(TN&MT) - Để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nằm trên 3 lưu vực sông Sê San, SrêPốk và sông Ba, có diện tích tự nhiên là 15.536,92km2. Số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy: Tổng lượng mưa năm của tỉnh bình quân từ 1.750 - 2.500mm, trong đó lượng mưa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lượng mưa chiếm 25% tổng lượng mưa năm. Tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 23 tỉ m3/năm, phân bố trên các hệ thống sông lớn.
Cùng với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt vào mùa khô do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng hạn hán, thiếu nước đã gây thiệt hại đối với tỉnh Gia Lai gần 152 tỷ đồng, với hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, gồm 435,89ha lúa; 101ha cây hàng năm, rau màu; 2.506,49ha cây lâu năm; 182,627ha cây ăn quả; và 16,1ha cây lâm nghiệp.
Chú trọng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân
Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và thiếu nước, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp. Trong Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023 -2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai xác định Nhà nước và nhân dân cùng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp thực hiện. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn nước hiện có cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác; hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; chủ động các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn ngay từ đầu mùa vụ.
Về việc đảm bảo nước sinh hoạt nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đặc biệt quan tâm rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có công trình cấp nước, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 3m3 - 5m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân ở phân tán, những vùng khó khăn về nước sạch mà nguồn nước mặt có thể sử dụng được.
Theo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong tháng 11/2024, Sở đã tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; yêu cầu rà soát, đề xuất đưa vào sử dụng các giếng khoan thuộc dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đề nghị UBND các huyện Krông Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, thị xã An Khê xác định nhu cầu sử dụng nước cho mùa cạn năm 2024; tăng cường trong công tác vận hành của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024; triển khai các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định về việc vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong mùa cạn năm 2024.
Đối với công tác thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất; nạo vét các hồ chứa nhằm tăng dung tích trữ của hồ chứa trong mùa mưa lũ. Song song với đó, tập trung nạo vét các trục tiêu, kênh dẫn vào trạm bơm, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nước, để tiết kiệm nước tưới phục vụ chống hạn.
Để bảo vệ cây trồng trước tình trạng hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cánh đồng lớn để gieo trồng vào cùng thời điểm, cùng một cánh đồng để tiết kiệm nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cho nông dân biết và áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
|