Tin tức sự kiện

Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 231/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

download-16596965433301883233509

Thông báo nêu rõ: Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cả công việc trước mắt cũng như công việc mang tính lâu dài. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26… Xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; đã tổ chức triển khai cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; thành lập Nhóm làm việc đàm phán về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với một số đối tác phát triển; rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Nhiều Bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, tích cực trao đổi với nhiều tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn lực triển khai thực hiện cam kết.

Các địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành, bước đầu đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết tại Hội nghị COP26, nhất là đánh giá, khảo sát chuyển đổi năng lượng, làm rõ những thế mạnh của địa phương, những nhiệm vụ phải triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hành động ngay với các dự án phát triển xe điện, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro xanh, sản xuất năng lượng sinh khối…

Công tác truyền thông đã được tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; đồng thời khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.

6 quan điểm triển khai

Để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ban chỉ đạo đã thống nhất bổ sung, làm rõ các quan điểm, chủ trương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26:

Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ tư, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Thứ năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường cacbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước để thúc đẩy, kích hoạt việc thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Với quan điểm trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu trọng tâm. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26 của các Bộ, ngành, cơ quan, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đề xuất lộ trình áp dụng thuế cacbon, các loại thuế khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách khuyến khích phát triển, chuyển giao công nghệ và ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng; đề xuất giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị phục vụ chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh.

Khuyến khích chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Về tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, Ban Chỉ đạo thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Đề án, trong đó chú ý nêu bật những kết quả đã thực hiện, đồng thời nêu rõ nhu cầu hỗ trợ cụ thể của mỗi Bộ, ngành để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đề xuất yêu cầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Về đàm phán Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với những nội dung chính về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đàm phán với các đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thế giới; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức một cách hiệu quả nhất. 

Các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thành trước ngày 15/8/2022 các báo cáo về chuyển đổi công bằng, công lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, bao gồm: Chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới các doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, hoàn thành trong tháng 9/2022.

Bảo đảm giá mua bán điện hợp lý

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về những bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và góp phần thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển và đất liền trên phạm vi cả nước.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua bán điện hợp lý theo đúng quy định của pháp luật điện lực, pháp luật giá và pháp luật có liên quan; nghiên cứu ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án tăng cường đội ngũ cán bộ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp, các ngành, theo hướng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo không tăng tổng biên chế…

Theo nguồn Chinhphu.vn

Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

 

Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT

Chiều tối 4/8, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức bế mạc và trao giải thưởng cho các tập thể đạt thành tích cao tại Hội diễn văn nghệ ngành TN&MT chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT.

Tham dự Lễ bế mạc có đồng chí Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT; đồng chí Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các Cụm, Khối thi đua cùng đông đảo các nghệ sĩ không chuyên của các Cụm, Khối thi đua.

Hội diễn với sự tham gia của 12 đội thi đến từ các Khối, Cụm thi đua của Ngành TN&MT đã mang đến cho khán giả 44 tiết mục văn nghệ đa dạng, phong phú trên nhiều thể loại, để lại nhiều dư âm lắng đọng, hân hoan cho các đơn vị tham dự.

567Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trao giải cho các đội đạt giảo cao thể loại đồng ca, tốp ca

Sau thời gian làm việc công tâm, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất hạng mục Đơn ca cho Khối thi đua số 6 với tiết mục Hò biển. Khối thi đua 6 cũng đồng thời đạt giải Nhất hạng mục Song ca với tiết mục Ngẫu hứng sông Hồng. Ở hạng mục Đồng ca, giải Nhất được trao cho Cụm thi đua số 3 với ca khúc Ngày hội đất Mường. Trong hạng mục Múa, giải Nhất thuộc về Cụm thi đua số 7 với bài múa Linh hồn của đá.

568Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ TN&MT và Thượng tá, Nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu, Phó Trưởng khoa Quản lý Văn hoá, Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, Trưởng Ban Giám khảo trao giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn cho các đội thi

Đặc biệt, Ban Giám khảo đã trao Giải Nhất toàn đoàn cho Khối thi đua số 6, Giải Nhì là Cụm thi đua số 5 và Giải Ba được trao cho Cụm thi đua số 3.

