Tham dự Hội nghị còn có các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài; đại diện Lãnh đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; thành viên Ban chủ nhiệm Đề tài và các phóng viên Đài truyền hình Việt Nam cùng tham dự.
Đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu mối quan hệ giữa nước sông và nước dưới đất, đề xuất hệ phương pháp xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện trong hơn 02 năm (2012 - 2014) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đánh giá, các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hệ thống hóa được tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước về mối quan hệ giữa nước sông và nước dưới đất, các hệ phương pháp để đánh giá, quy hoạch khai thác sử dụng nước hiệu quả trong đới thấm lọc ven sông. Đồng thời, đề tài đã làm sáng rõ được các kiểu quan hệ thủy lực giữa nước sông Hồng với các tầng chứa nước trong trầm tích đệ tứ (qh và qp) đoạn từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên; phân vùng các khu vực khác nhau có các kiểu quan hệ thủy lực đặc trưng nhất làm cơ sở định hướng tính toán vị trí cũng như lưu lượng khai thác của các bãi giếng ven sông phục vụ cấp nước cho thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
ThS. Nguyễn Minh Lân, Trưởng phòng Quy hoạch tài nguyên nước, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Chủ nhiệm Đề tài trình bày tại Hội nghị
Trước đó, tại Hội nghị, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài, ThS. Nguyễn Minh Lân, Trưởng phòng Quy hoạch tài nguyên nước, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Chủ nhiệm Đề tài trình bày trước Hội đồng nghiệm thu mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi thực hiện và các kết quả chủ yếu của Đề tài đã thực hiện được. Theo ThS. Nguyễn Minh Lân, thực trạng cho thấy nghiên cứu mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất là vấn đề rất quan trọng trong địa chất thủy văn nhằm làm rõ điều kiện hình thành nước dưới đất, cung cấp cơ sở khoa học cho việc tính toán trữ lượng và bố trí công trình khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ nước dưới đất. Theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta, giữa nước sông và nước dưới đất có thể có quan hệ thủy lực và không có quan hệ thủy lực. Quan hệ thủy lực có 3 trường hợp: sông nhận sự cung cấp nước nước dưới đất, sông cung cấp cho tầng chứa nước, và quan hệ tác động hai chiều, tức là vừa cung cấp cho nước dưới đất vừa có thể nhận sự cung cấp từ nước dưới đất tùy theo điều kiện thể từng đoạn sông hoặc từng thời kỳ trong năm.
Các nghiên cứu đã sơ bộ chỉ ra rằng vùng ven sông Hồng có 3 kiểu quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, do vậy có các điều kiện thuận lợi cho việc khai thác nước lớn. Khi khai thác trong vùng này, mực nước dưới đất hạ thấp xuống dưới mực nước sông, nước mặt sẽ thấm xuyên qua các lớp đất đá bổ sung đáng kể cho công trình khai thác. Thực chất đó là một dạng bổ sung nhân tạo đơn giản, tiện lợi vì một mặt lợi dụng được các nguồn nước trên mặt sẵn có mà không cần phải xây dựng các bồn chứa nhân tạo chứa nước thấm, mặt khác các công trình khai thác thường cho lưu lượng lớn với chất lượng tốt.
Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu mối quan hệ giữa nước sông và nước dưới đất, đề xuất hệ phương pháp xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên” thuộc chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên nước quốc gia đáp ứng nhu cầu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”. Đề tài được thực hiện với mục tiêu: xác định được các kiểu quan hệ giữa nước sông Hồng và nước dưới đất đoạn từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên; xây dựng được sơ đồ và đề xuất hệ phương pháp phù hợp để xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng ven sông Hồng đoạn từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài trao đổi tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài cùng trao đổi và đánh giá đề tài đã sử dụng đúng phương pháp nghiên cứu và hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ, các nội dung nghiên cứu đã được phê duyệt; sản phẩm và kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao. Trong 02 năm thực hiện, đề tài đã công bố được 02 bài báo trên các tạp chí khoa học. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả Ban chủ nhiệm đề tài đã đạt được.
Một số hình ảnh về Hội nghị:
PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
(Hồng Nhung – NAWAPI) |