Tin trong nước

Nước ngọt cho ĐBSCL: Cần lời giải cấp thiết

Hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt

Hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt

“Giải cơn khát nước ngọt” cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt là bài toán đặt ra cần lời giải cấp thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước. Tình trạng thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông và bờ biển đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết cho toàn vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực. Hàng loạt giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế nhằm “giải cơn khát nước ngọt” cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.
Sử dụng hợp lý nguồn nước
Theo PGS,TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, hiện vùng ĐBSCL đang đối mặt với 7 thách thức về nguồn nước. Đó là: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mê Công; suy giảm môi trường nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước thấp và khai thác tài nguyên nước quá mức. Đơn cử như tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười - nơi từng được biết đến là vùng trữ nước nhưng nay lượng nước đã suy giảm nghiêm trọng.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, PGS,TS. Lê Anh Tuấn cho rằng: Giải pháp hiện nay là phải phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước ở các vùng trũng; sử dụng tiết kiệm nước; hạn chế khai thác nước ngầm; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt và xây dựng những công trình hồ chứa nước lũ.
Quan tâm về vấn đề “sống còn” của vùng, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết thêm: Hiện, các nghiên cứu đang tập trung vào lượng nước của ĐBSCL từ sông Mê Công đổ về hay lượng nước ngầm mà chưa tính toán đến lượng nước mưa ở vùng ĐBSCL.
Theo nghiên cứu, lượng mưa thấp nhất ở vùng ĐBSCL mỗi năm vào khoảng 1.600mm và những nơi cao nhất lên đến 2.400mm. Lượng nước mưa này có ý nghĩa quan trọng để sử dụng cho vùng ĐBSCL nhưng chưa được đưa vào kế hoạch, quy hoạch để sử dụng.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, ĐBSCL hiện đang giữ nước trên kênh và hòa tất cả các loại nước với nhau, thậm chí nước thải cũng về kênh; nước mưa hay nước sông cũng về kênh và đều không sử dụng được do ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Vì vậy, cần phải có “bài toán” rạch ròi để chống lãng phí nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL.
“Cần phải phân biệt nguồn nước sử dụng sinh hoạt và nước cho thủy lợi để có những đề xuất phù hợp, hiệu quả trong sử dụng nước ở ĐBSCL. Chúng ta đầu tư hệ thống quản lý sử dụng nước vào giai đoạn này, có thể chi phí cho giải pháp rất lớn. Nhưng với tầm nhìn đầu tư để sử dụng 100 năm thì tôi tin đó không phải là một cái giá đắt, mà là một cái giá phù hợp”, TS. Nguyễn Ngọc Huy nêu quan điểm.
Các nhà khoa học nhận định, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng tác động sâu hơn và thời gian lâu hơn. Giải pháp quy hoạch thủy lợi cần sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng thuận thiên.
Điều này có nghĩa người dân và chính quyền vùng ĐBSCL cần phải coi trọng tất cả nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, giảm mức độ rủi ro.

Hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt

Xây hồ chứa để chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước
Trước các vấn đề cấp thiết liên quan đến thiếu nước ngọt tại ĐBSCL, mới đây, TS. Võ Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính phía Nam (Bộ Tài chính) và một số nhà khoa học đã cùng nghiên cứu và có phương án đề xuất giải pháp thích hợp để góp phần vào việc xây dựng phát triển ĐBSCL bền vững, với dự án “Nước ngọt cho ĐBSCL”. Đó là phương án xây hồ chứa nước để chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh khu vực.
Theo đó, có hai khu vực để xây hồ là “Vườn quốc gia Tràm Chim” - Tam Nông - Đồng Tháp với 3 phương án có chi phí từ 30 nghìn đến 60 nghìn tỷ đồng; Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” - Phụng Hiệp - Hậu Giang với 3 phương án có chi phí từ 18 nghìn tỷ đồng đến 68 nghìn tỷ đồng.
Lý giải về việc chọn 2 khu vực “Vườn quốc gia Tràm Chim” - Tam Nông - Đồng Tháp và Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” - Phụng Hiệp - Hậu Giang để xây hồ chứa nước, TS. Võ Văn Hải cho rằng, Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, từng được biết đến như "túi nước" lớn của ĐBSCL. Việc xây dựng hồ chứa nước ngọt tại đây sẽ hỗ trợ việc điều tiết dòng chảy mùa khô và cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre thông qua hệ thống kênh liên tỉnh kết nối với các kênh Hồng Ngự - Long An, An Hòa, Đồng Tiến, Phú Hiệp. Đồng thời, việc mở rộng diện tích trong khu vực 5 xã vùng đệm cũng được thực hiện thuận lợi do mật độ dân số thấp (281 người/km2) và chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư không quá cao.
Tương tự, việc xây dựng hồ chứa nước vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nằm trên khu vực của 3 xã Phương Bình - Phương Phú - Tân Phước (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc chứa nước và điều tiết nước đối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của tỉnh Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ thông qua hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lái Hiếu, sông Cái Lớn và nhiều kênh rạch khác. Ngoài ra, việc xây dựng hồ chứa nước tại Lung Ngọc Hoàng cũng đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tại đây, một vùng đất quan trọng với vai trò lớn trong sinh sản và dự trữ thủy sản cho ĐBSCL.
Theo TS. Võ Văn Hải, mỗi phương án về chi phí xây dựng đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng nên chọn phương án 1 (chi phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng) với phương châm “gian nan một lần, nhàn nhã trăm năm”; làm không chỉ vì hiện tại, mà làm còn vì những thế hệ mai sau.
Hơn nữa, do ĐBSCL ở cuối nguồn dòng Mê Công nên cần phải xây dựng những hồ chứa nước ngọt đủ lớn để điều tiết lưu lượng nước ngọt đáp ứng được nhu cầu cho toàn vùng, chứ không phải xây dựng những hồ chứa nước nhỏ tràn lan như hiện nay, vừa tốn kém ngân sách đất đai nhưng hiệu quả không cao. TS. Võ Văn Hải hy vọng “Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL” sẽ được các nhà khoa học, quan tâm góp ý để dự án có thể trở thành một kênh tham khảo hữu ích của các cấp chính quyền.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Nước ngọt cho ĐBSCL: Cần lời giải cấp thiết

 

Tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

(TN&MT) - Ngày 15/7, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội thảo tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà; đại diện Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thủy lợi các tỉnh: Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk; đại diện các công ty thủy điện lớn trên lưu vực sông Ba.

z5635075320164_ee03cc11997bed3a75f1a6cff52ab376.jpgCục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050, Bộ TN&MT đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trên cơ sở này, Hội thảo tham vấn được tổ chức hôm nay nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba; đồng thời, lấy ý kiến các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp, phương hướng giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước trên lưu vực Sông Ba.

z5635075303696_7ed7b693a1a5a3aac48162b7185d7315.jpgQuang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, giới thiệu chung về khung Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Ba và các quan điểm, định hướng trong quy hoạch, ông Lương Quang Phục - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, lưu vực sông Ba là một trong 9 lưu vực sông lớn ở Việt Nam, thuộc địa phận của các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên và một phần nhỏ thuộc Bình Định. Với diện tích lưu vực là 13.417 km², lưu vực sông Ba có tiềm năng rất lớn về nông lâm nghiệp, thủy sản với hơn 40km bờ biển nơi cửa ra của sông Ba là điều kiện để phát triển đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Ngoài ra, Lưu vực còn có nguồn thủy năng khá lớn, có nhiều vị trí xây dựng thủy điện vừa và lớn. Hiện tại phần lớn nước sử dụng lấy từ nguồn nước mặt các sông hồ. Nước dưới đất sử dụng còn ít so với nguồn nước mặt, chủ yếu cho sinh hoạt và một phần để tưới cho cây công nghiệp như cà phê ở trung thượng du lưu vực.