569Khối thi đua số VI giành Giải Nhất Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT

Hoạt động văn hóa, văn nghệ công sở có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, công tác, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo cơ hội để người lao động được giao lưu, gặp gỡ, thể hiện tài năng bản thân. Hội diễn lần này đã giúp các công chức, viên chức, người lao động Ngành TN&MT tạm quên đi những khó khăn, vất vả trong công việc để hòa mình trong lời ca, tiếng hát với đồng nghiệp. Qua đó khơi dậy lại tinh thần, tái tạo lại sức lao động, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê cống hiến, lao động hăng say.

570Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT Dương Trung Thành và ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ TN&MT trao giải cho các tiết mục đạt giải cao tại Hội diễn

Xuất phát từ ý nghĩa lớn đó, Hội diễn văn nghệ trở thành sự kiện quan trọng hướng tới 20 năm thành lập bộ TN&MT, thắt chặt tình đoàn kết, tạo cầu nối giữa các thế hệ cán bộ đã và đang công tác, cũng như giữa các địa phương, giữa các đơn vị trực thuộc Bộ với các Sở TNMT.

Một số hình ảnh tại Hội diễn văn nghệ:

571

 

572

573

574

575

Theo nguồn Nawapi.gov.vn

Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT

 

Thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu: Việt Nam giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030

Ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Bối cảnh

 Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển hiện đã tăng cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong hai triệu năm qua và sẽ tiếp tục tăng. Từ năm 1970 đến năm 2019, nồng độ khí các-bon-đi-ô-xít (CO2) trong khí quyển đã tăng 47%, khí mê-tan (CH4) tăng 156% và khí ni-tơ-đi-ô-xít (N2O) tăng 23%. Khí mê-tan là khí nhà kính tồn tại trong khí quyển ngắn nhưng lại có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu gấp 28 lần so với CO2. Theo nghiên cứu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mức tăng nồng độ khí mê-tan trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau CO2 và trong mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,1°C thời gian qua có 0,3°C đóng góp từ khí mê-tan. Tổng lượng phát thải khí mê-tan toàn cầu năm 2019 vào khoảng 9,8 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trên tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 59,1 tỷ tấn CO2tđ. Mức phát thải khí mê-tan toàn cầu giai đoạn 2010-2019 đã tăng khoảng 1,2% mỗi năm và chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

 "Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu" là sáng kiến do Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ khởi xướng, đưa ra Hội nghị COP26 nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris về BĐKH là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2ºC, hướng tới hạn chế ở ngưỡng 1,5ºC vào cuối thế kỷ 21 thông qua kêu gọi các quốc gia thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan mạnh mẽ hơn. Tại Hội nghị COP26 đã có 103 quốc gia, đóng góp 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu, đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020; đến nay có 119 quốc gia đã tham gia Cam kết.

Ảnh TTCP 2 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26

Ở nước ta, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí). Theo số liệu kiểm kê, tổng lượng khí mê-tan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 111,3 triệu tấn CO2tđ. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ứng phó với BĐKH, song vẫn phát triển kinh tế để bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân. Tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu vừa thể hiện được vai trò và trách nhiệm của quốc gia tham gia vào nỗ lực đạt mục tiêu Thỏa thuận Paris, qua đó ngăn ngừa diễn biến cực đoan của BĐKH toàn cầu, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ người dân; vừa phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế”.

Kế hoạch hành động được ban hành với 3 quan điểm chỉ đạo

Thứ nhất, giảm phát thải khí mê-tan nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân; quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, giảm phát thải khí mê-tan phải dựa trên phân tích chi phí - lợi ích, được tiến hành thường xuyên theo lộ trình, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thứ ba, giảm phát thải khí mê-tan là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và cơ quan quản lý nhà nước với sự tham gia, giám sát của nhân dân, chủ động và tích cực hợp tác quốc tế.

Mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan ở nước ta đến năm 2030

Việt Nam tham gia “Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” với mục tiêu đóng góp giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2tđ, giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.

- Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.

