Phiên họp do đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì. Tham dự phiên họp có các đại biểu là thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía lãnh đạo địa phương có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; cùng đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét theo quy trình 03 kỳ họp. Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là đơn vị chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai gợi ý thảo luận và điều hành phiên họp
Phát biểu khai mạc tại phiên họp, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai là đạo luật khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắng, tâm huyết, trách nhiệm để Ủy ban có thêm cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 04 tới đây.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 18 –NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tập trung thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW: Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày một số nội dung chính của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra...
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày một số nội dung chính của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra... Các đại biểu tham dự cuộc họp đã cho ý kiến thảo luận về các nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về tài chính về đất đai, giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai. Nhiều nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng; là cơ sở để Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu của Ủy ban Đối ngoại; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Phúc; Hưng Yên, Phú Thọ, Bình Phước, Bắc Giang; Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Uỷ ban Kinh tế; Kiểm toán Nhà nước; Bộ Xây dựng… cũng đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tham luận tại phiên họp
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một cách tốt nhất trên cơ sở thể chế hoá các nội dung và định hướng theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương đảm bảo các mục tiêu quốc gia, cộng động, phát triển hài hoà kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đóng góp thêm ý kiến, bổ sung, lượng hoá các tiêu chí từ Nghị quyết số 18-NQ/TW để hoàn thiện thêm nội dung của dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình và làm rõ một số nội dung tại cuộc họp