngày 28/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1221/BTNMT-TTTT gửi các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” – “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

05.3

Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” – “Nước cho hòa bình”

Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

05.3.1

Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” – “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”. Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

05.3.3
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” – “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”

Hưởng ứng các sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động và trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 như sau:
Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Nước thế giới 2024, Ngày Khí tượng thế giới 2024 và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024; treo pano, băng rôn, áp phích tuyên truyền được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp.
Hai là, tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức tuyên truyền trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời tiết, khí hậu, khai thác sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ba là, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong việc chủ động dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời với độ tin cậy cao, hỗ trợ tích cực, hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép. Các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2024, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclips các hoạt động hưởng ứng; đăng tải trên các phương tiện mạng xã hội. 
(Đăng tải kèm hashtag: #NgayNuocthegioi2024#NgayKhituongthegioi2024#GioTraidat2024#BoTNMT).
Năm là, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,…); triển khai các giải pháp thông minh trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với chính sách, định hướng phát triển của Quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương có sự tham gia của các bên liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển bền vững.
Sáu là, huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên các khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh.
Bẩy là, tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tại các lưu vực sông; áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Tám là, tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, thực hiện dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chín là, phát hiện, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Mười là, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 30 tháng 3 năm 2024 (Thứ Bảy); duy trì thường xuyên, liên tục thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình nhằm cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo kết quả tổ chức Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường) trước ngày 30 tháng 4 năm 2024 để tổng hợp chung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường là đơn vị đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương để tổ chức các hoạt động nêu trên (Thông tin liên hệ: Bà Ngô Thị Hoài Thương, điện thoại: 0975.965.144, email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. ).
Thông tin, tài liệu tuyên truyền Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được cập nhật tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường http://monre.gov.vn; Cục Quản lý tài nguyên nước http://dwrm.gov.vn; Tổng cục Khí tượng Thủy văn http://vnmha.gov.vn/; Cục Biến đổi khí hậu http://www.dcc.gov.vn/ và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường https://tainguyenmoitruong.gov.vn/.
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG THÔNG ĐIỆP, CHỦ ĐỀ NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI, NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI, CHIẾN DỊCH GIỜ TRÁI ĐẤT NĂM 2024
Ngày Nước thế giới
– Nước – Cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng
– Hợp tác vì nước, duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định xã hội.
– Quản lý nước công bằng và bền vững góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
– Cân bằng nhu cầu về nước là thước đo của sự phát triển.
– An ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia.
– Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta.
– Nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước.
Ngày Khí tượng thế giới
– Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu.
– Nỗ lực cùng cộng đồng – Hành động vì khí hậu.
– Chuyển đổi số ngành Khí tượng Thủy văn phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Nâng cao chất lượng dự báo để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Nỗ lực hành động vì khí hậu phục vụ phát triển bền vững tương lai.
– Chung tay hành động – Kiến tạo tương lai.
Chiến dịch Giờ Trái đất
– Chuyển đổi năng lượng nhằm thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu.
– Nghĩ xanh – Sống xanh – Năng lượng xanh – Tương lai xanh.
– Hành động vì khí hậu – Hành động vì tương lai.
– Sử dụng năng lượng tái tạo hướng tới phát triển bền vững.
– Một giờ tắt điện: Hành động nhỏ, tác động lớn.
– Gắn kết – Hành động – Ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Công bằng – Bình đẳng – Xu thế tất yếu trong chuyển đổi năng lượng.

Nguồn: nawapi

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

 

Dịch vụ thủy lợi ở Việt Nam: Tiếp cận với cơ chế giá

(TN&MT) - Quản lý hiệu quả dịch vụ thuỷ lợi đã và đang trở thành tâm điểm của việc nâng cao giá trị tài nguyên nước. Để thực hiện, Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá quy định tại Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng năm Nhà nước vẫn phải bù lỗ hàng nghìn tỷ. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản, nghị định và pháp luật liên quan để trả nước về giá trị thực đang là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay.

Nhà nước vẫn đang hỗ trợ 100% tiền sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi

Trước năm 2017, giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi được gọi là thủy lợi phí và thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 và các văn bản hướng dẫn.

