Tin trong nước

Cấp nước an toàn thúc đẩy sự phát triển bền vững quốc gia

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Tuần lễ ngành Nước Việt Nam "Vietnam Water Week 2024", chiều 6/11, tại Hà Nội, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Cấp Thoát nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển cấp thoát nước bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết thực tế khó khăn từ góc độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm huy động, tập trung các nguồn lực bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, ổn định và bền vững.

dsc09393.jpgÔng Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu

Tại Hội thảo này, ông Nguyễn Ngọc Điệp mong muốn nhận được góp ý của các đại biểu để Ban soạn thảo dự thảo Luật tiếp thu, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Cấp Thoát nước. Theo kế hoạch, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ Nhất tại kỳ họp tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.

Theo bà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều năm qua, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục Hạ tầng kỹ thuật trong quản lý phát triển ngành Nước Việt Nam. Hội đã tham gia đóng góp ý kiến, phản biện nhiều chính sách ngành nước, đặc biệt trong việc xây dựng dự thảo Luật Cấp Thoát nước.

dsc09415.jpgBà Phạm Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) trao đổi tại Hội thảo

Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Cấp Thoát nước, bà Phạm Anh Thư đề nghị xem xét cách tiếp cận xây dựng Luật theo hướng giữ nguyên về tổ chức quản lý cấp nước phân theo khu vực thành thị và nông thôn để đảm bảo ổn định tổ chức quản lý nhà nước; quy hoạch, kế hoạch cấp, thoát nước; quản lý tài sản công về hạ tầng cấp thoát nước; đặc biệt về huy động nguồn lực tư nhân tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đề cập một số vấn đề thống nhất, luật hóa trong Luật Cấp Thoát nước, TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Cấp thoát nước bao gồm 8 chương với 75 điều; trong đó, chương I: Quy định Chung; chương II: Cơ sở dữ liệu, điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp thoát nước; chương III: Đầu tư phát triển hệ thống cấp thoát nước; chương IV: Quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước; chương V: Dịch vụ cấp thoát nước; chương VI: Giá nước sạch và dịch vụ thoát nước; chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước và chương VIII: Điều khoản thi hành.

dsc09443.jpgTS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Mặc dù Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động cấp thoát nước, tuy nhiên, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, Ban soạn thảo Luật cần xem xét quy định cụ thể hơn một số nội dung như: Đồng bộ thống nhất các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên nước hiện hành; chiến lược - quy hoạch - kế hoạch phát triển cấp thoát nước; quản lý đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước; quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước; giá nước sạch, dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp thoát nước….

Chia sẻ định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành Nước, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho biết, ngành Cấp Thoát nước là ngành hẹp, khó tuyển sinh do xã hội ít biết đến, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh thấp, chất lượng đầu vào không cao.

dsc09482.jpgGS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam phát biểu

Ngoài ra, hiện nay chưa có điều khoản nào liên quan đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ ngành Cấp thoát nước, chưa nêu rõ được trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ liên quan đến nội dung xây dựng nguồn nhân lực và phổ biến, tuyên truyền, truyền thông, cũng như nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về cấp thoát nước….

Do đó, GS.TS Nguyễn Việt Anh đề xuất, Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Nước một cách bài bản, dài hạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; quy định doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch xây dựng đội ngũ một cách bài bản, dài hạn, gắn với chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh, phù hợp với bối cảnh và xu thế mới; quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo ngành Nước để đáp ứng nhân lực cho các địa phương, vùng miền.

Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch và phân bổ nguồn lực cho tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo ngành Nước; bổ sung đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về ngành nước...

dsc09407.jpgQuang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng nêu một số nội dung liên quan đến thực trạng giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và nước thải; thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp thoát nước ở Việt Nam, một số nội dung về quy hoạch trong dự thảo Luật Cấp Thoát nước.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Cấp nước an toàn thúc đẩy sự phát triển bền vững quốc gia

 

Hà Nội: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5618/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.
Theo quyết định, phê duyệt 25 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong đó, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố gồm 6 quy trình: Quy trình cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền; Quy trình thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện; Quy trình lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND cấp tỉnh).

Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường gồm 17 quy trình: Quy trình cấp giấy phép khai thác nước mặt, nước biển (đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 54/2024/NĐCP ngày 16-5-2024 của Chính phủ); Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; Quy trình cấp giấy phép khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000m3/ngày đêm; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô dưới 3.000 m3/ngày đêm; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành; Quy trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành; Quy trình điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Quy trình cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô vừa và nhỏ; Quy trình gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ; Quy trình cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước; Quy trình lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Quy trình lấy ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Quy trình Đăng ký sử dụng mặt nước, đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch; Quy trình đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.

Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện gồm 2 quy trình: Đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất; Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến là UBND cấp huyện).

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ quyết định này xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố theo quy định.

Nguồn: DWRM

Hà Nội: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước

 

Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước

(TN&MT) - Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý khai thác và bảo vệ TNN trong Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và đang trình chờ Chính phủ phê duyệt. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý TNN, bảo đảm tổng thể, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tăng tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật tài nguyên nước

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, một trong những lý do chính để thúc đẩy việc xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là sự bất cập trong cách thức xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TNN. Mặc dù đã có Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TNN, nhưng sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định đã lạc hậu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TNN.

hoi-an.jpgBước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá

Chỉ ra những bất cập trong thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, Nghị định 36 chưa quy định rõ việc xác định số lợi bất hợp pháp do tổ chức, cá nhân nào có đủ chức năng, thẩm quyền, trình độ chuyên môn đảm bảo việc thực hiện, dẫn tới việc công chức thi hành công vụ về TNN (thuộc phòng chuyên môn, có chuyên ngành đào tạo được tuyển dụng liên quan lĩnh vực môi trường, TNN) khi phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính lại là người tham mưu, xác định số lợi bất hợp pháp.

Hiện nay, việc xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về TNN theo nội dung hướng dẫn tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành về tài chính - kế toán, có khả năng đọc hiểu sổ sách chứng từ kế toán, có thẩm quyền yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu sổ sách tài chính liên quan để rà soát đối chiếu xác định số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm, cũng như các chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng TNN.

Mặt khác, khi chưa thiết lập biên bản vi phạm hành chính, chưa xác định hành vi vi phạm hành chính thì chưa có đủ căn cứ để yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan, căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN.

Ngoài ra, hiện tình hình khai thác, sử dụng TNN ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều sự tác động bởi các yếu tố như biến đổi khí hậu, nhu cầu tăng cao, sức ép từ các nguồn nước từ nước ngoài... dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; cần phải chủ động trong công tác xây dựng các quy định pháp luật, đặc biệt đối với các vấn đề mang tính cấp thiết như bảo vệ TNN, hạn chế khai thác nước dưới đất, phòng chống suy thoái, cạn kiệt.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, việc ban hành kịp thời, đồng bộ và đầy đủ các văn bản thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật TNN. Các vi phạm hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN sẽ được điều chỉnh kịp thời hơn, tăng cường tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật.

Nhiều điểm mới được quy định trong Dự thảo Nghị định

Chia sẻ về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN đã được Bộ TN&MT xây dựng với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo tính toàn diện và khả thi của nghị định khi được áp dụng. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 48 điều.

Dự thảo quy định cụ thể hành vi vi phạm trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm điều tra cơ bản, bảo vệ và phục hồi nguồn nước, điều hòa phân phối TNN, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông, khai thác và sử dụng TNN, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, và các vi phạm khác.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến TNN trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều phải tuân thủ các quy định này khi hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN.

So với Nghị định cũ, Dự thảo Nghị định lần này đã mở rộng đối tượng xử phạt, không chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế lớn mà còn bao gồm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện sự toàn diện và bao trùm của nghị định, nhằm đảm bảo không có hành vi vi phạm nào bị bỏ sót, từ các doanh nghiệp khai thác nước ngầm đến các hoạt động khai thác nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt.