Kế hoạch bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa bằng 26 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030

- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác than; lồng ghép giảm phát thải khí mê-tan vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Xây dựng, thực hiện quy định về kiểm kê khí mê-tan bậc cao nhất theo hướng dẫn của IPCC; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; cơ chế, chính sách, công cụ tài chính khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí mê-tan và khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí mê-tan. Xây dựng quy định pháp luật, chính sách quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ giảm phát thải khí mê-tan, khuyến khích các chủ nguồn phát thải khí mê-tan tham gia thị trường các-bon; khuyến khích chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

- Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi bao gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng.Mở rộng mô hình luân canh lúa - tôm, chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt. Chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn. Thay đổi, cải thiện và sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai, cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi.

- Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải và xử lý nước thải bao gồm: Hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; lồng ghép quy hoạch quản lý chất thải cấp vùng và cấp địa phương vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, vùng, tỉnh. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định và phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn và điều kiện của địa phương. Áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại; công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost và viên nén nhiên liệu, chôn lấp thu hồi khí mê-tan, đốt rác phát điện; công nghệ thu hồi khí mê-tan phát sinh trong xử lý nước thải công nghiệp; công nghệ sinh học loại bỏ khí mê-tan trong xử lý nước thải sinh hoạt; xử lý bùn thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung bằng phương pháp yếm khí kết hợp thu hồi khí mê-tan. Hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải mê-tan thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm tái chế.

3 Bãi chôn lấp chất thải rắn phát sinh khí mê-tan và ảnh hưởng sức khỏe người dân Bãi chôn lập chất thải rắn phát sinh khí mê-tan và ảnh hưởng sức khỏe người dân

 - Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác, chế biến dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động thu gom khí đồng hành từ các mỏ dầu trong quá trình khai thác. Lắp đặt các thiết bị phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục rò rỉ trong thăm dò, khai thác dầu khí; lắp đặt thiết bị thu hồi khí đồng hành, khí mê-tan trong xử lý khí và lọc hóa dầu; nâng cấp và thay thế thiết bị cũ, lạc hậu trong khai thác, cung cấp, chế biến dầu khí. Nghiên cứu, triển khai khoan tháo khí, thu hồi khí mê-tan trước và trong khai thác than hầm lò tại các vùng mỏ xây dựng mới, vùng mỏ cải tạo mở rộng, áp dụng thí điểm tại các vùng than thuộc tỉnh Quảng Ninh và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Lắp đặt và vận hành hệ thống tự động giám sát, quản lý điện năng, thiết bị tiết kiệm điện trong dây chuyền công nghệ khai thác, chế biến than. Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong các quá trình công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải và các hoạt động khác; cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị, công nghệ, phương tiện lạc hậu sử dụng nhiều năng lượng.

- Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kiểm kê, giám sát, đánh giá dự báo phát thải; thu hồi, sử dụng hiệu quả khí mê-tan theo từng lĩnh vực. Chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng lan tỏa từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, xây dựng các hệ số phát thải khí mê-tan đặc trưng quốc gia áp dụng cho kiểm kê phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức: Triển khai truyền thông, nâng cao nhận thức doanh nghiệp, cộng đồng; thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng. Thực hiện dán nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phân bón hữu cơ, sản phẩm tái chế, tái sử dụng được sản xuất theo quy trình, công nghệ ít phát thải khí mê-tan. Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp, tập huấn cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông về hiệu quả, lợi ích của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ít phát thải khí mê-tan, phương pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm phát thải khí mê-tan. Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí mê-tan giữa các địa phương, lĩnh vực.

- Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực: Thu hút nguồn lực quốc tế và tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia, tổ chức quốc tế về xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện giảm phát thải khí mê-tan. Thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Ủng hộ các sáng kiến quốc tế về giảm phát thải khí mê-tan.

- Giám sát, đánh giá: Thực hiện đánh giá mức phát thải khí mê-tan hằng năm trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc. Tuân thủ các quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giảm phát thải khí mê-tan. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí mê-tan.