0403.1Dịch vụ thủy lợi bền vững và hiệu quả là vô cùng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển lâu dài của ngành Nông nghiệp Việt Nam

Kể từ khi Luật Thủy lợi năm 2017 và các văn bản liên quan được ban hành, chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi được cụ thể hóa trong Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Nghị định 96), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng từ cơ chế phí sang cơ chế giá, phù hợp với tình hình ngày càng phát triển của xã hội.

Việc thực hiện cơ chế “giá dịch vụ thủy lợi” đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm.

Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi là cơ sở để xóa bỏ cơ chế "xin-cho", nhằm tạo lập sân chơi mới cho các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng để thu hút, huy động khu vực tư nhân tham gia theo cơ chế thị trường, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định 96, giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bao gồm giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi (dịch vụ như tưới cho cây trồng, cấp nước cho sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, khu nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị; thoát lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt) và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác (cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế suất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; kết hợp phát điện; kinh doanh, du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác; nuôi trồng thủy sản trong các hồ chứa nước, kết hợp giao thông).

Hiện nay, Nhà nước vẫn đang hỗ trợ 100% tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi căn cứ theo mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước quy định cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất lương thực, trồng rau, màu, mạ, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi… Còn đối với các đối tượng không được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thì phải nộp tiền theo mức giá do Nhà nước quy định.

Sẽ thay đổi giá sử dụng dịch vụ thủy lợi

Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện tại, thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 96. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quyết định cụ thể giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi quản lý. UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý sau khi được HĐND cùng cấp thông qua. Thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác cũng được quy định tương tự như trên.

Tuy nhiên, theo Luật Giá 2023 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 thì thẩm quyền định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã được sửa đổi, bổ sung căn bản so với quy định tại Luật Thủy lợi.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ định giá đối đa khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNN, không định giá tối đa khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương. UBND cấp tỉnh tự định giá cụ thể sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Do thẩm quyền định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã được sửa đổi bổ sung theo Luật Giá 2023 nên về trình tự định giá dịch vụ thủy lợi cũng cần phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp, gắn với thẩm quyền của các cấp và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Ngoài ra, một số nội dung về nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá tại Luật Giá 2023 đã có sửa đổi bổ sung so với Luật Giá 2012, vì vậy, sắp tới, nội dung quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi sẽ cần phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất giá dịch vụ thủy lợi tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp:

7 vấn đề cần quan tâm khi quy định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi

0403.2

Nông nghiệp Việt Nam có được thành quả như hôm nay thì đóng góp của hạ tầng nông nghiệp là rất quan trọng. Đầu vào quan trọng của nông nghiệp là “đất” và “nước”. Vì vậy, việc tính đúng, tính đủ giá thủy lợi rất quan trọng. Nếu sử dụng hiệu quả nước, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Để tính đúng, tính đủ giá thủy lợi thì việc quy định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và các dịch vụ liên quan có 7 vấn đề cần quan tâm.

Một là, quy định về xác định giá minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn đặc thù của ngành thủy lợi, tránh rủi ro pháp lý cho các đơn vị thực hiện.

Hai là, quy định về lộ trình thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi phù hợp với khả năng ngân sách và chính sách phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

Ba là, việc định giá sản phẩm công ích thủy lợi cần đảm bảo không vượt quá dự toán ngân sách Nhà nước giao và tiền dự kiến thu của người dân sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi và lộ trình điều chỉnh chi phí khấu hao và bảo trì sao cho hợp lý.

Bốn là, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về điều kiện đặt hàng sản phẩm thủy lợi theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên phù hợp với tình hình cụ thể.

Năm là, cần có quy định về cơ chế thu bù chi để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ công trình và an ninh nguồn nước, an toàn hoạt động của các hồ chứa nước, phát triển bền vững của ngành thủy lợi; các quy định cụ thể về việc thu tiền sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của đối tượng không được hỗ trợ và tiền dự kiến thu của người sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác.

Sáu là, việc định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác cần đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá thị trường và đảm bảo khả năng thanh toán của người sử dụng sản phẩm dịch vụ khác và điều chỉnh chi phí khấu hao, chi phí bảo trì, mức lợi nhuận phù hợp với chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Cuối cùng là tháo gỡ những vướng mắc trong cách xác định giá trong từng tổ chức thủy lợi cơ sở do Nghị định 96 chưa có căn cứ rõ ràng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận:

Cân nhắc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật giá dịch vụ thủy lợi

0403.3

Thủy lợi là vấn đề chuyên ngành đặc thù, trong khi các sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo Luật Thủy lợi khá đa dạng, phục vụ đa mục tiêu. Vì vậy, khi xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, các đơn vị gặp nhiều khó khăn đòi hỏi có sự tính toán kỹ lưỡng.

