Ngày 09/6/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phối hợp với các Đơn vị thực hiện tổ chức Hội thảo "Đánh giá sức chịu tải lưu vực sông Sê San" thuộc dự án "Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững". Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho các đơn vị: Vụ Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Quản lý tài nguyên nước; Viện Khoa học tài nguyên nước; Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Tổ chức KOICA tại Việt Nam; Tổ chức BGR tại Việt Nam và các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, thực hiện kế hoạch công tác của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trong năm 2023 sẽ tiến hành báo cáo kết quả thực hiện của nhóm dự án Đánh giá sức chịu tải bao gồm các lưu vực sông: Hồng - Thái Bình; Củu Long; Sê San; Kon - Hà Thanh và các lưu vực sông Bắc Trung Bộ. Nhiệm vụ “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững” đang thực hiện sẽ đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại Hội thảo, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh đề nghị các đại biểu chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu của mình cho kết quả Đánh giá sức chịu tải lưu vực sông Sê San làm cơ sở để các đơn vị thực hiện hoàn thiện kết quả của dự án.
TS. Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo Quyết định số 833/QĐ-BTNMT ngày 29/4/2021. Mục tiêu của dự án là Đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại Hội thảo, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước đã tham gia tham luận, gồm các nội dung sau:
1. Ông Đào Văn Dũng – Chủ nhiệm dự án, Trưởng phòng Điều tra, đánh giá chất lượng nước trình bày bài tham luận "Định hướng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông Sê San".
Ông Đào Văn Dũng - Chủ nhiệm dự án trình bày tham luận
Bài tham luận đã đưa ra hiện trạng, diễn biến chất lượng nước mặt. Thực trạng phân bố các nguồn thải và tải lượng ô nhiễm lưu vực sông Sê San. Hiện trạng khả năng chịu tải, hạn nghạch xả thải và phân vùng xả thải.
Xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước mặt đối với các đoạn sông.
Biện pháp quản lý đối với các đoạn sông không còn khả năng chịu tải, thiết lập hệ thống quan trắc để theo dõi, cảnh báo diễn biến chất lượng nước mặt (bao gồm cả nguồn xuyên biên giới); xác định hành lang bảo vệ nguồn nước mặt và các giải pháp, cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin về chất lượng nước mặt xuyên biên giới.
Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt Lưu vực sông Sê San được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản số 1068/BTNMT-KSONMT ngày 24/02/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt gồm 8 bước: Bước 1: Đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước. Bước 2: Điều tra, đánh giá nguồn thải vào môi trường nước. Bước 3: Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông. Bước 4: Xác định các đoạn sông không còn khả năng chịu tải, các đoạn sông còn khả năng chịu tải nhưng cần giảm tải lượng phát thải để đảm bảo mục tiêu chất lượng nước đã đề ra ở Bước 1, từ đó đề xuất mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước, phân vùng xả thải. Bước 5: Đề xuất các biện pháp khác nhằm phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Bước 6: Đề xuất cơ cấu, tổ chức thực hiện. Bước 7: Tổng hợp, xây dựng dự thảo kế hoạch. Bước 8: Tham vấn và hoàn thiện dự thảo kế hoạch.
2. Bà Lê Thị Hương – Phó Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn nước trình bày bài tham luận "Đánh giá sức chịu tải nguồn nước trên lưu vựcsông Sê San bằng phương pháp trực tiếp, gián tiếp".
Bà Nguyễn Thị Hương – Trình bày tham luận
Bài tham luận đã đưa ra các phương pháp thực hiện và kết quả qua phân đoạn sông đánh giá sức chịu tải, thu thập tài liệu và điều tra, khảo sát bổ sung nguồn tiếp nhận; điều tra, khảo sát bổ sung nguồn thải; lấy và phân tích mẫu nước. Tham luận đã tính toán sức chịu tải của nguồn nước, tải lượng thông số ô nhiễm có trong nguồn nước thải. Qua đó, đã đưa ra bản đồ phân vùng sức chịu tải trên lưu vực sông Sê San.
3. Lê Thế Trung – Trung tâm Cảnh Báo và Dự báo tài nguyên nước trình bày bài tham luận "Đánh giá sức chịu tải nguồn nước trên lưu vựcsông Sê San bằng phương pháp mô hình".
Bài tham luận đã đưa ra các phương pháp thực hiện và trình bày kết quả đánh giá sức chịu tải trên các đoạn sông bằng phương pháp mô hình để cập nhật kết quả cho dự án.
Ông Lê Thế Trung – Trình bày tham luận
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự đã đánh giá các kết quả của Dự án do Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước chủ trì thực hiện. Các đại biểu cùng nhau trao đổi, bàn thảo và tranh luận khá nhiều vấn đề lên quan đến công tác đánh giá sức chịu tải lưu vực sông, cụ thể như sau:
- Công tác hiệu chỉnh, kiểm định mô hình: nêu rõ từng giá trị bộ thông số, phân tích độ nhạy của các thông số, chỉ ra thông số nào đóng vai trò quan trọng nhất. Xem xét dữ liệu đầu vào là tải lượng thải, do thay đổi theo thời gian và lập đồ thị mối quan hệ giữa tải lượng ô nhiễm và nồng độ tại các điểm đại diện.
- Nghiên cứu đã bám rất sát quy định để thực hiện bao gồm: Thông tư 76/2017/TT-BTNMT, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, Quyết định 154/QĐ-TCMT, Văn bản 1068/BTNMT-KSON
- Cần xác định, làm rõ các nguồn gây ô nhiễm, đoạn sông nào vượt sức chịu tải. Làm rõ thời đoạn tính toán do khả năng biến đổi chất lượng nước theo thời gian
- Tham khảo thêm các quy định của địa phương để xác định mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước của đoạn sông.
Ông Nguyễn Ngọc Hà- Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu tổng kết Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà cảm ơn các đại biểu đã đóng góp các ý kiến tâm huyết, mang tầm bao quát và gắn với thực tiễn để góp ý cho kết quả của Dự án. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các địa biểu tại Hội thảo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ chỉ đạo đơn vị chủ trì dự án tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện kết quả của dự án. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia rất vui mừng và cám ơn các đại biểu đã thẳng thẳn đóng góp ý kiến để dự án hoàn thành đạt kết quả tốt phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Ông Nguyễn Duy Bình - Chuyên gia tài nguyên nước phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Huy Phương – Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thanh Huệ - Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước – Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Đức Thiện – Viện Khoa học tài nguyên nước phát biểu tại Hội thảo
Bà Hong –Tổ chức KOICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Andreas Renck – Tổ chức BGR tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Admin Warapo
|