Thủ trướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tập đoàn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong việc triển khai, thực hiện để đạt được mục tiêu của Kế hoạch. Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo nguồn https://monre.gov.vn/

 

Thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu: Việt Nam giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030

 

Kết quả thực hiện Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ năm 2021

Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ phần thuộc lãnh thổ Việt Nam gồm hai tỉnh, thành phố có tuyến vành đai kinh tế đi qua là Quảng Ninh và Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 7.418,8 km2, dân số gần 2,9 triệu người, chiếm 2,24% diện tích tự nhiên và 3,44% dân số cả nước. Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các khu đô thị, khu du lịch và công nghiệp phát triển với tốc độ cao, do đó nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Việc khai thác nước dưới đất một cách tùy tiện; xây dựng các công trình khai thác nước không đúng quy cách trong khi chưa luận chứng được tính bền vững và khả năng đáp ứng của các tầng chứa nước đã dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực như suy thoái, cạn kiệt tầng chứa nước, nhiễm mặn, nhiễm bẩn, lún mặt đất… Mặt khác, nước thải sinh hoạt và công nghiệp lại được xả trực tiếp vào các sông suối (nguồn bổ cập chủ yếu cho nước dưới đất) mà không được xử lý, điều đó càng làm trầm trọng thêm sự ô nhiễm vốn sẵn có của các nguồn nước này, đặc biệt là khu vực vũng vịnh. Các hoạt động dân sinh, kinh tế trên khu vực dự án cũng như phía thượng nguồn ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến tài nguyên nước cũng như làm biến đổi lòng dẫn của các con sông mà sự biến động này chưa được đánh giá đầy đủ.

Dự án: “Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ” được triển khai thực hiện từ năm 2013. Trong năm 2021, dự án tiếp tục thực hiện các mục tiêu điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt lưu vực sông Ba Chẽ và điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất khu vực huyện Bình Xuyên, Quảng Ninh và đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Về điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:

11-1Sơ đồ vùng thực hiện đánh giá tài nguyên nước mặt năm 2021 của dự án

– Đã hoàn thiện hồ sơ ngoại nghiệp điều tra tài nguyên nước mặt, làm rõ đặc trưng hình thái các sông, suối trên lưu vực sông Ba Chẽ. 

– Đã hoàn thành công tác đo đạc dòng chảy trên sông Ba Chẽ: cho thấy lưu lượng sông trong thời kỳ quan trắc dao động từ 9,36m³/s đến 530m³/s, lũ trong sông thường lên nhanh và xuống nhanh, thời gian lũ lên lũ xuống diễn ra trong 1-3 ngày. 

– Đã chuẩn bị tài liệu, thông tin phục vụ công tác đánh giá tổng lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Ba Chẽ.

– Đã đánh giá được hiện trạng tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba Chẽ và cho từng lưu vực sông thuộc đối tượng điều tra: 

+ Lưu vực sông Ba Chẽ: lượng mưa đạt 1.848 mm/năm ứng với 1.571,2 triệu m³/năm; lượng dòng chảy trung bình nhiều năm tại cửa ra lưu vực là 43,05 m³/s tương ứng với tổng lượng tài nguyên nước là 1357,7 triệu m³ (trong đó 93,7 triệu m³/năm từ Lạng Sơn chảy sang qua sông Khe Lan); chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 3 vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. 

+ Lưu vực sông Quách: lượng mưa năm là 1801 mm/năm, tương ứng với tổng lượng mưa năm khoảng 117 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 2,79 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt là 88,09 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 2 vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. 

+ Lưu vực sông Đoáng: lượng mưa trung bình nhiều năm là 1879 mm/năm, tổng lượng mưa năm là 144,7 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 3,43 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt tương ứng là 108,1 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 1 vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. 

+ Lưu vực sông Làng Cổng: lượng mưa trung bình năm của lưu vực là 1946 mm/năm tương ứng với 231,6 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 5,66 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt 178,45 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt.

Về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất: 

Sơ đồ vùng thực hiện đánh giá tài nguyên nước dưới đất năm 2021 của dự án 

– Đã hoàn thiện hồ sơ ngoại nghiệp điều tra tài nguyên nước dưới đất, làm rõ đặc điểm tầng chứa nước huyện Tiên Yên. 

– Đã chuẩn bị tài liệu, thông tin phục vụ công tác đánh giá trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Tiên Yên.

– Đã đánh giá được tiềm năng, trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Bình Liêu và Đẩm Hà tỉnh Quảng Ninh. 