Việc định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi hiện nay tại Việt Nam được tiếp cận theo phương thức chi phí, bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, khấu hao… Đây là những vấn đề hiện nay còn nhiều băn khoăn, đặc biệt là việc tính toán sao cho tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá dịch vụ thủy lợi.

Để có giá thì một trong những nội dung rất quan trọng là cần có định mức kinh tế kỹ thuật. Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng phương án giá. Trong khi đó, thẩm quyền ban hành định mức kinh tế kỹ thuật là các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Tài chính cùng Bộ NN&PTNN đang cân nhắc, tính toán từ cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của ngành nông nghiệp, các địa phương.

PGS.TS Lê Văn Chính - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi:

Hướng tới đơn giản hóa trong xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi

0403.4

Việc sửa đổi Nghị định 96/2018/NĐ-CP cần hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành. Cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng nước cũng cần được đơn giản hóa, đảm bảo đúng đối tượng và khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đối với chính sách thu tiền sử dụng dịch vụ thuỷ lợi, tôi đề xuất các bộ, ngành cần thực hiện theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ thủy lợi phải trả tiền, người cung ứng dịch vụ thuỷ lợi được thu tiền theo giá quy định nhằm góp phần giảm thiểu chính sách hỗ trợ, bao cấp tài chính của nhà nước, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ thủy lợi và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.

Còn đối với chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, tôi đề xuất hỗ trợ cho các hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn; hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định. Cơ chế hỗ trợ gồm: Hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thủy lợi thay cơ chế hỗ trợ cho các công ty khai thác, cung ứng dịch vụ thủy lợi và bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh chí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các nhiệm vụ đã thực hiện tưới, tiêu, thoát nước đối với những diện tích nhất định bị tác động nghiêm trọng của thời tiết; hỗ trợ đối với việc cung ứng nước qua các diện tích bỏ hoang không sản xuất để có nước tới diện tích đất cần cung ứng.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

 

Dịch vụ thủy lợi ở Việt Nam: Tiếp cận với cơ chế giá

 

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

28.2

Theo Quyết định, quy hoạch nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước).

Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; Đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.

Điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước

Quyết định nêu rõ, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực.

Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực.

Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nước

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước;

Lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác;

Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn; thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu; Xây dựng và thực hiện đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy.

Bộ ngành địa phương phối hợp tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước sửa đổi theo phân công; kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền;

Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan rà soát, tổ chức xây dựng, điều chỉnh danh mục nhiệm vụ, dự án trong từng giai đoạn. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án liên quan thuộc quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, huy động các nguồn vốn, xã hội hóa trong công tác bảo vệ, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Bộ Tài chính chủ trì, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tổng hợp, cân đối bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên nguồn các hoạt động kinh tế trong dự toán ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh/thành phố theo chức năng, thẩm quyền;

- Xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc quy hoạch thuộc trách nhiệm thực hiện của địa phương theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công và chi thường xuyên) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước. Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về tài nguyên nước; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia; cải thiện, phục hồi đối với các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; vận hành hệ thống thông tin, hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông và quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

Nguồn: baochinhphu.vn

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030

 

Giám sát tài nguyên nước xuyên biên giới

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc. Nhiều thách thức đối với nguồn nước sông Mê Công

Nguồn nước sông Mê Công có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế -xã hội của các quốc gia ven sông, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển thủy điện, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch, cấp nước sinh hoạt...

Tuy nhiên, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thuộc Châu thổ sông Mê Công với gần 95% dòng chảy đến từ nước ngoài, do đó nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm trước các biến động từ thượng lưu.
Hiện nay, các nước đang có nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khiến việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng chịu tác động nặng nề, một số nơi đang phải chịu tác động quá mức.

20.02Thiết lập mạng lưới quan trắc tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công giúp quản lý tài nguyên nước bền vững.

Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, tác động trực tiếp tới nguồn nước, sự di chuyển của phù sa, các nguồn thủy, hải sản trong khu vực...
Dẫn chứng là các chuyên gia dự báo đến năm 2040, lượng phù sa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Mặt khác, mối nguy hại này còn bị cộng hưởng bởi tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng nước biển dâng gây ra xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực trong khu vực.
Tăng cường quan trắc, giám sát tài nguyên nước sông Mê Công
Vì vậy, thời gian qua, bên cạnh việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới do Ủy hội sông Mê Công quốc tế thực hiện, Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động để tăng cường mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước của sông Mê Công nhằm thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; kịp thời theo dõi, giám sát các biến động của nguồn nước nhằm thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu đối với các tác động của phát triển thượng nguồn đến Việt Nam.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành 10 trạm quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới tự động tại Đồng bằng sông Cửu Long (trạm Châu Đốc, Sở Thượng, Long Khốt, Sông Tiền, Sông Hậu, Vàm Cỏ Đông) và Tây Nguyên (gồm các trạm YaHleo và IaĐrăng nằm sát biên giới Việt Nam và Campuchia; trạm ĐắkPlô nằm sát biên giới Việt Nam - Lào) để theo dõi diễn biến tài nguyên nước (quan trắc số lượng nước và chất lượng nước) xuyên biên giới.
Cùng với đó, từ năm 2005, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành đo đạc hàng năm tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vĩnh Tế để theo dõi biến động dòng chảy mùa kiệt hàng năm từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên nước sông Mê Công thông qua các mạng quan trắc tự dộng. Các số liệu quan trắc đã hỗ trợ Ủy hội, Ủy ban và các cơ quan liên quan trong các hoạt động dự báo, cảnh báo diễn biến tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công; cung cấp được những thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý trong nước cũng như các cơ sở khoa học cho ra quyết định trong quá trình đàm phán, bảo vệ lợi ích quốc gia trước những ảnh hưởng do hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn; thực hiện các thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật liên quan của Ủy hội sông Mê Công quốc tế như: Giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính, chất lượng nước cũng như phục vụ công tác lập quy hoạch, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước và các hoạt động liên quan khác.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế tăng cường mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là mạng giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Đây sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để Việt Nam giám sát vận hành các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, qua đó, có thể yêu cầu chủ đầu tư các công trình này thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận giảm thiểu tác động của các công trình trên dòng chính đến chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái.
Trong cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chia sẻ kịp thời các thông tin số liệu liên quan với các quốc gia phía hạ du, hình thành cơ chế chia sẻ thông tin số liệu khí tượng thủy văn quanh năm tại một số trạm quan trọng trên lưu vực sông Lan Thương, chia sẻ số liệu vận hành bất thường của đập thuỷ điện để các quốc gia hạ nguồn chủ động điều chỉnh các kế hoạch khai thác sử dụng nước phù hợp, dự báo dòng chảy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động dân sinh.
Với những hiệu quả do các mạng quan trắc tài nguyên nước xuyên biên giới đem lại, thời gian tới đây, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông Mê Công thông qua hoạt động: tăng cường, nâng cấp mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường; lập chương trình giám sát môi trường chung cho các dự án thủy điện dòng chính Mê Công; thúc đẩy Ủy hội mở rộng và nâng cấp mạng quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cấp cơ sở dữ liệu, đưa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo vào dự báo lũ hạn, nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như xả lũ, vỡ đập...
Các hoạt động này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho không chỉ các công việc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phục vụ các cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và các bên liên quan.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

 

Giám sát tài nguyên nước xuyên biên giới

 

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước với công nghệ AI

Nhiều quốc gia đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý tài nguyên nước tại các đô thị. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo và nghiên cứu, ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Tăng hiệu quả xử lý nước thải và Quản lý dữ liệu tài nguyên nước
Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và các ứng dụng trong thực tế đã chứng minh rằng, robot công nghiệp có thể giúp quản lý tài nguyên nước, tăng cường hiệu quả xử lý nước thải, cải thiện chất lượng nguồn nước.
Tại Đan Mạch, robot AI được thiết lập cho việc bảo trì khu vực ngoài trời tại các nhà máy xử lý nước thải, kết hợp công nghệ máy bay không người lái, giúp kiểm tra lưu vực và tốc độ vận hành của hệ thống nước thải. Tại Brazil, các nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo đã phát triển một robot hỗ trợ xác định chất bảo quản paraben có trong các mẫu nước thải và loại bỏ chúng thông qua phương pháp chiết vi mô một giọt trước khi thải ra môi trường tự nhiên.
Tại Israel, công nghệ AI của Công ty khởi nghiệp Phần mềm vệ tinh Utilis sử dụng hình ảnh quang phổ trên không từ các cảm biến gắn trên vệ tinh để phát hiện rò rỉ trong các đường ống trên diện tích hàng ngàn ki-lô-mét cùng một lúc.

