(TN&MT) - Phát ngôn viên của Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), William Spindler vừa cho biết, lũ lụt thảm khốc gần đây ở Bangladesh đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp đất nước, bao gồm cả những người ở Cox's Bazar, nơi có gần một triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar sống cùng với các cộng đồng bản địa.
Hơn 18 triệu người ở Bangladesh đã bị ảnh hưởng bởi những điều kiện gió mùa khắc nghiệt này, với hơn 1,2 triệu gia đình bị mắc kẹt khi lũ quét nhấn chìm các khu vực rộng lớn ở phía Đông và Đông Nam của đất nước. Thiệt hại lớn cũng được ghi nhận đối với đường sá, đất trồng trọt và nghề cá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.
Người mẹ bế các con lội qua vùng nước lũ trong mùa gió mùa tháng 7 ở Bangladesh. Ảnh: UNICEF/Salahuddin Ahmed Paulash
Sự tàn phá đã hối thúc Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn phải nhanh chóng chuyển các mặt hàng cứu trợ nhân đạo từ các kho dự trữ của mình trong nước để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. UNHCR đang cung cấp các mặt hàng cứu trợ cốt lõi và các hỗ trợ nhân đạo khác để giúp giải quyết các nhu cầu cấp thiết nhất của các cộng đồng địa phương trong khu vực, bao gồm nơi trú ẩn và sức khỏe.
Họ đã vận chuyển vật tư y tế đến các phòng khám sức khỏe tại quận Feni và Comilla bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm 350.000 viên lọc nước, 20.000 can nhựa, 15.000 bộ dụng cụ vệ sinh và 10.000 nơi trú ẩn khẩn cấp cùng nhiều mặt hàng khác. Những vật tư này nhằm mục đích giúp chính quyền địa phương chống lại sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường nước và đảm bảo nguồn nước uống sạch.
Những trận mưa lớn liên tục cũng đã gây ra lũ quét và lở đất tại các trại tị nạn của người Rohingya. Nhóm thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã phải chịu đựng bạo lực khủng khiếp vào năm 2017, khiến hàng trăm nghìn người phải di cư sang Bangladesh.
Tính đến ngày 6/9, khoảng một triệu người Rohingya phải trú ẩn tại Bangladesh cho và hơn 130.000 người khác đã tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trên khắp khu vực mà không có hy vọng trở về Myanmar ngay lập tức.
Trong bối cảnh người Rohingya dễ bị tổn thương như vậy, ông Spindler đã cam kết hỗ trợ cho họ và tuyên bố "UNHCR và các đối tác đang làm việc suốt ngày đêm để hỗ trợ những người tị nạn Rohingya bị ảnh hưởng".
Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus cũng nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực cho các hoạt động nhân đạo của người Rohingya và việc hồi hương cuối cùng của họ về quê hương Myanmar, đảm bảo an toàn và đầy đủ quyền của họ”.
Nguồn: Tổng hợp từ UN News
|