+ Đã làm sáng tỏ được diện phân bố, thành phần thạch học, đặc điểm tồn tại, mức độ chứa nước,… của 07 tầng chứa nước bao gồm 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 5 tầng chứa nước khe nứt và 2 thành tạo cách nước (qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1), xác định ranh giới giữa các tầng chứa nước, các đứt gãy kiến tạo. 

+ Về trữ lượng: tổng trữ lượng tiềm năng huyện Bình Liêu và Đầm Hà là 1.205.938 m³/ngày, tầng t22 có trữ lượng tiềm năng lớn nhất với 363.214 m³/ngày. 

+ Về chất lượng: Đã đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất trên toàn khu vực huyện Bình Liêu và Đầm Hà. Các kết quả phân tích các mẫu đã chỉ ra hàm lượng các nguyên tố hầu như đều nằm trong giới hạn cho phép. Nước dưới đất khu vực nghiên cứu đảm bảo chất lượng khi khai thác phục vụ sinh hoạt và các hoạt động dân sinh của người dân. 

– Đã xác định được khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích và đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất huyện Bình Liêu và Đầm Hà. 

– Kết quả tính toán cho thấy, trữ lượng khai thác tiềm năng trên khu vực huyện Bình Liêu và Đầm Hà là 124.803 m³/ngày; tầng chứa nước t22 có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất là 36.321 m³/ngày. 

– Đã đánh giá được tiềm năng, trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh. 

+ Đã làm sáng tỏ được diện phân bố, thành phần thạch học, đặc điểm tồn tại, mức độ chứa nước,… của 07 tầng chứa nước bao gồm 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 5 tầng chứa nước khe nứt và 2 thành tạo cách nước (qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1), xác định ranh giới giữa các tầng chứa nước, các đứt gãy kiến tạo. 

+ Về trữ lượng: tổng trữ lượng khai thác tiềm năng huyện Tiên Yên là 313.904 m³/ngày, tầng t22 có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất với 182.845 m³/ngày. 

+ Về chất lượng: Đã đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất trên toàn huyện Tiên Yên. Các kết quả phân tích các mẫu đã chỉ ra hàm lượng các nguyên tố hầu như đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên tại tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Hà Cối( j1-2) có một số mẫu vượt Tiêu chuẩn cho phép cần chú ý trong khai thác và sinh hoạt. 

Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi thực hiện đã làm sáng tỏ được diện phân bố, đặc tính chứa nước và các đặc điểm tài nguyên nước dưới đất trong vùng huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá đặc điểm các tầng chứa nước, khả năng khai thác và chất lượng nước của từng tầng chứa nước, dự án đã đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng nghiên cứu.

Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/

Kết quả thực hiện Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ năm 2021

 

Công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 – 2021

Bộ TN&MT vừa ban hành Văn bản số 4379/BTNMT-TNN về việc công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 – 2021.

Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 nhằm cung cấp một cách nhìn tổng quan về hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước, công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam cho giai đoạn 2016-2021. Đây là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.

Theo đó, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 bao gồm 5 Chương: Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Hiện trạng tài nguyên nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Ô nhiễm, suy thoái, cạn kệt nguồn nước; Quản lý tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện quy định Luật Tài nguyên nước, Bộ đã chỉ đạo và giao Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng Báo cáo tài nguyên nước quốc gia để cung cấp một cách tổng quan hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021. Trong quá trình xây dựng, Cơ quan soạn thảo đã tổng hợp các thông tin, số liệu (về khai thác, sử dụng nước; tình hình quản lý;…) do các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh cung cấp, các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để xây dựng Báo cáo này.

Theo đó, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26/ 12/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước.

Theo nguồn baotainguyenmoitruong.vn

Công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 – 2021

 
Trang 12345678910

Trang 10 trong tổng số 18 trang

Video sự kiện

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Playlist: 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23

1.2024

2.2024

 

  • Tin mới nhất
  • Tin xem nhiều nhất

Liên kết web

Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục quản lý tài nguyên nước Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tổng cục địa chất và khoáng sản Dự án BRG Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam Ủy ban sông Mê Kông Hội địa chất thủy văn Việt Nam

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay38
mod_vvisit_counterTrong tuần4193
mod_vvisit_counterTrong tháng13201
mod_vvisit_counterTất cả4104971

We have: 8 guests online