Năm 2023, khi tổ chức Tuần lễ nước thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh đến yếu tố thay đổi tư duy, tìm kiếm sáng tạo trong quản trị tài nguyên nước. Trong bối cảnh khan hiếm nước gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chính là “gieo những hạt giống đổi mới”, xâp đắp nền móng cho một hệ thống quản trị tài nguyên nước bền vững.
Luật Tài nguyên nước chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi trong quản lý tài nguyên nước giai đoạn tới - giai đoạn mà chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nước vô cùng khốc liệt, giai đoạn mà nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người trong quản trị tài nguyên… Những hạt giống đổi mới về quản trị tài nguyên nước đang được gieo trồng từ đây…
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương, 86 điều, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất - Nguyên tắc cốt lõi
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật Tài nguyên nước năm 2023 là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; Giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, những lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Chính vì vậy, Luật đã quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Để quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất, một trong những “điểm sáng” được quy định trong Luật đó là nội dung “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia”. Nội dung này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Luật Tài nguyên nước 2023 trong các chương, điều với mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước. Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, để quản lý tốt tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định một trong những công cụ cốt lõi, quan trọng trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, đó là “nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước”. Gắn kết Luật Tài nguyên nước 2023 cùng với hàng loạt các Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt trong 2 năm qua sẽ tạo ra một tổng thể xuyên suốt, toàn diện, bao trùm. Trong đó, Luật Tài nguyên nước 2023 chính là “xương sống”, là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng. Còn quy hoạch tài nguyên nước chính là các “mấu chốt” xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bắt đầu từ quy hoạch tài nguyên nước, các nhà quản lý tài nguyên nước sẽ xây dựng kịch bản nguồn nước để điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích khai thác, sử dụng nước phải căn cứ vào kịch bản nguồn nước - cơ sở để các bộ, ngành phân bổ, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước, đồng thời tuân theo hạn ngạch khai thác nước nằm trong giấy phép khai thác tài nguyên nước. Đây là bước tiến quan trọng sẽ thay đổi căn bản cách quản lý, cách điều hành nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước
Trong thời đại cách mạng công nghiệp với sự thịnh hành của các công nghệ về dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI), trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT)… mang lại những lợi ích, ứng dụng to lớn, việc quản lý tài nguyên nước cũng cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số đó. Chính vì vậy, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có những quy định cụ thể nhằm hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định góp phần hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước. Đây là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các Cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Đồng thời, giảm thiểu nhân lực, chi phí vận hành, quản lý.
Hơn nữa, để hành lang pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước thực sự đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân, nhận được sự hợp tác của người dân trong việc triển khai các chính sách, quy định của pháp luật, với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định nhiều nội dung huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam.
Sẵn sàng đưa Luật vào cuộc sống
Luật Tài nguyên nước 2023 với rất nhiều những thay đổi từ chính sách, luật pháp sẽ là gốc rễ cho những đổi thay về quản lý nguồn nước. Để Bộ luật sửa đổi với nhiều nội dung mới, quan trọng thực sự đi vào đời sống xã hội, được người dân tiếp nhận và thực hiện, hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới Luật.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị triển khai đưa Luật đi vào cuộc sống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Cục đang tập trung nguồn lực xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, về cơ bản Cục đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 và dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục trong kê khai đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Cục cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.
Hy vọng rằng, với Bộ luật quan trọng được ban hành, cùng những cố gắng, nỗ lực đưa Luật vào cuộc sống, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước sẽ tiếp tục đáp ứng được yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, phương thức quản lý mới với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.
Nguồn:
https://monre.gov.vn/Pages/quan-ly-tai-nguyen-nuoc-gieo-hat-giong-doi-moi.aspx?cm=T%C3%A0i%20nguy%C3%AAn%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc
|