Ông Lương Quang Phục cũng cho biết, cũng như nhiều lưu vực sông khác tại Việt Nam, Lưu vực sông Ba đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, cụ thể: Dòng chảy trên lưu vực sông Ba có sự biến động rất lớn theo không gian và biến đổi rất rõ rệt theo thời gian thể hiện qua sự biến động của mùa dòng chảy và dạng phân phối dòng chảy theo tháng trên các khu vực khác nhau của lưu vực sông; Sự phát triển kinh tế và dân số gia tăng kéo theo nhu cầu về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên nói chung và nguồn nước nói riêng cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, hiện tại chế độ dòng chảy tự nhiên trên sông Ba đã bị biến đổi rất mạnh mẽ do các hoạt động khai thác sử dụng của con người do trên lưu vực đã xây dựng các công trình hồ chứa thủy điện lớn, công trình thủy lợi nhỏ là các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, nhỏ trên các sông suối trung và thượng lưu của lưu vực. Việc vận hành tích nước và xả nước của các công trình trên đã làm biến đổi mạnh mẽ chế độ dòng chảy của sông nhất là dòng chảy trong mùa cạn ở khu vực hạ lưu sông Ba.

Theo ông Lương Quang Phục, so với các sông ở nước ta, chế độ dòng chảy của sông Ba thuộc loại chế độ dòng chảy của sông bị điều tiết mạnh. Biến đổi chế độ dòng chảy của sông Ba hiện tại đang ngày càng có xu thế diễn biến bất lợi cho sử dụng nước, nhất là ở khu vực hạ lưu, hậu quả của việc khai thác sử dụng chưa hợp lý của con người.

Cùng với đó là các vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thiên tai; vấn đề quản lý tài nguyên nước;... cũng đang làm gia tăng những thách thức liên quan đến nguồn nước trên lưu vực sông Ba.

z5635075303691_66db1ab226d64c5b76144164b081050a.jpgPhó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, ngày 23/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: “Bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm của nguồn nước”.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch là: “Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của các tỉnh, thành phố".

Để có cơ sở triển khai Lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba đúng trọng tâm và hiệu quả, nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề nêu trên, theo ông Ngô Mạnh Hà, việc thực hiện lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết. Quy hoạch làm cơ sở điều chỉnh và định hướng cho công tác quản lý khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Ba trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Theo đó, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba được lập bảo đảm theo các nguyên tắc như sau: Bảo đảm tính toàn diện của nước mặt với nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước; Bảo đảm là cơ sở cho việc lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và điều hòa, phân phối tài nguyên nước;...

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bao gồm những nội dung chính như sau: Phân tích, đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội và định hướng phát triển có liên quan; Dự báo xu thế biến động và các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; Định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra và giải pháp, kinh phí, kế hoạch thực hiện.

z5635075303685_eb9b14b9e51906c0e89e2ba81d54d745.jpgCác đại biểu tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các Sở, ngành, chuyên gia đã phát biểu ý kiến, thảo luận làm rõ các vấn đề mà lưu vực sông Ba đang gặp phải và đề xuất giải pháp để có thể đưa vào trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, giữa vùng thượng lưu và hạ lưu trong thời kỳ quy hoạch.

Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ về các khó khăn, mức độ căng thẳng về nguồn cung cấp nước cho các mục đích sử dụng tại các địa phương/vùng, tiểu vùng và hạ lưu các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các vấn đề mâu thuẫn, phát sinh trong quá trình vận hành, trong hoạt động khai thác, sử dụng nước; nguyên nhân và giải pháp khắc phục; các vấn đề tồn tại đối với việc sử dụng nước hạ du sau khi công trình thủy điện An Khê – Ka Nak chuyển nước; vấn đề tích nước cuối mùa lũ của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Ba, giải pháp phối hợp, vận hành, điều tiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; …

