Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tống Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Đề án. Đây là một Đề án lớn, mang tính chất tổng hợp, có sự phối hợp thực hiện từ nhiều ban ngành, đơn vị, là Đề án số 06 thuộc danh mục các Đề án được Chính phủ ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2010 nằm trong “Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020” của Chính phủ.
Tại Hội nghị, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề án, ThS. Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Chủ nhiệm Đề án trình bày với Hội nghị mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi thực hiện và nội dung chủ yếu của Đề án cũng như đưa ra định hướng kế hoạch, cách thức triển khai thực hiện. Theo ThS. Triệu Đức Huy, thực trạng cho thấy quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở cả thành thị lẫn nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (ô nhiễm và cạn kiệt) đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính phát triển bền vững của các đô thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn nước dưới đất ở một số đô thị lớn đã và đang có dấu hiệu bị cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn. Mực nước của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian,… Các dấu hiệu trên cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của các đô thị ở nước ta. Để góp phần đảm bảo phát triển đô thị một cách bền vững, cần sớm có chiến lược và các đề án cụ thể bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất quý giá này. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” là vô cùng cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, Đề án đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn. Đề án được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015. Trong giai đoạn I, Đề án triển khai thực hiện tại 9 đô thị: TP Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và Mỹ Tho; tập trung thực hiện 3 nội dung chủ yếu: Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất các đô thị; Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng quan trắc nước dưới đất.
Đồng thời, Hội nghị cùng trao đổi về định hướng thực hiện, kế hoạch triển khai, thống nhất đảm bảo triển khai thực hiện đúng khối lượng, tiến độ và chất lượng.
Tại Hội nghị, TS. Tống Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm chỉ đạo trong công tác điều hành cần có sự phối hợp, gắn kết thực hiện giữa Chủ nhiệm các Đề án hợp phần, thành viên Ban chủ nhiệm Đề án cũng như các ban ngành, đơn vị để Đề án đạt kết quả cao, tạo tiền đề vững chắc cho sự thành công của các Đề án sau.
Một số hình ảnh Hội nghị:
ThS. Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Chủ nhiệm Đề án trình bày tại Hội nghị
Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Trung tâm phát biểu tại Hội nghị
ThS. Nguyễn Văn Kềnh, Phó Liên đoàn trưởng phụ trách Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc phát biểu tại Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Hồng Nhung (NAWAPI) |