AI

Để quản lý nước thải công nghiệp, nhiều nhà máy trên thế giới hướng tới sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Blockchain cho phép nhà quản lý theo dõi, kiểm tra chất lượng nước và dòng chảy, hệ thống thoát nước và truy tìm chất thải từ nguồn đến nơi xử lý.
Tại tỉnh AI Madinah (Saudi Arabia), nhà máy xử lý nước thải sử dụng blockchain để ghi lại tốc độ dòng chảy và chất lượng nước thải trong thời gian thực. Các cảm biến được lắp đặt ở khắp mọi nơi trong mạng lưới phân phối nước để thu thập dữ liệu về việc sử dụng nước, áp suất và tốc độ dòng chảy. Hệ thống sẽ tận dụng dữ liệu thời gian thực và phân tích AI để tối ưu hóa mạng lưới phân phối nước.
Ứng dụng vào công tác dự báo
Sự phát triển của các thuật toán học máy, học sâu đã thúc đẩy việc đưa các mô hình ứng dụng trong quản lý tài nguyên nước vào công tác dự báo. Có thể kể đến mô hình thiết bị dự báo lượng mưa, dự báo nhiệt độ qua mô hình tự hồi quy đa biến nhiều địa điểm, dự báo dòng chảy qua công nghệ học sâu của mạng thần kinh trí nhớ ngắn hạn, dài hạn 2 chiều, ước tính độ sâu ngập lụt qua mô hình ngẫu nhiên…
Tại Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng liên quan đến công nghệ trong dự báo. Rất ít trong số các nghiên cứu này thực hiện về khoa học môi trường cũng như lĩnh vực tài nguyên nước. Một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu là đề tài ứng dụng AI trong việc dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy trên địa bàn TP. Hà Nội, được triển khai từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2022 của Viện Khoa học tài nguyên nước (IHE).
Việc ứng dụng AI trong kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ – Đáy mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động dự báo chất lượng nước và lên kế hoạch kiểm soát ô nhiễm hiệu quả bằng cách mô phỏng diễn biến chất lượng nước dựa trên mô hình thủy lực ID. Điều này giúp tăng cường khả năng phát hiện các sự cố ô nhiễm, qua đó thiết lập các biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra quyết định phù hợp để kiểm soát chất lượng nước thông qua khai thác thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng nước từ hệ thống ngân hàng dữ liệu.
Tối ưu hóa tương tác với ChatGPT
Một số nghiên cứu cho rằng, hệ thống ChatGPT điều khiển bằng công nghệ AI cung cấp các thuật toán tối ưu giúp điều chỉnh linh hoạt những thông số kỹ thuật dựa trên dữ liệu thời gian thực, từ đó giúp đảm bảo liều lượng hóa chất, giải quyết tình trạng thất thoát nước, nâng hiệu quả quản lý và tiềm năng bảo trì hệ thống xử lý nước thải.
Về mặt kinh tế, ChatGPT có thể giúp tiết kiệm chi phí thông qua việc phân bổ nguồn lực tài nguyên được tối ưu hóa và cải thiện quy trình ra quyết định trong quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, các khoản đầu tư ban đầu vào hạ tầng AI và đội ngũ nhân sự lành nghề (chi phí đào tạo) là thách thức về tài chính đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Về mặt xã hội, để ChatGPT cung cấp thông tin hiệu quả, cần một lượng dữ liệu nhất định. Điều này đặt ra các mối lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật… liên quan đến dữ liệu về tài nguyên nước nói riêng và thông tin, dữ liệu tài nguyên – môi trường nói chung.

Nguồn:Baodautu.vn

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước với công nghệ AI

 
Trang 12345678910

Trang 3 trong tổng số 28 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay163
mod_vvisit_counterTrong tuần2639
mod_vvisit_counterTrong tháng12801
mod_vvisit_counterTất cả4104571

We have: 3 guests online