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận chuyên sâu đối với các vấn đề trong bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Ba và các vấn đề trong phòng, chống tác hại do nước gây ra, đặc biệt là các giải pháp tại các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; khu vực và yêu cầu bảo vệ nguồn nước; vấn đề công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và các biện pháp bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt…

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

 

Nghiên cứu phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa, đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh vừa ký công văn số 4389/BTNMT-TNN gửi Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc ý kiến đối với đề xuất phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Công văn nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về đề xuất “Phương án vận hành linh hoạt hồ chứa đảm bảo vận hành an toàn hạ du và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên cơ sở năng lực dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng” tại Tờ trình số 3134/TTr-EVN ngày 03/6/2024, trong đó EVN đề nghị điều chỉnh 02 nội dung trong mùa lũ của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 (sau đây gọi là Quy trình 740) gồm: phân kỳ thời kỳ vận hành mùa lũ và thay đổi dung tích phòng lũ theo hướng điều chỉnh tăng mực nước cao nhất trước lũ (MNTL), bổ sung mực nước đón lũ (MNĐL) đối với các hồ chứa được quy định dung tích phòng lũ trong Quy trình 740.

Để có đầy đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3623/BTNMT-TNN ngày 05/6/2024 gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đối với đề xuất phương án nêu trên. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng còn nhiều ý kiến không thống nhất hoặc có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung với phương án đề xuất của EVN, cụ thể như sau:
Một là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc đề xuất điều chỉnh thời kỳ lũ chính vụ là không phù hợp. Đồng thời, không đồng ý về phương thức vận hành linh hoạt đối với các hồ chứa do không đảm bảo phần dung tích phòng lũ theo quy định của pháp luật (tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng đã quy định: “Dành dung tích phòng lũ của các hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du: hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 7 tỷ m3 , hồ Tuyên Quang là 1 tỷ m3 , hồ Thác Bà là 450 triệu m3 ”.
Hai là, Bộ Công Thương đề nghị đánh giá chi tiết việc thực hiện Quy trình 740; phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá tính chính xác và chất lượng trong công tác dự báo những năm gần đây; bổ sung đánh giá tác động của việc xây các nhà máy thủy điện, hồ chứa phía Trung Quốc ảnh hưởng đến lưu lượng nước về hằng năm để làm cơ sở tính toán, đề xuất.
Ba là, một số địa phương cũng đề nghị EVN cần phải rà soát nghiên cứu phương án đề xuất để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật liên quan khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, không gia tăng dòng chảy đột biến về hạ du, đảm bảo an toàn đến tính mạng và tài sản của người dân phía hạ du.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, nội dung đề xuất chưa làm rõ được tính khả thi của phương án đưa mực nước hồ từ MNTL về MNĐL và việc tính toán lựa chọn MNTL và nội dung điều khoản quy định vận hành chưa làm rõ được thời gian vận hành hạ mực nước hồ để đảm bảo an toàn cho hạ du, còn mâu thuẫn giữa quy định về việc mực nước được phép cắt lũ và MNTL (như trước ngày 26/6 là thời kỳ cắt lũ tiểu mãn, theo quy định của dự thảo Quy trình đề xuất sửa đổi, hồ Sơn La chỉ được sử dụng dung tích đến cao trình 205m, tuy nhiên lại quy định MNTL của hồ Sơn La trong thời kỳ này là 207m).
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đề xuất lại phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tuân thủ các quy định của pháp luật, khai thác hiệu quả tài nguyên nước và đảm bảo an toàn phòng lũ cho hạ du. Trong thời gian phương án đề xuất nêu trên chưa được phê duyệt, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các chủ hồ nghiêm túc vận hành điều tiết nước theo đúng các quy định của Quy trình 740.

Chi tiết công văn số 4389/BTNMT-TNN xem Tại đây

Nguồn: DWRM

Nghiên cứu phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa, đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng

 

Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7 : Quyết sách lớn để giữ "mạch nguồn" sự sống

Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Tài nguyên nước được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai, là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống.

thung-nai-hoa-binh-1.jpeg

Cơ chế mới trong phân bổ và quản lý nguồn nước

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều. Với rất nhiều điểm mới, Luật đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước - một trong những loại tài nguyên đặc biệt quý giá của nhân loại.