Mức xử phạt hành chính được điều chỉnh tăng lên so với quy định hiện hành. Một số hành vi vi phạm nặng như khai thác nước ngầm mà không có giấy phép, sử dụng sai mục đích nguồn nước sẽ bị xử phạt với mức tiền lớn hơn, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Dự thảo cũng quy định rõ các biện pháp xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của môi trường nước bị vi phạm.

Đặc biệt, vấn đề xác định số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác TNN trái phép là một trong những điểm mới quan trọng. Thay vì chỉ xử phạt bằng tiền mặt, Dự thảo Nghị định yêu cầu truy thu toàn bộ lợi ích mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp trong lĩnh vực TNN.

Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quá trình thực thi. Thẩm quyền xử phạt không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý môi trường mà còn được mở rộng đến các cơ quan khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan thanh tra liên ngành.

Một điểm mới nữa của Dự thảo Nghị định là việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng ở cấp địa phương, giúp tăng cường hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Điều này giúp giảm tải cho các cơ quan trung ương và tăng cường tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là bước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Với sự toàn diện về phạm vi, đối tượng và biện pháp xử phạt, nghị định không chỉ là công cụ pháp lý mạnh mẽ mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ TNN trước các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên trái phép.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước

 

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại miền núi A Lưới

(TN&MT) - Với mong muốn quản trị, quản lý sử dụng nước hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD, tổ chức phi chính phủ, trụ sở ở Thừa Thiên – Huế) vừa tổ chức “Hội thảo về An ninh nước trong khuôn khổ Luật Tài nguyên nước 2023 sửa đổi” tại TP. Huế.

Hội thảo nằm trong dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản - mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”, được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt và giao CSRD thực hiện, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ thông qua tổ chức OXFAM Việt Nam; với mục tiêu nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản trị nước và thủy sản, phát triển sinh kế của địa phương với sự tham gia của phụ nữ, hình thành hợp tác bền vững giữa các bên trong việc hỗ trợ các mô hình sinh kế tại địa phương.

dsc06589.jpg“Hội thảo về An ninh nước trong khuôn khổ Luật Tài nguyên nước 2023 sửa đổi” do CSRD tổ chức

Tại Hội thảo, TS. Đào Trọng Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho rằng, Luật Tài nguyên nước (TNN) sửa đổi năm 2023 đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng TNN; TNN được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, nêu bật một số thông tin về tình hình quản trị TNN 2023 về lưu vực sông A Sáp với những thuận lợi, khó khăn; những khuyến nghị đề xuất, như tăng cường tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh sự tham gia của người dân địa phương, trong đó có sự chia sẻ, hỗ trợ chính sách để khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN trong phát triển kinh tế- xã hội có hiệu quả.

Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức liên quan như Sở TN&MT, Chi cục Thuỷ sản tỉnh, huyện A Lưới đã thông tin các quy hoạch về TNN ở địa phương; lập, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh, danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; quy trình quản lý cấp phép nuôi trồng thuỷ sản... cũng như kế hoạch hành động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và huyện A Lưới.

222222.jpgHội thảo giúp nâng cao quản lý và sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo đời sống

Tại Hội thảo, trên cơ sở các quy định của Luật TNN sửa đổi năm 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các chuyên gia đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc của đại biểu trong quá trình triển khai các Luật TNN 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn luật tại địa phương. Đặc biệt đề xuất các mô hình khai thác sử dụng nước bền vững lưu vực sông A Sáp trong các lĩnh vực, nhất là người dân huyện A Lưới đang hưởng lợi dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản - mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”.

Huyện miền núi A Lưới có 2 con sông chảy sang Lào là A Sáp và A Lin. Trong đó tài nguyên thủy sản ở lưu vực sông A Sáp đa dạng, cộng đồng ven sông này đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến quản lý và sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo đời sống. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở vùng thượng lưu không chỉ đem lại nguồn dinh dưỡng và thu nhập bền vững cho người dân ở đây mà còn góp phần vào bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học cho toàn bộ lưu vực.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại miền núi A Lưới

 

Tuyên truyền Luật Tài nguyên nước cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên

(TN&MT) - Ngày 18/10, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp, Liên minh châu Âu và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chủ trì Hội thảo.

