Sáng ngày 14/07/2022, tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp báo cáo nội dung đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế biến động tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc Nguyễn Ngọc Hà. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo của Ban Quy hoạch tài nguyên nước, Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam.
Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà chủ trì cuộc họp
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, bao gồm địa phận 13 tỉnh thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, với diện tích tự nhiên chiếm 12%, dân số chiếm 20%, GDP chiếm 17%, diện tích trồng lúa chiếm 47%, sản lượng gạo chiếm 56%, xuất khẩu thủy sản chiếm 60% của cả nước. Đây là vùng được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, do phát triển kinh tế, xã hội, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các nước thượng nguồn sông Mê Công ngày càng gia tăng. Cùng với đó, áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội sẽ kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn vào sâu, khai thác nước quá mức, môi trường nước và suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm phù sa, bùn cát, dinh dưỡng và suy giảm nguồn lợi thủy sản … Điều này đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Các nghiên cứu có liên quan mới nhất đều chỉ ra rằng, ĐBSCL được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tình hình địa lý của Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Cụ thể hơn, tài nguyên nước ĐBSCL đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn. Sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt. Cùng với đó, áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội sẽ kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, xâm nhập mặn vào sâu, khai thác nước quá mức, ảnh hưởng môi trường nước và suy giảm đa dạng sinh học.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lượng mưa trung bình khoảng 1.600-1.800 mm, ven biển Tây từ 2.000-2.400 mm và ven biển Đông từ 1.400-1.600 mm. Mưa được phân thành 2 mùa: mùa mưa từ tháng V đến tháng X, mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau.
Tháng VIII-X là các tháng có lượng mưa lớn nhất trong năm, thường đạt từ 250-300 mm mỗi tháng. Tháng I-III là các tháng có lượng mưa ít nhất trong năm, thường là không mưa hoặc mưa không đáng kể. Số ngày mưa trong năm đạt từ 100-140 ngày mưa, chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa, với 15-20 ngày mỗi tháng. Lượng mưa trung bình mùa mưa chiếm khoảng 90-92% tổng lượng mưa năm, còn lượng mưa trung bình mùa khô chỉ có 8-10%
Tài nguyên nước mặt:
– Đồng bằng sông Cửu Long lấy nước ngọt từ sông Mê Công và nước mưa. Cả hai nguồn này đều đặc trưng theo mùa một cách rõ rệt. Lượng nước sông Mê Công chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17% tổng lưu lượng nước chảy qua sông Hậu tại Châu Đốc và 83% qua sông Tiền tại Tân Châu. Càng về phía hạ lưu, phân bổ lượng nước này càng tiến gần đến tỷ lệ phân đều 50:50 vì một phần nước từ sông Tiền chảy ra sông Hậu qua sông Vàm Nao.
– Với một hệ thống sông kênh rạch lớn nhỏ đan xen, nên rất thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm. Về mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, sông Mê Công là nguồn nước mặt duy nhất. Về mùa lũ, thường xảy ra vào tháng 9, nước sông lớn gây ngập lụt.
– Chế độ thuỷ văn của Đồng bằng sông Cửu Long có 3 đặc điểm nổi bật: nước ngọt và lũ lụt vào mùa mưa chuyển tải phù sa, phù du, ấu trùng; nước mặn vào mùa khô ở vùng ven biển; nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn.
– Chất lượng nước mặt trên dòng chính sông Mê Công được đánh giá theo chỉ số Chất lượng nước (Theo Quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường) phần lớn ở mức 90-100 cho vùng nước ngọt: có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên có một số vị trí như khu vực nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn, hay vùng nước lợ thì chỉ số Chất lượng nước chỉ đạt 60-80: có thể sử dụng cho sinh hoạt sau khi xử lý. Ngoài ra có một số khu vực vùng nước mặn ven biển thì hầu như không thể sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt hay tưới tiêu.
Tài nguyên nước dưới đất:
– Kết quả điều tra bổ sung và biên tập bản đồ gần đây ở tỷ lệ 1:200.000 đã tính toán được trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt toàn vùng là 81 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác an toàn 4,9 triệu m3/ngày, hiện nay đang khai thác 1.923.681 m3/ngày.
– Tầng n22 có trữ lượng tiềm năng lớn nhất và tầng n21 có giá trị nhỏ nhất. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt của các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long rất hạn chế. Các tỉnh Bạc Liêu Đồng Tháp và Long An có tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt lớn so với các tỉnh còn lại trong vùng điều tra.
– Chất lượng nước dưới đất theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dưới đất (Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09-MT:2015/BTNMT) ở vùng ĐBSCL khá tốt. Hầu hết đáp ứng được các tiêu chí của Quy chuẩn Việt Nam cho sử dụng vào các mục đích sinh hoạt và tưới.
Báo cáo tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án, Đại diện Ban Quy hoạch tài nguyên nước cho biết, đến nay hồ sơ sản phẩm của dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến thời gian hoàn thành hồ sơ sản phẩm cho dự án sẽ vào cuối tháng 7.
Đại diện Ban Quy hoạch tài nguyên nước báo cáo tại cuộc họp
Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ nhân viên tham gia dự án và đề nghị Ban Quy hoạch tài nguyên nước tiếp tục khẩn trương thực hiện các hạng mục, nội dung nhiệm vụ để sớm hoàn thiện xây dựng Quy hoạch. Phó Tổng giám đốc cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các nội dung của quy hoạch đã được giao và gửi cho Ban Quy hoạch tài nguyên tổng hợp.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo nguồn http://nawapi.gov.vn/
|