Theo các chuyên gia đánh giá, Luật mới thể hiện sự đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ. Đầu tiên phải kể đến việc Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản”. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.

3a.jpeg

Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra

Đáng chú ý, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn... Với nguyên tắc cốt lõi đó, Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ cải thiện triệt để công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước một các hiệu quả và bền vững nhất.

Luật còn có nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, quy định về hạch toán tài nguyên nước nhằm tính đúng giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.

Hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá quản lý tài nguyên nước

Đặc biệt, nội dung hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

giam-sat-su-dung-nuoc-20211015162729915.png

Hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số

"Chúng ta chỉ mất từ 3 ngày đến 1 tuần để điều hòa được nguồn nước, thay vì mất nhiều thời gian như trước đây. Đây là việc rất khó nhưng nếu chúng ta không hướng tới thì không thể đảm bảo các nhu cầu về nước và an ninh nguồn nước".

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành và địa phương đang đẩy nhanh đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để xây dựng hệ thống dữ liệu chung về khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy và các hồ chứa. Các hồ chứa sẽ được điều tiết tích nước hoặc xả nước theo thời gian thực, thay vì theo mùa vụ, nhằm khắc phục mâu thuẫn và lãng phí giữa các nhu cầu khai thác nước cho thủy điện, thủy lợi và nước sạch trên cùng một dòng sông. Hướng tới việc nâng cao giá trị sử dụng nước lên mức trung bình của thế giới, thay vì chỉ bằng khoảng 1/8 như hiện nay.

Khát vọng làm sống lại các dòng sông chết

Một nội dung không thể không nhắc đến trong Luật Tài nguyên nước 2023 là khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết” ở nước ta. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là đối với người dân Thủ đô, nơi nhiều con sông đang “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm và nhiều nguyên nhân khác.

Đặt ra “khát vọng” phục hồi các “dòng sông chết”, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

dong-song2-1-.png

Luật Tài nguyên nước với nhiều điểm mới nhằm phục hồi các dòng sông "chết"

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông.

Trên thực tế, công tác phục hồi các “dòng sông chết” đã và đang được chúng ta từng bước thực hiện trong thời gian qua bằng việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy. Điển hình là sông Nhuệ và sông Đáy. Trong thời gian tới, khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực, “khát vọng” càng có cơ sở để hiện thực hóa hơn nữa.

Đưa Luật vào cuộc sống

Để Luật đi vào cuộc sống, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị định hướng dẫn quan trọng. Đó là Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, Bộ TN&MT ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất).

Với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ TN&MT, đến nay, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những Hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, 3 Thông tư. Các văn bản này sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

anh-sach-luat(1).jpg

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản có hiệu lực thi hành.

Quy định, hướng dẫn đã có song để Luật thực sự được áp dụng, tạo ra thay đổi mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên nước, nỗ lực của một Bộ, ngành vẫn chưa đủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, phải có lộ trình cụ thể, “đi trước một bước”. Chính vì vậy, ngay từ sớm, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023. Trong đó, hoạt động đầu tiên để tổ chức thi hành phải kể đến là việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp nhằm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước mới đi vào cuộc sống. Song song với đó, là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định, pháp luật về tài nguyên nước.

z5559189905855_4606a181d5c25bfd54b1630d15b66761.jpg

Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành tại TP Hải Phòng

Cùng với đó, để phù hợp với Luật mới, Bộ TN&MT cũng phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước. Trong đó, Bộ giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.

Một trong những đột phá của Luật nằm ở việc cải cách hành chính. Vì vậy, để các cải cách thực sự tạo ra các chuyển biến đột phá, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên nước, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính về tài nguyên nước.