Đến dự Hội thảo, về phía tỉnh Lâm Đồng có GS.TS Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Cùng dự Hội nghị có ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây Dựng; ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam.

z5943003611334_b5de13515a88ba6db9d2f52ab5687395.jpgCác đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị, báo cáo viên trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước; đại diện các Bộ, Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 17 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách của 180 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước trong phạm vi cả nước; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành với nhiều nội dung quan trọng, đột phá, trong đó việc quản lý tài nguyên nước được tiếp cận theo xu hướng hiện đại và hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là “bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia”.

z5943003284301_af3977c848ae288bf864cc547bfd4841.jpgCục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật rất chú trọng tới các nội dung quan trọng như: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước; phục hồi, làm sống lại các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; phân công, phân cấp triệt để cho các địa phương; quy định rõ trách nhiệm các Bộ, địa phương liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước….

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, để đảm bảo Luật Tài nguyên nước được triển khai đồng bộ, hiệu lực hiệu quả, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định và Bộ TN&MT đã ban hành 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật.

Ông Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, tiếp nối công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban nhân tỉnh Lâm Đồng để tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước tại Thành phố Đà Lạt ngày hôm nay với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo 17 Sở TN&MT các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây nguyên, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng và gần 180 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước trên phạm vi cả nước nhằm chỉ rõ những điểm mới, trách nhiệm thực hiện của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên nước.

“Hội nghị là cơ hội tốt để chúng ta cùng chia sẻ, trao đổi nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất đó là bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới” - Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.

1_20241018121128.jpgQuang cảnh Hội nghị

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh đề nghị các báo cáo viên tập trung vào những nội dung cơ bản, những nội dung mới, trong đó nêu rõ trách nhiệm các Bộ, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu tài liệu và trao đổi thẳng thắn những nội dung còn thắc mắc, vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm cùng nhau tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

z5943003304655_336cd13a7367b9d246f911501da840f5.jpgÔng Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng có diện tích gần 1 triệu ha, dân số trên 1,3 triệu người; nằm trên vùng cao nguyên Lang Biang, có độ cao từ 800 - 1500m so với mặt nước biển và là đầu lưu vực của hệ thống sông Đồng Nai; với lượng nước mặt và nước ngầm dồi dào đảm bảo về mặt chất lượng và khối lượng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nước sinh hoạt cho địa phương và các tỉnh trong khu vực và là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển thủy điện, du lịch liên quan đến thác, hồ cảnh quan với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm.

Tuy nhiên, những năm gần đây với dân số ngày càng gia tăng, áp lực nước cho sinh hoạt, nông nghiệp; đặc biệt là tác động do biến đổi khí hậu gây ra, Lâm Đồng cũng như các địa phương trong nước đang phải đối mặt với an ninh nguồn nước, với chất lượng nước có nguy cơ ô nhiễm cao, số lượng nguồn nước ngày càng suy giảm nghiêm trọng hoặc trong những thời điểm mưa nhiều gậy ngập úng và sạt lở đất ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và nhân mạng người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh, để khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, các văn bản thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 sau khi được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, qua đó nâng cao hiệu lực thi hành, điều chỉnh các hành vi, cách ứng xử tích cực với tài nguyên nước; góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Hội nghị hôm nay rất quan trọng để triển khai thi hành pháp luật về tài nguyên nước; giải đáp thắc mắc, thảo luận hướng đến sử dụng nước bền vững, hiệu quả và đúng pháp luật.

11_20241018121526_20241018130302(1).jpgCác đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu Luật Tài nguyên nước 2023 và những điểm mới của Luật; những nội dung chính của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023 và Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Trên cơ sở các nội dung được giới thiệu, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quản lý tài nguyên nước tại thực tiễn của địa phương.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Tuyên truyền Luật Tài nguyên nước cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên

 
Trang 12345678910

Trang 7 trong tổng số 41 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay250
mod_vvisit_counterTrong tuần8538
mod_vvisit_counterTrong tháng3996
mod_vvisit_counterTất cả7684149

We have: 18 guests online