Với việc ban hành và chuẩn bị kỹ lưỡng thực thi các quy định mới của Luật Tài nguyên nước cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, chắc chắn thời gian tới sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Nguồn: botainguyenmoitruong.vn

Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ 1/7 : Quyết sách lớn để giữ "mạch nguồn" sự sống

 

Việt Nam – Hàn Quốc: Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý tài nguyên nước

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 16 diễn ra tại thủ đô Seoul Hàn Quốc vào ngày 01/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Wha-jin đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Chính sách sử dụng tài nguyên nước của Bộ Môi trường Hàn Quốc.

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm mục tiêu tăng cường, tạo điều kiện cho các Bên cùng hợp tác và phát triển trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông; khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực chung, hướng tới một tương lai nước bền vững và công bằng. 
Trong đó, mục tiêu cụ thể là hỗ trợ triển khai Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, được Quốc hội khóa XV phê duyệt ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt và góp phần đảm bảo đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu SDG 6 về “Đảm bảo tiếp cận với nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Wha-jin chứng kiến Lễ trao Biên bản hợp tác giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Chính sách sử dụng tài nguyên nước của Bộ Môi trường Hàn Quốc

Theo đó, các nội dung và lĩnh vực hợp tác chính được Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Chính sách sử dụng tài nguyên nước của Bộ Môi trường Hàn Quốc xác nhận bao gồm: Tăng cường hệ thống pháp luật và các quy định về quản lý tài nguyên nước; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước và điều hòa, phân bổ nguồn nước công bằng; Đảm bảo an ninh nguồn nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nước; Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tăng cường quản lý tài nguyên nước thông minh. 
Cùng với đó, hỗ trợ triển khai Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, ưu tiên nội dung phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và phát triển hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý tài nguyên nước cho cán bộ quản lý các cấp;…

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh  và Cục trưởng Cục Chính sách sử dụng tài nguyên nước của Bộ Môi trường Hàn Quốc Seung-Hwan Lee trao Biên bản ghi nhớ hợp tác 

Về hình thức hợp tác, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và Cục Chính sách sử dụng tài nguyên nước của Bộ Môi trường Hàn Quốc được triển khai trên cơ sở trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tốt về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tài nguyên nước thông minh; Phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm cập nhật chính sách, trao đổi thông tin về quản lý tài nguyên nước; Hỗ trợ tăng cường năng lực, tổ chức đào tạo, tập huấn thực tế theo chuyên đề về quản lý tài nguyên nước.
Đồng thời, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác, phối hợp xây dựng, thực hiện các dự án quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý tài nguyên nước thông minh trong bối cảnh tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Wha-jin chứng kiến Lễ trao Biên bản hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, nhằm tăng cường và triển khai thực hiện khung thể chế pháp luật về tài nguyên nước, tiệm cận với xu thế chung của thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung, Cục Quản lý tài nguyên nước nói riêng đã có nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt về quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Thông qua sự hỗ trợ và kết nối của Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI), Bộ Môi trường Hàn Quốc đã hỗ trợ phía Việt Nam nghiên cứu chính sách và tham quan học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc. 
Bên cạnh đó, ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về môi trường với Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác song phương, đồng thời đóng góp vào các giải pháp và chiến lược về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, v.v. cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền quốc gia. 
“Biên bản ghi nhớ hợp tác cấp Cục này được đề xuất ký kết nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ cấp Bộ nêu trên, đồng thời thúc đẩy hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước với Hàn Quốc, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, an sinh xã hội, củng cố chuỗi nước - lương thực - năng lượng, giảm thiểu xung đột trong khai thác sử dụng nước ”, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết.
 Nguồn: DWRM

Việt Nam – Hàn Quốc: Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quản lý tài nguyên nước

 
Trang 12345678910

Trang 6 trong tổng số 36 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay2319
mod_vvisit_counterTrong tuần12801
mod_vvisit_counterTrong tháng67724
mod_vvisit_counterTất cả7134463

We have: 49 guests online